Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/TB-UB-QLĐT | TP. Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 03 năm 1995 |
THÔNG BÁO
VỀ QUY HOẠCH BỐ TRÍ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẬP TRUNG VÀ CÁC KHU DÂN CƯ KẾ CẬN
Thường trực Thành ủy và Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã nghe báo cáo về quy hoạch bố trí các khu công nghiệp tập trung và các khu dân cư gắn với khu công nghiệp tập trung trên địa bàn thành phố (tới 2010) và các khu tập trung đầu tư xây dựng trước mắt do Kiến trúc sư trưởng thành phố và Viện Nghiên cứu quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị thành phố trình bày. Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố thông báo ý kiến chỉ đạo thực hiện sau đây:
1/ Chấp thuận quy hoạch bố trí các khu công nghiệp tập trung, các khu dân cư gắn liền với khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (sơ đồ kèm theo) phù hợp với định hướng quy hoạch Tổng mặt bằng thành phố năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dựa vào quyết định phê duyệt của Ủy ban nhân dân thành phố về quy hoạch chung các quận, huyện (10/02/1995). Hướng bố trí này đã chú ý tới đặc điểm thành phố Hồ Chí Minh trong mối quan hệ phát triển địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, trực tiếp là khu vực tam giác thành phố Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Bà Rịa – Vũng Tàu đang nghiên cứu xác lập.
2/ Bố trí cụ thể các khu công nghiệp tập trung cần phải tính đến mối quan hệ khắng khít với phát triển các khu đô thị hóa, các đô thị phụ cận nhằm giải quyết công ăn việc làm, cân đối lao động, bố trí dân cư đô thị hợp lý, tránh tập trung quá nhiều vào nội thành hiện tại. Tại các khu vực trên phải đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chú ý đầy đủ việc đảm bảo môi trường sống tốt hơn cho dân cư trong hướng phát triển lâu dài thành phố.
3/ Về loại hình công nghiệp sẽ phát triển phù hợp với thế mạnh thành phố là trung tâm công nghiệp của cả nước, tuy nhiên không rải đều các nơi mà phải cân nhắc lựa chọn, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ hiện đại, qui mô hợp lý và có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng khu vực thành phố. Vị trí, qui mô cho mỗi khu công nghiệp cần chú ý điều kiện thực thi việc đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật: đường xá, cấp nước, cấp điện, thoát nước… Dự kiến trong 15 năm tới (đến 2010) thành phố có 12 khu công nghiệp tập trung trên đất ngoại thành (phụ lục danh mục kèm theo), diện tích đất cần chuẩn bị gần 6.000 ha. Cạnh các khu công nghiệp tập trung phải bố trí đồng bộ các khu dân cư (cùng với các công trình phúc lợi phù hợp) theo dạng đô thị phụ cận đáp ứng yêu cầu phục vụ đồng bộ cho sản xuất và đời sống, tạo điều kiện giảm nhanh sự dồn ép vào khu nội thị hiện nay và những năm kế tiếp sắp tới.
4/ Nguyên tắc bố trí các loại công nghiệp vào các khu công nghiệp tập trung còn phải chú ý yếu tố môi trường, phân theo cấp sau đây:
- Đối với khu công nghiệp sạch, không đặt yêu cầu phải có khoảng cách ly với khu dân cư. Sử dụng các cơ sở hiện hữu trong khu vực nội thành cũ hiện nay. Các cơ sở loại này được phép tồn tại một thời gian nữa, không mở rộng, có thể đầu tư chiều sâu và đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn môi trường của nhà nước quy định.
- Công nghiệp nhẹ có yêu cầu vùng đệm (cách ly khoảng 50m với khu dân cư) bố trí tại các quận ven.
- Công nghiệp thông thường, vùng đệm không lớn (khoảng cách 100m với khu dân cư) được bố trí vào các cụm công nghiệp tập trung ở ngoại thành.
- Các loại công nghiệp có gây ô nhiễm độc hại, loại đặc biệt phải đảm bảo vùng đệm ít nhất 500m với khu dân cư, hướng bố trí các cụm loại này phải tập trung vào các khu riêng ở ngoại thành để có điều kiện xử lý ô nhiễm.
Các loại công nghiệp (trừ công nghiệp sạch) nếu vị trí ở đầu hướng gió với khu dân cư tập trung cần có vùng đệm lớn gấp hai lần quy định trên.
5/ Hướng xây dựng các khu công nghiệp tập trung đợt đầu đến năm 2000.
Trước mắt, thành phố sớm tập trung đầu tư xây dựng một số khu công nghiệp có điều kiện triển khai ngay, có thuận lợi về đất đai, ít phải giải tỏa và bố trí lại dân cư, có khả năng xây dựng nhanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Dựa vào các yếu tố cần thiết trên, thứ tự ưu tiên đầu tư các khu công nghiệp tập trung và giao các đơn vị đầu mối quản lý kết hợp triển khai thực hiện như sau:
5.1/ Triển khai xây dựng đồng bộ 2 khu công nghiệp chế xuất:
a) Khu chế xuất Tân Thuận (Nhà Bè): diện tích 300 ha. Giao công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận cùng liên doanh triển khai tiếp.
b) Khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức): diện tích 60 ha. Giao khu chế xuất Sepzone Saigon cùng liên doanh triển khai tiếp.
5.2/ Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp (Hóc Môn): diện tích 500 ha. Giao Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.3/ Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè): diện tích 2000ha. Giao công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận cùng liên doanh triển khai tiếp.
5.4/ Khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Chánh): diện tích 2000ha. Giao Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.5/ Khu công nghiệp Bình Phú (Quận 6): diện tích 259ha. Giao Ủy ban nhân dân quận 6 chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.6/ Khu công nghiệp phường 15, 16 (Tân Bình): diện tích 207ha (gồm cả khu dân cư). Giao Ủy ban nhân dân quận Tân Bình chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.7/ Khu công nghiệp Bình Hòa (Bình Thạnh): diện tích 150ha (gồm cả khu dân cư). Giao Ủy ban nhân dân quận Bình Thạnh chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.8/ Khu công nghiệp Cát Lái (Thủ Đức): diện tích 400ha (chuẩn bị mặt bằng lâu dài 1000ha). Giao khu chế xuất Sepzone Saigon triển khai tiếp.
5.9/ Khu công nghiệp Tây Bắc huyện lỵ Củ chi: diện tích 300ha. Giao Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.10/ Khu công nghiệp kỹ thuật cao (Thủ Đức): diện tích 300ha (chuẩn bị mặt bằng lâu dài 1300ha). Giao công ty phát triển công nghệ kỹ thuật cao triển khai tiếp.
5.11/ Khu công nghiệp địa phương - Thủ Đức: diện tích 50ha. Giao Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.12 Khu công nghiệp Vĩnh Lộc A (Bình Chánh): diện tích 150ha (gồm cả khu dân cư). Giao Ủy ban nhân dân quận 5 (có sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh) chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
5.13 Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi): diện tích 200ha (gồm cả khu dân cư). Giao Ủy ban nhân dân quận 11 (có sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi) chọn một đơn vị triển khai thực hiện.
6/ Các quận nội thành có nhu cầu đưa sản xuất dần ra ngoại thành cần phải phối hợp với các Ủy ban nhân dân huyện có khu công nghiệp nói trên để bố trí.
7/ Giao nhiệm vụ cho Kiến trúc sư trưởng thành phố, Viện nghiên cứu quy hoạch xây dựng và kiến trúc đô thị chủ trì, cùng các đơn vị được thành phố giao quản lý triển khai thực hiện, phải sớm hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết cơ sở hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp xây dựng đợt đầu và các khu dân cư tương ứng trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, phê duyệt chính thức (trừ các khu có giấy phép trong năm 1995).
8/ Ban Tổ chức chính quyền thành phố chủ trì, cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Sở Công nghiệp, Sở Xây dựng và Uỷ ban nhân dân các quận, huyện đề xuất qui chế hình thành tổ chức xây dựng, quản lý và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp trên, trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Thông báo số 19/TB-UB-QLĐT về quy hoạch bố trí các khu công nghiệp tập trung và các khu dân cư kế cận do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 19/TB-UB-QLĐT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 06/03/1995
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/03/1995
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra