Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120/BC-BYT | Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2006 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VĂN BẢN PHÁP LUẬTVỀ QUẢN LÝ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM CỦA NGÀNH Y TẾ NĂM 2005
Kính gửi: Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Thực hiện công văn số 1115/UBKHCNMT 11 ngày 30/12/2005 của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội về việc báo cáo tình hình thực hiện văn bản pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Bộ Y tế xin báo cáo như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VSATTP
1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản hướng dẫn Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm
1.1. Soạn thảo và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
- Văn bản đã ban hành: 17, gồm 11 Quyết định, 4 Thông tư liên tịch, 1 Tờ trình Chính phủ và 1 chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Văn bản đã hoàn chỉnh trình lãnh đạo Bộ: 4 văn bản.
- Văn bản chưa hoàn chỉnh hoặc đang trong giai đoạn dự thảo: 10 văn bản (xin xem chi tiết tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật).
Như vậy, mới có 17/31 văn bản được ban hành, đạt 55% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, với sự hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định 163, đặc biệt là các Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và các Bộ liên quan trong việc phân công trách nhiệm quản lý VSATTP đã và sắp ban hành sẽ phân định rõ trách nhiệm của từng Bộ và giảm bớt sự chồng chéo cũng như bỏ ngỏ trong quản lý VSATTP lưu thông trên thị trường; đồng thời từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
2.2. Tổ chức thực hiện các văn bản
- Trong đợt tổ chức Hội nghị tập huấn toàn quốc vào tháng 12/2005, Bộ Y tế đã tiến hành giới thiệu nội dung các văn bản đã được ban hành và văn bản đã hoàn chỉnh trình Lãnh đạo Bộ cho các đại biểu tham dự Hội nghị gồm Lãnh đạo các sở y tế và chuyên viên phòng Nghiệp vụ y của sở; lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh và Trưởng khoa VSATTP; đồng thời Bộ Y tế đã tiếp thu giải đáp những vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai ở địa phương.
- Đưa nội dung của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Nghị định 163 vào chương trình của lớp đào tạo chứng chỉ VSATTP cho cán bộ làm công tác quản lý VSATTP tuyến tỉnh và huyện. Năm 2005, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Hà Nội tổ chức 9 lớp đào tạo cấp chứng chỉ VSATTP cho đối tượng cán bộ y tế làm công tác VSATTP tuyến tỉnh và huyện với 439 học viên của 41 tỉnh, thành phố được cấp chứng chỉ.
2. Quản lý và thực hiện VSATTP trong chế biến, kinh doanh thực phẩm
Chúng ta đều biết, ngoài vấn đề về tiêu chuẩn dinh dưỡng của thực phẩm, vấn đề được người tiêu dùng và xã hội quan tâm nhất hiện nay là an toàn vệ sinh của các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày. Trong thực tế, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm thực phẩm, nhưng thực phẩm bị ô nhiễm VSV và hoá chất độc hại là nguyên nhân gây ngộ độc cấp tính và mạn tính, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người tiêu dùng
2.1. Thực phẩm tươi sống, sơ chế bán tại các chợ
Hiện nay, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở các chợ đã được chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan quan tâm từ khâu đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở đến các hoạt động kiểm tra VSATTP. Tuy nhiên, việc này mới chỉ thực hiện được ở một số chợ đầu mối, chợ có giao lưu thương mại lớn. Trong khi đó, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị ô nhiễm trong quá trình sản xuất, chế biến và ngay trong quá trình lưu thông, buôn bán vẫn được tiêu thụ phổ biến trong các quầy hàng, chợ cóc, chợ nhỏ...trong các ngõ hẻm đường phố, làng xã.
a/ Đối với thực phẩm nguồn gốc động vật
- Ô nhiễm vi sinh vật: Khảo sát của Cục Thú y về tình trạng ô nhiễm vi sinh vật (VSV) trong thịt và sữa tại một số điểm giết mổ, chợ, cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tình hình ô nhiễm VSV ở thịt và sữa là đáng lo ngại. Tỷ lệ mẫu thịt (gà, bò, lợn) không đạt tiêu chuẩn về cả 4 chỉ tiêu VSV (E. Coli, Coliform, Salmonella, Clostridium) ở địa bàn Hà Nội là 81,3%, đặc biệt ở thịt bò là 100% số mẫu; ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 32%. Tỷ lệ mẫu sữa không đạt tiêu chuẩn ở các của hàng bán lẻ ở Hà Nội rất cao, tới 90% số mẫu, đặc biệt là tụ cầu vàng.
- Ô nhiễm hoá chất độc hại: Mức độ tồn dư cadimi, chì, thuỷ ngân trong thịt tươi (thịt lợn, thịt gà) tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh thành phố có xu hướng giảm dần cả về tỷ lệ nhiễm và dư lượng của chúng trong thịt tươi. Tỷ lệ mẫu có tồn dư kim loại nặng vượt quá tiêu chuẩn cho phép không cao, cụ thể:
Hà Nội: Tỷ lệ mẫu thịt lợn có tồn dư cadimi vượt ngưỡng là 6,67%, tồn dư chì vượt ngưỡng là 6,67% và tồn dư thuỷ ngân không vượt ngưỡng cho phép. Tỷ lệ mẫu thịt gà không có tồn dư cadimi vượt ngưỡng, tồn dư chì và thuỷ ngân không vượt ngưỡng.
TP. Hồ Chí Minh: Tỷ lệ mẫu thịt lợn có tồn dư cadimi vượt ngưỡng là 3.33%, tồn dư chì vượt ngưỡng là 3,33% và tồn dư thuỷ ngân vượt ngưỡng 0%. Tỷ lệ mẫu thịt gà có tồn dư cadimi vượt ngưỡng là 6,67%, tồn dư chì vượt ngưỡng là 1,67% và tồn dư thuỷ ngân trong giới hạn cho phép.
b/ Đối với thực phẩm nguồn gốc thực vật
- Kết quả khảo sát của Cục bảo vệ thực vật đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong một số loại rau tiêu thụ trên thị trường TP. Hồ chí Minh và Hà Nội năm 2005 cho thấy:
Tại Hà Nội: Số mẫu có dư lượng thuốc BVTV chiếm 50/72 mẫu (69,4%), trong đó số mẫu có dư lượng vượt mức cho phép là 18/72 mẫu (25%). Cụ thể: đậu đỗ 78%, rau cải 61,1% và tỷ lệ mẫu có dư lượng vượt ngưỡng tối đa cho phép: đậu đỗ là 28%, rau cải là 22%
Tại TP. Hồ Chí Minh: Số mẫu có dư lượng thuốc BVTV chiếm 55/72 mẫu (76,4%), trong đó số mẫu có dư lượng vượt mức cho phép là 17/72 mẫu (23,6%). Cụ thể: đậu đỗ 78%, rau cải 72% và tỷ lệ mẫu có dư lượng vượt ngưỡng tối đa cho phép: đậu đỗ là 22%, rau cải là 25%.
Thuốc BVTV cấm sử dụng methamidophos vẫn có dư lượng trong mẫu đậu đỗ là 11,1% (Hà Nội); thuốc cấmendosunfan và methamidophosvẫn có dư lượng trong một số mẫu đậu đỗ và rau cải là 2,5% và 5,5% (TP. Hồ Chí Minh)
Một nghiên cứu năm 2004 ở Ninh Bình cho thấy, tỷ lệ ô nhiễm thuốc BVTV ở các loại rau lá, rau quả khá cao (46,5%), trong đó tỷ lệ nhiễm thuốc BVTV nhóm lân hữu cơ chiếm 37% (74/200 mẫu). Xét nghiệm 200 mẫu trái cây (21 loại trái cây) cho thấy có 41/200 mẫu (của 12 loại trái cây) có tồn dư thuốc BVTV (21%), trong đó nhiễm thuốc BVTV nhóm lân hữu cơ là 10,5% và tập trung vào nhóm hoa quả Trung Quốc như lựu, nho, quýt, cam. Các hoa quả Trung Quốc khác (táo, lê, táo mèo) nhiễm nhóm thuốc BVTV khác.
Năm 2005, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị kỹ thuật trong ngành y tế (Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh y tế công cộng và Viện Pasteur Nha Trang) chủ động lấy 200 mẫu hoa quả tại Lạng Sơn, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh (cam, lê, táo, dưa vàng, dưa xanh, nho) và phân tích dư lượng thuốc BVTV và chất bảo quản. Kết quả cho thấy, các loại thuốc bảo quản và thuốc BVTV phát hiện được đều ở mức an toàn, thấp hơn rất nhiều so với giới hạn tối đa cho phép.
2.2. Thức ăn đường phố
Cùng với quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá, thức ăn đường phố là một loại hình dịch vụ phát triển rất nhanh ở các nước đang phát triển. Thức ăn đường phố thường đa dạng, có thể chế biến sẵn, mua ở nơi khác về bán hoặc có phương tiện chế biến tại chỗ. Ở nước ta, tình trạng ô nhiễm thức ăn đường phố đã gây ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc và thường chiếm từ 10 đến 20% số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong mỗi năm. Đây là một trong những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
Thống kê của Bộ Y tế trong báo cáo tổng kết 3 năm bảo đảm vệ sinh an toàn thức ăn đường phố cho thấy, tình hình vi phạm quy định VSATTP của các cơ sở dịch vụ thức ăn đường phố tập trung vào một số yếu tố chủ yếu sau:
- Mua thực phẩm tuỳ tiện, không rõ xuất xứ: 88% cơ sở
- Nước đá sử dụng cho dịch vụ thức ăn đường phố có nhiễm E. coli: 35,6% ở các cơ sở nội thành và 64,7% ở các cơ sở ngoại thành.
- Không bảo đảm VSATTP trong quá trình chế biến: 49,1-91,6% cơ sở.
- Vận chuyển, bảo quản không bảo đảmATVSTP: 85,9-99,2 %cơ sở.
- Nơi bán hàng, trang thiết bị và dụng cụ nấu nướng không bảo đảm vệ sinh: 37%-88% cơ sở.
- Người kinh doanh, chế biến thực phẩm không chấp hành các quy định VSATTP: 43,8-88% cơ sở.
Kết quả khảo sát tình hình ô nhiễm vi sinh vật trên một số thực phẩm ăn liền bán tại các chợ ở TP. Hồ Chí Minh từ 2002-2004 cho thấy: 100% số mẫu bánh mì, xôi mặn; 89% số mẫu nước giải khát bán lẻ (sữa đậu nành, nước rau má, sữa tươi, nước mía - có pha thêm đường và nước đá) và 86% số mẫu heo quay, vịt quay không đạt yêu cầu về vi khuẩn chỉ điểm vệ sinh và vi khuẩn gây bệnh.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng về tình trạng vệ sinh của một số loại thức ăn có nguy cơ ô nhiễm cao trên thị trường Hà Nội năm 2003 cho thấy: 100% số mẫu thực phẩm (lòng lợn luộc, rau sống, nem chua, nem chạo) bị nhiễm vi khuẩn hiếu khí ở mức cao và không đạt tiêu chuẩn cho phép, trong đó nhiễm coliform quá giới hạn là 80%; 28,6% mẫu lòng lợn luộc, 16,1% số mẫu rau sống nhiễm E. Coli; tình trạng nhiễm tụ cầu vàng vượt mức cho phép xét nghiệm thấy ở 23,3% số mẫu nem chua và 28,7% số mẫu lòng lợn.
2.3. Bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế, trong năm 2005 trên toàn quốc đã xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, với 2.175 người mắc, không có người tử vong (TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra 16 vụ với 1.217 người mắc), trong đó có 19 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể của các khu công nghiệp. 14/26 vụ ngộ độc thực phẩm có từ 30 người mắc trở lên. So với năm 2004, tăng thêm 06 vụ và với số người mắc nhiều hơn là 797 người.
Phân tích nguyên nhân qua các năm cho thấy: ngộ độc do thực phẩm ô nhiễm vi sinh vật vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất (53,9%), sau đó là nguyên nhân do thực phẩm chứa chất độc (19,2%), ngộ độc do thực phẩm ô nhiễm hoá chất là 15,4%, còn lại là các vụ không xác định được nguyên nhân(11,5%).
Số liệu trên cho thấy, tình hình ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này do:
- Các cơ sở chế biến suất ăn, các bếp ăn tập thể không thực hiện đúng quy định vệ sinh cơ sở chế biến thực phẩm, vệ sinh người trực tiếp chế biến thực phẩm.
-Không thực hiện chế độ lưu mẫu theo Quyết định của Bộ Y tế.
- Người sử dụng lao động, người phụ trách cơ sở chế biến suất ăn thiếu trách nhiệm trong quản lý giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn khâu cung ứng chế biến thực phẩm (chi tiết xin tham khảo phụ lục).
2.4. Sử dụng chất phụ gia, hoá chất trong bảo quản thực phẩm.
Hiện nay, nguồn phụ gia thực phẩm được sử dụng để sản xuất và chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nguồn phụ gia nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện tượng nhập lậu phụ gia thực phẩm vẫn xảy ra, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn phụ gia lưu thông trên thị trường. Tình trạng sử dụng các hoá chất, phụ gia ngoài danh mục để bảo quản, chế biến thực phẩm vẫn phổ biến ở các địa phương, đặc biệt là hàn the, đường hoá học, phẩm mầu ngoài danh mục. Viện Vệ sinh y tế công cộng đã tiến hành khảo sát đánh giá thực trạng việc sử dụng hàn the tập trung ở 3 thực phẩm (chả lụa, mì sợi tươi, bánh su sê và bánh da lợn)tại TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm từ 2003-2005 cho thấy, tình hình sử dụng hàn the trong chả lụa và mì sợi tươi là rất phổ biến, chiếm tỷ lệ cao từ 87,5% đến 100%; tình hình sử dụng hàn the trong bánh su sê và bánh da lợn giảm từ 70% xuống còn 43,3%. Nguy hiểm hơn nữa, lượng hàn the cho thêm vào thực phẩm ngày càng nhiều: năm 2003-2004 là 1000-3000 mg/kg thực phẩm, nhưng đến năm 2005 là trên 3000 mg/kg thực phẩm.
Một nghiên cứu của Trung tâm Y tế dự phòng Thái Nguyênvề thực trạng sử dụng phẩm mầu trong thực phẩm năm 2004 cho thấy, số mẫu thực phẩm có sử dụng phẩm mầu ngoài danh mục chiếm 12,1%, trong đó tập trung ở nhóm thực phẩm thịt và sản phẩm của thịt, tương ớt, bánh mứt kẹo và hạt dưa.
Thực hiện chức năng chủ động giám sát ô nhiễm thực phẩm, năm 2005, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên đã tiến hành lấy mẫu một số loại thực phẩm (giò chả, sữa, bánh kẹo, nước giải khát, nước chấm, phẩm màu nguyên liệu) lưu thông trên địa bàn trong các đợt cao điểm (tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tháng Hành động) để kiểm nghiệm các chỉ tiêu ô nhiễm VSV và hoá học. Kết quả như sau:
+ Về ô nhiễm hoá học: Có 71% số mẫu thực phẩm chủ yếu là giò chả có sử dụng hàn the; 37,5% số mẫu thực phẩm sử dụng phẩm mầu ngoài danh mục; 29,7% số mẫu có sử dụng chất ngọt tổng hợp vượt quá giới hạn quy định hoặc sử dụng chất tạo ngọt không được phép (cyclamate)
+ Về ô nhiễm VSV: có 31,8% số mẫu có tổng số vi khuẩn hiếu khí vượt quá giới hạn cho phép. Tỷ lệ mẫu nhiễm Coliform, E.coli, Cl.perfringent, nấm men, nấm mốc còn cao.
2.5. Quản lý thực phẩm nhập khẩu
Thực phẩm nhập khẩu không chính ngạch (phi mậu dịch) vào nước ta chủ yếu là qua các cửa khẩu của các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, trong đó chủ yếu là Trung Quốc. Nhập khẩu chính ngạch chủ yếu qua TP. Hồ Chí Minh (chiếm 70-80%), còn lại là qua Hải Phòng, Đà Nẵng và một số thành phố khác. Hàng thực phẩm nhập vào có nhiều chủng loại, nhưng có một số mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao như hoa quả, phụ gia, thịt và phụ phẩm của gia súc, gia cầm, đó còn chưa kể các thực phẩm nhập khẩu theo con đường tiểu ngạch, hàng xách tay...không thể kiểm soát được.
Một vấn đề quan trọng trong quản lý thực phẩm nhập khẩu là kiểm soát VSATTP nhập khẩu sau công bố chất lượng sản phẩm. Năm 2004, Viện Vệ sinh y tế công cộng đã tiến hành khảo sát chất lượng 31 mẫu sữa bột nhập ngoại tiêu thụ trên thị trường TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy: Chỉ tiêu độ ẩm và độ chua đạt tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của TCVN 5538-2002 là 70,97%; chỉ tiêu hàm lượng lipit theo tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của TCVN 5538- 2002 đạt 40,91%; chỉ tiêu hàm lượng protit theo tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của TCVN 5538- 2002 đạt 19,36%. Như vậy, vẫn còn một lượng đáng kể sữa không đạt yêu cầu về độ ẩm và độ chua mà vẫn được tiêu thụ công khai trên thị trường; nhưng cũng phản ánh các yêu cầu kỹ thuật trong TCVN chưa sát với thực tế và chưa rõ ràng, chi tiết.
Bên cạnh đó, việc kiểm dịch động vật nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ và đường hàng không còn gặp nhiều khó khăn do chưa có các khu cách ly kiểm dịch động vật. Trong khi đó, tình trạng nhậplậu động vật, sản phẩm động vật ở biên giới, đặc biệt là biên giới Việt – Trung, Campuchia diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh động vật và quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, thực phẩm chức năng đang được người tiêu dùng trong nước quan tâm. Đây là nhóm sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao và nguồn gốc chủ yếu là được nhập từ nước ngoài. Thực phẩm chức năng được kinh doanh chủ yếu theo mạng, việc quản lý các nhà phân phối độc lập (người bán hàng cho các công ty) là rất khó khăn, đặc biệt là việc quảng cáo sản phẩm.
Năm 2004, Thanh tra Bộ Y tế đã phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và thanh tra sở Y tế một tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra tại một số cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng. Kết quả thanh tra tại 15 cơ sở trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận cho thấy 80% (12/15) cơ sở vi phạm quy định, trong đó số cơ sở vi phạm về quảng cáo là 7 (58,3%)và số cơ sở vi phạm về ghi nhãn là 8 (66,6%). Về quảng cáo, nội dung vi phạm tập trung vào: quảng cáo nhưng không đăng ký nội dung tại cơ quan y tế và quảng cáo quá nội dung và thành phần công dụng của sản phẩm. Về ghi nhãn, nội dung vi phạm chủ yếu tập trung vào : ghi sai thành phần cấu tạo và ghi sai về công dụng sản phẩm.
Trên đây là thực trạng tình hình quản lý và thực hiện VSATTP thuộc lĩnh vực ngành y tế quản lý. Các vi phạm pháp luật về VSATTP xảy ra ở tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm từ sản xuất, chế biến, lưu thông và tiêu thụ thực phẩm; không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Do vậy, cần phải có sự phối hợp hành động đồng bộ của các Bộ liên quan trong việc quản lý và kiểm soát chặt chẽ chất lượng VSATTP từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm.
3. Phối hợp trong hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về quản lý VSATTP
3.1. Phối hợp liên ngành
- Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP được thành lập theo Quyết định số 48/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đi vào hoạt động và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế đảm nhiệm vai trò Văn phòng Ban Chỉ đạo.
- Sáu Cục và Tổng cục có chức năng quản lý thực phẩm đã nhóm họp theo định kỳ (3 tháng/lần), trao đổi và giải quyết các vụ việc nổi cộm về VSATTP.
- CụcAn toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các Vụ, Cục của các Bộ liên quan xây dựng và ban hành các Thông tư liên tịch về phân công phối hợp trong quản lý VSATTP (5 Thông tư và 1 quyết định)
- Các Vụ Cục liên quan trong Bộ Y tế đã phối với các cơ quan liên quan giải quyết các công việc đột xuất: Nhãn sản phẩm của Unilever, trứng gà giả, sử dụng thuốc xịt kiến để bảo quản thực phẩm, rượu vang giả, mì chính giả, đường giả ....
Năm 2005 là năm đánh dấu bước chuyển biến quan trọng của sự phối hợp liên ngành; sự phân công trách nhiệm quản lý VSATTP rõ nét hơn thể hiện trong việc ban hành các Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và 5 Bộ liên quan. Sự hoạt động hiệu quả của sáu Cục và Tổng cục đã giúp cho Ban Chỉ đạo liên ngành giải quyết các vấn đề phát sinh, nổi cộm trong quản lý VSATTP.
3.2. Tổ chức hoạt động các cơ quan chuyên trách về VSATTP
- Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ: “Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về VSATTP từ trung ương đến địa phương. Đến năm 2010, tất cả các trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thành phố có khoa An toàn vệ sinh thực phẩm; tại trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện có khoa An toàn vệ sinh thực phẩm” (Quyết định số 243/2005/QĐ-TTg ngày 5/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ).
- Tham mưu đề xuất với các cấp có thẩm quyền tổ chức hệ thống thanh tra chuyên ngành về VSATTP thực hiện Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, trong thời gian tới, cần phải kiện toàn 2 tổ chức trên thì mới có thể đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về VSATTP, đáp ứng tình hình thực tế hiện nay và sự mong mỏi của xã hội.
3.3. Tổ chức hệ thống và năng lực các phòng kiểm nghiệm VSATTP
- Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại công văn số 690/VPCP-VX ngày 7/2/2003, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã phối hợp với các đơn vị liên quan của các Bộ xây dựng Quy hoạch hệ thống kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, đến năm 2010, ngành Y tế sẽ có 5 Trung tâm Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (1 trung tâm quốc gia tại Hà Nội và 4 trung tâm khu vực đặt tại Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh y tế công cộng, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và TP. Cần Thơ).
- Hỗ trợ Viện Dinh dưỡng, Viện Vệ sinh Y tế công cộng, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng xây dựng labo kiểm nghiệm VSATTP theo ISO/IEC 17025. Hiện Labo của Trung tâm kiểm nghiệm của Viện Dinh dưỡng đã được công nhận hợp chuẩn. Đây là Labo kiểm nghiệm thực phẩm đầu tiên của ngành y tế được chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý theo ISO.
Năm 2006, Cục sẽ tiếp tục phối hợpđể các Labo kiểm nghiệm VSATTP của Viện Vệ sinh Y tế công cộng, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng được công nhận hợp chuẩn ISO/IEC 17025.
4. Công tác xây dựng tiêu chuẩn về VSATTP
4.1. Trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành 5 tiêu chuẩn ngành và lưu hành 12 bộ kits kiểm tra nhanh VSATTP:
- 52 TCN-TQTP 0011:2005: thường quy kỹ thuật xác định Tert-butyl hydroquinon (TBHQ) trong thực phẩm bằng phương pháp đo quang
- 52 TCN-TQTP 0012:2005: thường quy kỹ thuật xác định Butyl hydroxyanison (BHA) trong thực phẩm bằng phương pháp đo quang.
- Thường quy xác định 3-MCPD.
- 52 TCN-TQTP 0013:2006: Thường quy xác định tổng số vi khuẩn lactic trong thực phẩm.
- 52 TCN-TQTP 0014:2006: Thường quy kỹ thuật phân lập và xác định Campylobacter trong thực phẩm.
- Quyết định số 343/QĐ-BYT ngày 06/02/2006 về việc cho phép lưu hành 12 bộ kits kiểm tra nhanh VSATTP.
4.2. Đang trình lãnh đạo Bộ ký ban hành quy chế đăng ký test nhanh kiểm tra VSATTP.
4.3. Đang trong giai đoạn dự thảo: 8 văn bản kỹ thuật
- Danh mục chất hỗ trợ chế biến và danh mục thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong thực phẩm.
- Hai quy định VSAT đối với bao bì chứa đựng thực phẩm.
- Quy định bảo quản thực phẩm.
- Quy định điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất sữa đậu nành.
- Soát xét giới hạn tối đa hàm lượng kim loại nặng trong thực phẩm.
- Quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn thực phẩm.
5. Công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP
5.1. Tại trung ương
- Phối hợp với Tổng cục TCĐLCL, Cục QLTT tổ chức 4 đoàn kiểm tra tại 24 tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh có cửa khẩu (từ 15/1/2005 đến 28/2/2005).
- Phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức 10 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh, kiểm tra kết quả thực hiện Chỉ thị 08 tại 32 tỉnh, thành phố (trong thời gian triển khai Tháng hành động).
- Phối hợp với Thanh tra Bộ, thanh tra y tế Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tổ chức chiến dịch thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm VSAT thức ăn đường phố.
- Thành lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm Tết Bính Tuất tại một số tỉnh trọng điểm và tham gia một số đoàn liên ngành do các Bộ liên quan tổ chức.
So với năm 2004, hoạt động thanh kiểm tra việc thực hiện các quy định về VSATTP ở tuyến trung ương và địa phương được đẩy mạnh hơn, đặc biệt là đã tổ chức được nhiều đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra ở một số khu vực có nhiều giao lưu thương mại về thực phẩm như các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố, khu công nghiệp, vùng sản xuất thực phẩm tập trung...
5.2. Tại địa phương
- Tại các tỉnh, thành phố, tổng số cơ sở sản xuất thực phẩm được thanh tra, kiểm tra là 46.208 trong đó 34.007 cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng VSATTP (chiếm 75,5%). Tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ thực phẩm được thanh tra, kiểm tra là 257.445 trong đó 178.386 cơ sở đạt tiêu chuẩn chất lượng VSATTP (chiếm 75,6%). Tổng số bếp ăn tập thể được thanh tra, kiểm tra là 6.433 trong đó 5.004 bếp ăn đạt tiêu chuẩn chất lượng VSATTP (chiếm 77,8%) (Số liệu báo cáo 9 tháng của 64 tỉnh, thành phố).
5.3. Từ việc giám sát, kiểm tra, thanh tra cho thấy những nguy cơ VSATTP cần chú ý:
a/ Hàng thực phẩm không đảm bảo chất lượng VSAT:
Do đặc điểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở nước ta còn nhỏ lẻ, thủ công không bảo đảm các điều kiện VSATTP, đặc biệt ở các làng nghề sản xuất bánh kẹo, thực phẩm truyền thống... nên không bảo đảm chất lượng VSATTP của sản phẩm làm ra.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở gia súc gia cầm diễn biến phức tạp: cúm H5N1, bệnh lợn chết hàng loạt, cá chết ...; trong khi đó việc kiểm soát vệ sinh thú y, vệ sinh giết mổ gia súc gia cầm và lưu thông các sản phẩm động vật trên thị trường vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ nên nguy cơ truyền bệnh từ động vật sang người rất lớn.
Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ gần như còn bị bỏ ngỏ vì số lượng nhập theo đường tiểu ngạch và nhập lậu rất lớn. Ví dụ: tại cửa khẩu Lào Cai đã phát hiện 11 vụ vi phạm nhập lậu thực phẩm gồm: 1.325 kg tim cật lợn, 1.960 kg đậu xanh, 6.340 quả trứng, 1.200 kg thịt gà, 1.590 kg nho khô ...
Kiểm soát sản phẩm thủy sản tiêu dùng nội địa gần vẫn bị bỏ ngỏ, không cơ quan nào quản lý; đặc biệt là hàng hóa thủy sản khô, thủy sản chế biến sẵn (An Giang)
Vẫn tồn tại tình trạng sử dụng chất bảo quản độc hại để bảo quản thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) quá mức cho phép trong rau đẫn đến hậu quả gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm đáng tiếc như: vụ ngộ độc táo ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) làm cho 1 người tử vong, sử dụng thuốc xịt kiến để bảo quản tôm cá khô tại một số tỉnh phía Nam, ngộ độc thực phẩm do đậu đũa tại Công ty Filia Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), ngộ độc thực phẩm do ăn dưa Thái Lan tại Ninh Bình...
Việc lưu thông, sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm vẫn còn phổ biến ở hầu hết các địa phương; đặc biệt trong chế biến giò, chả, bánh truyền thống. Ví dụ: việc mua bán đường Cyclamate trái phép ở TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra của Trung tâm YTDP TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ lệ sử dụng hàn the trong chả lụa, mì sợi tới 70-74%.
b/ Hàng thực phẩm giả, quá hạn sử dụng:
Nguy cơ thực phẩm giả năm nay có xu thế tăng cao, đặc biệt là hàng thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Các mặt hàng thị trường trong nước tiêu thụ mạnh trong dịp Tết bị làm giả như: rượu, mì chính, bánh mứt kẹo, nước ngọt... Ví dụ: vụ sản xuất 4 tấn bột ngọt giả tại TP. Hồ Chí Minh; vụ tẩy xoá hạn sử dụng cũ và ghi lại hạn sử dụng mới cho 3.400 thùng nước trái cây đóng lon quá hạn; vụ sản xuất và tiêu thụ rượu giả tại Quận Hoàng Mai (Hà Nội); vụ làm rượu vang Pháp giả tại Bắc Ninh; vụ làm mì chính giả nhãn hiệu Ajinomoto tại Ninh Thuận... đã được lực lượng Công an và Quản lý thị trường phát hiện và xử lý.
c/ Ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm:
Nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng nếu không được kiểm soát mạnh mẽ hơn nữa. Tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng năm 2005 đã có 23 vụ với số người mắc đã lên tới 1.318 (chiếm trên 30% số mắc của toàn quốc) với 02 trường hợp tử vong, trong đó có 9/23 vụ mắc với số lượng trên 30 người/vụ; 5 vụ xảy ra tại các trường tiểu học với 205 cháu bị ngộ độc.
Gần đây nhất, trong ngày 16/01/2006 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại 3 trường tiểu học tại quận Bình Thạnh do cùng 1 cơ sở cung cấp thức ăn đã làm cho 247 cháu bị ngộ độc (220 cháu phải vào viện cấp cứu). Chi tiết tình hình ngộ độc thực phẩm năm 2005 xin tham khảo phụ lục.
6. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP
Hoạt động tuyên truyền giáo dục VSATTP là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 1999, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm luôn phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan và các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức VSATTP cho các nhóm đối tượng trên nhiều kênh truyền thông khác nhau
- Năm 2005, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế đã phối hợp với Ban Văn hoá xã hội Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng nội dung và phát sóng 300 lượt thông điệp, 391 phóng sự, tin bài về VSATTP với thời lượng 2510 phút và 872 lượt phát.
- Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và phát sóng 60 tin bài, phóng sự trên VTV1; 49 tin bài trên VTV2; 22 tin bài, tiểu phẩm trên VTV3 với tổng cộng 286 lượt phát và 100 lượt phát thông điệp Tháng Hành động.
- Các báo viết:Thường xuyên theo dõi và phối hợp tuyên truyền với 27 Báo viết và tạp chí; đã có 2862 tin, bài, ảnh có nội dung tuyên truyền về VSATTP.
- Phối hợp với Hội Nhà báo, Hội Nông dân và Hội người cao tuổi tổ chức 3 lớp tập huấn cho 320 cộng tác viên về công tác bảo đảm VSATTP.
- Phối hợp với UBND Đồng Nai tổ chức thành công Lễ phát động Tháng hành động vì chất lượng VSATTP với sự tham gia của các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương.
- Xây dựng và cấp phát ấn phẩm truyền thông cho 64 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành.
- Chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền hình, Đài Phát thanh, Báo chí.
Cùng với việc từng bước nâng cao nhận thức, thực hành về VSATTP cho cộng đồng, công tác giáo dục truyền thông đã góp phần giải quyết và định hướng dư luận xã hội đối với những sự kiện “nóng”, đột xuất như trứng gà giả, gạo nhiễm Cadimi, hoa quả tẩm hoá chất...
- Tại địa phương: Tổ chức 4.944 buổi phổ biến kiến thức VSATTP cho 594.946 người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do kiến thức và trình độ của người sản xuất kinh doanh thực phẩm có hạn, do sự tác động của cơ chế thị trường, nên những người sản xuất kinh doanh thực phẩm đã vô tình hoặc cố ý làm sai các quy định về VSATTP. Thêm nữa, những người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đúng hoặc có thái độ làm ngơ trước những hành vi vi phạm về VSATTP.
Một nghiên cứu đánh giá về nhận thức và thực hành VSATTP của các nhóm đối tượng ở một số làng nghề sản xuất thực phẩm truyền thống năm 2004 cho thấy:
- Ở nhóm người quản lý: chỉ có 55,6% người được phỏng vấn hiểu được về ngộ độc thực phẩm; 77,8% người hiểu được tác nhân gây ô nhiễm thực phẩm; hơn 90% người không nhớ được một văn bản quy phạm pháp luật về VSATTP.
- Ở nhóm người sản xuất, kinh doanh thực phẩm: có 82,4% người chưa được qua tập huấn về VSATTP; còn 25-85% người thực hiện không đúng các quy định VSATTP trong kinh doanh, chế biến thực phẩm .
Một nghiên cứu khác đánh giá hiểu biết của công nhân sản xuất nước giải khát ở Hà Nội cho thấy: năm 2000 có 26,2% công nhân biết về danh mục phụ gia quy định cho chế biến thực phẩm; đến năm 2004, tỷ lệ này là 32,7%; chỉ có 39,7% công nhân được đánh giá đạt về kiến thức VSATTP.
7. Xã hội hoá công tác bảo đảm VSATTP
Nghị quyết 46-NQ/TW của Bộ chính trị đã chỉ rõ: “Bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân, mỗi gia đình và cộng đồng, là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và các tổ chức xã hội, trong đó ngành y tế là nòng cốt về chuyên môn và kỹ thuật”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo trên, ngành y tế đã triển khai xây dựng một số mô hình điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm huy động sự tham gia của chính quyền, đoàn thể tại địa phương, cơ sở thực phẩm, từ đó nhân rộng ra các địa phương, cơ sở thực phẩm khác:
- Mô hình thức ăn đường phố: được triển khai tại 7 thành phố trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh theo 6 nguyên tắc thực hiện và 8 bước triển khai.
- Xây dựng 13 mô hình Truyền thông cộng đồng, xây dựng đời sống văn hoá, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại 9 địa phương.
- Mô hình áp dụng hệ thống quản lý HACCP tại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm có nguy cơ cao:
Triển khai tập huấn áp dụng hệ thống quản lý theo HACCP:
Năm 2004: 7 cơ sở sản xuất thực phẩm
Năm 2005: 10 cơ sở sản xuất thực phẩm. Đã có 2 cơ sở được chứng nhận áp dụng HACCP.
8. Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về VSATTP.
- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức 3 Hội nghị xúc tiến áp dụng HACCP tại 3 miền Bắc, Trung, Nam.
- Phối hợp với Bộ Công nghiệp tổ chức 2 Hội nghị áp dụng HACCP tại miền Bắc và miền Nam.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Khoa học về Vệ sinh an toàn thực phẩm lần thứ 3 tại Hạ Long – Quảng Ninh với sự tham gia của trên 200 đại biểu từ các Viện trong Bộ Y tế, Y tế các địa phương và một số đơn vị của các ngành liên quan.
- Ứng dụng nghiên cứu sản phẩm bột PDP nguồn gốc thiên nhiên từ vỏ thuỷ, hải sảnkhông độc hại, dùng làm phụ gia thực phẩm an toàn thay thế hàn the độc hại.
- Áp dụng các bộ tests kits sản xuất trong nước và nhập ngoại trang bị cho địa phương, phục vụ cho công tác thanh, kiểm tra tại thực địa.
- Ứng dụng một số kỹ thuật mới trong phát hiện vi khuẩn, độc tố vi khuẩn trong thực phẩm như:
Phương pháp miễn dịch huỳnh quang và PCR phát hiện Vibrio cholera.
Kỹ thuật Elisa để xác định Enterotoxin của S.aureus
Kỹ thuật PCR Elisa để phát hiện Salmonella...
II. KIẾN NGHỊ
1. Các khó khăn tồn tại
- Tình hình ngộ độc thực phẩm tuy có giảm, nhưng không bền vững vì chưa có đủ điều kiện và khả năng kiểm soát.
- Nguy cơ thực phẩm bị ô nhiễm do tác nhân sinh học, hoá học còn cao, ảnh hưởng tới tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thực phẩm.
- Chưa hình thành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định về VSTTP, gây khó khăn cho công tác kiểm soát ô nhiễm thực phẩm và hội nhập kinh tế quốc tế.
- Về kinh phí: Còn chưa đáp ứng cho công tác kiểm soát VSATTP, đặc biệt đầu tư cho tuyến cơ sở. Bình quân kinh phí chi cho công tác bảo đảm VSATTP ở nước ta mới đạt 468 đồng/người/ năm, trong khi đó ở Thái Lan là 1000 đồng/người/tháng (năm 2004).
2. Kiến nghị
2.1.Đối với Chính phủ:
- Cho phép Bộ Y tế phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng Chương trình quốc gia riêng về bảo đảm VSATTP giai đoạn 2007-2010 và những năm tiếp theo do tầm quan trọng và tính liên ngành rất lớn của lĩnh vực này.
- Kiện toàn bộ máy thanh tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm từ trung ương đến địa phương và các Bộ ngành để nó có thể thực sự là chuyên ngành và đáp ứng tính thời sự khi cần phải cân nhắc, quyết đoán.
- Đầu tư hơn nữa để nâng cao năng lực kiểm nghiệm VSATTP (cơ sở vật chất, trang thiết bị và trình độ cán bộ kỹ thuật) của các các Labo từ trung ương đến tuyến tỉnh, thành phố và quận, huyện.
2.2. Đối với Uỷ ban nhân dân các cấp:
Tăng cường hơn nữa vai trò của UBND các cấp trong các hoạt động quản lý và bảo đảm VSATTP trên địa bàn; kiện toàn ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tại địa phương trên cơ sở Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 08/1999/CT-TTg của địa phương do đồng chí lãnh đạo UBND làm trưởng ban.
2.3. Đối với các tổ chức đoàn thể chính trị
Vận động quần chúng nhân dân, hội viên tích cực tham gia các phong trào: xây dựng làng văn hoá sức khoẻ, xây dựng các mô hình cộng đồng bảo đảm VSATTP...
Trên đây là báo cáo của Bộ Y tế về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước theo chức năng được phân công về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xin trân trọng cảm ơn./.
TÌNH HÌNH NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM NĂM 2005
| 2005 | 2004 |
Số vụ | 144 | 145 |
Mắc | 4304 | 3584 |
Tử vong | 53 | 41 |
Nguyên nhân
Nguyên nhân | 2005 | 2004 |
Vi sinh vật | 74 vụ (51.4%) | 82 vụ (56.5%) |
Hóa chất | 12 vụ (8.3%) | 18 vụ (12.4%) |
Thực phẩm độc | 39 vụ (27.1%) | 33 vụ (22.8%) |
Không rõ nguyên nhân | 19 vụ (13.2%) | 12 vụ (8.3%) |
Ngộ độc tại bếp ăn tập thể:
| 2005 | 2004 |
Số vụ | 26 | 19 |
Mắc | 2175 | 1378 |
Tử vong | 0 | 0 |
Nguyên nhân
Nguyên nhân | 2005 | 2004 |
Vi sinh vật | 14 vụ (53.9%) | 12 vụ (63.2%) |
Hóa chất | 4 vụ (15.4%) | 3 vụ (15.8%) |
Thực phẩm độc | 5 vụ (19.2%) | 0 |
Không rõ nguyên nhân | 3 vụ (11.5%) | 4 vụ (21.0%) |
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông báo số 120/BC-BYT về báo cáo tình hình thực hiện văn bản pháp luật về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành y tế năm 2005 do Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 120/BC-BYT
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 20/02/2006
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Trịnh Quân Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 20/02/2006
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra