Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 126/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2007 |
Ngày 25 tháng 5 năm 2007, tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Tòng Thị Phóng, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã chủ trì Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 06).
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Thường trực các Ban Chỉ đạo: Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế; Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam, Tổng cục an ninh, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Dân vận Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban Dân tộc thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Bình Dương, Bình Phước.
Sau khi nghe đồng chí Ksor Phước, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 06, ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã kết luận như sau:
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng. Tiếp theo Thông tri số 03/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI về công tác vùng đồng bào Chăm, Chỉ thị số 06 tiếp tục thực hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở vùng đồng bào Chăm.
2. Kết quả thực hiện Chỉ thị 06
Hội nghị nhất trí cao với báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 06 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trình bày. Thành tích đạt được đã góp phần tạo bước phát triển mới tại các địa phương có đồng bào Chăm; thể hiện động quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Với nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh, thành phố có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống; sự phối hợp giúp đỡ của các Bộ, ngành ở Trung ương và của cả nước, việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị 06 và các quyết định số 134, số 135... của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Chăm, đã thu được những kết quả rất quan trọng.
a) Đời sống của đồng bào dân tộc Chăm được cải thiện rõ rệt. Từ năm 2004 đến nay Nhà nước đã đầu tư hơn 1.150 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương để thực hiện các dự án chương trình, mục tiêu quốc gia cho 5 tỉnh có đồng bào Chăm; xây dựng các công trình thủy lợi ; hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho nhiều hộ đồng bào Chăm. Cụ thể, tỉnh Ninh Thuận: hỗ trợ nhà ở cho 1.047 hộ, đất ở cho 228 hộ, đất sản xuất cho 817 hộ, xây dựng 9 công trình cấp nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất và sinh hoạt được phủ kín 27/27 thôn người Chăm; tỉnh Bình Thuận: cấp 1.375 ha đất sản xuất cho 1.299 hộ, hỗ trợ và xây dựng mới 622 căn nhà, giao 300 ha rừng cho 75 hộ quản lý, đã tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào; tỉnh Tây Ninh: cấp 8.980 m2 đất ở, hỗ trợ hơn 60n ha đất sản xuất, hỗ trợ về nước sinh hoạt cho 63 hộ, xây dựng một công trình cung cấp nước tập trung ở khu vực đồng bào Chăm sinh sống.
b) Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế có bước chuyển biến tích cực
- Hệ thống trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở ở các xã vùng dân tộc Chăm tăng về số lượng và nâng dần về chất lượng, 100% các xã có đồng bào Chăm sinh sống có từ 1 đến 2 trường tiểu học, tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi đạt 97,5% (cao hơn tỷ lệ trung bình trẻ em đi học của các dân tộc ít người khác); tỷ lệ xóa mù chữ trong đồng bào Chăm khá cao (Bình Thuận: 94,24%, Ninh Thuận: 93,3% Đồng Nai: 88,3%). Chính sách cấp sách giáo khoa, vở viết miễn phí cho con em đồng bào Chăm được thực hiện tốt. Hàng năm đều có học sinh người dân tộc Chăm được cử tuyển vào các trường Đại học và Cao đẳng (từ 10 đến 15 sinh viên/1 tỉnh). Việc dạy tiếng Chăm trong các trường phổ thông vùng đồng bào dân tộc Chăm được thực hiện tốt ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.
- Bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Chăm được tôn trọng, bảo vệ và phát huy, nhiều công trình văn hóa của người Chăm được trùng tu, nâng cấp, các bảo tàng văn hóa Chăm được đầu tư về cơ sở vật chất, bổ sung nhiều hiện vật, đặc biệt quần thể di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Chăm được thực hiện.
- Hệ thống y tế trong vùng đồng bào dân tộc Chăm được Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển. Hiện nay 96% các xã đã có trạm y tế (trong đó 50% số trạm y tế có bác sĩ). Công tác y tế dự phòng trong vùng đồng bào Chăm được thực hiện tốt, một số bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm giảm rõ rệt, tỷ lệ tiêm phòng cho trẻ em dưới một tuổi đạt 96%, công tác phòng, chống sốt rét được thực hiện tích cực, có hiệu quả. Chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy hiệu quả tốt trong vùng đồng bào Chăm.
c) Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc Chăm được củng cố một bước. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, công tác đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc Chăm được quan tâm thực hiện. Đội ngũ cán bộ người Chăm hiện nay có trình độ văn hóa khá, cán bộ cấp tỉnh hầu hết đều có trình độ Đại học, Cao đẳng trở lên.
d) An ninh trật tự tại vùng đồng bào dân tộc Chăm được đảm bảo, đồng bào đã nhận thức rõ hơn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân; các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đồng bào chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật.
3. Một số tồn tại và khuyết điểm
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được như trong Báo cáo sơ kết đã nêu, vẫn còn một số tồn tại và khuyết điểm, nổi lên là:
- Mức sống đồng bào Chăm tuy được nâng lên nhưng chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào Chăm còn cao so với mức trung bình của cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.
- Tỷ lệ học sinh là con em đồng bào dân tộc Chăm chưa học qua tiểu học còn cao. Đào tạo, dạy nghề cho người trong độ tuổi lao động chưa phát triển, các trung tâm khoa học - kỹ thuật trong vùng chưa phát huy hiệu quả đối với phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của đồng bào Chăm.
- Tỷ lệ cán bộ là người dân tộc Chăm còn thấp; chưa phát huy được vai trò của người Chăm tiêu biểu, có uy tín.
- Tình hình an ninh, trật tự trong vùng đồng bào Chăm vẫn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định, mâu thuẫn nội bộ nhân dân dẫn đến xung đột đã xảy ra ở một số địa phương vùng dân tộc Chăm, đặc biệt đã tăng lên trong thời gian qua, nếu không giải quyết dứt điểm và triệt để có nguy cơ xảy ra vụ việc và gây hậu quả khó lường.
4. Phương hướng, nhiệm vụ cần tập trung trong thời gian tới:
a) Đảng bộ, chính quyền các cấp trong vùng đồng bào dân tộc Chăm cần nhân thức sâu sắc hơn nữa quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc, tôn giáo. Khẳng định đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh to lớn để bảo vệ và phát triển đất nước; tiếp tục quán triệt những nội dung cụ thể của Chỉ thị 06 để thống nhất nhận thức và hành động về thực hiện chính sách đối với đồng bào Chăm:
- Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo của đồng bào Chăm; tạo điều kiện để đồng bào thực hiện các quyền đó theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những kẻ lợi dụng vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc để hoạt động chống lại nhân dân, chống lại Nhà nước, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc.
- Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nhận thức rõ nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường và đẩy mạnh việc xóa đói giảm nghèo, bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương mình.
b) Một số công việc cụ thể cần tập trung chỉ đạo giải quyết:
- Cấp ủy và chính quyền các địa phương trên cơ sở tính toán, sắp xếp quỹ đất của từng địa phương, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đất cho những gia đình đồng bào dân tộc Chăm không có đất ở.
- Đối với sản xuất, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống xây dựng đề án,, điều chỉnh lại quy hoạch, tạo thêm quỹ đất sản xuất để cấp cho đồng bào Chăm theo Quyết định số 134 của Thủ tướng chính phủ. Những nơi không còn đất sản xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn vùgn đồng bào Chăm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có kế hoạch cụ thể về phát triển dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Chăm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện Quyết định 134 và Quyết định 135 của Thủ tướng Chính phủ với mức độ tập trung hơn ở các vùng đồng bào Chăm sinh sống; đề xuất chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong vùng tiếp nhận đồng bào dân tộc Chăm vào làm việc để tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho đồng bào.
- Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần bố trí đủ vốn và có chính sách cho vay phù hợp đối với đồng bào dân tộc Chăm để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
- Đẩy mạnh công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Chăm, trọng tâm là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc.
- Về giáo dục, đào tạo:
+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, kiểm tra lại việc thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh dân tộc Chăm; mở quỹ khuyến học, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các con em đồng bào Chăm được đến trường, đồng thời tổ chức các Hội thảo khoa học về việc dạy và học tiếng Chăm
+ Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá lại hiệu quả đào tạo đối với con em đồng bào Chăm; tăng chỉ tiêu cử tuyển vào các trường dạy nghề, cao đẳng, dự bị đại học, đại học đối với con em đồng bào dân tộc Chăm ở các địa phương ngoài các xã thuộc Chương trình 135; nghiên cứu, đề xuất khả năng thành lập Khoa Văn hóa các dân tộc thiểu số (trong đó có dân tộc Chăm) ở một số trường đại học trên các địa bàn thích hợp.
+ Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, tiến hành quy hoạch lại các trường và trung tâm dạy nghề trong vùng có đồng bào Chăm; phối hợp với các tỉnh, thành phố mở rộng ngành nghề đào tạo phù hợp với đặc điểm sản xuất của các khu vực có có đồng bào Chăm sinh sống; có chính sách hỗ trơ kinh phí đào tạo nghề cho đồng bào Chăm, nhất là đối với những hộ thiếu đất, thiếu vốn sản xuất, không có việc làm.
- Về văn hóa:
+ Giao Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm sinh sống nghiên cứu xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm; tổ chức các hoạt động giới thiệu và tôn vinh văn hóa Chăm; tổ chức các hoạt động giới thiệu và tôn vinh văn hóa Chăm; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghệ sỹ, nghệ nhân các dân tộc thiểu số trong đó có đồng bào Chăm.
+ Gắn kết hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Chăm với các hoạt động du lịch ở các tỉnh có đồng bào Chăm. Tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, các vùng, miền của cả nước. Các tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm sinh sống có thể thành lập Đoàn nghệ thuật Chăm làm nòng cốt phát huy văn hóa Chăm.
+ Các tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm sinh sống chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin và Ban Tôn giáo Chính phủ nghiêm cứu đề xuất hỗ trợ kinh phí tu bổ, nâng cấp các cơ sở tôn giáo của đồng bào Chăm có công trong hai cuộc kháng chiến, những cơ sở tôn giáo có lịch sử lâu đời, đồng thời khẩn trương xem xét, công nhận mới di tích lịch sử, tăng đầu sách xuất bản, sản xuất băng, đĩa hình, tăng thời lượng và chất lượng phát thanh truyền hình bằng tiếng Chăm.
- Về Y tế: Ưu tiên đầu tư cho y tế cấp huyện có đồng bào Chăm sinh sống. Tổ chức việc khám chữa bệnh cho đồng bào Chăm. Chú trọng việc đào tạo cho cán bộ y tế là người dân tộc Chăm. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế bố trí vốn để thực hiện nội dung này.
- Về đạo tạo cán bộ: các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, có kế hoạch cụ thể làm chuyển biến rõ rệt công tác phát triển Đảng, Đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ là người Chăm có phẩm chất đạo đức, có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là ở cơ sở; ưu tiên xem xét tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc Chăm trong các cơ quan nhà nước các cấp ở địa phương.
- Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội có kế hoạch cụ thể xây dựng, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt của tổ chức mình trong vùng đồng bào Chăm.
- Về an ninh, quốc phòng: Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức tốt công tác nắm bắt tình hình có liên quan đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào Chăm; chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh, quốc phòng trong vùng đồng bào dân tộc Chăm. Chủ động đề xuất các chương trình, chính sách và giải quyết kịp thời, triệt để các vụ tranh chấp khiếu kiện có yếu tố dân tộc ở vùng đồng bào Chăm. Đấu tranh ngăn chặn vô hiệu hóa các âm mưu kích động xuyên tạc, chia rẽ và tài trợ của các thế lực thù địch và bon phản động lưu vong ở nước ngoài đối với các phần tử xấu ở trong nước, làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đối với đồng bào Chăm.
a) Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Ủy ban Dân tộc tiếp thu, tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo sơ kết, trình Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.
b) Sau Hội nghị này, Tỉnh ủy, Thành ủy. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm sinh sống, các Bộ, ngành theo chức năng, tổ chức quán triệt tinh thần, nội dung của Hội nghị đến cán bộ, đảng viên và có kế hoạch triển khai ngay các mặt công tác nêu trên.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các địa phương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Thông báo số 126/TB-VPCP về việc kết luận của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 126/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 13/06/2007
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Kiều Đình Thụ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra