Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-BTC/TCT

Hà Nội, ngày 02 tháng 1 năm 1991

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 01-BTC/TCT NGÀY 2 THÁNG 1 NĂM 1991HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐỘI KIỂM TRA CHỐNG THẤT THU NSNN TRONG NĂM 1991

Sau một thời gian hoạt động của các đội kiểm tra đặc nhiệm chống thất thu ngân sách được thành lập theo các Quyết định số 304-TC/CTN ngày 6-8-1990 và Quyết định số 390-TC/TCT ngày 17-9-1990 đã đem lại kết quả tương đối tốt, đã phát hiện và truy thu được cho Ngân sách Nhà nước hơn 400 tỷ đồng tiền nợ đọng thuế và các khoản ẩn lậu thuế trong đó ẩn lậu thuế hơn 80 tỷ, đã nộp Ngân sách Nhà nước hơn 250 tỷ đồng trong đó số 400 tỷ đồng đã lập biên bản xử lý nói trên, góp phần đưa dần từng bước kỷ luật thu nộp NSNN vào nề nếp. Để phù hợp với tính chất hoạt động của đội và phát huy kết quả đã đạt được, ngày 25-12-1990 Bộ Tài chính đã có công điện số 302-TC/TCT đổi tên các đội kiểm tra đặc nhiệm chống thất thu ngân sách Nhà nước thành các đội kiểm tra chống thất thu ngân sách Nhà nước và quy định kéo dài thời gian hoạt động của đội sang năm 1991. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số vấn đề về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động của các đội kiểm tra chống thất thu ngân sách như sau:

1. Đối tượng kiểm tra của các đội là các tổ chức kinh tế, các hộ kinh doanh tập thể, cá thể thuộc tất cả các thành phần kinh tế. Lần này chú ý kiểm tra những tổ chức, những hộ kinh doanh thiếu tự giác trong việc chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách, những hộ kinh tế ngoài quốc doanh núp bóng quốc doanh, những hộ nằm ngoài sổ bộ thuế, những hộ đại lý, bán hàng ký gửi, những tổ chức kinh tế của các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể quản lý theo Quyết định số 268 của Hội đồng Bộ trưởng, những tổ chức kinh tế kinh doanh đa dạng, nhiều ngành nghề, nhiều mặt hàng, có nhiều khoản phải nộp ngân sách, những liên hợp, tổng công ty hạch toán toàn ngành có nhiều đơn vị trực thuộc ở nhiều địa phương.

2. Nhiệm vụ của đội kiểm tra: Thực hiện theo đúng 3 nhiệm vụ đã quy định tại Điều 3 Quyết định số 304-TC/TCT ngày 6-8-1990 của Bộ Tài chính, cụ thể là:

- Kiểm tra việc chấp hành chế độ đăng ký kinh doanh đăng ký nộp thuế.

- Kiểm tra việc chấp hành pháp lệnh kế toán thống kế và chế độ mua bán hàng có chứng từ hoá đơn.

- Thông qua nhiệm vụ thứ 2, mà kiểm tra việc chấp hành chế độ thu nộp ngân sách. Phát hiện mọi nguồn thu của ngân sách, đôn đốc, bắt buộc đơn vị phải nộp ngay các khoản còn nợ ngân sách.

Ba nhiệm vụ có liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau, trong đó nhiệm vụ chống thất thu ngân sách là nhiệm vụ chủ yếu; phát hiện cho được các khoản thu của Ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thu của Ngân sách Nhà nước.

3. Những vấn đề cần chú ý trong đợt kiểm tra lần này.

Rút kinh nghiệm của đợt I, việc chống thất thu cho ngân sách cần phải chú ý cả hai mặt nợ đọng thuế và ẩn lậu các khoản thu và thuế

-Về nợ đọng thuế: Các đơn vị thường cố tình chiếm dụng các khoản phải nộp ngân sách, chưa có ý thức nộp kịp thời các khoản phải nộp ngân sách, vì vậy, khi kiểm tra cần chú ý thông qua báo cáo thống kê, kế toán của đơn vị để xác định các khoản đơn vị còn nợ ngân sách, xác định thời gian đơn vị đã chiếm dụng để tính mức phạt nộp chậm và thông báo cho đơn vị phải nộp ngay các khoản nợ đọng, khoản phải nộp chậm, cũng như các khoản đã phát hiện ở đợt I đến này chưa nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Về ẩn lậu thu và thuế, các khoản nộp ngân sách, cần chú ý các dạng thất thu sau đây:

+ Thất thu về số hộ: Thông qua kiểm tra ĐKKD phát hiện tất cả các hộ còn ở ngoài số bộ thuế, các hộ mà các cấp, các ngành, phường, xã còn giữ lại thu lệ phí; đưa tất cả các hộ này vào sổ bộ thuế; kiểm tra phát hiện các hộ tư nhân núp bóng tập thể, quốc doanh... đưa ra thu theo hộ cá thể. Đối với những hộ cá thể núp bóng quốc doanh, phải xử lý truy thu thuế và phạt suốt cả thời gian kinh doanh núp bóng. Đối với những tổ chức kinh tế thuộc cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, những xí nghiệp đời sống cần thông qua tổ chức ĐKKD theo Quyết định 268-HĐBT mà phát hiện những tổ chức đăng ký nộp thuế và phải xử lý truy thu thuế từ khi bắt đầu hoạt động chứ không phải chỉ thu thuế từ khi ĐKKD theo Quyết định 268-HĐBT.

Đối với các tổ chức kinh tế quốc doanh cũng có tình trạng thất thu về "hộ" đó là các đơn vị kinh doanh phụ thuộc, các "xí nghiệp con" đóng ở ngoài địa phương "xí nghiệp mẹ", những đơn vị trực thuộc hạch toán toàn ngành, những đơn vị của địa phương này nhưng lại đóng trụ ở địa phương khác... Ngoài ra có những dạng thất thu về "hộ" đối với các xí nghiệp trực thuộc các cấp chính quyền, các khoản thu nộp ngân sách lại được quyết định thu chi ngoài ngân sách. Tất cả các dạng này đều phải kiểm tra phát hiện và truy thu đầy đủ các khoản phải nộp vào ngân sách.

+ Thất thu về doanh số: qua kiểm tra đợt I, khuyết điểm phổ biến nổi nên là các đơn vị rất tuỳ tiện trong hạch toán hạ thấp doanh số, ẩn lậu doanh số để giảm bớt số thuế phải nộp.

Khi kiểm tra cần đi vào các tài khoản tiêu thụ, các nghiệp vụ sản xuất kinh doanh cơ bản, ngoài cơ bản, chính, phụ... phân tích các bản cân đối mua bán, tồn kho. Đối với các đơn vị kinh doanh thương nghiệp khoán doanh số cần chú ý các định mức, các cơ sở để khoán doanh số từ đó phát hiện ra ẩn lậu doanh số, những trường hợp khoán doanh số cho từng cá nhân cán bộ công nhân viên và đơn vị chỉ nhận 1 tỷ lệ nộp nhất định, thì cơ quan thuế coi các cán bộ nhân viên nhận khoán như hộ kinh doanh cá thể và áp dụng phương pháp thu thuế như hộ cá thể. Đối với những đơn vị thu ngoại tệ, khi xác định doanh số tiền Việt cần chú ý tỷ giá giữa ngoại tệ với tiền Việt trong từng thời kỳ để bảo đảm doanh số tính đúng, tính đủ.

+ Thất thu về thuế lợi tức, lợi nhuận: Thường dưới các dạng hạch toán tăng giá mua, tăng giá thành, chi phí lưu thông một cách tuỳ tiện, thường hạch toán tiền lương, trích khấu hao sửa chữa lớn quá mức cần thiết, tăng các khoản chi phí trích trước hay đưa các khoản thuộc về tiền phạt, thuộc về các quỹ vào giá thành và phí để giảm lợi nhuận nộp ngân sách; khi kiểm tra cần đi sâu vào các tài khoản mua hàng, giá thành, chi phí, kết quả kinh doanh, các quỹ... để loại trừ các khoản chi bất hợp pháp, bất hợp lý để bảo đảm tính đủ lợi tức, lợi nhuận.

4. Về quyền hạn của đội kiểm tra chống thất thu ngân sách, được áp dụng theo đúng các quy định đã ghi tại điều 4 quyết định số 304-TC/CTN ngày 6-8-1990 của bộ Tài Chính. Ngoài ra đối với các đơn vị, hộ cá thể đã được kiểm tra, nhưng vẫn còn chây ì không thực hiện nghiêm túc biên bản kiểm tra thì:

- Thông qua cơ quan thuế, thông báo cho ngân hàng cắt tài khoản của đơn vị nộp các khoản phải nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Đối với những đơn vị ngoan cố, cần phải lập hồ sơ chuyền qua cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự theo đúng luật thuế quy định.

5. Thành phần của các đội kiểm tra chống thất thu ngân sách.

Trên cơ sở các đội đã được thành lập theo Quyết định 304 và 390. Rút kinh nghiệm đợt I cần rà soát lại đội nào xét thấy thật cần thiết mới giữ đủ các thành phần như quy định (đối với đội kiểm tra ngoài quốc doanh), còn nói chung mỗi đội chỉ giữ lại 3 đến 4 đồng chí bao gồm những người nắm vững chính sách chế độ có nghiệp vụ thành thạo, chịu khó đi sâu phát hiện khoản nợ đọng thuế, các khoản ẩn lậu có tinh thần đấu tranh kiên quyết chống thất thu ngân sách. Khi kiểm tra đơn vị nào có thể trưng dụng cán bộ thuế chuyên quản đơn vị, khu vực đó tham gia.

6. Chấn chỉnh công tác chỉ đạo: các đội chống thất thu ngân sách của địa phương chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Cục thuế, do Cục trưởng hoặc 1 Phó cục trưởng và có 1 cán bộ làm tổng hợp, thông tin, báo cáo. Đối với các địa phương có đội kiểm tra chống thất thu ngân sách của bộ Tài chính hoạt động trên địa bàn thì đồng chí cục trưởng cục Thuế (hoặc phó cục trưởng) phải phối hợp với đồng chí đội trưởng đội kiểm tra của Bộ trong việc tổ chức, bố trí cán bộ, phân công địa bàn, đơn vị kiểm tra, tránh tình trạng bỏ sót hoặc trùng chéo, bảo đảm việc kiểm tra đạt hiệu quả cao.

Ở Bộ Tài chính tiếp tục duy trì ban chỉ đạo và các đội được thành lập theo Quyết định số 390-TC/TCT ngày 17-9-1990 nhằm giúp Bộ trưởng và Tổng cục trưởng Tổng cục thuế tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các địa phương, các đội chống thất thu ngân sách trong cả nước.

7. Chế độ thông tin báo cáo: để bảo đảm các đội hoạt động đạt kết quả thì sau khi các đội được phân công lĩnh vực, khu vực kiểm tra, từng đội phải có chương trình kiểm tra cụ thể của từng tháng, từng tuần. Từng tuần Cục thuế tổ chức giao ban, kiểm điểm công việc của các đội trong tuần, thống nhất giải quyết các vấn đề mà các đội đề xuất.

Định kỳ hàng tuần, chậm nhất là 2 tuần cục Thuế tập hợp các biên bản kiểm tra của các đội, báo cáo của các đội lập một báo cáo chung trong địa phương về tình hình hoạt động của các đội, kết quả phát hiện và thu nộp vào ngân sách, những vướng mắc tồn tại, những đề xuất xin ý kiến xử lý. Báo cáo phải gửi kịp về Bộ Tài chính (Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách), UBND và Sở Tài chính.

8. Về kinh phí hoạt động và tiền bồi dưỡng các đội: được giữ như mức đã quy định tại QĐ 304 và 390 của Bộ. Riêng về tiền thưởng kết quả chống thất thu ngân sách đã được quy định tại Điều 6 của Quyết định 304 của Bộ trưởng Tài chính, nay quy định cụ thể được trích 10% số tiền thực nộp vào ngân sách Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-1991.

Phan Văn Dĩnh

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01-BTC/TCT năm 1991 hướng dẫn hoạt động của các đội kiểm tra chống thất thu ngân sách Nhà nước trong năm 1991 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 01-BTC/TCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/01/1991
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phan Văn Dĩnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản