Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 49/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI CUỘC HỌP BÀN VỀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2009 CỦA TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM

Ngày 12 tháng 02 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp bàn về triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Ngoại giao, Xây dựng, Khoa học và Công Nghệ: lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Tập đoàn: Dầu khí Việt Nam, Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Điện lực Việt Nam.

Sau khi nghe Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Tập đoàn) báo cáo, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

1. Về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2008

Về cơ bản nhất trí với báo cáo của Tập đoàn và ý kiến của các Bộ, ngành. Năm 2008, ngành Dầu khí có nhiều thuận lợi do những thành quả của 30 năm đổi mới đem lại, lợi thế ngành nghề, giá dầu thô tăng cao, sự tập trung nguồn lực đầu tư của đất nước và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành. Song năm 2008 cũng là năm có nhiều khó khăn, thách thức: khủng hoảng tài chính toàn cầu lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế thế giới đã tác động mạnh, trực tiếp và sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nói riêng.

Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, với sự quyết tâm trong chỉ đạo điều hành của tập thể lãnh đạo Tập đoàn và nỗ lực phân đấu của toàn thể cán bộ, công nhân viên, Tập đoàn đã đạt được kết quả đáng biểu dương, hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; cụ thể:

- Doanh thu đạt 149% so với kế hoạch, tăng 31,2% so với năm 2007, nộp ngân sách nhà nước đạt 181,4% so với kế hoạch, tăng 41,7% so với năm 2007.

- Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 127 triệu tấn, đạt 363% so với kế hoạch, dịch vụ dầu khí tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, chiếm 21,8% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.

- Một số dự án trọng điểm được triển khai theo tiến độ đã đề ra, nhất là bảo đảm được tiến độ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo kế hoạch mà Quốc hội đã giao; nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào hoạt động sớm phát huy hiệu quả.

Tập đoàn đã phát triển đồng bộ các lĩnh vực từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, dịch vụ, tồn chứa, vận chuyển, chế biến, phân phối các sản phẩm dầu khí, trở thành Tập đoàn có qui mô lớn nhất Việt Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng vai trò tích cực giúp Chính phủ điều tiết vĩ mô.

Tập đoàn đã nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Chính phủ; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn tồn tại một số điểm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm:

Các dự báo về giá, cung cầu trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa sát với thực tế; một số chỉ tiêu kế hoạch xây dựng chưa sát, hai năm liền không đạt chỉ tiêu kế hoạch về sản lượng khai thác dầu thô, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch ngân sách và điều hành của Chính phủ; các dự án trọng điểm triển khai còn chậm so với yêu cầu, cần quản lý chặt chẽ và chỉ đạo sát sao hơn, không để chậm tiến độ; đầu tư còn chưa tập trung, cần rà soát lại các dự án đầu tư, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả.

2. Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009:

Nhất trí với báo cáo của Tập đoàn về các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 và các giải pháp thực hiện, lưu ý các vấn đề sau:

- Tập đoàn cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu, phấn đấu đạt và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch: gia tăng trữ lượng 35-40 triệu tấn qui dầu; tổng sản lượng khai thác dầu khí 24 triệu tấn, trong đó khai thác dầu thô và condensate 16 triệu tấn, khai thác khí 8 tỷ mét khối; sản lượng điện 10 tỷ KWh; sản lượng phân đạm 750.000 tấn.

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2009, Tập đoàn cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ:

+ Xây dựng kế hoạch sát với thực tế; đôn đốc quyết liệt việc thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm các chỉ tiêu của kế hoạch đã đề ra, nhất là chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu khí; phát triển ngành Dầu khí một cách đồng bộ, bền vững.

+ Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hoạt động tiềm kiếm thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng dầu khí xác minh, nhất là ở các vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm. Đối với những vùng không thu hút được đầu tư nước ngoài, Tập đoàn tự đầu tư.

+ Tích cực đầu tư tìm kiếm thăm dò dầu khí ra nước ngoài, trên cơ sở định hướng các địa bàn có tiềm năng dầu khí, có ưu thế ngoại giao như: Liên bang Nga, Trung Đông, Nam Mỹ, Châu phi, ...

+ Chỉ đạo chặt chẽ đưa Nhà máy lọc dầu Dung Quất vào vận hành thương mai một cách an toàn, hiệu quả và đúng tiến độ.

+ Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai dự án thuỷ điện Luông Pha Băng ở Lào nhằm khẳng định lòng tin đối với nước bạn Lào và hiệu quả của dự án.

+ Triển khai tốt các dự án về dịch vụ, như: kho nổi chứa xuất dầu, tàu khảo sát, tàu vận chuyển dầu thô và sản phẩm dầu, dàn khoan,... trên tinh thần phát huy tối đa nội lực.

+ Hỗ trợ, khuyến khích nhà thầu đẩy nhanh tiến độ phát triển mỏ nhằm đưa các mỏ mới vào khai thác; chỉ đạo vận hành an toàn, hiệu quả đường ống dẫn khí, để cung cấp ổn định cho các hộ tiêu thụ; tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm; xây dựng, triển khai đề án quản lý rủi ro trong kinh doanh dầu thô, các sản phẩm dầu khí, v.v.

Tập đoàn cần thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội thông qua việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; kiểm soát tài chính, quản lý vốn hiệu quả, tham gia cân đối cung cầu một số sản phẩm thiết yếu như. xăng dầu, phân bón, khí hoá lỏng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, cơ cấu lại các dự án đầu tư.

3. Về những kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

a) Về căn cứ pháp lý hoạt động của Tập đoàn

- Yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành dự thảo Nghị định về Tập đoàn kinh tế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn và các Công ty nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan khác.

- Yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thành dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

- Giao Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ trì nghiên cứu, soạn thảo Điều lệ sửa đổi, bổ sung Điều lệ hoạt động của Tập đoàn ban hành kèm theo Quyết định 36/2007/QĐ-TTg, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong Quý II năm 2009; Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy chế tài chính sửa đổi, bổ sung đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong Quý II năm 2009.

b) Về cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, đấu thầu, đền bù, giải phóng mặt bằng

Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội Dự luật sửa đổi các luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng, đấu thầu; Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo, trình Chính phủ Nghị định bổ sung, sửa đổi các Nghị định liên quan đến đất đai để tháo gỡ các vướng mắt về đất đai trong quá trình đầu tư.

Trong khi các văn bản pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung, yêu cầu Tập đoàn thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với các kiến nghị cụ thể của Tập đoàn tại công văn số 9460/TTr-DKVN ngày 18 tháng 12 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo riêng.

c) Về chính sách thuế đối với hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Tập đoàn và các cơ quan liên quan rà soát xử lý các vướng mắc về thuế đối với các hoạt động nêu trên, với tinh thần khuyến khích tối đa đối với những lô Việt Nam tự đầu tư và các lô nước sâu, xa bờ, nhạy cảm khi kêu gọi đầu tư nước ngoài.

d) Đối với những kiến nghị liên quan đến Dự án mỏ Đại Hùng, Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo riêng.

đ) Về các khoản phí và lệ phí bảo vệ môi trường: Tập đoàn chỉ đạo thực hiện theo quy định.

e) Về thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án tìm kiếm thăm dò: yêu cầu Tập đoàn có báo cáo cụ thể, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

g) Về ưu đãi đối với lĩnh vực chế biến dầu khí

- Đối với dự án Tổ hợp hoá dầu Miền Nam:

+ Yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường sớm hoàn thành công tác thẩm định phương án đền bù, giải phóng mặt bằng do Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại thông báo số 05/TB-VPCP ngày 05 tháng 01 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ.

+ Về chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư theo kiến nghị của Tập đoàn tại công văn số 4355/DKVN-HĐQT ngày 20 tháng 6 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo riêng.

- Dự án Nhà máy lọc dầu số 3

Đối với kiến nghị cụ thể về cảng cho Nhà máy tại công văn số 349/DKVN-CBDK ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản chỉ đạo riêng.

- Dự án Nhà máy Đạm Cà Mau: giao Bộ Tài chính, Ngân hàng phát triển Việt Nam xem xét, giải quyết các kiến nghị của Tập đoàn.

h) Về cơ chế hoạt động đối với một số định chế tài chính của Tập đoàn

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết các kiến nghị liên quan đến các định chế tài chính của Tập đoàn. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Bộ Tài chính xem xét, giải quyết kiến nghị của Tập đoàn về việc Tập đoàn cùng đối tác Oman tham gia thành lập Quỹ đầu tư để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

i) Một số vấn đề khác

- Đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn được chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ để thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn, nhằm phát huy nội lực và kích cầu dịch vụ trong nước. Yêu cầu Tập đoàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chỉ định thầu.

- Bộ Tài chính xem xét, xử lý các kiến nghị cụ thể của Tập đoàn về thuế đối với các đơn vị dịch vụ dầu khí, bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tham gia cung cấp dịch vụ trong hoạt động dầu khí ở Việt Nam.

- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất cơ chế sử dụng và khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu sạch trong giao thông vận tải (LPG, CNG, nhiên liệu sinh học,...).

- Đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn triển khai các dự án về phong điện, song cần nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, thử nghiệm một vài dự án nhỏ trước khi triển khai trên diện rộng.

- Đồng ý về nguyên tắc Tập đoàn được chỉ định nhà tổng thầu thực hiện các dự án: Đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Long Phú. Yêu cầu Tập đoàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chỉ định thầu và đặc biệt lưu ý năng lực của các Nhà thầu được chỉ định.

- Đối với kiến nghị của Tập đoàn liên quan đến các dự án: Nhà máy nhiệt điện Vũng áng 1, Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, xử lý riêng.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các cơ quan biết, thực hiện./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 49/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp bàn về triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2009 của tập đoàn dầu khí Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 49/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 17/02/2009
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Văn Trọng Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/02/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản