Hệ thống pháp luật

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
----------------

Số: 242-TB/TW

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2009

 

THÔNG BÁO KẾT LUẬN

VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 2 (KHÓA VIII), PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẾN NĂM 2020

Tại phiên họp ngày 05-3-2009, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về giáo dục và đào tạo (Tờ trình số 97-TTr/BTGTW, ngày 03-3-2009) và ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận:

1- Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) được toàn Đảng, toàn dân hoan nghênh và tích cực hưởng ứng, mau chóng đi vào cuộc sống. Sau 12 năm thực hiện, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng, về cơ bản đã thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) và Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa IX).

Giáo dục và đào tạo đã giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong nội dung, chương trình và các chính sách giáo dục. Đã phát huy được những ảnh hưởng tích cực, hạn chế được tiêu cực của cơ chế thị trường, khuynh hướng thương mại hoá trong giáo dục. Công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện, đặc biệt đối với trẻ em gái, người dân tộc thiểu số và con em các gia đình nghèo, các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội ngày càng được chú trọng. Giáo dục ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp tục phát triển. Các trường công lập đã giữ được vai trò nòng cốt trong phổ cập giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, các trường ngày công lập phát triển nhanh về số lượng. Việc phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ có bước tiến bộ. Hệ thống giáo dục quốc dân được hoàn thiện hơn với các cấp, bậc học, trình độ đào tạo, các loại hình và phương thức giáo dục. Quy mô giáo dục tăng nhanh, nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề. Mạng lưới cơ sở giáo dục được mở rộng đến hầu hết các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc. Cả nước đã hoàn thành công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000. Đến tháng 12-2008, đã có 43/63 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, 46/63 tỉnh, thành phố hoàn thành phố cập giáo dục trung học cơ sở, một số nơi đang thực hiện phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo trình ở phổ thông, dạy nghề và đại học đang được tích cực thực hiện, góp phần làm cho chất lượng giáo dục trên một số mặt chuyển biến theo hướng tốt dần. Kiến thức và kỹ năng của học sinh, sinh viên có tiến bộ, tiếp cận với phương pháp học tập mới. Chất lượng đào tạo sau đại học, đại học, đào tạo nghề ở một số ngành đã được nâng lên.

Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng nhanh, đạt chỉ tiêu đề ra. Việc huy động nguồn lực trong xã hội đầu tư cho giáo dục thông qua chủ trương xã hội hoá đạt hiệu quả khá. Các nguồn đầu tư cho giáo dục ngày càng được kiểm soát và tăng dần hiệu quả sử dụng.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục. Có được những kết quả trên trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn là do sự nỗ lực không ngừng của toàn Đảng, toàn dân ta, sự đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của Nghị quyết và yêu cầu phát triển của đất nước, vẫn còn nhiều nội dung chưa đạt được. Giáo dục và đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Mặc dù được tăng đầu tư tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới. Chất lượng giáo dục còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, miền; quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng. Năm năm gần đây, việc cho phép thành lập mới các trường cao đẳng, đại học có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là các trường ngoài công lập và các trường của địa phương. Hệ thống giáo dục thiếu đồng bộ, chưa liên thông, mất cân đối giữa các cấp học, ngành học, cơ cấu, trình độ, ngành nghề, vùng, miền. Việc giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống, về truyền thống văn hoá, lịch sử dân tộc, về Đảng, về quyền lợi và nghĩa vụ công dân cho học sinh, sinh viên chưa được chú ý đúng mức cả về nội dung và phương pháp; giáo dục phổ thông mới chỉ quan tâm nhiều đến ''dạy chữ'', chưa quan tâm đúng mức đến ''dạy người”, kỹ năng sống và ''dạy nghề'' cho thanh thiếu niên.

Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hoá; nhà trường chưa gắn chặt với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa chú trọng phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên; thi cử còn nặng nề, tốn kém. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhiều nơi chưa vững chắc.

Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều yếu kém khác. Cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước. Đạo đức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn thấp. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng yêu cầu.

Chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục còn bất cập, chưa đề ra được những giải pháp kịp thời, có hiệu quả để khắc phục hạn chế, yếu kém. Định hướng liên kết đào tạo với nước ngoài để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, dân tộc, xã hội chủ nghĩa còn nhiều lúng túng trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế; quản lý sinh viên Việt Nam đang theo học ở nước ngoài còn rất lỏng lẻo.

Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về công tác xã hội hoá giáo dục, làm hạn chế khả năng thu hút các nguồn lực để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo và giải quyết những khó khăn đang đặt ra đối với một bộ phận nhân dân.

Những hạn chế, khuyết điểm như trên là do quán triệt không đầy đủ, thiếu sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2. Các cơ quan chức năng chậm cụ thể hoá những quan điểm của Đảng thành cơ chế, chính sách của Nhà nước; thiếu nhạy bén trong việc tham mưu với Đảng về những vấn đề phức tạp mới nảy sinh; thiếu những quyết sách đồng bộ, hợp lý ở tầm vĩ mô để thúc đẩy phát triển giáo dục; một số chính sách về giáo dục còn chủ quan, duy chí, xa thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội.

Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những khó khăn của đất nước đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp phát triển giáo dục. Tâm lý khoa cử, bằng cấp vẫn chi phối nặng nề việc học và thi cử. Đầu tư cho giáo dục còn thấp, trong khi nhu cầu học tập của nhân dân ngày càng cao nhưng chậm đổi mới cơ chế, chính sách tài chính giáo dục để động viên hợp lý các nguồn lực xã hội phát triển giáo dục.

2- Trước tình hình mới, Bộ Chính trị yêu cầu cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), phấn đấu đến năm 2020 nước ta có một nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Cần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đến năm 2020 là:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý.

Cần coi trọng cả ba mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hoá dân tộc, giáo dục về Đảng. Ngăn chặn xu hướng coi nhẹ giáo dục chính trị, tư tưởng, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa, các biểu hiện tiêu cực trong hoạt động giáo dục. Quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục nhân cách, kỹ năng và phương pháp làm việc; nâng cao trình độ về ngoại ngữ, tin học cho học sinh, sinh viên; phát triển năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm cho thế hệ trẻ có đủ khả năng và bản lĩnh thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của thế giới. Bồi dưỡng cho thanh thiếu niên lòng yêu nước nồng nàn, tự hào, tự tốn dân tộc và khát vọng mãnh liệt về xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Phát triển quy mô hợp lý cả giáo dục đại trà và mũi nhọn, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, kể cả những nghề thuộc lĩnh vực cống nghệ cao. Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề, phát triển trung tâm dạy nghề quận, huyện. Triển khai tích cực các chương trình đào tạo nghề cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Kết hợp chặt chẽ việc đào tạo nghề với việc bồi dưỡng, phổ biến kiến thức kỹ thuật cho nông dân. Sớm điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý về trình độ đào tạo, ngành nghề, dân tộc, vùng, miền.

Đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiêu học đúng độ tuổi, thực hiện phổ cập trung học cơ sở một cách bền vững; củng cố kết quả xoá mù chữ, ngăn chặn tình trạng tái mù chữ. Làm tốt việc phân luồng, giáo dục hướng nghiệp. Phấn đấu giảm tỉ lệ học sinh lưu ban, bỏ học.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bậc học mầm non, bảo đảm hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đi học mẫu giáo.

Rà soát và bổ sung cơ chế, chính sách, tổ chức phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc học phổ thông, đặc biệt ở bậc đại học. Khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng các trường trung học phổ thông năng khiếu, các lớp đào tạo cử nhân khoa học tài năng. Chú trọng xây dựng một số trường, chuyên ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng nhanh quy mô đào tạo công nhân và cán bộ kỹ thuật lành nghề ở những lĩnh vực công nghệ cao, tiếp cận trình độ tiên tiến thế giới.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp, vai trò của ngành giáo dục và đào tạo để phát triên sự nghiệp giáo dục.

Đổi mới căn bản chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, chú trọng quản lý chất lượng giáo dục. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm định chất lượng và giám sát các hoạt động giáo dục. Chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng; khắc phục tình trạng thành lập mới ở những nơi, những lĩnh vực không đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng dạy, về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đầu vào của sinh viên; không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém. Thực hiện phân cấp, tạo động lực và tính chủ động của các cơ sở giáo dục. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà trường đi đôi với việc hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, bảo đảm sự giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể và xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản lý giáo dục ở các cấp.

Thực sự coi trọng vai trò của khoa học giáo dục. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn trong quá trình đổi mới giáo dục.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp và nội dung đào tạo của các trường và khoa sư phạm. Xây dựng một số trường sư phạm thực sự trở thành trường trọng điểm đủ sức làm đầu tàu cho cả hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Tăng đầu tư cơ sở vật chất nâng cấp các trường, các khoa sư phạm. Không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ số lượng giáo viên cho cả hệ thống giáo dục.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Chuẩn hoá trong đào tạo, tuyển chọn, sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Nhà nước có chính sách ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về vật chất và tinh thần để thu hút những người giỏi làm công tác giáo dục.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục

Rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông, sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học; chuẩn bị kỹ việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo chương hiện đại, phù hợp và có hiệu quả. Đổi mới, hiện đại hoá chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, chuyển mạnh mẽ từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. Thực hiện tốt đào tạo theo chế độ tín chỉ trong hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình các môn khoa học xã hội, nhân văn, nhất là các môn khoa học Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bãi bỏ tình trạng độc quyền xuất bản và phát hành sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, khắc phục cơ bản lối truyền thụ một chiều. Phát huy phương pháp dạy học tích cực, sáng tạo, hợp tác; giảm thời gian giảng lý thuyết tăng thời gian tự học, tự tìm hiểu cho học sinh, sinh viên; gắn bó chặt chẽ giữa học lý thuyết và thực hành, đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học, sản xuất và đời sống.

Thứ năm, tăng cường nguồn lực cho giáo dục

Tăng đầu tư nhà nước cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục tình trạng bình quân, dàn trải.

Không ngừng đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục. Thực hiện tốt chủ trương xây dựng ký túc xá sinh viên và nhà công vụ cho giáo viên ở vùng khó khăn. Hoàn thiện và bổ sung cơ chế, chính sách đối với trường ngoài công lập.

Đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hoá giáo dục Nhà nước có chính sách huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo, khuyết khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tích cực tham gia các hoạt động phát triển giáo dục. Xây dựng cơ chế quản lý, giám sát mọi nguồn đầu tư của xã hội cho giáo dục.

Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và đảm bảo công bằng trong giáo dục; thực hiện chế độ học bổng, học phí và hỗ trợ học tập theo hướng học phí ở giáo dục mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và hoàn cảnh hộ gia đình; học phí ở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa Nhà nước và người học. Miễn học phí cho học sinh, sinh viên gia đình chính sách, các hộ nghèo; giảm học phí cho học sinh, sinh viên các hộ cận nghèo và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên các hộ có thu nhập rất thấp. Thực hiện tốt chủ trương cho học sinh học nghề, sinh viên các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay tiền ngân hàng để học.

Thứ sáu, đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục

Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền. Thực hiện tốt chính sách cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ với việc bổ túc nâng cao trình độ cho đối tượng cử tuyển. Quan tâm đào tạo cán bộ vùng dân tộc (cán bộ đảng, chính quyền, đoàn thê ở cơ sở). Tiếp tục phát triển hệ thống trường nội trú, bán trú, thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số. Đặc biệt chú ý đến con thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và học sinh khuyết tật thông qua phát triển các loại quỹ khuyến học, khuyến tài trong các tổ chức xã hội, trong các cộng đồng dân cư.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo

Giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế càng cần phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới. Mở rộng hợp tác đào tạo đa phương gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước.

Có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài cho giáo dục, nhất là lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học và dạy nghề; thu hút các nhà giáo, nhà khoa học giỏi người nước ngoài tham gia đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học.

Thực hiện tốt việc đưa cán bộ, học sinh, sinh viên có đạo đức và triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài, chú trọng các ngành mà đất nước có nhu cầu bức thiết; đồng thời tăng cường quản lý, giúp đỡ việc học tập, sinh hoạt lưu học sinh ở nước ngoài.

3- Để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước ta phải đổi mới căn bản, toàn diện, mạnh mẽ. Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện chủ trương về cải cách giáo dục trong các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trưng ương lần thứ tư, bảy và chín (khoá X), xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 (phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI) và hoàn chỉnh Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, cùng vời Ban cán sự đảng bộ Giáo dục và Đào tạo giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư làm đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) và Kết luận này của bộ Chính trị./.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Trương Tấn Sang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo kết luận 242-TB/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 do Bộ Chính trị ban hành

  • Số hiệu: 242-TB/TW
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 15/04/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Chính trị
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản