VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 185/2006/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2006 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO TRUNG ƯƠNG
Ngày 23 tháng 10 năm 2006 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương về việc đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 6. Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương.
Sau khi Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương báo cáo về diễn biến, công tác đối phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 6; ý kiến của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến kết luận như sau:
1. Đồng ý về cơ bản nội dung báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương về công tác phòng, chống và kết quả bước đầu khắc phục hậu quả bão số 6. Việc đánh giá, rút ra các bài học kinh nghiệm qua mỗi đợt bão, lũ, thiên tai để xác định nguyên nhân, có các giải pháp khắc phục và làm tốt hơn công tác phòng, chống bão, lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra là cần thiết.
2. Ngoài những việc làm được, đáng biểu dương, khen ngợi của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc đối phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 6 gây ra vừa qua, cần lưu ý, rút kinh nghiệm một số việc:
- Một số địa phương, cơ sở còn chủ quan, thiếu cảnh giác, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống bão số 6 và lũ lụt, nhất là sau bão vẫn để thiệt hại lớn về người.
- Hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cho công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống bão còn yếu và chưa đồng bộ, nhất là trong lúc mưa bão;
- Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế; cơ chế phối hợp, huy động lực lượng phương tiện cần thiết khi bão lũ lứon xẩy ra còn nhiều bất cập;
- Việc chỉ đạo quyết liệt tổ chức dân sơ tán trong cơn bão số 6 vừa qua đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tuy nhiên công tác tổ chức, kế hoạch, phương án di dân trước bão, đón dân về sau lũ, địa điểm bố trí nơi ăn ở tránh trú bão còn chưa bài bản, công tác tuyên truyền, vận động người dân có nơi làm chưa tốt.
- Qua cơn bão số 6 vừa qua, cần đánh giá rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh lại công tác quy hoạch (quy hoạch dân cư, xây dựng tại các vùng ven biển, quy hoạch sản xuất...) và chất lượng xây dựng các công trình, bảo đảm thích nghi, an toàn đối với vùng thường xuyên bị bão, lũ;
3. Để giúp các địa phương sớm khắc phục hậu quả, khôi phục và ổn định sản xuất, giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ thiệt hại do bão số 6 gây ra, tính toán, đề xuất bổ sung kinh phí hỗ trợ cho các địa phương và một số Bộ, ngành bị thiệt hại nặng do bão số 6 và lũ lụt, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
4. Công tác dự báo bão, lũ, thiên tai có vai trò đặc biệt quan trọng. Giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương làm việc cụ thể với Trung tâm Khí tương Thuỷ văn quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) để phối hợp xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư nâng cao năng lực công tác dự báo bão lũ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Giao Uỷ ban quốc gia Tìm kiếm, Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát lại chủng loại, phương tiện, trang thiết bị cần thiết, bảo đảm tiện dụng, có cơ chế quản lý, phối hợp để phục vụ tốt công tác tìm kiếm cứu nạn, đồng thời nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống bão, lũ.
6. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương phải xác định cụ thể các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét; có dự báo, cảnh báo cho nhân dân biết để chủ động phòng, tránh và thực hiện tổ chức sơ tán khi dân cần thiết, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra; đồng thời phải có kế hoạch khôi phục, sửa chữa các công trình đê, kè taluy đường... không được để chết người do sạt lở; có phân kỳ đầu tư, nơi nào nguy hiểm, cấp bách làm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, kiểm tra việc bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, các công trình hồ chứa nước; có kế hoạch đầu tư, khôi phục, nâng cấp, bảo đảm an toàn các công trình này trong mùa mưa bão.
7. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực và đầu tư trang thiết bị cần thiết cho Văn phòng Ban Chỉ đạo; chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan, bảo đảm việc tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, thông suốt giúp Ban Chỉ đạo điều hành công việc có hiệu quả; chỉ đạo xây dựng Quy chế chỉ huy, chỉ đạo, cơ chế phối hợp, thẩm quyền và trách nhiệm cụ thể của các Ban, Bộ, ngành, địa phương trong việc phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt bão; rà soát lại hệ thống tổ chức và các văn bản pháp quy hiện hành liên quan đến công tác này.
8. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn chỉnh Chiến lược quốc gia phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
9. Giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chur trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Quy chế tổ chức kêu gọi quyên góp ủng hộ đồng bào vùng bị lũ, bão, thiên tai, cơ chế quản lý, phân bổ và sử dụng tiền hàng cứu trợ, bảo đảm kịp thời, công bằng và hiệu quả, tránh thất thoát, tiêu cực, lãng phí, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong tháng 11 năm 2006.
10. Hiện nay vẫn đang trong mùa mưa bão đối với các tỉnh miền Trung. Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm công tác đối phó với cơn bão số 6, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các phương án phòng, tránh bão, lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Công điện khẩn số 27CĐ/PCLBTW về Phòng chống lụt bão do Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn ban hành
- 2Công điện số 688/CĐ-BYT về phòng chống lụt bão của Bộ Y tế
- 3Công văn số 8991/BYT-VP1 về việc xuất cấp hàng phục vụ công tác phòng chống lụt bão năm 2007 do Bộ Y tế ban hành
- 1Công điện khẩn số 27CĐ/PCLBTW về Phòng chống lụt bão do Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn ban hành
- 2Công điện số 688/CĐ-BYT về phòng chống lụt bão của Bộ Y tế
- 3Công văn số 8991/BYT-VP1 về việc xuất cấp hàng phục vụ công tác phòng chống lụt bão năm 2007 do Bộ Y tế ban hành
Thông báo số 185/2006/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 185/2006/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 25/10/2006
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/10/2006
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định