VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 111/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 2005 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ BAN CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG
Ngày 18 tháng 5 năm 2005, tại thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tham dự Hội nghị có đ/c Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các thành viên Ban Chỉ đạo và các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Sau khi nghe đại diện các Bộ báo cáo: quy hoạch xây dựng; quy hoạch giao thông vận tải; phương hướng sử dụng đất, tài nguyên nước, tài nguyên biển và bảo vệ môi trường; quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm công nghiệp chủ yếu và quy hoạch phát triển điện lực; quy hoạch hệ thống các khu công nghiệp và công nghệ cao; rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi; ý kiến phát biểu của các đồng chí đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:
1. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thức IX, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39/NQ-TW, ngày 16/8/2004 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010, đây là chiến lược và tầm nhìn về phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-TW của Bộ Chính trị; Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đã xác định đây là Vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn. Yêu cầu của Hội nghị Ban Chỉ đạo lần này là bàn về xây dựng, bổ sung quy hoạch 5 năm tới của các ngành, lĩnh vực một cách hợp lý để làm cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010 của từng tỉnh, thành phố nói riêng và của cả Vùng nói chung.
2. Về quy hoạch các Bộ đã báo cáo: cơ bản nhất trí với báo cáo và những ý kiến tham gia, kiến nghị của các địa phương. Giao các Bộ chức năng nghiên cứu tiếp thu và tiếp tục lấy thêm ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương để hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc hoàn chỉnh các quy hoạch cần lưu ý:
a) Bộ Xây dựng, khi triển khai quy hoạch đô thị Vùng này cần phải quy hoạch theo chuỗi đô thị, gắn quy hoạch chuỗi đô thị theo quốc lộ 1A, đường cao tốc, với các khu kinh tế động lực, các khu công nghiệp, các cảng, sân bay. Khai thác lợi thế trục phía Tây đường Hồ Chí Minh và các trục đường ngang. Gắn trung tâm hành chính huyện, thị trấn, xã với cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ, đầu mối giao thông. Quy hoạch đô thị phải gắn với quy hoạch hệ thống cấp và thoát nước, quy hoạch cấp thoát nước không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Về xử lý rác thải, chất thải rắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng lập quy hoạch, xác định mô hình, hình thức đầu tư và công nghệ xử lý rác thải hợp lý, phù hợp với điều kiện của Vùng.
b) Về quy hoạch giao thông:
- Hệ thống cảng biển của Vùng phải bảo đảm phát huy lợi thế và phục vụ tốt hàng hóa qua cảng. Đầu tư xây dựng cảng bằng các nguồn vốn kể cả kêu gọi đầu tư nước ngoài.
- Bộ Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không VN nghiên cứu khả năng phát triển các tuyến bay để đầu tư mở rộng các sân bay hiện có trong Vùng. Đồng ý về nguyên tắc để các nước có nhu cầu mở đường bay đến sân bay Phú Bài (Huế) phục vụ du lịch như một sân bay du lịch quốc tế, Bộ Giao thông vận tải xử lý cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ.
c) Về quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế thống nhất cho các khu kinh tế, khu công nghiệp trong Vùng.
d) Quy hoạch sản phẩm công nghiệp chủ yếu phải phát huy được lợi thế, tiềm năng của Vùng, xác định sản phẩm cứng trên cơ sở tài nguyên tại chỗ như: xi măng, thủy điện, khoáng sản, cơ khí nặng (ô tô, đóng tàu). Các sản phẩm công nghiệp khác mang tính định hướng cần có sự điều phối trong Vùng, trong đó lưu ý khai thác tiềm năng về công nghệ thông tin điện tử.
đ) Về thủy lợi, phải gắn thủy lợi với thủy điện, phòng chống thiên tai, quản lý khai thác nước ngầm phục vụ cho nhu cầu sản xuất, đời sống sinh hoạt của nhân dân và phát triển sản xuất công nghiệp.
3. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các tỉnh lựa chọn dự án để đưa vào kế hoạch 5 năm 2006-2010 và tổ chức vận động đầu tư theo hướng huy động được mọi nguồn vốn (ngân sách TW, ngân sách địa phương, đầu tư nước ngoài, các thành phần kinh tế…) cho đầu tư.
4. Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm sẽ họp vào quý IV năm 2005 để kiểm điểm công tác trong thời gian qua và nghe báo cáo về các quy hoạch: du lịch, nông nghiệp và thủy lợi, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế.
5. Về hoạt động của Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối Vùng:
- Tập trung chỉ đạo xây dựng, rà soát bổ sung tất cả các quy hoạch của Vùng. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, các Bộ, ngành và các địa phương nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể phù hợp với đặc thù của Vùng để tạo điều kiện thuận lợi cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển nhanh, toàn diện.
- Lập Tổ thường trực giúp Ban chỉ đạo điều phối, gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, thành viên là lãnh đạo cấp Vụ các Bộ, cơ quan TW liên quan, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố thuộc Vùng. Hàng tháng thực hiện giao ban Tổ thường trực.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố liên quan biết, thực hiện.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, |
Thông báo số 111/TB-VPCP về việc kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 111/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 06/06/2005
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Văn Lâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 32 đến số 33
- Ngày hiệu lực: 06/06/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực