Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
**********

Số: 510/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGUYỄN HỒNG TRƯỜNG TẠI CUỘC HỌP BÀN CÁC BIỆN PHÁP PHỐI HỢP TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 32/2007/NQ-CP NGÀY 29 THÁNG 6 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ TRONG LĨNH VỰC ĐƯỜNG SẮT.

Ngày 30/10/2007, tại Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã chủ trì cuộc họp bàn các biện pháp phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ trong lĩnh vực đường sắt. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo và chuyên viên Vụ Vận tải, Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch đầu tư, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và ý kiến của các cơ quan tham dự cuộc họp về các đề liên quan đến hành lang an toàn giao thông đường sắt, hệ thống đường ngang đường sắt, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã kết luận như sau:

Trong thời gian qua, các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt, bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt còn chậm và thiếu đồng bộ. Các tồn tại nói trên làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông của Bộ Giao thông vận tải được nêu trong Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ. Để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu:

1. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam:

1.1. Phối hợp với các địa phương và các cơ quan có liên quan rà soát, thống kê đầy đủ các vi phạm về hành lang an toàn đường sắt, đường ngang bất hợp pháp, các đường ngang hợp pháp cảnh báo bằng biển báo mà có nhu cầu cần nâng cấp, cải tạo trên hệ thống đường sắt quốc gia trước và sau thời điểm Luật Đường sắt có hiệu lực thi hành; Xây dựng phương án xử lý, kế hoạch làm đường gom nhằm xóa bỏ đường ngang bất hợp pháp, lộ trình thực hiện.

1.2. Sau khi kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt được Chính phủ phê duyệt. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cần chủ động phối hợp với các địa phương, tổ chức có liên quan thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện việc lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt trong kế hoạch nêu trên.

1.3. Nghiên cứu điều chỉnh lại nội dung dự án hệ thống đường ngang trên tuyến đường sắt Thống Nhất được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt (Quyết định số 1244/QĐ-BGTVT ngày 26 tháng 4 năm 2002) sát với điều kiện thực tế, phù hợp với nhiệm vụ phải thực hiện trong các giải pháp về cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt được nêu trong Nghị quyết số 32/2007/NNQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ. Về nguồn vốn thực hiện Dự án điều chỉnh theo hướng tăng vốn ngân sách, tích cực khai thác vốn hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo. Trong tháng 12 năm 2007, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trình Bộ phê duyệt dự án điều chỉnh kể trên. Sau khi dự án được phê duyệt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ động bố trí nguồn vốn tiếp tục triển khai thực hiện dự án, phấn đấu hoàn thành dự án này trong năm 2010.

2. Cục Đường sắt Việt Nam

2.1. Phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm 1.1, điểm 1.3 mục 1.

2.2. Thẩm định các nội dung cần điều chỉnh trong dự án hệ thống đường ngang đường sắt Thống nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trình Bộ trong tháng 12 năm 2007.

2.3. Chủ trì và phối hợp với Vụ Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất các nội dung cần sửa đổi trong các quy định hiện hành về đường ngang để thuận tiện cho việc thực hiện nâng cấp, cải tạo, thành lập mới đường ngang.

3. Cục đường bộ Việt Nam

3.1. Rà soát việc bổ sung gờ giảm tốc, vạch kẻ liền, vạch dừng cưỡng chế, biển báo hiệu trên quốc lộ tại khu vực đường ngang thuộc trách nhiệm quản lý của Cục và hướng dẫn các địa phương thực hiện trên đường bộ do địa phương quản lý.

3.2. Cập nhật, bổ sung nội dung dự thảo Dự án xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn giao thông giữa đường sắt và đường bộ sát với điều kiện thực tế, phù hợp với nhiệm vụ và tiến độ thực hiện các giải pháp về cơ sở hạ tầng giao thông đường sắt được nêu trong Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2007 của Chính phủ. Trong tháng 12 năm 2007, Cục Đường bộ Việt Nam trình Bộ phê duyệt Dự án nói trên.

4. Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Vận tải

4.1. Vụ Kế hoạch đầu tư thẩm định dự án xây dựng hệ thống đảm bảo an toàn giao thông giữa đường sắt và đường bộ trình Bộ phê duyệt.

4.2. Vụ Vận tải phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất phương án giải quyết đối với các đường ngang đã lập đủ hồ sơ xin cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới còn tồn đọng do chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Điều lệ đường ngang.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết để tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- các Thứ trưởng;
- Cục ĐSVN, Cục ĐBVN;
- Vụ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Vận tải;
- Tổng Công ty ĐSVN;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 510/TB-BGTVT về việc kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp bàn các biện pháp phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính Phủ trong lĩnh vực đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 510/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 02/11/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/11/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản