Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 484/TB-BTP

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG HÀ HÙNG CƯỜNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI HỌC VIỆN TƯ PHÁP NGÀY 05/02/2008

Ngày 05 tháng 02 năm 2008, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc với Học viện Tư pháp để nghe báo cáo về Đề án Xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp. Tham gia buổi làm việc có đồng chí Thứ trưởng Hoàng Thế Liên; các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện, các đồng chí lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính và Văn phòng Bộ. Sau khi nghe đồng chí Giám đốc Học viện báo cáo những nội dung chính của Đề án, ý kiến của các đồng chí dự họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường đã kết luận như sau:

1. Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp tạo cơ hội lớn cho Học viện, cho Bộ và cả nước đẩy mạnh hoạt động đào tạo các chức danh tư pháp nói riêng, góp phần xây dựng nhanh đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà quá trình cải cách tư pháp đang đặt ra. Đề án có vai trò quan trọng, không chỉ cho Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp mà còn cho cả nước, thậm chí có thể còn giúp xây dựng mô hình cho Lào (đã có đề nghị của bạn) và một số nước khác trong khu vực khi cần thiết, bởi vậy, Học viện cần coi việc xây dựng Đề án là một nhiệm vụ trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, tính khả thi của Đề án.

2. Qua nhiều lần chỉnh lý, bổ sung, Đề án khá dày dặn, thông tin phong phú, nhất là Học viện đã tranh thủ được nhiều ý kiến đóng góp của Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị và các chuyên gia mặc dù đây chưa phải là ý kiến chính thức của các Bộ, ngành hữu quan. Tuy vậy, việc tiếp cận một số vấn đề còn lúng túng, mang tính chủ quan (việc xác định quy mô đào tạo trọng tài viên, thời gian đào tạo luật sư, đào tạo cử nhân luật), đánh giá nhu cầu của xã hội chưa thật bài bản.

3. Đề án cần tập trung làm rõ các vấn đề sau đây:

- Làm rõ hơn các tiêu chí của một Trung tâm lớn về đào tạo cán bộ tư pháp trong bối cảnh có sự cạnh tranh trong hoạt động đào tạo (lớn so với ai? lớn về cái gì? lớn như thế nào?).

- Đề án không nên dàn trải nhiều chức danh mà cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề liên quan đến đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, chấp hành viên, công chứng viên; cần báo cáo để chỉnh tên Đề án thành: “Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành Trung tâm lớn về đào tạo các chức danh tư pháp”;

- Cần xác định rõ Đề án là của cả nước để mạnh dạn đề xuất quan điểm đào tạo phải gắn với bồi dưỡng, quan điểm về tuyển sinh quốc gia (tuy nhiên, cần xác định rõ lộ trình thực hiện từ năm 2012 hoặc 2015);

- Chưa nên đặt ra ngay vấn đề đào tạo cử nhân luật, sớm nhất là từ năm 2012, khi Học viện đã lớn mạnh, đủ điều kiện và đã thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo các chức danh tư pháp;

- Lược bỏ các nội dung liên quan đến đào tạo cán bộ tư pháp cho miền núi, cán bộ tư pháp xã vì Bộ đang xây dựng Đề án thành lập Trường Trung học Luật ở một số khu vực.

- Tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc đào tạo chung 03 chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư từ đó đề xuất phương án đào tạo chung 03 chức danh này, lộ trình thực hiện từ năm 2010;

- Làm rõ hơn vị trí, vai trò của Phân hiệu tại thành phố Hồ Chí Minh;

- Xác định lộ trình thực hiện Đề án đến năm 2020;

- Nêu rõ các kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành liên quan đến thực hiện Đề án, nếu được thông qua.

4. Phân công đồng chí Hoàng Thế Liên tiếp tục chỉ đạo Học viện Tư pháp, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh dự thảo Đề án (hoàn tất trước ngày 20/2/2008); chuẩn bị dự thảo Tờ trình, dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án trong đó cần nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung phê duyệt, tổ chức thực hiện; tiến hành các thủ tục xin ý kiến chính thức của các Bộ, ngành liên quan để trình Đề án vào cuối tháng 3/2008.

Nội dung Đề án, dự thảo Tờ trình phải đảm bảo sự đồng thuận cao trong Bộ, nhất là các đơn vị liên quan như Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Khoa học pháp lý, Trường Đại học Luật Hà Nội, Cục Thi hành án dân sự, Vụ Bổ trợ tư pháp, Vụ Hành chính tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ.

Trên đây là kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại buổi làm việc với Học viện Tư pháp ngày 05 tháng 02 năm 2008, Văn phòng xin thông báo để các đơn vị biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (báo cáo);
- Các Thứ trưởng (báo cáo);
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Trung tâm tin học (để đưa tin lên mạng);
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Duy Lãm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 484/TB-BTP về việc kết luận của Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại buổi làm việc với Học viện tư pháp ngày 05/02/2008 do Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 484/TB-BTP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 25/02/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Duy Lãm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản