Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 167/2006/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2006

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH SÓC TRĂNG

Ngày 21 tháng 9 năm 2006, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Cùng dự có đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, ước thực hiện năm 2006, dự kiến kế hoạch năm 2007 và một số kiến nghị của tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Trong thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng đã có những chuyển biến tích cực, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001-2005 đạt 10,25%/năm, năm 2006 đạt 12,8%, bình quân đầu người là 8,6 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 56,98% năm 2005 xuống 49,04% năm 2006. Các mặt văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ; các chủ trương, chính sách của Nhà nước về xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, giải quyết việc làm, chính sách với đồng bào dân tộc Khmer được thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Tuy nhiên, Sóc Trăng vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long, GDP bình quân đầu người bằng 70% bình quân chung của cả nước. Kinh tế của Tỉnh chủ yếu vẫn là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao (năm 2005 là 28,7%, năm 2006 là 25,54%), tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn cao hơn (41 – 42%); kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém, hệ thống giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cơ sở trường, lớp học, bệnh viện còn thiếu; khả năng huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Sóc Trăng cần cố gắng rất nhiều để phát triển theo kịp mặt bằng chung cả nước.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI

Tỉnh cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề sau:

Đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp mỗi năm 5%, để tới năm 2010, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ cao hơn nông nghiệp. Tập trung chỉ đạo giải quyết đồng bộ các vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân theo hướng tăng cường chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, mở rộng chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo (đặc biệt giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Khmer mỗi năm từ 7 – 8%) để tới năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh còn khoảng 14 – 15%.

Tỉnh đã có một khu công nghiệp đi vào hoạt động, hai khu công nghiệp khác đã được đưa vào quy hoạch; cần chú ý phát triển một số khu công nghiệp vừa và nhỏ, phát huy lợi thế giao thông của địa phương. Tỉnh cần có chiến lược, có chương trình hành động, giải pháp cụ thể để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.

Cần quan tâm khuyến khích phát triển doanh nghiệp, vì hiện nay số doanh nghiệp trên địa bàn còn ít, chú ý khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ y tế, giáo dục như trường tư, bệnh viện tư. Huy động mọi nguồn lực đầu tư, trong đó chú ý nguồn cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để thu hút lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt đối với đồng bào Khmer.

Quan tâm tới giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí; phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng; rà soát lại để quy hoạch các trường, lớp dạy nghề tại địa phương, ưu tiên cho địa bàn có đông đồng bào Khmer.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc sớm có chính sách giúp đỡ để Trường Trung cấp Pali Nam Bộ vừa dạy chữ, vừa dạy nghề cho học viên và hướng dẫn cách làm ăn cho đồng bào; đồng thời, nghiên cứu để mở rộng Trường Dân tộc nội trú nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào Khmer.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phải được giữ vững, việc khiếu kiện của dân phải được giải quyết kịp thời.

Thường xuyên quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh ở người, ở gia súc, gia cầm và dịch bệnh ở cây trồng. Giải quyết tốt vấn đề môi trường; quan tâm xây dựng lò hỏa táng cho đồng bào Khmer, đây là phong tục tốt cần tuyên truyền rộng rãi trong địa phương.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Lĩnh vực kinh tế

a) Về hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ có mục tiêu (trong đó có Chương trình 135, Quyết định số 134 của Thủ tướng Chính phủ): Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ liên quan cần căn cứ các quy định hiện hành và điều kiện đặc thù của địa phương, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ theo hướng ưu tiên cao nhất nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương. Riêng đối với Chương trình 135, ưu tiên tăng mức vốn hỗ trợ cho địa phương để giải quyết dứt điểm nhu cầu nhà ở cho các đối tượng trong năm 2007, chậm nhất là đầu năm 2008; đất sản xuất sẽ có quy định cụ thể sau:

b) Khu công nghiệp

Khu công nghiệp An Nghiệp: mức hỗ trợ đầu tư thực hiện theo Quyết định số 183/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí trong kế hoạch hàng năm để cấp đủ 60 tỷ đồng, đảm bảo cho khu công nghiệp sớm đi vào hoạt động có hiệu quả.

Khu công nghiệp Cái Côn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, bổ sung vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015. Việc triển khai các khu công nghiệp sẽ làm theo hình thức "cuốn chiếu". Cần làm tốt công tác giải tỏa, đền bù gắn với tái định cư cho dân.

c) Đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy đường mới tại huyện Cù Lao Dung: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại quy hoạch ngành mía đường cả nước; nếu doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư có hiệu quả, thì hướng dẫn Tỉnh lập phương án, trình Thủ tướng Chính phủ.

d) Đường Tỉnh 940: Địa phương lập dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải xem xét, hỗ trợ vốn để thực hiện; nên quy hoạch đường gắn với thị trấn, thị tứ để có thể tạo nguồn thu từ quỹ đất.

đ) Phà Đại Ngãi trên Quốc lộ 60: giao Bộ Tài chính bảo lãnh, Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, triển khai thành lập Ban quản lý dự án (khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu phí để trả vốn vay).

e) Chương trình đường ô tô đến trung tâm xã: Thủ tướng Chính phủ đã bố trí vốn trong dự án cho 22 tuyến chưa có đường ô tô đến các trung tâm xã. Tỉnh sớm triển khai tập trung làm xong từng công trình, tránh dàn trải gây lãng phí. Về những xã mới chia tách và nâng cấp một số tuyến đường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cùng địa phương rà soát lại, xây dựng tiêu chuẩn đường, bao gồm cả cầu, đường, vốn đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thực hiện trong giai đoạn 2008 – 2010.

g) Các dự án thuỷ lợi phục vụ sản xuất, phòng chống lụt bão và nuôi trồng thủy sản: đã bố trí vốn trong Danh mục các công trình, dự án sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ, Tỉnh làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện.

h) Kè bờ sông Maspéro: dự án này có trong danh mục dự án đầu tư tại Quyết định số 84/2006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối vốn trong ngân sách hàng năm để thực hiện.

i) Công trình kênh Thạnh Mỹ và kênh Trà Niên: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối để thực hiện trong năm 2007 – 2008.

k) Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản: giao Bộ Thủy sản quy hoạch cụ thể các vùng nuôi, trồng thủy sản, đồng ý nâng mức hỗ trợ đầu tư hàng năm lên 20 tỷ đồng.

2. Lĩnh vực văn hóa – xã hội

a) Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo bố trí vốn hỗ trợ một phần và Tỉnh sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết để lại cho địa phương để thực hiện.

b) Trường Dạy nghề tỉnh Sóc Trăng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất tăng mức đầu tư, mức hỗ trợ kinh phí xây dựng Trường dạy nghề tỉnh Sóc Trăng trong kế hoạch năm 2007, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Chương trình Kiên cố hóa trường lớp học: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng kết giai đoạn 1; đề xuất Chính phủ việc triển khai Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2. Tỉnh rà soát lại các căn cứ chuẩn hóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng, kết hợp đầu tư một phần từ nguồn vốn Trung ương, một phần từ nguồn thu xổ số của địa phương.

d) Đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng: Tỉnh lập dự án, làm việc với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai theo quy định. Đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia làm hai giai đoạn, quy mô 1.000 giường bệnh, giai đoạn 1 trước mắt làm 500 giường bệnh.

đ) Hỗ trợ vốn đầu tư các công trình bệnh viện huyện, trạm y tế xã: chương trình đã được Chính phủ phê duyệt, Tỉnh khẩn trương xây dựng, nâng cấp bệnh viên tuyến huyện để hỗ trợ cho tuyến xã và giảm áp lực cho tuyến tỉnh, cần dành một phần vốn từ nguồn thu xổ số của Tỉnh để đầu tư.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công nghiệp,
  Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
  Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nội vụ, Lao động – Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ban Tôn giáo Chính phủ;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sóc Trăng;
- VPCP: BTCN, các PCN,
  Các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, KG, VX, NC, V.IV, TTBC, 
  Website Chính phủ, Người phát ngôn của Thủ tướng CP;
- Lưu: Văn thư, ĐP.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Quốc Huy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 167/T2006/B-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 167/2006/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 29/09/2006
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Quốc Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản