- 1Quyết định 390/QĐ-TTg năm 2008 điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) do Chính phủ ban hành
- 3Thông báo số 156/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị do Văn phòng Chính phủ ban hành
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 272/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG TRỊ
Ngày 22 tháng 9 năm 2008, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội từ năm 2006 đến năm 2008 và một số đề nghị của Tỉnh, ý kiến của các Bộ, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực, vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra, nên đã tạo được chuyển biến rõ rệt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách tăng khá; các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội chuyển biến tốt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, kiềm chế lạm phát, an sinh xã hội triển khai tích cực.
Quảng Trị vẫn là tỉnh nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ còn cao; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, chưa tạo được động lực cho thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách. Tỉnh cần tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, trong đó có lợi thế là tỉnh nằm trong Hành lang kinh tế Đông - Tây để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, Tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:
1. Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2008 là tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững theo Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ và Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Rà soát lại các chỉ tiêu đã đề ra của năm 2008 và nhiệm vụ của giai đoạn 2006 -2010; các yêu cầu, nhiệm vụ tại các Nghị quyết Trung ương 6,7 khóa X: "về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên", "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa", "về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" để đưa ra thảo luận tại Đại hội tỉnh Đảng bộ giữa nhiệm kỳ về các nhiệm vụ, mục tiêu cần đạt được với yêu cầu cao hơn, tầm nhìn dài hơn; động viên mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, phấn đấu đạt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2008 và các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của kế hoạch 5 năm 2006-2010.
3. Phối hợp với các cơ quan xây dựng và phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của vùng và cả nước; đồng thời, chủ động lập các dự án cụ thể để làm căn cứ huy động vốn trong và ngoài nước, kêu gọi đầu tư để triển khai, thực hiện đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế tạo động lực đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy Quảng Trị phát triển nhanh, bền vững.
4. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.
5. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đặc biệt là công tác luân chuyển cán bộ, tăng cường cán bộ giỏi cho cơ sở trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, thuế vụ...; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, chính trị, văn hóa cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hội nhập kinh tế quốc tế.
II. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu tại Mỹ Thủy (huyện Hải Lăng): đồng ý về chủ trương, giao Bộ Giao thông vận tải trong tháng 10 năm 2008 trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020 để Quảng Trị nghiên cứu, có căn cứ xây dựng dự toán, tính toán hiệu quả, tìm nguồn đầu tư, tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, khai thác lợi thế của Tỉnh nằm trong Hành lang kinh tế Đông - Tây, phục vụ việc xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Quảng Trị và các tỉnh miền Trung, tạo động lực cho Tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
2. Về xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương xem xét đưa vào quy hoạch khu kinh tế. Việc nghiên cứu quy hoạch phải bảo đảm hiệu quả kinh tế gắn với giải quyết đời sống xã hội của đồng bào khu vực bãi ngang và phù hợp với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về phát triển kinh tế biển đến năm 2020.
3. Về nguồn ngân sách đầu tư và chính sách cho Khu kinh tế- thương mại đặc biệt Lao Bảo: đồng ý ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu trong 5 năm (2009-2013), mỗi năm 50 tỷ đồng, tối đa bằng 50% số thu thuế xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu Lao Bảo để xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầngg Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho tỉnh Quảng Trị.
Về cơ chế liên Chính phủ cho Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo và Khu Kinh tế - thương mại Đensavăn: giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý IV năm 2008.
4. Việc đầu tư xây dựng các Di tích lịch sử chiến tranh cách mạng: Tỉnh cần huy động nhiều nguồn vốn khác nhau, kể cả nguồn vốn của các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng bảo đảm đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Tỉnh cần lựa chọn, xác định các di tích lịch sử cần tập trung, hoàn thành dứt điểm để làm cơ sở cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn hỗ trợ hàng năm.
5. Dự án tôn tạo di tích lịch sử hàng rào điện tử Mc. Namara: giao Bộ Quốc phòng chủ trì triển khai thực hiện để bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm của di tích hàng rào điện tử. Khi hoàn thành thì bàn giao cho Tỉnh quản lý khai thác.
6. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn trong kế hoạch năm 2009 cho công trình Nhà văn hóa Trung tâm Tỉnh (Công trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn).
7. Về vốn thanh toán khối lượng hoàn thành của tiểu Dự án di dân tái định cư Công trình thủy lợi - thủy điện Quảng Trị: đồng ý bổ sung 51 tỷ đồng từ ngân sách trung ương để thanh toán dứt điểm Dự án trong năm 2008.
8. Về hỗ trợ vốn thực hiện cầu Cửa Việt: thực hiện theo Văn bản số 156/TB- VPCP ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ. Bộ Tài chính cho tạm ứng từ ngân sách trung ương để thanh toán theo tiến độ hoàn thành của công trình cầu Cửa Việt. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí đủ vốn trong 2 năm 2009 và 2010.
9. Về kinh phí thoái thu tiền sử dụng đất (23,5 tỷ đồng): đồng ý về nguyên tắc ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách tỉnh để hoàn trả cho nhân dân số thu tiền sử dụng đất không đúng đối tượng (2002-2006); giao Bộ Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách tỉnh Quảng Trị báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để có nguồn thoái trả cho dân.
10. Về giải quyết địa giới hành chính giữa 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế: giao Bộ Nội vụ chủ trì kiểm tra việc 2 tỉnh tổ chức thực hiện Quyết định số 762-QĐ/TTg ngày 22 tháng 11 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản mà lãnh đạo hai tỉnh đã thỏa thuận, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án giải quyết.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và các Bộ, ngành liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Quyết định 390/QĐ-TTg năm 2008 điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 20/2008/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong những tháng cuối năm 2008 theo kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị và kết luận của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) do Chính phủ ban hành
- 3Thông báo số 156/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo số 272/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 272/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 24/09/2008
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Phượng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 24/09/2008
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực