Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/TLĐ

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2005 

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2004 PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2005 VÀ 2006

Năm 2004, năm thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và Kế hoạch số 170 ngày 11/2/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2003-2008.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp Công đoàn quan tâm chỉ đạo, từng bước được đổi mới với nhiều hình thức phong phú và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phần thứ nhất:

KẾT QUẢ CÔNG TÁC PBGDPL NĂM 2004

1. Công tác xây dựng tổ chức và chỉ đạo hoạt động

Tính đến năm 2004, đã có gần 70% số LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành TW thành lập Tiểu ban hoặc bộ phận phối hợp công tác PBGDPL. Số lượng và chất lượng báo cáo viên pháp luật của địa phương, ngành được nâng lên, là lực lượng nòng cốt trong việc phổ biến giáo dục pháp luật cho CNVC-LĐ.

Tiểu ban phối hợp công tác PBGDPL của Tổng Liên đoàn được kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên; đã tổ chức nhiều đợt công tác triển khai kế hoạch hoạt động và kiểm tra tình hình hoạt động ở cơ sở; tham mưu kịp thời cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đẩy mạnh công tác PBGDPL trong CNVC-LĐ.

2. Nội dung và các hình thức PBGDPL đã được tổ chức thực hiện

Năm 2004, Tổng Liên đoàn đã tập trung chỉ đạo các LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành Trung ương quán triệt Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương; Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 170/KH-TLĐ của Tổng Liên đoàn. Nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật đã được tổ chức thực hiện.

a. Tổ chức tập huấn, toạ đàm, thi tìm hiểu… tiếp tục là hình thức PBGDPL thu hút được đông đảo CNVC-LĐ tham gia, đạt hiệu quả thiết thực. Nhiều bộ luật và văn bản luật có liên quan trực tiếp đến người lao động được phổ biến hoặc lấy ý kiến rộng rãi như: Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh về đình công và giải quyết đình công, Luật Lao động đã sửa đổi bổ sung, Bộ luật Tố tụng dân sự, Pháp lệnh phòng chống mại dâm…

Kết quả trong năm 2004, theo thống kê chưa đầy đủ, các cấp Công đoàn đã mở được trên 50 lớp tập huấn, 2.206 cuộc tuyên truyền, thu hút 1.244.223 lượt cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động tham gia. Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật đã được tổ chức tại cơ sở, ngành và địa phương thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia, có tác dung tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

b. PBGDPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng

Hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng của Công đoàn đã trở thành công cụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật kịp thời, có hiệu quả tới người lao động. Hiện nay, TLĐ có 9 tờ báo và tạp chí, một nhà xuất bản; trong đó Báo Lao động, Báo Người lao động thành phố Hồ Chí Minh, Báo Lao động Thủ đô có nhiều đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Các chương trình truyền hình, phát thanh Lao động và Công đoàn trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội và các đài phát thanh, truyền hình ở các địa phương đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Nhìn chung các LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành TW đều có tờ tin riêng hoặc chuyên trang Công đoàn và mục giải đáp pháp luật trên các báo, phát thanh, truyền hình của tỉnh và các tạp chí ngành. Nhiều tin, bài, phóng sự điều tra đã phát hiện nhiều chủ doanh nghiệp vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động như trốn đóng bảo hiểm xã hội, làm quá giờ không trả lương đúng quy định, điều kiện làm việc không đảm bảo, sa thải công nhân trái luật…có tác dụng tốt.

Năm 2004, hệ thống Công đoàn đã có 1.541 tin, bài đạt chất lượng tốt được đăng tải. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đài truyền hình tỉnh tổ chức sân chơi truyền hình “Công nhân lao động với Bộ luật Lao động”, hàng tháng có 3 đơn vị tham gia, ghi hành phát sóng 2-3 lần/tháng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, CNVC-LĐ và khán giả xem truyền hình của địa phương.

c. Công tác trợ giúp pháp lý cho CNVC-LĐ

Tính đến 24/12/2004, đã có 38 LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành TW và Công đoàn Tổng công ty trực thuộc TLĐ triển khai thành lập tổ chức tư vấn pháp luật. Trong toàn hệ thống Công đoàn đã thành lập được 7 Trung tâm tư vấn pháp luật, 17 Văn phòng tư vấn pháp luật và 74 Tổ tư vấn pháp luật. Nội dung tư vấn pháp luật được tập trung vào lĩnh vực lao động, Công đoàn với các hình thức: giải đáp trực tiếp, trả lời bằng văn bản, tư vấn qua điện thoại… Nhiều trung tâm, văn phòng hoạt động có hiệu quả như ở LĐLĐ tỉnh Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tây, Long An và Đồng Nai.

Tổng Liên đoàn mở các lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn pháp luật, giới thiệu quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật Công đoàn cho gần 200 cán bộ làm công tác pháp luật Công đoàn trong toàn hệ thống. Tập huấn nghiệp vụ tư vấn pháp luật và cấp giấy chứng nhận tư vấn viên cho hơn 50 cán bộ Công đoàn làm công tác tư vấn pháp luật các LĐLĐ địa phương khu vực phía Nam.

Trực tiếp tư vấn cho hơn 100 người lao động, cán bộ Công đoàn về các nội dung liên quan tới Pháp luật Lao động, Công đoàn và các lĩnh vực khác, xây dựng hơn 20 văn bản của Tổng Liên đoàn trả lời, hướng dẫn, giải đáp cho người lao động, góp phần tích cực bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn.

Có thể khẳng định rằng, công tác tư vấn pháp luật của Công đoàn tiếp tục được quan tâm, củng cố và có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, tham gia giải quyết tranh chấp lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.

d. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, phát hành tài liệu tuyên truyền và xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở.

Với phương châm, mỗi cán bộ Công đoàn là một tuyên truyền viên trên mặt trận tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người lao động. Năm qua, Tổng Liên đoàn đã chú trọng xây dựng và nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật. Thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ Tuyên giáo hàng tháng, sinh hoạt định định kỳ của Tiểu ban Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật từ Tổng Liên đoàn tới cơ sở và hoạt động của Chi hội Luật gia Tổng Liên đoàn.

Trường Đại học Công đoàn Việt Nam hàng năm đào tạo khoảng 200 sinh viên có đầy đủ kiến thức pháp luật, là nguồn cung cấp cán bộ cho hệ thống công đoàn. Ban Nữ công Tổng Liên đoàn đã bồi dưỡng nghiệp vụ cho 200 nữ tuyên truyền viên về Pháp lệnh Dân số, các vấn đề về lao động nữ và trẻ em.

Tổng Liên đoàn cũng đã biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn thực hiện pháp luật, sổ tay, tờ gấp về những nội dung cơ bản của Pháp luật Lao động để tuyên truyền, phổ biến tới CNVC-LĐ.

Các LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành TW; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn cũng đã quan tâm xây dựng đội ngũ cộng tác viên, báo cáo viên pháp luật; đầu tư hàng trăm triệu đồng để biên soạn, phát hành hàng vạn đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật tới CNVC-LĐ.

e. Công tác tham gia xây dựng pháp luật

Năm 2004, Tổng Liên đoàn đã tham gia với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xây dựng 17 dự án luật, 3 dự án pháp lệnh, 2 Nghị định và 2 Thông tư liên tịch, trong đó có nhiều văn bản pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ CNVC-LĐ và tổ chức Công đoàn như: Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi bổ sung, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Thanh tra, Luật Thuế sử dụng đất, Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung, Pháp lệnh về đình công và giải quyết đình công, Nghị định về xử phạt hành vi vi phạm Pháp luật Lao động, Nghị định về tham khảo ý kiến các bên trong quan hệ lao động, Thông tư hướng dẫn về Thanh tra nhân dân, Thông tư liên tịch hướng dẫn về xây dựng và sử dụng tủ sách pháp luật tại cơ quan, doanh nghiệp, trường học…

Việc nghiên cứu lấy ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã từng bước tập trung được đông đảo trí tuệ, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên Công đoàn và người lao động. Đồng thời đây cũng là dịp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của CNVC-LĐ.

3. Một số hạn chế trong công tác PBGDPL

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, nhiều nơi còn làm qua loa, hình thức. Việc tuyên truyền pháp luật nhiều nơi chưa đến được CNLĐ trực tiếp sản xuất, nhất là khu vực kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, CNLĐ chưa hiểu biết đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, chưa tham gia tích cực vào quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật ở cơ sở.

Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật và tuyên truyền phổ biến pháp luật còn quá mỏng, chưa được tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng thường xuyên, nhiều nơi việc phân định chức năng, nhiệm vụ cho cán bộ làm công tác pháp luật chưa rõ ràng.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phong phú về hình thức, tài liệu thiếu, nhiều nơi chưa có tủ sách pháp luật, nếu có cũng chưa phát huy hết hiệu quả, CNLĐ trực tiếp sản xuất chưa có điều kiện đọc sách thường xuyên. Việc tuyên truyền pháp luật đến khu vực kinh tế NQD kết quả còn thấp.

Nhiều chủ sử dụng lao động ở doanh nghiệp NQD, liên doanh, 100% vốn nước ngoài còn cố tình làm trái pháp luật, vi phạm đến quyền lợi hợp pháp của người lao động như: Nợ lương nhiều tháng liền làm cho người lao động không có tiền để sinh hoạt hàng ngày; ký hợp đồng lao động “chuỗi” và không đóng bảo hiểm xã hội, không mua bảo hiểm y tế cho người lao động; hoặc do định mức lao động quá cao làm cho người lao động không thể hoàn thành công việc trong ca làm việc, không cấp đầy đủ bảo hộ lao động… Với sức ép của chủ doanh nghiệp về cường độ và thời gian làm việc quá căng thẳng, kéo dài trong nhiều năm, tháng đã dẫn tới nhiều cuộc tranh chấp lao động và đình công xảy ra.

Phần thứ hai:

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ CÔNG TÁC PBGDPL NĂM 2005 VÀ 2006

Tiếp tục quán triệt Chỉ thị 32 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 (ban hành kèm theo quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 1 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch số 170 ngày 11/2/2004 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2003-2008, công tác PBGDPL thời trong gian tới cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong tâm sau:

1. Tiếp tục thành lập các tổ chức tư vấn pháp luật của Công đoàn ở các cấp. Kiện toàn Tiểu ban Phối hợp công tác PBGDPL của Tổng Liên đoàn, các LĐLĐ địa phương, công đoàn ngành TW. Thành lập các Tiểu ban ở cấp LĐLĐ quận, huyện và tương đương.

2. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Pháp luật Lao động, Luật Công đoàn và những văn bản pháp luật mới có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động.

3. Tiếp tục củng cố đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Công đoàn ở các cấp. Nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ báo cáo viên, thường xuyên tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ, từng bước nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống Công đoàn.

4. Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy tối đa hiệu quả các hình thức tuyên truyền như : tập huấn, toạ đàm, nói chuyện chuyên đề, giải đáp pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng….Đặc biệt chú trọng đầu tư tuyên truyền cho CNVC-LĐ khu vực kinh tế NQD.

5. Chủ động tham gia nghiên cứu, xây dựng các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản luật khác có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và tổ chức Công đoàn. Nâng cao năng lực hoạt động của các văn phòng tư vấn pháp luật ở cơ sở.

6. Tích cực kiểm tra, đôn đốc công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở, đặc biệt là việc thành lập Tiểu ban Phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW và việc xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở. Kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành pháp luật ở cơ sở. Phát hiện, biểu dương những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp cho công tác này.

7. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của CNVC-LĐ nói riêng và toàn xã hội nói chung./.

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN
PHÓ CHỦ TỊCH


 
 
Nguyễn Hoà Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 30/TLĐ về việc báo cáo kết quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật năm 2004 phương hướng nhiệm vụ năm 2005 và 2006 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 30/TLĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 16/06/2005
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Hòa Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản