Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/BC-TLĐ | Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2005 |
BÁO CÁO THÁNG 5 NĂM 2005
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục và phong trào thi đua trong CNVCLĐ
Nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp công đoàn trong cả nước đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục về Đảng, Bác Hồ với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam như: Họp mặt truyền thống, nói chuyện chuyên đề, chiếu phim tư liệu, phát động thi tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh; giao lưu văn nghệ, hội thao CNVCLĐ với chủ đề: “Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh”, “Thân thế, sự nghiệp, những công lao vĩ đại của Bác”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam”…
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp công đoàn quan tâm. Nội dung chủ yếu tập trung vào lĩnh vực pháp luật lao động, Luật Công đoàn, chính sách đổi mới DNNN, thực hiện qui chế dân chủ tại cơ sở dưới nhiều hình thức phong phú như tập huấn, hội thảo; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; thi tìm hiểu pháp luật, phát hành tài liệu và hoạt động tư vấn pháp luật… Đến nay, đã có 80% LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn TCT trực thuộc TLĐ tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; hầu hết LĐLĐ các địa phương đã thành lập Tiểu ban phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cử thành viên tham gia Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của địa phương và cán bộ chuyên trách theo dõi công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại cấp mình; hệ thống tư vấn pháp luật của công đoàn với 7 Trung tâm, 17 Văn phòng, 74 Tổ, Chi nhánh Văn phòng tư vấn pháp luật đã tư vấn, hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động cho hàng nghìn trường hợp.
Các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền CNVCLĐ thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình nhằm giảm mức tăng dân số tự nhiên hiện nay ở nước ta; đồng thời, phổ biến kiến thức sức khoẻ sinh sản và biện pháp phòng chống ma tuý, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội trong CNVCLĐ. LĐLĐ các tỉnh như Hà Nam vận động CNVCLĐ tham gia các hoạt động hưởng ứng tháng hành động Vì trẻ em và Ngày gia đình Việt Nam, chỉ đạo CĐCS tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS trong CNVCLĐ; Nam Định phối hợp với Uỷ ban Dân số – Gia đình – Trẻ em phổ biến Pháp lệnh dân số và các văn bản thực hiện chính sách dân số kế hoạch hoá gia đình; Quảng Nam tổ chức 30 lớp phổ biến kiến thức về Dân số – sức khoẻ sinh sản theo tiểu dự án VIE/01/PO6; Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng phổ biến về biện pháp phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS và chính sách dân số KHHGĐ cho CNLĐ khu vực NQD…
Các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Xanh, sạch, đẹp - đảm bảo ATVSLĐ”… lập thành tích chào mừng các ngày lễ của đất nước, tiến tới Đại hội thi đua CNVCLĐ và Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII, phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng đầu năm 2005; phong trào đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công trình sản phẩm đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong CNVCLĐ cả nước. Các cấp công đoàn thành phố Hồ Chí Minh vận động CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua, đã có 68 công trình hoàn thành với tổng giá trị đầu tư 336 tỷ đồng, làm lợi tiết kiệm 28,6 tỷ đồng; Bắc Giang, 48 sáng kiến được áp dụng, làm lợi tiết kiệm 661 triệu đồng; Cần Thơ, 194 công trình, sản phẩm, 373 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi hơn 5 tỷ đồng; Hải Dương 32 công trình, sản phẩm với tổng giá trị đầu tư 10 tỷ đồng… Cùng với việc vận động CNVCLĐ hưởng ứng các phong trào thi đua, LĐLĐ nhiều địa phương đã tổ chức tổng kết phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” (2000-2005) và Hội nghị điển hình tiên tiến, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do công đoàn phát động.
2. Một số tình hình về quan hệ lao động
Trong tháng, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 8 cuộc đình công. Có 6 cuộc xảy ra ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc 4 cuộc, Đài Loan 1 cuộc, Hồng Kông 1 cuộc), 2 cuộc xảy ra ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh khác. Số lượng công nhân tham gia đình công lên tới 23.000 người, đáng chú ý công ty Keyhing Toys (100% vốn Hồng Kông) đóng tại khu công nghiệp Hoà Khánh, thành phố Đà Nẵng có số lượng công nhân tham gia đình công đông nhất từ trước đến nay (10.000 công nhân); thời gian đình công kéo dài (4 doanh nghiệp đình công diễn ra từ 4 đến 9 ngày); các cuộc đình công có xu hướng diễn ra trên địa bàn rộng hơn (Đà Nẵng xảy ra 2 cuộc đình công, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Long An, Bắc Giang, Phú Thọ mỗi địa phương xảy ra 1 cuộc) và có tính chất phức tạp. Tại một số nơi, công nhân đã tụ tập, hò hét, trèo qua hàng rào vào doanh nghiệp và rải truyền đơn kêu gọi đình công (công ty Việt Nam Fan Pacific, 100% vốn Hàn Quốc, đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang).
Hầu hết, các cuộc đình công xảy ra ở những nơi đã có tổ chức công đoàn nhưng không thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo luật định và không do công đoàn cơ sở tổ chức, lãnh đạo. Nguyên nhân dẫn đến đình công chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật lao động, Luật Công đoàn, không thực hiện những cam kết trong thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động như xây dựng đơn giá tiền lương quá thấp, định mức lao động quá cao; thanh toán không đầy đủ chế độ phụ cấp, chế độ làm thêm giờ; nợ lương, chậm trả lương, phạt trừ lương tuỳ tiện, không giải quyết chế độ tiền thưởng; tổ chức tăng ca, làm thêm giờ trái với quy định của pháp luật, dẫn đến người lao động không có điều kiện nghỉ ngơi, phục hồi sức lao động; điều kiện lao động không được đảm bảo, nóng bức, không đủ nơi vệ sinh, nghỉ ngơi giữa ca không hợp lý; người quản lý hành xử thô bạo, hà khắc, thiếu văn hoá, nhục mạ công nhân. Mặt khác, do cơ quan chức năng chưa xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật lao động của người sử dụng lao động, dẫn đến đình công tái diễn nhiều lần. Cá biệt như Công ty TNHH Quốc Bảo, 100% vốn Đài Loan (thành phố Đà Nẵng), định mức lao động quá cao, thiếu công nhân trên dây chuyền nhưng vẫn ép sản lượng với số người thực có, làm thu nhập công nhân giảm, nhiều công nhân làm việc trên 10 năm nhưng chỉ được đóng BHXH từ 2 đến 3 năm; công ty may Đại Cát Tường (khu công nghiệp Tịnh Phong - Quảng Ngãi), công nhân chỉ nhận được 1/2 lương đã thoả thuận, nhiều công nhân 2 tháng không được trả lương…
Ngay sau khi xảy ra đình công, các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn quận, huyện và công đoàn KCX-KCN đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng có mặt kịp thời giải quyết sự việc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời giám sát việc thực thi các điều khoản đã thoả thuận giữa người sử dụng lao động với cơ quan chức năng và công nhân sau vụ đình công. Hầu hết các yêu sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân ở những mức độ khác nhau đã được người sử dụng lao động giải quyết.
3. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động
Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động luôn được các cấp công đoàn quan tâm, nhất là việc trả lương, thưởng cho người lao động và giải quyết chế độ, chính sách cho lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp DNNN. LĐLĐ Tây Ninh phổ biến chế độ, chính sách đối với lao động dôi dư cho CNLĐ các DNNN chuẩn bị cổ phần hoá và tham gia xét duyệt quỹ tiền lương cho 2 doanh nghiệp, chuyển xếp lương mới cho các HTX tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước; LĐLĐ Bắc Kạn tham gia với cơ quan chức năng duyệt và giao đơn giá tiền lương cho các đơn vị; LĐLĐ Hà Giang tham gia với Ban chỉ đạo đổi mới sắp xếp doanh nghiệp tỉnh giải quyết chế độ lao động dôi dư cho 763 người với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng…
Nhằm hỗ trợ người lao động tự giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm bớt sức ép về việc làm trong xã hội, LĐLĐ các tỉnh, thành phố được phân bổ nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm qua kênh Tổng Liên đoàn đã chủ động, tích cực khai thác nguồn vốn mới và thực hiện quay vòng vốn kịp thời, nên hầu hết các dự án triển khai cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả. Tính riêng 5 tháng đầu năm, đã có 1.644 hộ được vay vốn với tổng số tiền 6.407 triệu đồng, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 2.325 lao động, trong đó, số lao động thu hút mới là 1.766 người.
Trước thực trạng các cuộc đình công xảy ra ngày càng phức tạp, với số lượng lớn người tham gia và kéo dài trong nhiều ngày, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp giải quyết tranh chấp lao động và đình công ở Việt Nam”; tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các cuộc đình công. Tập trung đánh giá đúng tình hình và nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động, đình công hiện nay, từ đó đưa ra các biện pháp giải quyết, xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định tại các doanh nghiệp, góp phần hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các cuộc đình công sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới.
Trong tháng, LĐLĐ nhiều địa phương đã tham gia với cơ quan chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp và đề nghị thanh tra xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật của nhiều doanh nghiệp. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân, cơ sở sản xuất nhỏ và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều vi phạm pháp luật lao động như không thực hiện đúng thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chưa xây dựng nội qui lao động, TƯLĐTT, không đóng BHXH hoặc đóng tỷ lệ thấp so với tổng số lao động đã ký HĐLĐ, không xây dựng qui chế trả lương, trả thưởng…
Để thực hiện Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003, Luật công đoàn và Qui chế dân chủ ở DNNN ban hành kèm theo Nghị định 07 của Chính phủ, ngày 16/5/2005, Tổng Liên đoàn LĐVN và Bộ Lao động TBXH đã ban hành Thông tư liên tịch Hướng dẫn tổ chức và hoạt động đại hội CNVC trong công ty nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cụ thể cho việc thực hiện dân chủ tại cơ sở thông qua tổ chức đại hội CNVC.
Ngày 26/5, Tổng Liên đoàn tổ chức hội nghị phổ biến và triển khai thực hiện Nghị định số 19/2005/NĐ-CP quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm. Hiện nay, toàn hệ thống công đoàn có 49 Trung tâm giới thiệu việc làm, hoạt động của các Trung tâm ngày càng hiệu quả, góp phần đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Riêng trong tháng 5, Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc LĐLĐ tỉnh An Giang mở đào tạo nghề cho 166 học viên, tư vấn việc làm cho 186 lao động, giới thiệu việc làm cho 60 lao động; Bình Dương tư vấn việc làm cho 370 lao động, giới thiệu việc làm cho 146 lao động; Vĩnh Long tư vấn việc làm cho 95 lao động, giới thiệu việc làm cho 56 lao động; Cần Thơ giới thiệu việc làm cho 58 lao động…
4. Kết quả 5 năm thực hiện Quyết định 736/QĐ-TLĐ ngày 5/6/2000 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo
Sau khi Quyết định 736 được ban hành, hoạt động giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của Công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng những yêu cầu bức xúc, chính đáng của đoàn viên và người lao động.
Từ năm 2000 đến đầu năm 2005, các cấp công đoàn đã tiếp 39.897 lượt người đến khiếu nại, tố cáo. Trong đó, Tổng Liên đoàn tiếp 650 lượt người, LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW tiếp 11.974 lượt người, công đoàn quận, huyện và tương đương tiếp 16.928 lượt người, công đoàn cơ sở tiếp 10.345 lượt người. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan và thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn là 7.319 đơn, tập trung vào nội dung khiếu nại quyết định kỷ luật, tiền lương, tiền thưởng, bố trí việc làm, nhà ở, đất ở, một số vụ vi phạm Điều lệ và công tác quản lý cán bộ, sử dụng ngân sách không đúng quy định. Các cấp công đoàn đã cố gắng giải quyết và góp phần giải quyết tương đối kịp thời những đơn thư khiếu nại có liên quan đến quyền lợi người lao động. Đã có 86% số đơn thư thuộc thẩm quyền của Công đoàn và 82% số đơn thư thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước được các cấp công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Nhiều đơn vị phấn đấu giải quyết 100% số đơn thư như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Thừa Thiên Huế, Công đoàn Công nghiệp, Công đoàn Viên Chức, Công đoàn Bưu Điện… Đối với những đơn thư không thuộc thẩm quyền của mình, các cấp công đoàn đã tư vấn cho người lao động về cách thức giải quyết, chuyển cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và thông báo kết quả cho người lao động.
Công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đã giúp cho 7.254 người được trở lại làm việc, 1.543 người được hạ mức kỷ luật; 30.698 người được giải quyết các quyền lợi. Riêng LĐLĐ TP Hồ Chí Minh đã giúp cho 5.879 người được hưởng trợ cấp thôi việc, tai nạn lao động, bảo hiểm xã hội với số tiền trên 7,6 tỷ đồng. LĐLĐ Đồng Nai đã giúp 125 người được trở lại làm việc, 79 người được hạ mức kỷ luật, 89 người được ký HĐLĐ và các quyền lợi khác; 547 người được hưởng chế độ thôi việc, trợ cấp BHXH, tiền lương, tiền thưởng với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. LĐLĐ Nghệ An, 18 người được tiếp tục làm việc, 14 người hạ mức kỷ luật, 6 người được chuyển hưởng chế độ hưu… Các cấp công đoàn đã tích cực tham gia giải quyết các khiếu nại tập thể có liên quan đến quá trình sắp xếp, chuyển đổi DNNN, đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá DNNN và góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 736, công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục như tình trạng tồn đọng đơn thư vẫn còn (chiếm tỷ lệ 17%); việc theo dõi, giám sát, đôn đốc quá trình giải quyết những đơn thư thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác còn hạn chế (chỉ đạt 82%); tình trạng đơn thư vượt cấp và khiếu kiện kéo dài còn nhiều, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong quá trình phối hợp giải quyết, tác động không tốt đến sự ổn định của quan hệ lao động và uy tín của tổ chức Công đoàn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và năng lực thực tiễn của một số cán bộ công đoàn về Luật khiếu nại, tố cáo, Qui định 736 còn nhiều hạn chế, nhất là cấp cơ sở; đội ngũ cán bộ được giao nhiệm vụ giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn biến động, thiếu thông tin và điều kiện làm việc; nhiều người lao động và đoàn viên công đoàn chưa hiểu đúng và đầy đủ về quyền hạn, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật; một số cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; một số người sử dụng lao động thiếu thiện chí trong việc xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại và nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Trong thời gian tới, công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn là hoạt động quan trọng của tổ chức Công đoàn. Các cấp công đoàn cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến Luật khiếu nại, tố cáo và các văn bản liên quan đến cán bộ công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động; bồi dưỡng cán bộ tiếp dân và cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát triển trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật tại các LĐLĐ địa phương, công đoàn ngành TW; phối hợp với chính quyền trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui chế dân chủ cơ sở, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động; tăng cường kiểm tra việc thi hành Điều lệ, kiểm tra công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với các cấp uỷ Đảng, cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương, ngành, cơ sở.
5. Một số hoạt động khác
- Từ ngày 17 - 18/5, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn họp thảo luận dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành về “Đẩy mạnh công tác pháp luật Công đoàn trong tình hình mới” và dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường công tác bảo hộ lao động trong tình hình mới”.
- Ngày 16/5, Tổng Liên đoàn LĐVN và Bộ Lao động TBXH họp liên tịch kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chương trình phối hợp công tác năm 2004 và thống nhất chương trình phối hợp năm 2005, tập trung công tác nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật; hướng dẫn thực hiện chính sách cho CNVCLĐ trong quá trình sắp xếp lại DNNN và thực hiện quyền dân chủ của CNVCLĐ trong công ty nhà nước; phối hợp tuyên truyền các DN đẩy mạnh công tác ATVSLĐ và kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động; đào tạo nghề, giải quyết việc làm và tạo điều kiện xây dựng nhà ở cho người lao động…
- Ngày 26/5, Tổng Liên đoàn tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 736/QĐ-TLĐ ngày 5/6/2000 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hội nghị đã thảo luận, thông qua báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 736; đóng góp ý kiến vào dự thảo quy định mới thay thế QĐ 736 và trao bằng khen của Tổng Liên đoàn cho 17 tập thể, 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại tố cáo.
- Ngày 10/5, Tổng Liên đoàn và Tổng Công đoàn Nhật Bản (JTUC - Jengo) tổ chức hội thảo “Vì mối quan hệ lao động tốt đẹp hơn trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam”. Hội thảo giúp cán bộ công đoàn tìm hiểu kinh nghiệm hoạt động công đoàn tại các công ty đa quốc gia của Nhật Bản và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
| T/L ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐVN |
Thông báo số 25/BC-TLĐ về việc báo cáo tháng 5 năm 2005 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 25/BC-TLĐ
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 31/05/2005
- Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Người ký: Hoàng Ngọc Thanh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra