Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/VPCP-TB

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC TẠI PHIÊN HỌP CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC NGÀY 09 THÁNG 01 NĂM 2006  

Ngày 09 tháng 01 năm 2006 tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia Giáo dục đã họp để xem xét, thảo luận về phương án điều chỉnh phân ban ở trung học phổ thông, về việc hoàn thiện và tiến trình thẩm định chương trình, sách giáo khoa phổ thông, về việc triển khai thực hiện một số nội dung đổi mới giáo dục đại học theo nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ. Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng đã chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghe ý kiến thẩm định của các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng, ý kiến thảo luận của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng đã có ý kiến chỉ đạo:

1. Về phương án điều chỉnh phân ban ở trung học phổ thông

Thống nhất về nguyên tắc chọn phương án phân thành ba ban: ban khoa học tự nhiên, ban khoa học xã hội và nhân văn và ban cơ bản. Việc phân ban cần được điều chỉnh theo hướng học sinh cả nước phải được học một chương trình chuẩn thống nhất; đồng thời từng bước phát triển việc dạy và học các môn nâng cao theo các ban khoa học tự nhiên (có các môn nâng cao: toán, lý, hóa, sinh), ban khoa học xã hội và nhân văn (có các môn nâng cao: văn, sử, địa, ngoại ngữ) hoặc tự chọn một số môn nâng cao (ban cơ bản) nhằm phân hóa, hướng nghiệp và nâng dần trình độ chung của giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đó, ở những nơi có điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các vùng giáo dục phát triển cần khuyến khích, đẩy mạnh việc dạy và học các môn học nâng cao theo các ban khoa học tự nhiên hoặc ban khoa học xã hội và nhân văn. Ở những nơi, những trường hoặc do chưa đủ điều kiện để triển khai đầy đủ việc dạy và học các môn nâng cao hoặc theo nguyện vọng và năng lực học tập của học sinh, nhà trường có thể chủ động bố trí cho học sinh chỉ học một số môn nâng cao trong số 8 môn đã nêu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương hoàn chỉnh phương án, tiếp tục lấy ý kiến của nhà giáo, phụ huynh, báo cáo và xin ý kiến một số cơ quan có thẩm quyền, với Mặt trận Tổ quốc, thông báo với báo chí, tranh thủ sự đồng tình cao của xã hội trước khi triển khai đại trà.

2. Về việc hoàn thiện và thẩm định chương trình, sách giáo khoa phổ thông

Chương trình giáo dục phổ thông là một văn bản có tính pháp lý cao, được sử dụng ổn định, lâu dài, được xây dựng căn cứ vào mục đích giáo dục, yêu cầu thực tiễn của đất nước và xu hướng hội nhập quốc tế, do đó cần phải được chuẩn bị rất nghiêm túc và cẩn trọng.

Bước vào thế kỷ 21, nguồn nhân lực Việt Nam cần phải được trang bị kiến thức phổ thông chuẩn, thật tốt và ngày càng được nâng cao, không thua kém các nước. Cần có kế hoạch cụ thể để chương trình giáo dục phổ thông bắt nhịp được với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi cá nhân sau khi rời ghế nhà trường phổ thông cho dù tiếp tục học tập ở các trường đại học, cao đẳng, học nghề hoặc tham gia thị trường lao động. Chương trình cần bảo đảm tính chuẩn hóa, hiện đại hóa, tiếp cận trình độ tiên tiến; thực hiện các nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội; đồng thời cần rất chú trọng giáo dục thể chất, thẩm mỹ và nhân cách.

Trước hết, chương trình, sách giáo khoa cần giảm nhẹ tính hàn lâm, một mặt cần bảo đảm kiến thức, kỹ năng, mặt khác cần gắn với thực tiễn cuộc sống, gắn với việc đổi mới phương pháp dạy và học, làm cho mọi học sinh đề nắm chắc kiến thức phổ thông và có những hiểu biết cần thiết về cuộc sống.

Cần chú trọng việc hướng nghiệp của giáo dục phổ thông phù hợp với yêu cầu chung của đất nước và yêu cầu cụ thể của từng vùng, miền, từng địa phương; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ để nhân lực Việt Nam có thể chủ động tham gia quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục đạo đức, con người. Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, sách giáo khoa giáo dục đạo đức công dân. Giáo dục cho học sinh có lòng yêu nước, biết giữ gìn và phát huy truyền thống, hình ảnh cao đẹp của con người Việt Nam, đạo đức cao đẹp của Bác Hồm biết căm ghét và xa lánh sự gian dối, lừa đảo. Hình thành nhân cách con người mới không chỉ có kiến thức, kỹ năng mà còn có năng lực sống và hoạt động trong cộng đồng, có quan hệ tốt đẹp với gia đình và xã hội; phát huy được truyền thống hiếu học của gia đình, dòng học và cộng đồng.

Cần chú trọng biên soạn thật tốt chương trình, sách giáo khoa môn lịch sử trong giáo dục phổ thông sao cho học sinh không chỉ biết, chỉ nhớ được những sự kiện của mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc mà còn tạo nên được những dấu ấn quan trọng trong việc hình thành nhân cách học sinh thông qua những tấm gương, những hình ảnh, tính cách cao đẹp của các nhân vật lịch sử.

Việc tổ chức thẩm định chương trình sách giáo khoa phổ thông bước đầu đã được thực hiện nghiêm túc, huy động được đông đảo các nhà khoa học, giáo dục tham gia. Tuy vậy, cần chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thẩm định. Cần cơ cấu hợp lý thành phần của các tập thể biên soạn, của các hội đồng thẩm định, sao cho phản ánh đúng nội dung, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; cần hoàn thiện quy trình biên soạn, thẩm định thật chặt chẽ và khoa học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, đơn vị, tổ chức ở cả ba khẩu: biên soạn, thẩm định và phê duyệt ban hành. Đây là trách nhiệm xã hội rất lớn, nhất là đối với những chương trình, sách giáo khoa đã và sẽ được thẩm định để sử dụng đại trà. Cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và sửa chữa những sai sót trong sách giáo khoa đã được xã hội phát hiện và kiến nghị sửa đổi.

3. Về việc tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học

Hệ thống các trường đại học cao đẳng của nước ta, tuy hiện nay, chất lượng còn thấp nhưng đã đáp ứng được yêu cầu của các giai đoạn cách mạng của nước ta. Trong giai đoạn mới, hệ thống giáo dục đại học phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng mới có thể đáp ứng được những yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại họa đất nước và nhu cầu học đại học ngày càng tăng của nhân dân. Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục đại học.

Việc giao quyền tự chủ luôn phải đi đôi với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương để bảo đảm giáo dục đại học phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ một số nội dung cơ bản và mức độ của quyền tự chủ của các trường đại học, đặc biệt là các trường công lập về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, về tài chính, tổ chức bộ máy, tuyển chọn nhân sự, đề bạt cán bộ và quan hệ quốc tế… Tăng cường tính tự chủ phải đi đôi với trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, với trách nhiệm công khai minh bạch những vấn đề của nhà trường mà người học, cộng đồng và toàn xã hội quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức xây dựng đề án chi tiết với lộ trình rõ ràng và bước đi thích hợp, có tham khảo kinh nghiệm quản lý của các nước trước khi đưa ra Hội đồng xin ý kiến trong những phiên họp sắp tới.

4. Việc xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thành công về phát triển kinh tế - xã hội đều bắt nguồn từ giáo dục, từ việc phát huy được thế mạnh của nguồn nhân lực thông qua một nền giáo dục có chất lượng, có sức cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là nhân lực trình độ cao. Việc xây dựng một số trường đại học với những chuyên ngành mũi nhọn đẳng cấp quốc tế ở nước ta là mục tiêu định hướng nhằm phát huy tinh thần hiếu học vốn là thế mạnh của con người Việt Nam, thúc đẩy tiến trình đổi mới giáo dục đại học, nâng dần trình độ giáo dục đại học Việt Nam lên tầm tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Giáo dục đại học Việt Nam phải là nơi sáng tạo ra trí thức mới, công nghệ mới, nghề nghiệp mới, trực tiếp góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Cần xúc tiến sớm việc xây dựng đề án. Cần tranh thủ kinh nghiệm và sự giúp đỡ của các trường đại học, các học giả từ Hoa Kỳ và một số nước khác, nơi có ưu thế về giáo dục đại học, có nhiều kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học, triển khai nghiên cứu và ứng dụng. Thủ tướng sẽ thành lập một số tổ công tác xây dựng đề án do đồng chí Trần Xuân Giá, Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục làm tổ trưởng, gồm các đồng chí lao động một số Bộ, ngành liên quan và một số chuyên gia giáo dục.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan và các thành viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục biết và thực hiện./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: GD&ĐT, KH&ĐT, KH&CN, TC, NV, LĐ-TB&XH;
- Các Ban: VH-TT, KG;
- Ủy ban VH-GD, TTN&ND của QH;
- Các thành viên HĐQGGD;
- VPCP; BTCN, các PCN, TBNC, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, các Vụ, Cục, VPHĐQGGD (20b);
- Lưu: VT, KG (3b). Trang 135

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM



 
Trần Quốc Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 13/VPCP-TB về ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục ngày 09 tháng 01 năm 2006 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 13/VPCP-TB
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 16/01/2006
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Trần Quốc Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản