Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2013/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2013

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Thỏa thuận hợp tác về đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, ký tại Kinshasa ngày 12 tháng 10 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2012.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Thỏa thuận theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

 

THỎA THUẬN HỢP TÁC

VỀ ĐÀO TẠO TIẾNG PHÁP CHO CÁN BỘ NGOẠI GIAO VÀ CÔNG CHỨC VIỆT NAM

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), dưới đây gọi tắt là “hai bên”:

● Do nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của OIF,

● Do tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ làm việc tại phần lớn các tổ chức quốc tế và khu vực,

● Ý thức được sự cần thiết của việc tăng cường sử dụng tiếng Pháp trong ngoại giao song phương và đa phương,

● Trên cơ sở những cam kết trong “Biên bản ghi nhớ về việc sử dụng tiếng Pháp tại các tổ chức quốc tế” được thông qua tại Bucarest năm 2006,

● Nhắc lại việc những cam kết này đã được tái khẳng định tại các Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ tại Québec năm 2008 và Montreux năm 2010,

● Ý thức được sự cần thiết trong việc thúc đẩy tính đa ngôn ngữ trên trường quốc tế vì sự đa dạng văn hóa,

● Ý thức được tầm quan trọng của sự phối hợp trong khuôn khổ Pháp ngữ trên cơ sở những giá trị chung của Cộng đồng Pháp ngữ.

Thỏa thuận như sau:

Điều 1. Quy định chung

Hai bên nhất trí hợp tác trong lĩnh vực đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam thông qua một “Kế hoạch triển khai hàng năm” trên cơ sở của Thỏa thuận này.

Điều 2. “Kế hoạch triển khai hàng năm”

“Kế hoạch triển khai hàng năm” là kế hoạch do một cơ sở đào tạo đại học được phía Việt Nam chỉ định (cơ sở được ủy nhiệm) xây dựng và gửi cho OIF trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, trong đó nêu rõ các hoạt động đã hoặc sẽ được triển khai nhằm tăng cường việc giảng dạy, sử dụng và nâng cao vị trí của tiếng Pháp, Pháp ngữ tại cơ sở được ủy nhiệm này, ví dụ như:

a) Tổ chức các lớp học bồi dưỡng và nâng cao trình độ tiếng Pháp (giảng dạy trực tiếp hoặc qua mạng internet) cho cán bộ ngoại giao và công chức thuộc diện bồi dưỡng, cũng như cán bộ của cơ sở được ủy nhiệm;

b) Tổ chức nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, hội thảo bằng tiếng Pháp;

c) Tăng cường sự hiện diện của tiếng Pháp trên các ấn phẩm thông tin và truyền thông;

d) Mua các ấn phẩm, xuất bản phẩm và tạp chí bằng tiếng Pháp;

e) Tổ chức những hoạt động khác nhằm tăng cường sự hiện diện của tiếng Pháp và Pháp ngữ tại cơ sở được ủy nhiệm.

Điều 3. Cơ sở được ủy nhiệm

1. Hai bên nhất trí chỉ định Học viện Ngoại giao Việt Nam (sau đây gọi tắt là HVNG), trực thuộc Bộ Ngoại giao, là Cơ sở được ủy nhiệm thực hiện Kế hoạch triển khai hàng năm nhằm tăng cường năng lực sử dụng tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam làm việc trong lĩnh vực hợp tác quốc tế hoặc phụ trách các vấn đề quốc tế (đa phương hoặc song phương).

2. HVNG có nhiệm vụ:

a) Lập và gửi cho OIF danh sách những Bộ, Ngành, Địa phương cử học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng, kèm theo Kế hoạch triển khai hàng năm;

b) Chú ý đến các đối tượng đang và sẽ làm việc trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, hoặc theo dõi các vấn đề quốc tế (đa phương hoặc song phương);

c) Chú trọng ưu tiên những người đã biết tiếng Pháp, hoặc cán bộ trẻ;

d) Bảo đảm các điều kiện cần thiết (thời gian, địa điểm) để cán bộ đi học có thể tham gia đầy đủ các buổi học theo chương trình đào tạo, bồi dưỡng;

e) Huy động mạng lưới chuyên môn Pháp ngữ, dựa vào những mối quan hệ đối tác sẵn có hoặc thiết lập mới, đặc biệt trong việc triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu;

f) Làm báo cáo tổng kết hàng năm, đánh giá việc thực hiện và kết quả đạt được của Kế hoạch triển khai hàng năm và gửi OIF. Báo cáo này bao gồm cả danh sách các học viên đã được đào tạo, với thông tin đầy đủ về: họ tên, giới tính, tuổi, cơ quan, phòng, ban, chức danh, chức vụ, nhiệm vụ chuyên môn, trình độ tiếng Pháp;

g) Cung cấp cho OIF, trong khả năng có thể, thông tin cập nhật về nghề nghiệp của các cán bộ ngoại giao và công chức đã qua đào tạo (chức danh, chức vụ, tên cơ quan, tổ chức công tác), sau khi kết thúc việc thực hiện Thỏa thuận này;

h) Đề cao mối quan hệ đối tác với OIF trong quá trình thực hiện Kế hoạch triển khai hàng năm, đặc biệt là đưa lô-gô của OIF vào các tài liệu liên quan đến việc triển khai Thỏa thuận.

3. Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ định một Điều phối viên biết tiếng Pháp tại HVNG để làm việc với OIF về mọi vấn đề kỹ thuật liên quan đến Kế hoạch triển khai hàng năm.

Điều 4. Kinh phí thực hiện

1. OIF sẽ tài trợ:

a) Ở mức 75%, trong giới hạn ngân sách có thể được các quốc gia và chính phủ thông qua, cho Kế hoạch triển khai hàng năm do HVNG đề xuất và được OIF chấp thuận, trong thời gian có hiệu lực của Thỏa thuận này;

b) Năm khóa học ngôn ngữ mỗi năm (không bao gồm chi phí đi lại) cho cán bộ, công chức cấp cao (Bộ trưởng, Thứ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng, Đại sứ, Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng, Đại diện thường trực hay Trưởng đại diện...)

2. Việt Nam sẽ đóng góp tài chính ở mức 25% vào Kế hoạch triển khai hàng năm, trong điều kiện ngân sách cho phép, trong thời gian có hiệu lực của Thỏa thuận này.

Mức đóng góp này chưa bao gồm chi phí đi lại, thuộc phần đóng góp của Việt Nam, dành cho cán bộ, công chức cấp cao tham gia các khóa học ngôn ngữ kể trên.

Điều 5. Cam kết của Việt Nam

Trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch triển khai hàng năm, Việt Nam cam kết

1. Khuyến khích việc sử dụng tiếng Pháp đối với cán bộ ngoại giao và công chức, bằng việc:

a) Coi tiếng Pháp là một trong những ngoại ngữ bắt buộc tại các kỳ thi tuyển công chức ngành Ngoại giao;

b) Ưu tiên tiếng Pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao và công chức;

c) Chú ý đến trình độ tiếng Pháp trong việc bổ nhiệm cán bộ ngoại giao và công chức tại các Cơ quan, Đại diện thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế và khu vực;

d) Giám sát việc thực hiện các điều khoản của “Biên bản ghi nhớ về việc sử dụng tiếng Pháp tại các tổ chức quốc tế”.

2. Hỗ trợ các hoạt động Pháp ngữ và tham gia vào các mạng lưới Pháp ngữ: các Nhóm các Đại sứ Pháp ngữ và các cơ chế khác nhằm phối hợp lập trường trong các vấn đề quốc tế lớn.

3. Tham gia tích cực vào Ủy ban định hướng hàng năm của chương trình.

4. Tham gia tích cực vào một số chương trình và hoạt động liên quan đến tiếng Pháp của OIF.

Điều 6. Cam kết của OIF

Trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch triển khai hàng năm, OIF cam kết

1. Tạo mọi điều kiện cần thiết nhằm đảm bảo các lớp học và hội thảo chuyên đề được tổ chức theo phương pháp chuyên nghiệp và mới, đặc biệt là áp dụng giáo trình “Mục tiêu Ngoại giao: Tiếng Pháp trong quan hệ châu Âu và quốc tế” và các công cụ giảng dạy của TV5 MONDE.

2. Hỗ trợ việc áp dụng các công cụ thi, kiểm tra đánh giá trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế.

Mời HVNG tham gia các cuộc gặp gỡ của Mạng lưới các Trường và Học viện Ngoại giao Pháp ngữ.

Điều 7. Theo dõi thực hiện

Hai bên thường xuyên theo dõi sát sao việc thực hiện Thỏa thuận này, nhằm giải quyết mọi vấn đề liên quan và xem xét báo cáo hàng năm, cũng như đánh giá kết quả triển khai đối với các đối tượng thụ hưởng. Hai bên sẽ tiến hành đánh giá giữa kì việc thực hiện Thỏa thuận.

Điều 8. Điều khoản triển khai

Thỏa thuận này được lập thành 4 bản gốc, hai bản tiếng Pháp và hai bản tiếng Việt. Thỏa thuận có hiệu lực ngay khi được kí kết với thời hạn 4 năm và có thể được gia hạn hoặc điều chỉnh với sự nhất trí của cả hai bên. Mỗi bên có thể quyết định chấm dứt Thỏa thuận, với điều kiện phải thông báo trước 6 tháng cho bên kia.

 

 

Kinshasa, ngày 12 tháng 10 năm 2012

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRỢ LÝ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO





Nguyễn Ngọc Sơn

THAY MẶT TỔ CHỨC QUỐC TẾ
PHÁP NGỮ
GIÁM ĐỐC




Clément Duhaime

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Thỏa thuận hợp tác về đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam giữa Việt Nam và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ

  • Số hiệu: 13/2013/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 12/10/2012
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Sơn, Clément Duhaime
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 131 đến số 132
  • Ngày hiệu lực: 12/10/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản