Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 354/TB-BYT | Hà Nội, ngày 03 tháng 05 năm 2006 |
THÔNG BÁO
VỀ NỘI DUNG HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG, CHỐNG ĐẠI DỊCH CÚM Ở NGƯỜI NGÀY 26/4/2006
Để tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống đại dịch cúm ở người, ngày 26/4/2006, Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người đã tổ chức cuộc họp thường kỳ.
I. THÀNH PHẦN ĐẠI BIỂU THAM DỰ:
1.Ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Bộ Y tế, chủ trì cuộc họp theo sự uỷ quyền của PGS.TS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ởngười (Đồng chí Thứ trưởng đi công tác vắng).
2.Ông Lâm Quốc Hùng, Cục Quân y, Bộ Quốc Phòng.
3.Bà Trần Hà Phương, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
4.Bà Nguyễn Thị Huyền, Cục A25, Bộ Công An.
5.Bà Trần Thu Thuỷ, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
6.Ông Nguyễn Nam Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.
7.Ông Lương Ngọc Khuê, Phó Vụ trưởng Vụ Điều trị.
8.Ông Nguyễn Quang Thuận, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khoẻ, Bộ Y tế.
9.Ông Văn Đăng Kỳ, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
10.Ông Phạm Lê Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
11.Bà Nguyễn Thanh Bình, Văn phòng Bộ Y tế.
Và các chuyên viên Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Vụ Điều trị và Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.
II. NỘI DUNG CUỘC HỌP:
Cuộc họp đã tập trung thảo luận các nội dung chính sau:
1. Tình hình dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm, cúm ở người trên thế giới và tại Việt Nam. Một số biện pháp cần tiếp tục triển khai để khống chế dịch.
2. Công tác triển khai mua sắm thuốc, hoá chất, trang thiết bị phòng chống dịch và tập huấn sử dụng, bằng kinh phí do Chính phủ đầu tư cho các địa phương và các Bộ, ngành trong cả nước.
3. Công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm và ở người.
4. Công tác kiểm tra giám sát việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
2.1 Tình hình dịch cúm A(H5N1):
2.1.1.Tình hình dịch cúm gia cầm:
Trên thế giới:
Theo Thông tin từ Tổ chức sức khoẻ động vật thế giới (OIE) ngày 26/4/2006 và các nguồn tin quốc tế khác:
Trong tuần tiếp tục ghi nhận các ổ dịch cúm trên gia cầm tại các nước Sudan, Palestin, Afghanistan. Tại Pháp, Trung Quốc tiếp tục phát hiện vịt hoang dại chết do mắc cúm A(H5N1).
Hiện nay dịch cúm gia cầm đang xảy ra tại 24 quốc gia trên thế giới. Kể từ năm 2003 đến nay đã có 55 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận có dịch cúm gia cầm và có chim hoang dại chết do mắc cúm A(H5N1).
Tại Việt Nam:
Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 15/12/2005 đến nay (26/4/2006) toàn quốc không phát sinh thêm ổ dịch cúm gia cầm mới.
2.1.2. Tình hình dịch cúm A (H5N1) trên người:
Trên thế giới:
Tại Ai Cập: Theo Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới ngày 21/4/2006:
Phòng xét nghiệm chuẩn thức của WHO đã khẳng định thêm 08 trường hợp dương tính với vi rút cúm A(H5N1) tại nước này, trong đó có 02 trường hợp tử vong. Các trường hợp này đã được Bộ Y tế Ai Cập ghi nhận tại các thông báo trước. Đến nay tại Ai Cập đã ghi nhận 12 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 04 trường hợp tử vong.
Tại Trung Quốc: Theo Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới ngày 19/4/2006, Bộ Y tế Trung Quốc đã ghi nhận trường hợp thứ 17 mắc cúm A(H5N1) tại nước này. Bệnh nhân nam 21 tuổi, là công nhân cư trú tại tỉnh Hồ Bắc, khởi bệnh ngày 01/4/2006, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và tử vong ngày 19/4/2006. Từ tháng 11/2005 đến nay tại tỉnh Hồ Bắc không ghi nhận vụ dịch cúm trên gia cầm.
Tại Indonesia: Ngày 19/4/2006, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 01 trường hợp mắc mới cúm A(H5N1). Bệnh nhân nam 24 tuổi, sống ở tỉnh Tangerang, gần Thủ đô Jakarta. Khởi bệnh ngày 29/3/2006, nhập viện ngày 05/4/2006 và tử vong ngày 08/4/2006.
Đến nay tại Indonesia đã ghi nhận 32 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó 24 trường hợp tử vong.
Tại Việt Nam:
Kể từ ngày 14/11/2005 đến nay không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A (H5N1) ở người.
Tính từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.
Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 204 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 113 trường hợp tử vong tại 9 quốc gia: Azerbaijan (mắc 8, chết 5), Campuchia (mắc 6, chết 6), Trung Quốc (mắc 17, chết 12), Ai Cập (mắc 12, chết 04), Indonesia (mắc 32, chết 24), Iraq (mắc 02, chết 02), Thái Lan (mắc 22, chết 14), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 12, chết 04), Việt Nam (mắc 93, chết 42).
2.2. Các hoạt động phòng chống dịch đã thực hiện:
1.Công văn gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố về việc tiếp tục triển khai Chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại trong tháng 4-5/2006, chỉ đạo các địa phương sau phát động chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động, hướng dẫn, thanh kiểm tra sự hưởng ứng sau tháng Chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại để việc vệ sinh môi trường thành hoạt động thường xuyên tại hộ gia đình và tại cộng đồng.
2.Cử đoàn cán bộ phối hợp với Sở Y tế tỉnh Quảng Bình triển khai diễn tập phòng chống đại dịch cúm ở người ngày 27/4/2006. Làm việc với Sở Y tế các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Phúc chuẩn bị tổ chức diễn tập, dự kiến tại tỉnh Cần Thơ ngày 07/5/2006, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 14/5/2006.
3.Chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội, các tỉnh lân cận Hà Nội giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh hàng ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm trong suốt thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.
4.Tiếp tục các thủ tục tiếp nhận và phân phối các trang thiết bị, hoá chất, trang bị phòng chống dịch đợt I cho các địa phương.
5.Phối hợp với các Nhà phân phối hướng dẫn các tỉnh/thành phố về việc tiếp nhận, sử dụng và mua sắm các trang thiết bị, thuốc, hoá chất phòng chống dịch và hướng dẫn địa phương xây dựng cơ số phòng chống cúm khi đại dịch xảy ra.
6.Đã tổng hợp báo cáo của 46 tỉnh/thành phố và 03 Bộ ngành về tình hình sử dụng kinh phí của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định 1239/QĐ-TTg .
7.Tiếp tục phát hành 6000 áp phích tuyên truyền về các biện pháp chăn nuôi gia cầm để phòng chống dịch cúm gia cầm do các Tổ chức quốc tế hỗ trợ sản xuất.
8.Xin ý kiến góp ý và hoàn chỉnh Tài liệu hướng dẫn thực hiện cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh, khống chế ổ dịch cúm do chủng vi rút gây đại dịch và phòng ngừa đại dịch cúm ở người.
9.Tiếp tục làm việc với đoàn chuyên gia Quốc tế để xây dựng kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm giai đoạn 2006 - 2008.
10.Phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chuẩn bị nội dung cuộc họp Bộ trưởng các nước APEC về phòng chống cúm gia cầm tại Đà Nẵng ngày 04 - 06/5/2006.
11.Tiến hành các thủ tục để tiếp nhận Dự án “Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2006- 2009’’ của Ngân hàng thế giới ADB viện trợ không hoàn lại.
12.Xây dựng Dự án Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2006.
13.Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục tiến hành xây dựng nội dung các tài liệu truyền thông: sách, tờ rơi, áp phích. Tổ chức tập huấn truyền thông cho các cán bộ Hội chữ thập đỏ 29 tỉnh phía Bắc và triển khai chiến dịch tuyên truyền phòng chống dịch qua biên giới Tân Thanh (có sự phối hợp của Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc).
14.Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế biên giới giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu có các đối tượng nhập cảnh từ vùng có dịch SARS cũ vào Việt Nam. Trong tuần từ 18/4 - 25/4/2006, tại 7 cửa khẩu lớn (đường bộ, đường không và đường thuỷ) của 7 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai) có 72.036 khách nhập cảnh, trong đó có 45.214 người nhập cảnh từ vùng có dịch SARS cũ. Giám sát 47.439 người từ nước có dịch cúm A (H5N1) trên người nhập cảnh vào Việt Nam, chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm cúm A.
III. KẾT LUẬN CUỘC HỌP:
Sau khi thống nhất ý kiến của các thành viên tham gia dự họp,TS. Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Việt Nam đã tổng hợp ý kiến cuộc họp như sau:
1.Tại các quốc gia trên thế giới vẫn tiếp tục ghi nhận thêm các ổ dịch mới trên gia cầm và có thêm người mắc bệnh. Trong khi đó, tại Việt Nam, đã khống chế được dịch cúm trên gia cầm và trên người, vì vậy nhân dân có thể có tư tưởngchủ quan. Đề nghị tiểu ban Tuyên truyền phối hợp với Tiểu ban giám sát phòng chống dịch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tiếp tục triển khai mạnh mẽ hoạt động truyền thông về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.
2.Tiểu ban Giám sát phòng chống dịch tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động, hướng dẫn việc thực hiện thường xuyên công tác vệ sinh môi trường tại hộ gia đình và tại cộng đồng, sau khi đã phát động tháng Chiến dịch Vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại. Chỉ đạo các tỉnh/thành phố chưa triển khai chiến dịch khẩn trương xây dựng kế hoạch sớm tổ chức phát động chiến dịch trong tháng 5/2006.
3.Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng cường kiểm tra và ngăn chặn việc nhập lậu, buôn bán và vận chuyển gia cầm trái phép qua biên giới vào nội địa.
4.Đề nghị Tiểu ban Hậu cần tiếp tục thúc đẩy việc mua sắm trang thiết bị, hoá chất, trang phục phòng chống dịch để phân phối cho các địa phương và hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp tình hình sử dụng kinh phí phòng chống dịch theo Quyết định 1239/QĐ-TTg để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người sẽ tiếp tục giao ban định kỳ vào 16h00 ngày 03/5/2006 để báo cáo tình hình dịch cúm A(H5N1) và triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
| KT. TRƯỞNG BAN |
- 1Thông báo số 153/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 22/02/2006 do Bộ Y tế ban hành
- 2Thông báo số 511/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người
- 3Thông báo số 556/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 21/6/2006 do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người ban hành
- 4Thông báo số 677/2006/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 02/8/2006 do Bộ Y tế ban hành
- 1Thông báo số 153/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 22/02/2006 do Bộ Y tế ban hành
- 2Thông báo số 511/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người
- 3Thông báo số 556/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 21/6/2006 do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người ban hành
- 4Thông báo số 677/2006/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 02/8/2006 do Bộ Y tế ban hành
Thông báo số 354/TB-BYT về nội dung họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ngày 26/4/2006 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 354/TB-BYT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 03/05/2006
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Trịnh Quân Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra