Hệ thống pháp luật

ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
BAN THƯỜNG TRỰC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/TT-MTTW-BTT

Hà Nội, ngày 18 tháng 01 năm 2021

 

THÔNG TRI

HƯỚNG DẪN ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM KIỂM TRA, GIÁM SÁT CÔNG TÁC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

- Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015;

- Căn cứ Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 (sau đây viết tắt là Luật Bầu cử);

- Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây viết tắt là Nghị quyết liên tịch số 403);

- Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT/UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Quy trình hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết hướng dẫn về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các văn bản khác có liên quan,

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Đối tượng kiểm tra

- Ở trung ương: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra công tác bầu cử đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

- Ở địa phương:

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh kiểm tra công tác bầu cử đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện kiểm tra công tác bầu cử đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã kiểm tra công tác bầu cử đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư.

2. Đối tượng giám sát

- Ở trung ương: Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát công tác bầu cử đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Ở địa phương:

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giám sát công tác bầu cử đối với các tổ chức phụ trách bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp; các tổ chức phụ trách bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện; các tổ chức phụ trách bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện giám sát công tác bầu cử đối với các tổ chức phụ trách bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp; các tổ chức phụ trách bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã giám sát công tác bầu cử đối với các tổ chức phụ trách bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

II. NỘI DUNG KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Giám sát việc thành lập và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thành lập và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc thành lập và hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương theo quy định từ Điều 12 đến Điều 28 của Luật bầu cử. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

- Cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên Tổ bầu cử, Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử quốc gia (quy định tại Điều 12, 22, 24, 25 của Luật bầu cử).

- Việc ban hành các văn bản liên quan đến công tác bầu cử.

- Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Những khó khăn, vướng mắc và biện pháp tháo gỡ (quy định tại Điều 23 của Luật bầu cử).

* Thời gian thực hiện: Từ khi thành lập đến khi kết thúc nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

2. Kiểm tra, giám sát việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp kiểm tra, giám sát việc ứng cử và giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định tại Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 41, Điều 42, Điều 52 của Luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

- Việc ban lãnh đạo, chỉ huy đơn vị dự kiến người để giới thiệu ứng cử trên cơ sở số lượng người được giới thiệu ứng cử đã được phân bổ của cơ quan, tổ chức, đơn vị (quy định tại Điều 41, 42, 52 của Luật bầu cử).

- Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi công tác của người được cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu ứng cử (quy định tại Điều 45, 54 của Luật bầu cử).

- Việc ứng xử với những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi công tác hoặc nơi làm việc.

- Số lượng người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử so với số lượng đại biểu được bầu.

- Việc hướng dẫn thủ tục hoàn tất hồ sơ, thời hạn nộp hồ sơ đối với người tự ứng cử (theo quy định tại Điều 35 của Luật bầu cử và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia).

- Việc chuyển hồ sơ của người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử trong thời hạn luật định (quy định tại Điều 36 của Luật bầu cử).

* Thời gian thực hiện: Từ ngày 22/02/2021 đến 17 giờ chiều ngày 14/3/2021.

3. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử theo quy định tại Điều 45, Điều 46, Điều 54, Điều 55 của Luật bầu cử và Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết hướng dẫn việc tổ chức hội nghị cử tri; việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở thôn, tổ dân phố; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

- Thành phần, số lượng cử tri, chương trình hội nghị cử tri.

- Việc ứng xử với những người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử không đạt trên 50% tín nhiệm của cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến tại nơi cư trú.

- Việc lập biên bản hội nghị cử tri phải ghi rõ thành phần, số lượng người tham dự, diễn biến, kết quả hội nghị (quy định tại khoản 4 Điều 45, khoản 5 Điều 54 của Luật bầu cử).

- Việc xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu đối với người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử (quy định tại Điều 46, 55 của Luật bầu cử).

* Thời gian thực hiện: Từ ngày 20/3/2021 đến ngày 13/4/2021.

4. Giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc lập danh sách cử tri theo quy định từ Điều 29 đến Điều 34 của Luật bầu cử. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

- Cách tính tuổi (quy định tại Điều 2 của Luật bầu cử).

- Tư cách cử tri và ghi tên cử tri vào danh sách (quy định tại Điều 29 của Luật bầu cử).

- Người không được ghi tên, xóa tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri (quy định tại Điều 30 của Luật bầu cử).

- Việc niêm yết, nơi niêm yết danh sách cử tri (quy định tại Điều 32 của Luật bầu cử).

- Việc giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri (quy định tại Điều 33 của Luật bầu cử).

* Thời gian thực hiện: Từ ngày 13/4/2021 đến ngày 23/5/2021.

5. Giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử theo quy định từ Điều 57 đến Điều 61 của Luật bầu cử. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

- Về thời gian công bố, lập danh sách, niêm yết danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp (quy định tại Điều 57, 58, 59 của Luật bầu cử).

- Đảm bảo danh sách chính thức những người ứng cử được niêm yết là danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chuyển đến.

- Đảm bảo về số dư người ứng cử (quy định tại khoản 6 Điều 57, khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử).

- Đảm bảo trong thời gian Hội đồng bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp chưa công bố danh sách chính thức mà người ứng cử bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì phải có đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về việc xóa tên người đó trong danh sách chính thức.

- Đảm bảo đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu, người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đã được công bố mà bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử phải bị xóa tên trong danh sách những người ứng cử (quy định tại Điều 60 của Luật Bầu cử).

- Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử của cơ quan có thẩm quyền (quy định tại Điều 61 của Luật Bầu cử).

* Thời gian thực hiện: Từ ngày 23/4/2021 đến ngày 13/5/2021.

6. Kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử theo quy định từ Điều 62 đến Điều 68 của Luật bầu cử. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

- Trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng nơi diễn ra vận động bầu cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử đang vận động bầu cử (quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 62 của Luật Bầu cử).

- Bảo đảm đúng nguyên tắc, thời gian, hình thức vận động bầu cử cho người ứng cử (quy định tại Điều 63, 64, 65 của Luật Bầu cử).

- Trách nhiệm của người ứng cử; những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử (quy định tại Điều 68 của Luật Bầu cử).

- Việc tuyên truyền công tác bầu cử ở trung ương và địa phương.

6.1. Kiểm tra việc vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri (quy định tại Điều 66 của Luật Bầu cử)

- Cơ quan chủ trì, thành phần, số lượng cử tri tham dự hội nghị.

- Cách bố trí, sắp xếp địa điểm tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri.

- Đảm bảo các nội dung của chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri.

- Đảm bảo công bằng về số lượng các hội nghị tiếp xúc cử tri giữa những người ứng cử.

6.2. Giám sát việc vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng (quy định tại Điều 67 của Luật Bầu cử)

- Trách nhiệm của các cơ quan trong việc đăng tải nội dung vận động bầu cử, chương trình hành động của người ứng cử.

- Đảm bảo công bằng về số lượng các lần trả lời phỏng vấn, đăng tải chương trình hành động giữa những người ứng cử.

* Thời gian thực hiện:

- Công tác tuyên truyền bầu cử: Từ khi triển khai, tổ chức bầu cử đến khi kết thúc cuộc bầu cử.

- Công tác vận động bầu cử: Từ ngày 29/4/2021 đến 07 giờ ngày 22/5/2021.

7. Giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát trình tự bỏ phiếu; thể thức bỏ phiếu trong ngày bầu cử; việc kiểm phiếu theo quy định từ Điều 69 đến Điều 76 của Luật bầu cử và văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như:

- Thẻ cử tri (theo mẫu quy định).

- Việc bố trí khu vực bỏ phiếu, vị trí, khoảng cách giữa nơi nhận phiếu, buồng gạch phiếu, hòm phiếu...

- Thời điểm bắt đầu và kết thúc bỏ phiếu (quy định tại khoản 1 Điều 71 của Luật Bầu cử).

- Việc chấp hành nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (quy định tại Điều 1 của Luật Bầu cử); đảm bảo không có trường hợp bỏ phiếu hộ người khác (quy định tại khoản 2 Điều 69 của Luật Bầu cử).

- Việc đóng dấu "Đã bỏ phiếu" của Tổ bầu cử vào thẻ cử tri đối với cử tri đã bỏ phiếu (quy định tại khoản 7 Điều 69 của Luật Bầu cử).

- Việc niêm phong hòm phiếu (quy định tại khoản 3 Điều 71 của Luật Bầu cử).

- Việc kiểm phiếu; bảo đảm quy định về chứng kiến việc kiểm phiếu và khiếu nại về việc kiểm phiếu (quy định tại Điều 73 của Luật Bầu cử).

- Việc ghi biên bản kết quả kiểm phiếu (quy định tại Điều 76 của Luật Bầu cử).

- Việc đảm bảo an ninh trật tự khu vực bầu cử.

* Thời gian thực hiện: Từ 05 giờ đến 21 giờ ngày 23/5/2021.

8. Kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử

- Giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương, liên quan đến người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các tổ chức phụ trách bầu cử các cấp.

- Kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

* Thời gian thực hiện: Từ ngày 17/02/2021 đến ngày 30/6/2021.

III. HÌNH THỨC KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Giám sát trực tiếp

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát trực tiếp thông qua:

- Việc tham gia các tổ chức bầu cử các cấp.

- Việc tổ chức các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

- Việc tổ chức các hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú của người ứng cử.

- Việc tổ chức vận động bầu cử để người ứng cử tiếp xúc với cử tri.

- Thông qua tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân và những phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Phối hợp kiểm tra, giám sát

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cử đại diện tham gia phối hợp kiểm tra, giám sát công tác bầu cử khi các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát.

3. Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử trên địa bàn. Quy trình thực hiện giám sát theo đoàn được thực hiện theo Nghị quyết liên tịch số 403; Thông tri số 23/TTr-MTTW-BTT ngày 21/7/2017 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong đó, chú ý một số nội dung như:

- Ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát bao gồm:

+ Trưởng đoàn: Đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;

+ Thành viên đoàn: Đại diện Ban Dân chủ - Pháp luật; đại diện các ban, đơn vị chuyên môn; đại diện một số các tổ chức chính trị - xã hội; có thể mời ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện Hội đồng tư vấn hoặc Ban tư vấn am hiểu về công tác bầu cử của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và một số cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia.

+ Lựa chọn địa điểm kiểm tra, giám sát: Cần tập trung kiểm tra, giám sát ở những nơi có dấu hiệu tình hình phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; có dấu hiệu mất đoàn kết nội bộ; những nơi tiềm ẩn bất ổn định về an ninh trật tự; nơi xảy ra vi phạm của cán bộ, gây bức xúc trong nhân dân, hoặc những nơi công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan chưa được chặt chẽ hoặc trong khâu tổ chức thực hiện còn yếu kém....; đồng thời tránh tình trạng trùng lặp, chồng chéo về địa điểm trong hoạt động kiểm tra, giám sát với các cơ quan, tổ chức khác, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị được giám sát.

+ Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ở 100% các địa phương tổ chức bầu cử lại, bầu cử bổ sung (nếu có).

IV. MỘT SỐ LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Việc lập danh sách cử tri đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (quy định tại khoản 4, Điều 29 của Luật bầu cử);

2. Việc lập danh sách cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (quy định tại khoản 5, Điều 29 của Luật bầu cử); đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện (quy định tại Điều 66 và Điều 106 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)).

3. Việc thực hiện quy định về tỷ lệ số lượng người ứng cử là dân tộc thiểu số, phụ nữ tại khoản 2, khoản 3, Điều 8 của Luật bầu cử;

4. Việc tổ chức các hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri nơi cư trú;

5. Việc thực hiện các quy định về tiếp công dân, quy trình, thời hạn tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư liên quan đến công tác bầu cử.

6. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát hiện những việc làm chưa đúng quy định, hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải thông tin, phản ánh, kiến nghị kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, khắc phục ngay. Không tự ý xử lý những vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của cơ quan MTTQ Việt Nam các cấp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát công tác bầu cử theo quy định; tổ chức các đoàn giám sát việc thực hiện công tác bầu cử tại một số địa phương (theo kế hoạch cụ thể gửi các địa phương); tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia chủ trì.

2. Đề nghị Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kiểm tra, giám sát. Kết thúc cuộc bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả hoạt động kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 gửi về Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trước ngày 10/6/2021 qua Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tổng hợp).

3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tham gia kiểm tra, giám sát công tác bầu cử.

4. Kinh phí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 102/2020/TT-BTC, ngày 23/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các quy định khác có liên quan.

5. Trong quá trình kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, nếu có vấn đề gì phát sinh, khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử, có thể gây ảnh hưởng xấu đến việc tổ chức và kết quả bầu cử thì báo cáo ngay cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để kịp thời hướng dẫn xử lý.

 


Nơi nhận:
- Hội đồng bầu cử quốc gia;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQVN;
- TW các tổ chức chính trị - xã hội;
- UBMTTQVN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các ban, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VP, Ban DCPL.

TM. BAN THƯỜNG TRỰC
CHỦ TỊCH




Trần Thanh Mẫn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tri 12/TT-MTTW-BTT năm 2021 hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 12/TT-MTTW-BTT
  • Loại văn bản: Thông tri
  • Ngày ban hành: 18/01/2021
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  • Người ký: Trần Thanh Mẫn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản