Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 64/2006/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG TRUNG ƯƠNG

Ngày 22 tháng 02 năm 2006, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Giáo dục quốc phòng (GDQP) Trung ương để đánh giá kết quả công tác GDQP - AN năm 2005 và bản phương hướng nhiệm vụ năm 2006.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Quốc phòng báo cáo, ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng GDQP Trung ương và các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã kết luận:

I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC GDQP - AN NĂM 2005

1. Trong năm 2005, Hội đồng GDQP Trung ương và Hội đồng GDQP các cấp đã tích cực triển khai công tác, thu được nhiều kết quả quan trọng. Số cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (QP-AN) cao hơn năm 2004. Nhiều địa phương đã chủ động bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt cơ sở thôn, bản, các tổ chức quần chúng. Thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Phú Yên đã mở rộng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đến chức sắc, chức việc các tôn giáo.

Giáo dục quốc phòng trong hệ thống giáo dục quốc dân đã được thực hiện trong chương trình đào tạo chính khóa; phương pháp tổ chức thực hiện môn học được quan tâm đổi mới; chất lượng môn học có nhiều tiến bộ; nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành đối với môn học GDQP trong học sinh, sinh viên có chuyển biến.

Bộ Quốc phòng cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội triển khai biên soạn giáo trình bồi dưỡng KTQP-AN cho đối tượng là bí thư chi bộ, đảng viên, cán bộ cấp thôn, bản, tổ trưởng dân phố và tương đương, cấp phát sách giáo koa cho giáo viên các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, đại học, cao đẳng, giúp cho cơ sở giáo dục - đào tạo và địa phương thực hiện được thống nhất.

GDQP toàn dân đã được cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình, hệ thống báo cáo viên từ Trung ương đến địa phương coi trọng, nâng cao chất lượng các nội dung, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền.

2. Hội đồng GDQP Trung ương đã hoạt động đúng quy chế, làm tốt chức năng tư vấn, kiểm tra, thanh tra, góp phần nâng cao chất lượng GDQP - AN. Các ủy viên Hội đồng đã phát huy tốt trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

3. Một số tồn tại:

Nhận thức của nhân dân và một số cán bộ về nhiệm vụ GDQP trong tình hình mới chưa sâu sắc; phương pháp GDQP chậm đổi mới; thiếu giáo viên GDQP trong các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề; chất lượng GDQP còn hạn chế.

II. TRONG KẾ HOẠCH CÔNG TÁC NĂM 2006, HỘI ĐỒNG GDQP TRUNG ƯƠNG VÀ HỘI ĐỒNG GDQP CÁC CẤP CẦN CHÚ Ý MỘT SỐ NHIỆM VỤ SAU:

1. Tiếp tục quán triệt sâu rộng trong đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân, trước hết là cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp Chỉ thị số 62-CT/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII) về tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới.

2. Nâng cao chất lượng toàn diện GDQP-AN và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về GDQP và các thông tư liên bộ, hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan đến nhiệm vụ GDQP - AN.

3. Bộ Quốc pòng phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính quốc gia sửa đổi, bổ sung và ban hành chương trình, giáo trình, tài liệu giáo dục quốc pòng - an ninh áp dụng trong các trường: trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học, trong các trường thuộc hệ thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia và chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng.

- Việc sửa đổi chương trình và giáo trình GDQP và bồi dưỡng KTQP - AN phải trên cơ sở chương trình khung và thời gian áp dụng cho từng bậc học, cấp học để bố trí tỷ lệ hợp lý giữa GDQP với an ninh, giữa lý luận và thực hành.

- Thống nhất thời gian bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an inh tại Học viện Quốc phòng cho các Bộ trưởng, Trưởng các Ban của Trung ương Đảng, Chủ tịch, Bí thư tỉnh (thành ủy) trực thuộc Trung ương là 10 ngày; các đối tượng còn lại và các đồng chí Thường vụ tỉnh ủy (thành ủy) từ 15 đến 30 ngày. Thời hạn GDQP-AN cho học sinh, sinh viên cần nghiên cứu hợp lý, song cần tập trung nâng cao nhận thức nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc.

- Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin nghiên cứu làm một số phim tài liệu phục vụ nhiệm vụ GDQP - AN toàn dân.

4. Cơ quan Thường trực Hội đồng xây dựng kế hoạch nghiên cứu GDQP-AN, phòng thủ dân sự ở một số nước như Cu Ba, Liên bang Nga để triển khai vào quý III năm 2006.

5. Bộ Quốc phòng cử đủ sĩ quan biệt phái và tiếp tục đào tạo để bảo đảm về lâu dài có đội ngũ giáo viên chuyên trách. Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về định biên giáo viên GDQP-AN.

6. Về cơ sở vật chất.

Cần đa dạng hóa các cơ sở GDQP-AN. Cơ quan Thường trực Hội đồng nghiên cứu để điều chỉnh quy hoạch xây dựng hệ thống trung tâm GDQP-AN cho phù hợp và tận dụng các trung tâm hiện có tại các quân khu, các trường quân sự, tránh lãng phí, trình Chính phủ trong quý III năm 2006.

7. Công tác kiểm tra

Trong năm 2006, tổ chức 4 đoàn kiểm tra tại 4 Quân khu: Quân khu 2, Quân khu 4, Quân khu 5 và Quân khu 7.

Cơ quan Thường trực Hội đồng tổ chức các đoàn kiểm tra bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, chất lượng.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ (để b/c)
- Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thành phố, trực thuộc TW (Hội đồng GDQP);
- Hội đồng GDQP 8 quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9, Thủ đô;
- Các Học viện: Chính trị QG HCM, HCQG, QP;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị;
- Các thành viên HĐGDQPTW;
- Cơ quan Thường trực HĐ: 2 (Cục DQTV, BQP);
- VPCP: BTCN, các PCN: Nguyễn Công Sự, Nguyễn Văn Lâm, Vụ TH, KG, Website CP;
- Lưu: Văn thư, NC (3b)

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM  




Vũ Đình Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 64/2006/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại phiên họp Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 64/2006/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/03/2006
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đình Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản