VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ HOÀNG TRUNG HẢI VỀ TÌNH HÌNH SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA TỔNG CÔNG TY ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM VÀ VIỆC CHUẨN BỊ DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC HÀ NỘI-THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Ngày 27 tháng 12 năm 2007, tại trụ sở Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để bàn về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và việc lập Báo cáo đầu tư Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:
1. Đánh giá chung về sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
- Ngành đường sắt có vị trí, vai trò quan trọng; vừa thực hiện quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, vừa làm dịch vụ phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội; phát triển đường sắt phải đi cùng với quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Năm 2007, Tổng công ty đã có nhiều cố gắng, vượt qua nhiều khó khăn do tình hình thiên tai, bão lũ gây ra, hoàn thành kế hoạch năm 2007 với thành tích không nhỏ: hầu hết các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân đều tăng; khối cơ khí công nghiệp đầu máy, toa xe có những cố gắng trong ứng dụng tiến bộ công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; việc chuẩn bị các dự án trọng điểm, chiến lược được thực hiện khá tích cực; công tác đảm bảo an toàn giao thông vận tải đường sắt được chú trọng. Tuy nhiên, đến nay hạ tầng đường sắt còn yếu kém và lạc hậu làm cản trở phát triển; nguy cơ mất an toàn đường sắt vẫn tồn tại; chất lượng phục vụ chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
- Năm 2008-năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006-2010, căn cứ Kế hoạch phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2007-2010 đã được phê duyệt (Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ), Tổng công ty lập Kế hoạch sản xuất kinh doanh 2008 với 8 nhiệm vụ và 11 chỉ tiêu chủ yếu cơ bản là phù hợp.
Trong năm 2008, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cần chú ý thực hiện một số việc sau:
+ Tập trung thực hiện các biện pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại. Tiếp tục phát huy áp dụng tiến bộ công nghệ, tăng năng suất lao động, chủ động phát triển mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo tăng trưởng bền vững; thực hiện tốt trách nhiệm phục vụ.
+ Thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty trong lĩnh vực đầu tư trang thiết bị, kết cấu hạ tầng của ngành để giảm bớt gánh nặng đối với ngân sách nhà nước, mang lại hiệu quả cao hơn cho nền kinh tế.
+ Nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, nhất là quản lý tài chính doanh nghiệp, áp dụng các phương thức quản lý sản xuất kinh doanh hiện đại (bán vé qua mạng là một ví dụ đã làm tốt) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.
+ Đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực, dành phần đáng kể từ doanh thu của doanh nghiệp, từ kinh phí của các dự án đầu tư và huy động hỗ trợ từ các nguồn khác để đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên đường sắt.
+ Tích cực chuẩn bị và thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt theo đúng tiến độ.
2. Về các kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:
- Về Dự án Đường cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh; Dự án Đường sắt tiêu chuẩn Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội- Đồng Đăng, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động xây dựng cơ chế đặc thù đối với hai dự án này, trình Chính phủ xem xét, quyết định. Riêng đối với Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại việc đàm phán, nếu phía Nhật Bản không hỗ trợ thì trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để lập Báo cáo đầu tư Dự án.
- Đồng ý sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư Dự án thay tà vẹt bê tông K1, K2, tà vẹt sắt bằng tà vẹt bê tông dự ứng lực, kéo dài đường ga, mở thêm đường số 3 đối với ga chỉ có hai đường đoạn Vinh-Nha Trang, tuyến đường sắt Thống Nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung Dự án này vào Danh mục các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2003-2010 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Chấp thuận về nguyên tắc chỉ định tổng thầu EPC thực hiện Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt Chùa Vẽ-Đình Vũ. Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định và phê duyệt kết quả chỉ định thầu này theo đúng quy định hiện hành.
- Về gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân: Nhất trí kiến nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khẩn trương xây dựng, trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án; đảm bảo hoàn thành trước mùa mưa bão. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ứng trước vốn để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc gia cố trên.
- Về đề nghị hỗ trợ 50% chi phí để đóng mới 600 toa xe chuyên dùng chở quặng apatit (khoảng 200 tỷ đồng); Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm việc cụ thể với Tổng công ty Hóa chất Việt Nam bàn các phương án, kể cả phương án hai bên cùng đóng góp chi phí, trong đó có thể đề xuất vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện.
- Về an toàn giao thông vận tải đường sắt:
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp chặt chẽ với từng địa phương, đặt biệt là những địa phương để xảy ra vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt (tồn tại hành vi ném đá lên tàu...), tích cực thực hiện nghiêm Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1856/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2007, nhằm xây dựng văn minh, văn hóa trong giao thông nói chung, giao thông đường sắt nói riêng.
3. Năm 2008, với nhiều cơ hội và thách thức đòi hỏi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nỗ lực hơn nữa, đoàn kết, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra trong năm 2008.
Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ Tổng công ty trong quá trình hoạt động nhằm đưa ngành đường sắt nước ta ngày một phát triển.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo số 575/TB-BGTVT về việc kết luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại cuộc họp ban chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc bắc nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Thông báo số 74/TB-BGTVT về việc kết luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 1Quyết định 621/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt Kế hoạch phát triển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn 2007 – 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo số 575/TB-BGTVT về việc kết luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại cuộc họp ban chỉ đạo triển khai dự án đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc bắc nam do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 1856/QĐ-TTg năm 2007 phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Thông báo số 74/TB-BGTVT về việc kết luận của Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án đường sắt do Bộ Giao thông vận tải ban hành
Thông báo số 01/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đường sắt Việt Nam và việc chuẩn bị dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-thành phố Hồ Chí Minh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 01/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 02/01/2008
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Văn Trọng Lý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 02/01/2008
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết