Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

Số 208/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2004

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM TẠI PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG TRUNG ƯƠNG

Ngày 05 tháng 10 năm 2004 tại Hà Nội, Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương (HĐGDQPTW) đã họp để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng 9 tháng của năm 2004, xác định biện pháp thực hiện công tác giáo dục quốc phòng quý IV năm 2004 và định hướng nhiệm vụ công tác giáo dục quốc phòng năm 2005.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Hội đồng; ý kiến của Bộ trưởng Phạm Văn Trà và ý kiến của các đồng chí dự họp, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương đã kết luận:

I- Về kết quả thực hiện công tác giáo dục quốc phòng 9 tháng năm 2004.

1. HĐGDQPTW đã tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng đạt kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục quốc phòng tiến bộ hơn, tạo được sự chuyển biến quan trọng về nhận thức của cán bộ các cấp, các ngành và toàn dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Hội đồng giáo dục quốc phòng cấp tỉnh, cấp huyện đã được thành lập, củng cố, kiện toàn ở tất cả 64 tỉnh và 653 huyện.

2. Các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai công tác GDQP được ban hành và bổ sung kịp thời.

3. Một số Uỷ viên Hội đồng và Cơ quan Thường trực đã tích cực tham gia kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng ở các quân khu, địa phương và đã có có nhiều ý kiến giúp Hội đồng chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng có hiệu quả.

4. Các Bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp đã lãnh đạo và chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện đồng bộ công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh (BDKTQPAN) cho đội ngũ cán bộ chủ chốt, nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở các cấp, các ngành.

5. Giáo dục quốc phòng trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt là trong học sinh, sinh viên đã có kết quả, số lượng ngày càng tăng, chất lượng ngày càng tốt.

6. Đã biên soạn giáo trình BDKTQPAN cho các đối tượng, kể cả các đối tượng học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, các phân viện, các trường chính trị địa phương, giáo trình 14 tháng, 9 tháng và 6 tháng đào tạo cán bộ, xã, phường, đội trưởng.

Tuy vậy, công tác giáo dục quốc phòng trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế như:

- Nhận thức về nội dung, yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Nghị quyết Trung ương 8 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, âm mưu thủ đoạn chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chưa đầy đủ.

- Chất lượng và phương pháp giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế, nhất là học sinh các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, các trường không có giáo viên chuyên trách, các trường cao đẳng, đại học chưa có trung tâm giáo dục quốc phòng. Đầu tư giáo dục quốc phòng cho vùng sâu, vùng xa chưa được chú trọng. Tỷ lệ BDKTQPAN theo quy định chưa cao.

- Chậm triển khai việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên để đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục quốc phòng.

- Chậm triển khai đầu tư hai câu lạc bộ thể thao quốc phòng: Hàng không, Hàng hải.

II. Một số nội dung trọng tâm công tác giáo dục quốc phòng quý IV năm 2004 và năm 2005.

1. Hoàn chỉnh một số văn bản:

- Đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng có chủ trương và Chính phủ có chỉ thị về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số  15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục quốc phòng.

- Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn về việc BDKTQPAN cho cán bộ các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở.

2. Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho cán bộ các cấp, các ngành.

- Học viện Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Cục đào tạo (Bộ Công an), Cơ quan Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương xây dựng chương trình cập nhật kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ cấp Bộ trưởng, trưởng ban, ngành, khối cơ quan Trung ương với thời gian khoảng 15 - 20 ngày.

Chương trình BDKTQPAN cho đối tượng 1 tại Học viện Quốc phòng tiếp tục thực hiện với thời gian 30 ngày; thời gian, địa điểm đi nghiên cứu thực tế cần bố trí cho phù hợp với đối tượng từng lớp.

- Bộ Quốc phòng biên soạn chương trình, giáo trình BDKTQPAN cho đối tượng là bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng khu phố, trưởng bản và tương đương (gọi chung là đối tượng 4); đảng viên không thuộc đối tượng 1, 2, 3, 4 (gọi chung là đối tượng 5) để thực hiện thống nhất trong cả nước từ năm 2005. Chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các chức sắc tôn giáo, trước mắt do Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh (thành phố) chủ trì xây dựng cho phù hợp với đặc điểm tôn giáo ở địa phương.

- Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuẩn bị nội dung giáo dục về an ninh, phòng thủ dân sự để lồng ghép vào chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh bậc trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, sinh viên cao đẳng, đại học, cán bộ từ cơ sở đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể. Cục Dân quân tự vệ của Bộ Quốc phòng phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công an chuẩn bị báo cáo chương trình, nội dung giáo dục kiến thức an ninh, phòng thủ dân sự nêu trên trong phiên họp cuối năm của Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương.

Mặc dù bổ sung thêm nội dung an ninh, nhưng không xây dựng thêm trường sở mà dựa vào hệ thống trường Đảng, Học viện Quốc phòng, trường quân sự quân khu, trường quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức BDKTQPAN.

Học viên các lớp BDKTQPAN tại Học viện Quốc phòng do Ban Tổ chức Trung ương triệu tập.

- Cục Dân quân tự vệ của Bộ Quốc phòng phối hợp với Vụ Quản lý Đào tạo của Ban Tổ chức Trung ương, rà soát cán bộ chủ chốt cấp cục, vụ, viện, hiệu trưởng một số trường đại học, các tổng công ty nhà nước để tổ chức BDKTQPAN tại Học viện Quốc phòng. Các cơ quan tổ chức Trung ương, đơn vị sự nghiệp Trung ương, các doanh nghiệp Trung ương có cán bộ lãnh đạo được xếp tương đương đối tượng 2 đứng chân trên các tỉnh, thành phố được BDKTQPAN tại các trường quân sự quân khu hoặc tại tỉnh, thành phố. Đối tượng này do cấp uỷ, chính quyền địa phương và Hội đồng giáo dục quốc phòng cấp tỉnh triệu tập.

3. Giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên:

- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đào tạo đủ giáo viên giáo dục quốc phòng cho các trường trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề trong năm 2005. Trước mắt cần cử giáo viên kiêm nhiệm hoặc hợp đồng, mời giảng.

- Giáo viên giáo dục quốc phòng ở các trường trung học phổ thông phải nắm vững các vấn đề: võ thuật, điều lệnh đội ngũ, phòng thủ dân sự, y tế, cứu hoả, cứu sập, phòng không sơ tán, phòng chống tội phạm, ma tuý, truyền thống lực lượng vũ trang nhân dân, lịch sử quân sự...

Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu bổ sung các vấn đề nêu trên vào chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên. Trước mắt, trong năm 2004 và 2005, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các học viện, nhà trường, cơ quan quân sự và công an các cấp giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên làm công tác GDQPAN về những nội dung mới được bổ sung.

- Từ năm học 2005 - 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương tổ chức giảng  dạy môn giáo dục quốc phòng ở các trường trung học phổ thông, có đánh giá kết quả như các môn học khác; chú ý bảo đảm kinh phí cho môn này để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

4. Về củng cố và xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng, câu lạc bộ thể thao quốc phòng.

- Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 07/2003/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch hệ thống Trung tâm giáo dục quốc phòng sinh viên giai đoạn 2001 -2010, cần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các trung tâm giáo dục quốc phòng ở vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long vào hoạt động.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng sinh viên 2001 - 2010 bằng nguồn vốn từ chương trình hỗ trợ đầu tư có mục tiêu. Bộ Quốc phòng cử sĩ quan biệt phái để ổn định tổ chức và hoạt động của các trung tâm mới thành lập.

- Các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chỉ đạo chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Câu lạc bộ Hàng không, Hàng hải.

5. Một số vấn đề khác cần tiếp tục thực hiện.

- Các đồng chí thành viên Hội đồng: Phùng Khắc Đăng, Đào Duy Quát, Trần Chiến Thắng và các cơ quan chức năng chỉ đạo xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí, đài phát thanh, truyền hình Trung ương, báo cáo Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương vào cuối quý IV năm 2004.

- Tổ chức đoàn cán bộ của HĐGDQP Trung ương đi nghiên cứu kinh nghiệm giáo dục quốc phòng và phòng thủ dân sự ở ấn Độ, Mi-an-ma vào năm 2004, 2005.

- Bộ Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập dự toán kinh phí GDQPAN trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng cho hoạt động của HĐGDQPTW và cấp quân khu; kinh phí xây dựng và hoạt động của câu lạc bộ Hàng không, Hàng hải, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trước mắt, những nội dung còn tồn đọng đã thực hiện không nằm trong dự toán, cần đề nghị để bổ sung kinh phí 6 tháng cuối năm 2004.

III. Biện pháp thực hiện

1. Cơ quan Thường trực sớm xây dựng kế hoạch công tác giáo dục quốc phòng năm 2005, lấy ý kiến các thành viên Hội đồng, báo cáo Chủ tịch HĐGDQPTW trong tháng 12 năm 2004; đồng thời chuẩn bị mọi mặt cho Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 62-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục quốc phòng.

2. Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công tác điều tra ở các Bộ, Ban, ngành và các địa phương; hoàn thành kiểm tra 3 tỉnh Tây Nguyên thuộc điạ bàn Quân khu 5 vào tháng 11 năm 2004.

3. Hội đồng giáo dục quốc phòng các cấp chỉ đạo các đơn vị, địa phương đưa nội dung giáo dục quốc phòng thành tiêu chí thi đua thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược, cuối năm xem xét có hình thức khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
CHỦ NHIỆM VP CHÍNH PHỦ

PHÓ CHỦ NHIỆM





Nguyễn Văn Lâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 05/11/2004 của Văn phòng Chính phủ về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại phiên họp Thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng Trung Ương

  • Số hiệu: 208/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 05/11/2004
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản