Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 60/2007/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2007

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Theo quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 07 tháng 3 năm 2007 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng dự làm việc với Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tư pháp, Công an, Văn hóa - Thông tin, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. Trong năm qua, Công đoàn tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách, chế độ liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tích cực tham gia giải quyết việc làm, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; có vai trò tích cực trong việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công, góp phần ổn định quan hệ lao động và sản xuất kinh doanh ở cơ sở.

Sự phối hợp công tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Chính phủ ngày càng được tăng cường, có hiệu quả thiết thực.

Thời gian tới, công đoàn các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chính quyền các địa phương; động viên các tầng lớp lao động phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững, tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả gắn với thực hiện tốt tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

II. VỀ CÁC ĐỀ NGHỊ CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động (chương XIV) về giải quyết tranh chấp lao động và đình công, đảm bảo đúng tiến độ thời gian và sát với thực tiễn.

2. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện việc mua bảo hiểm y tế cho người lao động đầy đủ, kịp thời theo đúng chế độ quy định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương nghiên cứu để sớm thực hiện việc thí điểm ký kết thỏa ước lao động ngành; tập trung chỉ đạo thực hiện việc ký thỏa ước lao động ở từng doanh nghiệp; nghiên cứu chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đào tạo và đào tạo tay nghề cho người lao động trong các doanh nghiệp.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát việc phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo yêu cầu: các địa phương và chủ đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu ở cho công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

4. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, cơ quan và chính quyền các địa phương liên quan nghiên cứu xây dựng đề án về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cho công nhân lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất, trình Chính phủ.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn, thẩm định Đề án chuyển đổi tổ chức và hoạt dodọng của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc cho phép đưa vào chương trình của Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua - Khen thưởng; chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc xét tặng thưởng Huân chương Lao động cho công nhân, viên chức, người lao động đạt nhiều Bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đảm bảo chính xác, đúng quy định.

7. Bộ tài chính khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ phần về việc lập Quỹ phúc lợi và Quỹ khen thưởng của các doanh nghiệp. Nghiên cứu thí điểm cho phéptổ chức công đoàn cơ sở được dùng Quỹ hợp pháp của tổ chức công đoàn cơ sở mua cổ phần khi doanh nghiệp cổ phần hóa với tỷ lệ do Chính phủ quy định và giá mua theo mức giá ưu đãi đối với người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ. Khẩn trương đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để bổ sung vào nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 187/2004/NĐ-CP, trình Chính phủ ban hành.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi khoản 2 Điều 4 Quyết định số 53/1999/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng: đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài áp dụng chế dodọ trích nộp 1% kinh phí công đoàn từ quỹ lương. Khoản kinh phí thu được dành toàn bộ để chi cho các hoạt động: động viên chăm lo trực tiếp tới người lao động như thăm hỏi người lao động lúc ốm đau, thai sản, gia đình có việc hiếu, hỷ; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho người lao động và các hoạt động khác của công đoàn, trong đó bao gồm cả việc chi trả lương và phụ cấp (nếu có) cho cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp đó.

9. Đồng ý chuyển trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động theo loại hình trường tư thục.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào đề án phát triển trường Đại học Công đoàn để xây dựng dự án đầu tư mở rộng cơ sở đào tạo phù hợp với quy hoạch mạng lưới chung các trường đại học, cao đẳng, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

10. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét, quyết định mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, biên chế của Phòng Nội vụ - Lao động, xã hội thuộc Ủy ban nhân dân các quận, huyện có nhiều doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn theo hướng Phòng Nội vụ - Lao động, xã hội có đủ khả năng giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về lao động, giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn theo hướng dẫn phân cấp quản lý nhà nước về lao động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

11. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng về biện pháp đấu tranh chống âm mưu diễn biến hòa bình, đòi đa nguyên công đoàn và lập công đoàn độc lập nhằm chia rẽ Công đoàn Việt Nam.

12. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, xác định mục đích, đối tượng, yêu cầu của việc định kỳ hàng năm Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại biểu công nhân, việc chức lao động, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục;
- Lưu: Văn thư, V.III (5b).M 230

KT. BỘ TRƯỞNG,CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Kiều Đình Thụ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 60/2007/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 60/2007/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 30/03/2007
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Kiều Đình Thụ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản