Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 86/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐỀ ÁN HOÀN THIỆN LUẬT PHÁP, CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ, TỔ HỢP TÁC

Ngày 11 tháng 3 năm 2009, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì họp về Đề án hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác. Tham dự họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội Vụ, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo nội dung Đề án, ý kiến tham gia của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:

1. Sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể và Luật Hợp tác xã năm 2003, kết quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của hợp tác xã chưa hiệu quả, không đạt được mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là chưa xác định được mô hình tổ chức, nội dung hoạt động chưa đúng bản chất đích thực của hợp tác xã theo chuẩn mực quốc tế và yêu cầu thực tiễn. Do vậy, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đã ban hành không khắc phục được yếu kém vốn có và thúc đẩy hợp tác xã tiếp tục phát triển. Mặt khác trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều hợp tác xã chỉ tồn tại trên danh nghĩa để lợi dụng cơ chế, chính sách ưu đãi.

2. Kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã là yêu cầu tất yếu khách quan của nền kinh tế nhiều thành phần, theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì vậy cần có quan điểm phát triển đúng, mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển phù hợp.

Dựa vào tổng kết thực tiễn, trên cơ sở lý luận và khoa học, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng quan điểm, mục tiêu, mô hình theo đúng bản chất đích thực hợp tác xã, phù hợp thông lệ quốc tế và đặc thù ở nước ta. Rà soát lại các hợp tác xã hiện có, nếu tổ chức hoạt động không đúng nguyên tắc, mô hình cần phải loại bỏ. Đồng thời xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hợp tác xã ra đời và phát triển phù hợp từng loại hình tổ chức.

3. Yêu cầu Tổ biên tập Đề án tiếp tục duy trì hoạt động để tổng kết đánh giá sâu hơn về tình hình thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2003, đề xuất xây dựng luật mới thay thế luật hiện hành, hoàn thành đề án vào quý III năm 2009. Đồng thời Tổ biên tập đề xuất quan điểm phát triển kinh tế hợp tác trong xây dựng nội dung chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) và dự thảo Cương lĩnh trình Đại hội Đảng khóa XI.

Trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo trình và chờ xin ý kiến của Bộ Chính trị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định trình Chính phủ về sửa đổi, bổ sung những nội dung về chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã vào quý III năm 2009.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ: NN&PTNT, CT, TC, KH&ĐT, LĐTB&XH, NV, GTVT, XD, TP;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- VPCP: BTCN, PCN Phạm Viết Muôn;
 Vụ Pháp luật, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 86/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp về đề án hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 86/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 16/03/2009
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Viết Muôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản