VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 127/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 15 tháng 6 năm 2007 |
KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LẠNG SƠN.
Ngày 07 tháng 6 năm 2007 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Quốc phòng, Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình kinh tế-xã hội và một số đề nghị của Tỉnhl ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở Đông Bắc Tổ quốc, tiếp giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có hai cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị và Đồng Đăng), hai cửa khẩu quốc gia (Chi Ma và Bình Nghi) và nhiều điểm chợ đường biên nên rất thuận lợi về giao thương quốc tế. Với vị trí gần thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông thuận lợi, Lạng Sơn có điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ để trở thành Trung tâm thương mại, du lịch của vùng núi phía Bắc. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều cố gắng tập trung phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tăng trưởng khá, năm 2006 tốc độ tăng trưởng đạt 10,34% (cao hơn mức bình quân chung của cả nước), đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên kinh tế của Tỉnh phát triển chưa bền vững, thu ngân sách chưa cao; sản xuất công nghiệp quy mô còn nhỏ, chưa tạo ra được sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao trên thị trường, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, quy mô nhỏ và còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, chưa gắn với sản xuất hàng hóa. Vì vậy, Tỉnh cần năng động, sáng tạo, đoàn kết nhất trí, có những giải pháp tích cực, đồng bộ chỉ đạo quyết liệt; các Bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện để Tỉnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế sớm đưa Lạng Sơn trở thành một tỉnh biên giới có tốc độ phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.
II. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH:
1. Về đề án Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức thẩm định Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định; Bộ Xây dựng hướng dẫn, giúp Tỉnh về quy hoạch. Trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế này cần nghiên cứu kỹ, làm rõ được tính chất đặc thù của Khu kinh tế tiếp giáp với Trung Quốc để khai thác có hiệu quả tiềm năng của Tỉnh.
2. Về vốn đầu tư đường quốc lộ 4A, 4B, 279, 31: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính xem xét, bố trí vốn để thực hiện. Chú ý tập trung, bố trí vốn cho những đoạn cần ưu tiên đầu tư, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả.
3. Về đường quốc lộ 1A (đoạn Bắc Ninh - Lạng Sơn): giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu hình thức đầu tư phù hợp, khẩn trương hoàn tất việc chuẩn bị đầu tư theo quy định, lưu ý xem xét khả năng bố trí bằng nguồn vốn vay nước ngoài.
4. Đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hiện đại tương xứng với ý nghĩa, vị trí và tầm quan trọng của cửa khẩu này. Giao Bộ xây dựng quy hoạch, thiết kế mẫu thống nhất trong cả nước về kiểu dáng kiến trúc các cửa khẩu quốc tế đảm bảo hiện đại, mang bản sắc dân tộc Việt Nam.
5. Về đầu tư nâng cấp Ga cửa khẩu quốc tế đường sắt Đồng Đăng: thực hiện theo quy hoạch và kế hoạch đầu tư của ngành Đường sắt Việt Nam.
6. Về chủ trương triển khai xây dựng, mở rộng và nâng cấp thị trấn Đồng Đăng lên thị xã: giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ giúp Tỉnh thực hiện. Việc nâng cấp lên thị xã phải đáp ứng tiêu chí tối thiểu của thị xã miền núi và có xem xét, chiếu cố một số chỉ tiêu để phấn đấu.
7. Đồng ý về nguyên tắc đầu tư xây dựng Công trình thủy lợi - thủy điện Bản Lải (huyện Lộc Bình). Giao Tỉnh chỉ đạo việc lập dự án, lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi phê duyệt để bố trí vốn kế hoạch năm 2008.
8. Đồng ý về nguyên tắc cho Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam đầu tư giai đoạn II Nhà máy Nhiệt điện Na Dương công suất 100MW. Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam báo cáo Bộ Công nghiệp, thực hiện việc đầu tư theo quy định của pháp luật.
9. Giao Bộ Xây dựng xem xét, có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Đồng Bành giai đoạn I. Việc bổ sung, đưa vào quy hoạch phát triển ngành xi măng thêm một nhà máy xi măng công suất 0,6 - 1 triệu tấn/năm cần tính toán kỹ nhu cầu thị trường và xem xét hiệu quả đầu tư.
10. (Thiếu, do lỗi kỹ thuật)
11. Về cắm mốc biên giới đất liền ở 3 cửa khẩu là Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma: Tỉnh chỉ đạo việc cắm mốc theo thỏa thuận giữa hai Nhà nước. Bộ Ngoại giao và Ban chỉ đạo cắm mốc biên giới phối hợp chặt chẽ với Tỉnh để hoàn tất việc cắm mốc trên.
12. Về hỗ trợ vốn để thanh toán một số công trình đã xây dựng tại khu vực cửa khẩu: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét cho ứng vốn kế hoạch năm 2008.
13. Về đề nghị tăng vốn đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn JBIC cho phát triển giao thông, điện, thủy lợi: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét, xử lý.
14. Về việc mở cửa khẩu tại hai điểm chợ biên giới Tân Thanh và Cốc Nam: Bộ Ngoại giao trao đổi với phía bạn và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
15. Đồng ý bổ sung tỉnh Lạng Sơn vào danh sách các tỉnh được chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các Bộ , cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo số 127/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 127/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 15/06/2007
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Quốc Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/06/2007
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực