Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 185/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2008 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BÌNH ĐỊNH
Ngày 20 tháng 7 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm và làm việc tại tỉnh Bình Định. Cùng thăm và làm việc với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải. Sau khi đi kiểm tra tiến độ xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, nghe đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Tỉnh báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2008; ý kiến của các Bộ, ngành; Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Cùng với cả nước, tỉnh Bình Định cũng đã thực hiện được một nửa nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm 2006-2010 về phát triển kinh tế-xã hội. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh, kinh tế-xã hội có bước phát triển khá toàn diện, năm 2006 đạt 12,1%, năm 2007 đạt 12,5%. Đặc biệt 6 tháng đầu năm nay, mặc dù giá cả quốc tế và trong nước có những biến động lớn, thiên tai dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi, gây khó khăn, thiệt hại cho sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng kinh tế của Tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, GDP tăng 10,8%; giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng 9,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 15,4%; xuất khẩu tăng 21,8%, thu ngân sách tăng 48,1%; hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, lượng khách tăng 32%, ngành công nghiệp chế biến gỗ đang phát triển mạnh, chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp bước đầu đã thu được kết quả khá; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, có chuyển biến tích cực, triển khai thực hiện các chương trình về xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm có kết quả cao; các biện pháp về kiềm chế lạm phát của Chính phủ được triển khai nghiêm túc, bước đầu đạt được kết quả khá; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường.
II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI:
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2006-2010, trong thời gian tới, Tỉnh cần tiến hành sơ kết nửa nhiệm kỳ, đánh giá, khẳng định những kết quả đạt được để tiếp tục phát huy; những tồn tại yếu kém, rà soát các chỉ tiêu nào đạt thấp, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp phấn đấu thực hiện. Nhiệm vụ đặt ra cho 6 tháng cuối năm 2008 và những năm còn lại của nhiệm kỳ kế hoạch 5 năm là rất nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định phải cố gắng hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tranh thủ thời cơ thuận lợi, khai thác có hiệu quả cao nhất các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh để phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội. Đặc biệt là sự phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội; cảng biển; có hệ thống giao thông ngày càng thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không; ngành công nghiệp chế biến gỗ đang phát triển với tốc độ cao, ổn định. Tỉnh cần chú ý làm tốt công tác quy hoạch, xác định cơ cấu kinh tế hợp lý, đặc biệt quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ tạo giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh xuất khẩu, tạo việc làm, cải thiện và bảo vệ môi trường.
Trước mắt, từ nay đến cuối năm tiếp tục tập trung thực hiện tốt, đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2008. Trong đó tập trung thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững; Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là thủ tục hành chính, bảo đảm vốn lưu động cho sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước Tỉnh phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn bám sát, giải quyết các khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; tiếp tục rà soát để điều chỉnh, cắt giảm, đình hoãn những công trình, dự án đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ để tập trung vốn cho các công trình, dự án cấp bách, sớm phát huy được hiệu quả; đẩy mạnh việc thu hút đầu tư và giải ngân nhanh vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; quản lý thật tốt thị trường, giá cả nhất là những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và tiêu dùng; lãi suất tín dụng; quản lý ngoại tệ; chống đầu cơ đẩy giá lên cao gây tâm lý hoang mang cho xã hội, tác động tiêu cực đến kiềm chế lạm phát; quan tâm đến bảo đảm an sinh xã hội, trước hết là thực hiện tốt những chính sách hiện có, trợ giúp thiết thực cho những hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai dịch bệnh và giá cả tăng cao; chủ động triển khai nhằm thực hiện tốt các công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về mở rộng không gian thành phố Quy Nhơn từ đô thị loại II lên đô thị loại I (theo hướng sáp nhập huyện Tuy Phước vào thành phố Quy Nhơn): đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Xây dựng chủ trì, cùng với Bộ Nội vụ xem xét các mặt và hoàn chỉnh thủ tục theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Về bố trí nguồn trái phiếu Chính phủ để khởi công hệ thống đập và kênh Văn Phong, đảm bảo tưới nước cho 12.545 ha: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thông tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
3. Về hỗ trợ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng tuyến đường phía Tây tỉnh Bình Định để phát triển kinh tế các huyện, xã khó khăn và phục vụ quốc phòng, an ninh: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Về hỗ trợ kinh phí hoặc cho tạm ứng 224 tỷ đồng để thi công đường từ cụm công nghiệp Cát Khánh đến cụm cảng Quy Nhơn: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
5. Về bố trí kinh phí để nạo vét, phá đá và hạ độ sâu luồng vào cảng Quy Nhơn: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải tổng hợp và sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Về chủ trương sử dụng ngân sách và huy động doanh nghiệp đóng góp bù lỗ để duy trì tuyến đường bay thành phố Hồ Chí Minh đi Phù Cát: giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải tổng hợp đề xuất xử lý chung, trình Thủ tướng quyết định.
7. Về tăng vốn đầu tư Khu kinh tế Nhơn Hội kéo dài đến năm 2012: đồng ý để chủ trương; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
8. Về mở rộng Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội từ 1.070 ha lên 1.350 ha: đồng ý về nguyên tắc, Bộ Xây dựng khẩn trương trình duyệt theo quy định.
9. Về khởi công 2 Khu công nghiệp Hoà Nhơn và Hoà Hội do có sử dụng diện tích đất lúa: tuy đã có trong quy hoạch, nhưng Tỉnh phải rà soát, tính toán kỹ nếu thấy thực sự cần thiết thì quyết định theo thẩm quyền để triển khai.
10. Về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang xây dựng Làng SOS và trường Đại học Tư thục Quang Trung tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn: do nhu cầu sử dụng đất 2 công trình này không lớn, nếu Tỉnh đã tính toán kỹ, hạn chế tối đa sử dụng đất trồng lúa, đồng ý về nguyên tắc việc chuyển đổi mục đích sử dụng và phải thực hiện theo đúng quy định.
11. Về chủ trương xây dựng công trình thuỷ điện Vĩnh Sơn 2: giao Bộ Công thương chủ trì làm việc với hai tỉnh Bình Định và Gia Lai xem xét, quyết định trên tinh thần bảo đảm lợi ích chung cao nhất. Nếu vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
12. Về hỗ trợ 167,8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp 12 đoạn đê tại 3 huyện An Nhơn, Tuy Phước và Phù Cát: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng hợp chung các tỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
13. Về hỗ trợ phần trượt giá xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên từ năm 2008-2012: đồng ý về nguyên tắc; giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo tổng hợp chung các tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
14. Về đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất trường Đại học Quy Nhơn quy mô trường đa ngành phục vụ cho khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và hỗ trợ đầu tư xây dựng, trang thiết bị cho trường Trung cấp dạy nghề Tỉnh: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
15. Về giải quyết các vướng mắc vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, chế biến hàng xuất khẩu: giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm việc với Tỉnh để xử lý đảm bảo đủ vốn cho doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
16. Về hỗ trợ thu hút đầu tư nước ngoài: Tỉnh chủ động xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Tỉnh công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định biết, thực hiện
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo số 185/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 185/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 01/08/2008
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra