VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 2008 |
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH HÀ GIANG
Từ ngày 01 đến 03 tháng 03 năm 2008, sau khi đi kiểm tra bốn huyện vùng cao, núi đá và làm việc với lãnh đạo các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Vị Xuyên, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2007 (tập trung vào việc triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân và chăn nuôi trâu bò sau đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008; tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo Thông báo kết luận số 42/TB-VPCP ngày 14 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ); phương hướng, nhiệm vụ năm 2008; ý kiến tham gia của các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
Hà Giang là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong Tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Năm 2007, tăng trưởng GDP đạt 11,8% là mức cao nhất so với nhiều năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá, tỷ trọng GDP nông lâm nghiệp giảm 2,06%, công nghiệp tăng 0,97%, dịch vụ tăng 2,24%. Công tác quy hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án, đề án quan trọng được triển khai thực hiện có hiệu quả hơn. Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được chấn chỉnh; nợ xây dựng cơ bản từng bước được giải quyết.
Hoạt động tài chính, tín dụng đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu phát triển kinh tế; thu ngân sách trên địa bàn tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ. Chủ quyền lãnh thổ được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên một bước; nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp.
Tuy nhiên, so với các tỉnh trong vùng, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo và còn gặp rất nhiều khó khăn. Quy mô kinh tế còn nhỏ bé, hiệu quả nền kinh tế còn thấp; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng chậm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thu hút đầu tư trên địa bàn còn hạn chế. Thiệt hại sản xuất do đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 gây ra quá nặng nề. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực nhìn chung còn thấp. Việc triển khai các dự án hỗ trợ đời sống và sản xuất cho địa bàn vùng cao còn quá chậm, đặc biệt các dự án về nguồn nước sinh hoạt.
Cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách đã được xác định trong kế hoạch công tác của Tỉnh và các nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kế hoạch năm 2008 của Chính phủ; để sớm ổn định sản xuất, tạo thế phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn tiếp theo, Tỉnh cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:
1. Tập trung chỉ đạo khôi phục sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân:
Triển khai nhanh các giải pháp khắc phục hậu quả của đợt rét đậm, rét hại, sớm khôi phục đàn trâu bò và gieo trồng vụ Đông Xuân kịp thời vụ. Là tỉnh có đàn trâu, bò bị chết nhiều nhất (15.302 con, bằng 6,6% so với tổng đàn), cần kiểm điểm sâu sắc để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo tổ chức sản xuất và phòng chống rét. Cùng với hỗ trợ của Trung ương theo Quyết định số 2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần huy động mạnh mẽ nguồn lực của địa phương và các cộng đồng dân cư; tổ chức điều tra, thống kê chính xác số thiệt hại, cấp phát kinh phí hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Tuyên truyền, phổ biến nhân rộng những kinh nghiệm hay, mô hình tốt để nhanh chóng hỗ trợ khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất một cách bền vững và hiệu quả.
2. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Tập trung thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tỉnh về khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, làm tốt công tác khuyến công để thu hút mạnh mẽ nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài Tỉnh, ngoài nước cho phát triển công nghiệp. Quan tâm hơn nữa cho công tác đầu tư cải thiện kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả sử dụng nguồn hỗ trợ của Chính phủ cho xây dựng hệ thống hồ chứa, tạo nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt của dân cư. Phát huy lợi thế về kinh tế cửa khẩu trên biên giới Việt-Trung để đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch và các loại dịch vụ, nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống và tăng thu ngân sách.
3. Làm tốt công tác đối ngoại, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt-Trung hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đẩy mạnh công tác phân giới, cắm mốc để hoàn thành trước quý III năm 2008 theo kế hoạch của Chính phủ. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, quản lý chặt chẽ tình hình xuất nhập cảnh, phòng chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới.
4. Tập trung cao độ cho cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác năm 2008 và tiến hành thường xuyên trong các năm sau.
5. Đối với 4 huyện vùng cao, núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) Tỉnh đang triển khai thực hiện 4 dự án phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng. Trên cơ sở các dự án của Tỉnh, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính... nghiên cứu, giúp tỉnh Hà Giang có điều kiện triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Tập trung cao cho dự án phát triển rừng; nghiên cứu tuyển chọn, du nhập để bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù của vùng. Lưu ý các giống cây trồng đã được khảo nghiệm và triển khai ở các vùng lân cận như cao su, sa mạc... Vận dụng chính sách hỗ trợ của Nhà nước sát hợp với điều kiện cụ thể của các huyện núi đá; triển khai việc hỗ trợ gạo cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để chuyển diện tích đất sản xuất lương thực hiệu quả thấp sang trồng rừng theo tinh thần Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu sớm nâng tỷ lệ độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng, tạo tiền đề cho cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn cho địa bàn và vùng hạ du. Các Bộ cần đặc biệt ưu tiên, tạo điều kiện cho vùng này phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư một cách bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về thực hiện các nhiệm vụ theo Thông báo kết luận số 42/TB-VPCP ngày 14 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan có liên quan giải quyết theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Về thành lập đặc khu Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Về tuyến đường Cầu Mè - Công viên Hà Phương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc: Tỉnh làm việc với Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4. Về đầu tư các tuyến đường tuần tra, vành đai biên giới, cầu treo nông thôn, quy hoạch sắp xếp dân cư khu vực biên giới..., Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh lồng ghép trong các chương trình mục tiêu, các dự án hiện hành để đẩy nhanh tiến độ. Ưu tiên bố trí vốn cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các khu vực trọng điểm trên tuyến biên giới.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo số 42/2006/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 89/1998/QĐ-TTg phê duyệt chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường an ninh, quốc phòng khu vực 33 xã và 1 thị trấn vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3Thông báo số 12/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 315/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông báo số 42/2006/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 89/1998/QĐ-TTg phê duyệt chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường an ninh, quốc phòng khu vực 33 xã và 1 thị trấn vùng cao biên giới tỉnh Hà Giang do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
- 3Thông báo số 12/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lào Cai do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo 315/TB-VPCP năm 2013 kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo số 71/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 71/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 18/03/2008
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Quốc Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/03/2008
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định