Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 17/VPCP-TB

Hà Nội, ngày 01 tháng 02 năm 2004 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM

Ngày 30 tháng 1 năm 2004 tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chủ trì cuộc họp về giải pháp phòng chống dịch gia cầm. Tham dự có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Gia Khiêm, Lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại, Văn hoá - Thông tin, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dịch cúm gia cầm. Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ báo cáo tình hình dịch cúm gia cầm và các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm báo cáo tình hình dịch cúm tuýp A ở người và biện pháp phòng chống và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có ý kiến kết luận như sau:

1. Dịch cúm gia cầm là dịch bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan rất nhanh, không chỉ ảnh hưởng đến phát triển đàn gia cầm, tăng trưởng kinh tế mà còn gây nguy hiểm đến sức khoẻ con người. Nếu dịch không được ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả, có thể gây đại dịch trong cộng đồng.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Uỷ ban nhân dân các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực và phương tiện để phòng, chống dịch. Nhiều địa phương đã áp dụng các biện pháp mạnh để bao vây các ổ dịch, phun hoá chất phòng trừ, tiêu độc, xử lý môi trường, tiêu huỷ đàn gia cầm, ban hành các chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi và công tác phòng chống dịch.

2. Kể từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, dịch đã lan truyền ra diện rộng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tính đến nay đã có trên 40 tỉnh, thành phố có dịch, hơn 7 triệu gia cầm nhiễm bệnh chết và tiêu huỷ, một số người nghi mắc cúm, có trường hợp dương tính với bệnh cúm tuýp A chủng H5N1, trong đó đã có trường hợp tử vong. Đây là thiệt hại hết sức to lớn cho nền kinh tế và uy hiếp đến tính mạng con người.

3. Để ngăn chặn dịch bệnh có hiệu quả đảm bảo sức khoẻ con người, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và các Bộ, ngành có liên quan, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các cấp phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất và cấp bách của Bộ, ngành và địa phương mình; có biện pháp kiên quyết, tập trung chỉ đạo phòng chống dịch với tinh thần như: “Phòng chống lụt bão, cứu hoả” để nhanh chóng bao vây các ổ dịch, khống chế sự lây lan, sớm dập tắt dịch trên phạm vi cả nước.

4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm ở người trên địa bàn. Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do vi rút có trách nhiệm chỉ đạo công tác chuyên môn, biện pháp giám sát phòng chống dịch trên phạm vi cả nước.

- Đối với vùng đang có dịch: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân địa phương phải tập trung chỉ đạo kiên quyết và huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để phòng chống dập dịch: tổ chức tiêu huỷ ngay toàn bộ đàn gia cầm trong ổ dịch theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tiêu huỷ phải kết thúc trong 7 ngày kể từ khi có dịch; việc tiêu huỷ phải đảm bảo vệ sinh môi trường và theo hướng dẫn của cơ quan quản lý tài nguyên môi trường; thành lập các chốt kiểm dịch, trạm kiểm soát liên ngành trên các trục lộ giao thông ra vào địa bàn có dịch; huy động các lực lượng công an, quân đội, quản lý thị trường, giao thông vận tải tham gia kiểm soát không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, thức ăn chăn nuôi ra khỏi vùng dịch; nghiêm cấm việc lưu thông, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trong vùng dịch bệnh. Đối với người dân khi phát hiện triệu chứng lâm sàng bệnh cúm phải cho cách ly khỏi cộng đồng và chuyển ngay đến cơ sở y tế để theo dõi.

- Đối với vùng chưa có dịch: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các địa phương phải chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thú y tổ chức theo dõi, giám sát, phát hiện bệnh trên địa bàn; kiên quyết không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhiễm bệnh vào địa bàn; tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại và môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn; hướng dẫn người dân giữ gìn vệ sinh và phòng bệnh bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nếu phát hiện gia cầm có bệnh phải công bố dịch theo quy định của Pháp lệnh Thú y và tổ chức tiêu huỷ ngay đàn gia cầm.

5. Chính sách hỗ trợ: Trước mắt hỗ trợ cho người chăn nuôi 5.000 đồng cho một con gà xuất chuồng phải tiêu huỷ. Sau khi hết dịch Uỷ ban nhân dân các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp chính xác thiệt hại do dịch bệnh gây ra và đề xuất chính sách hỗ trợ theo nguyên tắc nhà nước và dân cùng chia sẻ rủi ro.

6. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Thương mại thực hiện chức năng quản lý ngành chỉ đạo các đơn vị trong ngành ở địa phương tham gia phối hợp cùng ngành thú y để kiểm soát việc lưu thông, vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm.

7. Bộ Văn hoá Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền và các cơ quan thông tin đại chúng phải định hướng, chương trình, thời lượng đưa tin phù hợp có tác dụng phòng chống dịch và hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt quan tâm các hình thức thông tin tuyên truyền để mọi người dân hiểu đúng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, khả năng lây lan, phương pháp phòng trừ để phòng chống dịch và không gây hoang mang trong dân chúng.

8. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trong ngành và hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế hướng dẫn phòng bệnh, sớm xác định tác nhân gây bệnh, cơ chế lây lan và phác đồ điều trị bệnh cúm A.

9. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải sử dụng có hiệu quả kinh phí được ngân sách bổ sung và tổ chức quốc tế hỗ trợ cho việc phòng chống dịch, nhất là trang thiết bị phòng chống dịch và thiết bị phòng hộ cho người tham gia công tác phòng chống dịch. Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Rà soát đánh giá lại đàn gia cầm giống, có phương án bảo vệ an toàn và kế hoạch tổ chức sản xuất để chủ động con giống cho việc khôi phục đàn gia cầm sau khi dập tắt dịch.

10. Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí để hỗ trợ cho các địa phương phòng chống dịch, thời gian trình trước ngày 10 tháng 2 năm 2004, trước mắt tạm ứng cho các địa phương có dịch cúm gà vài tỉ đồng để thực hiện ngay việc tiêu huỷ gia cầm trong vùng có dịch.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng,
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng Quốc hội,
- Ban Kinh tế Trung ương,
- Các Bộ: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thương mại,
Công an, Quốc phòng, Văn hoá-Thông tin,
Ngoại giao, Tài nguyên môi trường, Giao
thông vận tải, Khoa học công nghệ,
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
- Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và PTNT,
- Cục Y tế dự phòng và phòng chống
HIV/AIDS, Bộ Y tế,
- Các HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương,
- VPCP: BTCN, các PCN,
Các Vụ: KTTH, VX, KG, NC, ĐP, V3, TH,
- Lưu NN (5), VT.

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
PHÓ CHỦ NHIỆM



 
Nguyễn Công Sự

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 17/VPCP-TB về ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc họp về phòng chống dịch cúm gia cầm do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 17/VPCP-TB
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/02/2004
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Sự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản