Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 334/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH

Ngày 29 tháng 11 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh. Cùng thăm và làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ; các Tập đoàn: Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Điện lực Việt Nam; các Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Xi măng Việt Nam, Hàng không Việt Nam, LILAMA. Tại buổi làm việc, sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2008, phương hướng và nhiệm vụ năm 2009 của Tỉnh; ý kiến của các Bộ, cơ quan, Thủ tướng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG :

Quảng Ninh đã cùng cả nước thực hiện được hơn nửa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2006-2010. Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những diễn biến bất lợi, thiên tai dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, lạm phát tăng cao đã gây khó khăn, thiệt hại nặng nề cho sản xuất và đời sống của nhân dân, nhưng năm 2008 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh đã có nhiều cố gắng, đạt được thành tựu khá toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội: kinh tế vẫn tăng trưởng cao 13,02%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến rõ rệt; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ nhân dân có bước tiến bộ; đời sống nhân dân được cải thiện, trợ giúp khắc phục hậu quả thiên tai tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, còn 5,18%; GDP bình quân đầu người đạt 1.206 USD; cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh và thu được kết quả bước đầu; hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường; quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tỉnh đã phát huy được những lợi thế, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.

Thay mặt Chính chủ, Thủ tướng biểu dương sự cố gắng và những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Quảng Ninh đã đạt được.

Tuy nhiên, Tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, yếu kém: chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đều ở các ngành; chuyển dịch trong nông nghiệp và khu vực nông thôn còn chậm; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại, giá trị sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch; còn để xảy ra sai phạm trong khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than, tốc độ phát triển dịch vụ chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ chất lượng cao; xóa đói giảm nghèo chưa bền vững; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, tỷ lệ tăng dân số còn cao, nhất là sinh con thứ 3; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mới; công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn hạn chế; chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của Tỉnh.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỚI GIAN TỚI :

Về cơ bản đồng ý với nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong báo cáo của Tỉnh. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, trong thời gian tới Tỉnh cần tiến hành đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được để tiếp tục phát huy; chỉ ra những yếu kém, tồn tại, những chỉ tiêu còn đạt thấp, phân tích nguyên nhân, đề ra biện pháp để thực hiện. Năm 2009, là năm khó khăn hơn, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm mạnh, xảy ra ở hầu hết các nước trên thế giới; nước ta đang trong quá trình hội nhập sâu rộng nên cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiệm vụ năm 2009 là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của Tỉnh phải phấn đấu quyết liệt hơn nữa, vượt qua khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh, nhất là về vị trí địa lý, đất đai, tài nguyên, du lịch. Tỉnh cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bằng mọi biện pháp ngăn chặn cho được suy giảm kinh tế, trì trệ của sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng hợp lý trong đó lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

- Nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành đối phó với những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính để giữ vững ổn định sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định bền vững, toàn diện. Phải thực hiện tốt việc kiềm chế suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm đủ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu; tạo điều kiện thuận lợi thu hút và giải ngân nhanh vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế; quản lý thật tốt thị trường, giá cả, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, lãi suất tín dụng; chống đầu cơ...Tăng cường quản lý môi trường có giải pháp cụ thể và lâu dài để bảo vệ tốt Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới.

- Cả hệ thống chính trị phải tập trung mọi biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cụ thể hoá trong từng lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch. Đẩy mạnh phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thị trường, giá cả, tạo môi trường, điều kiện phát triển sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước đẩy nhanh tốc độ đầu tư các dự án như xi măng, nhiệt điện, đóng tàu... nhằm đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng phát triển khu vực này, tạo việc làm và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội trên địa bàn.

- Cần tập trung làm tốt công tác xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các vùng miền, khu vực; bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm hơn nữa đến người nghèo, người có thu nhập thấp, người làm công ăn lương; trước hết, là thực hiện tốt những chính sách hiện có, trợ giúp thiết thực cho những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, bão lụt. Phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam để xây dựng Tập đoàn trở thành Tập đoàn mạnh trong nền kinh tế, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

- Tổ chức thực hiện phải cụ thể, sâu sát, đoàn kết nhất trí trong chỉ đạo điều hành, cần tiếp tục chú trọng công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

- Tỉnh cần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; tiếp tục ưu tiên kiềm chế suy giảm kinh tế; duy trì tăng trưởng cao hơn năm 2008; kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng phù hợp và hiệu quả; điều hành linh hoạt các công trình nếu có hiệu quả thì cho ứng vốn thực hiện; bảo đảm vững chắc hơn kinh tế vĩ mô; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH :

1 . Về cấp vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp đoạn Quốc lộ 18A Chí Linh - Bãi Cháy: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Về cấp vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp đoạn Mông Dương - Móng Cái: đồng ý bổ sung vào danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu t� chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, bố trí vốn thực hiện. Trường hợp chưa bố trí được vốn, Bộ Tài chính giải quyết ứng vốn cho Tỉnh thực hiện trên cơ sở theo tiến độ của Dự án.

3. Về đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, sau năm 2010: đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý.

4. Về đầu tư xây dựng đường Hạ Long - Yên Hưng - Đường cao tốc 5B: giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, theo nguyên tắc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở đảm bảo quyền kiểm soát của Nhà nước về không lưu.

6. Về bổ sung vào quy hoạch và đầu tư xây dựng các bến số 8, 9 của Cảng Cái Lân; khởi công xây dựng Cầu Bắc Luân II vào đầu năm 2009: đồng ý  đề nghị của Tỉnh. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương khởi công xây dựng cầu Bắc Luân II vào quý II/2009.

7. Về bố trí vốn cho các công trình kè biên giới; đường ra biên giới; đường vành đai biên giới: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng xem xét, giải quyết.

8 . Về đầu tư xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn: Tỉnh thực hiện theo Quyết định số 786/QĐ-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn", giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn để thực hiện.

9. Về tăng vốn cho Chương trình Biển Đông - Hải đảo, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng địa bàn biển, đảo. Đầu tư phát triển huyện Cô Tô (trong đó có chức năng Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ); cơ chế, chính sách đặc biệt ưu đãi để đưa dân ra sinh sống, quản lý đảo Trần và phát triển kinh tế đảo Vĩnh Thực (Móng Cái): Tỉnh làm việc cụ thể với các Bộ, ngành, trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

10. Về thành lập xã đảo Trần: giao Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

11. Về đầu tư xây dựng Cảng Vạn Gia (Móng Cái): đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, giải quyết.

12. Về xây dựng Thành phố cửa khẩu Móng Cái: Tỉnh xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

13. Về đầu tư xây dựng Cảng Hải Hà: đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải bổ sung vào Quy hoạch hệ thống Cảng biển Việt Nam, khẩn trương đầu tư xây dựng.

14. Về xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Hà: giao Bộ Công thương xem xét bổ sung vào quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

15. Về bổ sung Khu công nghiệp đa năng Đầm Nhà Mạc (Yên Hưng), Khu công nghiệp Hoành Bồ vào Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp của toàn quốc và có chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng hàng năm: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.

16. Đồng ý các quy hoạch phải được xem xét cân đối kế hoạch đầu tư sản xuất các ngành công nghiệp trên địa bàn, Tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, bổ sung các quy hoạch dự án phát triển điện, xi măng...nhằm sử dụng tiết kiệm tài nguyên của đất nước, có tính đến những tác động về môi trường; đầu tư các ngành công nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghệ tiên tiến, hiện đại, không ảnh hướng xấu đến môi trường du lịch và dân sinh.

17. Về cho phép các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư một số công trình dự án lớn mà ngân sách chưa thể bố trí ngay được bằng các phương thức linh hoạt BOT, trả tiền đầu tư bằng quỹ đất để triển khai dự án khác theo quy hoạch: đồng ý về chủ trương, Tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành xem xét trình Thủ tướng quyết định.

18. Về bổ sung có mục tiêu cho Tỉnh tối thiểu từ 30 đến 50% số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn các khu kinh tế cửa khẩu (Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh) để đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình trọng điểm của khu vực cửa khẩu và bổ sung có mục tiêu cho địa phương tương ứng 30% số thu thuế xuất khẩu than để Tỉnh có điều kiện cải thiện môi trường, xây dựng các công trình hạ tầng, phúc lợi xã hội: Tỉnh thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí vốn và bổ sung danh mục dự án có mục tiêu vào những công trình cụ thể do Tỉnh đề nghị.

19. Về tăng Thuế tài nguyên và tiến hành đấu thầu quyền khai thác các mỏ tài nguyên: giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý.

20. Về tôn tạo, nâng cấp Khu di tích Yên Tử, di tích Bạch Đằng và Lăng mộ Vua Trần: đồng ý tôn tạo, nâng cấp các khu di tích trên, Tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng xây dựng dự án trình duyệt theo quy định.

21. Về thực hiện thí điểm việc nhất thể hoá chức danh Bí thư và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện và bố trí thêm một Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân đối với huyện, xã đông dân và địa bàn trọng yếu: Tỉnh làm việc cụ thể với Bộ Nội vụ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Nội vụ, Tài nguyên & MT, Công an, Quốc phòng;
- Tập đoàn: Công nghiệp Than - Khoáng sản VN, Công nghiệp Tàu thủy VN, Điện lực VN;
- Tổng công ty: Hàng hải Việt Nam, Xi măng VN, Hàng không VN, LILAMA;
- Tỉnh uỷ, HĐNĐ, UBND tỉnh Quảng Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT; Các Vụ: TH, KTTH, TKBT, KTN, NC, KGVX, QHQT;
- Lưu: VT, ĐP( 5) Thơ. 50

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 334/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 334/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 15/12/2008
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Phượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản