Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 198/2006/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN SINH HÙNG TẠI CUỘC HỌP VỀ SẮP XẾP, ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH

Ngày 14 tháng 11 năm 2006, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì họp với các Bộ, ngành về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, ngành, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng có ý kiến như sau:

1. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, các Bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương ban hành các văn bản thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ; cơ bản hoàn thành phê duyệt 45/47 phương án sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh của các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Cà phê Việt Nam và Tổng công ty Cao su Việt Nam, làm cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phân loại cụ thể để xây dựng phương án chi tiết đổi mới và phát triển các nông, lâm trường trong phạm vi cả nước.

2. Tuy nhiên, việc tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện của Bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ: một số văn bản hướng dẫn ban hành không theo kịp thời gian quy định; việc xây dựng, thẩm định và trình duyệt phương án sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng; các nội dung và giải pháp đổi mới, phát triển nông, lâm trường quốc doanh hầu như chưa được triển khai.

3. Để đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty nhà nước có nông, lâm trường, cần tập trung triển khai một số công việc sau:

a) Tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh đến cán bộ công nhân viên nông, lâm trường để tạo sự thống nhất triển khai thực hiện. Mỗi đơn vị phải rà soát, bổ sung chương trình hành động triển khai, thực hiện phù hợp với lộ trình đổi mới phát triển doanh nghiệp chung của đơn vị, nhằm sử dụng có hiệu quả đất đai hơn, cải thiện đời sống người lao động, góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương.

b) Sớm hoàn thành việc chuyển giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi, cơ sở trường học, trạm y tế của các nông, lâm trường quốc doanh cho địa phương quản lý, xử lý dứt điểm các khoản phải thanh toán và nợ của các công trình sau khi bàn giao. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hướng dẫn các nông, lâm trường quốc doanh triển khai thực hiện việc chuyển giao và tổng hợp kết quả chuyển giao, thanh toán, báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2007.

c) Tiếp tục rà soát và điều chỉnh bổ sung phù hợp cơ chế chính sách giải quyết lao động dôi dư trong khi sắp xếp lại các nông, lâm trường quốc doanh; Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với đặc thù lao động làm việc trong các nông, lâm trường quốc doanh.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu đề xuất mô hình, bổ sung cơ chế chính sách đối với nông lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp tiếp tục giữ lại củng cố và phát triển thực hiện nhiệm vụ hoạt động công ích, lâm trường chuyển thành đơn vị sự nghiệp (ban quản lý).

đ) Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, triển khai thí điểm cổ phần hóa vườn cây gắn với cơ sở chế biến theo hướng đại diện cho từng cây, con, ngành nghề sản xuất và vùng sinh thái để cuối năm 2007 sơ kết rút kinh nghiệm, bổ sung cơ chế chính sách cho tiếp tục mở rộng thí điểm.

e, Các Bộ, nghành căn cứ nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 179/2003QĐ-TTg (ngày 03/09/2003) của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành việc ban  hành các văn bản hướng dẫn hoặc trình cấp có thẩm quyền để ban hành. Đối với văn bản đã hướng dẫn nếu có nội dung cần điều  chỉnh bổ sung phải điều chỉnh  bổ sung cho phù hợp.

g, Củng cố lại Ban chỉ đạo sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh. trưởng ban chỉ đạo phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, có chương trình, kế hoạch công tác cụ thể để kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện từng thời kỳ. Ban chỉ đạo cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh; Giúp thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, nghành, địa phương, Tổng công ty nhà nước triển khai thực hiện việc sắp xếp đổi mới nông, lâm trường quốc doanh.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần hoàn thành thẩm định phương án sắp xếp các nông, lâm trường trực thuộc trình Thủ tướng phê duyệt.

4, Về việc rà soát hiện trạng quản lý, sử dụng đất và xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh.

a, Trong quý I/2007, các nông, lâm trường quốc doanh hoàn thành rà soát, kê khai việc sử dụng đát và báo cáo UBND tỉnh , thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất và cơ quan cấp trên là Bộ, nghành,Tổng công ty nhà nước theo nội dung hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung rà soát, kê khai việc quản lý, sử dụng đất trong các nông, lâm trường quốc doanh và tổng hợp kết quả rà soát này báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

b, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ, nghành,Tổng công ty nhà nước chỉ đạo các nông, lâm trường quốc doanh xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết của nông, lâm trường đang quản lý sử dụng trên địa bàn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương đã được phê duyệt, quy hoạch phát triển nghành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh và kết quả rà soát quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh. Trong quy hoạch sử dụng đất chi tiết này phải xác định rõ diện tích từng loại đất được giữ lại sử dụng, phương án sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, diện tích đất bàn giao cho địa phương.

c, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các nông, lâm trường quốc doanh trên địa bàn. Thực hiện việc cho thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với diện tích của nông, lâm trường giữ lại để sản xuất kinh doanh: giao đất không thu tiền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nông, lâm trường thực hiện nhiệm vụ công ích, sự nghiệp có thu, nông , lâm trường thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng an ninh tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng chiến lược quốc phòng, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: đất để làm dịch vụ sản xuất giống, xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trong vùng.

Đối với diện tích đất giữ lại đã thực hiện khoán đến hộ công nhân và người lao động nếu thực hiện đúng hợp đồng, sử dụng đúng mục đích thì hộ nhận khoán được tiếp tục sử dụng đất đai theo đúng hợp đồng đã ký kết và có điều chỉnh, bổ sung phù hợp trách nhiệm quản lý đất đai của nông, lâm trường. Những diện tích đất khoán trắng cho người nhận khoán (thực chất là cho thuê đất), thì phải làm thủ tục thu hồi đất và chuyển sang hình thức giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với diện tích đất của nông, lâm trường bị lấn chiếm, có tranh chấp, vi phạm thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo giải quyết dứt điểm từng trường hợp theo quy định của pháp luật.

Đối với diện tích nông, lâm trường không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng không có hiệu quả: diện tích đã cho thuê, đã chuyển nhượng, đã cho mượn: diện tích đất đã bán vườn cây: diện tích đất của nông trường phải giải thể: diện tích đất phải điều chỉnh do thu hẹp nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thu hồi để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai.

d,  Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện việc xác định cụ thể ranh giới, mốc giới sử dụng đất, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nông, lâm trường quốc doanh sử dụng đất.

đ, Việc xử lý, quản lý, sử dụng đất đã thu hồi thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/09/2004 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới nông trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh.

e, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nông, lâm trường quốc doanh. Bộ Tài chính hướng dẫn sử dụng kinh phí cho việc triển khai thực hiện rà soát, đo đạc lại hiện trạng sử dụng đất của nông, lâm trường quốc doanh.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Kinh tế Trung ương;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư,
 Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
 Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường,
 Lao động - Thương binh và Xã hội,
 Nội vụ, Quốc phòng, Công an;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo đỏi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương;
- Các UBND, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
- Tổng công ty Cà phê Việt Nam;
- Tổng công ty Cao su Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN: Phạm Viết Muôn,
 Văn Trọng Lý, Nguyễn Quốc Huy,
 các Vụ: KTTH, ĐMDN, ĐP, TH, Website Chính phủ;
- Lưu: VT, NN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
 
 


Phạm Viết Muôn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 198/2006/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 198/2006/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 28/11/2006
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Viết Muôn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản