Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu và Nghị định thư về đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cho nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng tại cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ký tại Hà Nội ngày 13 tháng 10 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 01 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định và Nghị định thư theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Đối ngoại Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Phòng Công báo, Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài chính, Tư pháp;
- UBND tỉnh Cao Bằng;
- BNG: Vụ ĐBA, UBBG;
- Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc;
- Lưu: LPQT (2).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA VỀ VIỆC XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG BỘ II TÀ LÙNG - THUỶ KHẨU

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “hai Bên”);

Căn cứ Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 18 tháng 11 năm 2009; Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 22 tháng 11 năm 1994; Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ký ngày 11 tháng 10 năm 2011;

Nhằm thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu qua lại của người và hàng hóa ngày càng tăng giữa hai nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, hai Bên cùng thỏa thuận ký Hiệp định về việc xây dựng cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu qua sông biên giới (sau đây gọi tắt là ‘‘Cầu”) theo các điều khoản sau:

Điều 1: Quy định chung

1. Vị trí xây dựng Cầu

Vị trí xây dựng cầu phía Việt Nam: thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng, vị trí trục tim Cầu được xác định theo mạng trắc địa tương ứng của hai nước.

Xác định theo mạng trắc địa quốc gia Việt Nam:

i) Điểm trục phía Trung Quốc (B)

Toạ độ trục X = 2486966.820

Toạ độ trục Y = 586001.330

ii) Điểm trục phía Việt Nam (D)

Toạ độ trục X = 2487108.169

Toạ độ trục Y = 585036.125

Vị trí xây dựng cầu phía Trung Quốc: thị trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, thành phố Sùng Tả, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, vị trí trục tim Cầu được xác định theo mạng trắc địa tương ứng của hai nước.

Xác định theo mạng trắc địa quốc gia Trung Quốc:

i) Điểm trục phía Trung Quốc (B)

Toạ độ trục X = 2487608.803

Toạ độ trục Y = 354601.503

ii) Điểm trục phía Việt Nam (D)

Toạ độ trục X = 2487764.668

Toạ độ trục Y = 353638.536

2. Cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai thực hiện Hiệp định

Bên Việt Nam là Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Bên Trung Quốc là Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

3. Cơ quan thực hiện được giao xây dựng, bảo trì và quản lý Cầu của hai Bên

Bên Việt Nam là Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Bên Trung Quốc là Ty Giao thông vận tải Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Điều 2. Các nguyên tắc xây dựng, quản lý và bảo trì

1. Việc xây dựng Cầu không được làm thay đổi hướng dòng chảy, thu hẹp, ảnh hưởng đến lòng sông, bờ sông, không thay đổi hiện trạng đường biên giới giữa hai nước, không ảnh hưởng đến sự an toàn của các công trình vĩnh cửu hiện có trên hai bờ sông, không ảnh hưởng đến việc thoát lũ và môi trường sinh thái của dòng sông.

2. Cầu do hai Bên cùng xây dựng, hai Bên cùng sở hữu; hai Bên lấy đường chia đều nhịp cầu chính vuông góc với trục tim Cầu làm ranh giới quản lý Cầu. Hai Bên tự tiến hành duy tu, bảo trì và quản lý đối với phần cầu do Bên mình quản lý, cùng đảm bảo việc sử dụng an toàn, bình thường của Cầu. Hai Bên thông báo trước cho nhau về kế hoạch, thời gian và các hạng mục bảo trì, sửa chữa Cầu để không làm ảnh hưởng đến sự đi lại của người và phương tiện hai Bên trong quá trình bảo trì, sửa chữa.

3. Đường chia đều nhịp cầu chính vuông góc với trục tim cầu được xác định là đường ranh giới phân định để quản lý, bảo trì của hai Bên sau khi Cầu xây dựng xong, hai Bên không được lấy đó làm căn cứ xác định đường biên giới.

Điều 3. Quy mô xây dựng

1. Kết cấu kiến trúc của Cầu là cầu dầm liên tục, bê tông cốt thép dự ứng lực với khẩu độ nhịp là 20+40+20m, chiều rộng cầu là 24,5m. Kết cấu nhịp Cầu phía Việt Nam là: 20+ (40/2) m, chiều dài phần Cầu phía Việt Nam là 45m. Kết cấu nhịp cầu phía Trung Quốc là: 20+ (40/2) m, chiều dài phần Cầu phía Trung Quốc là 45m. Tổng chiều dài Cầu là 90m (được tính đến hết đuôi của mố cầu). Tải trọng thiết kế cầu là: HL93 theo tiêu chuẩn thiết kế cầu của Việt Nam tương đương với tiêu chuẩn đường bộ cấp I của Trung Quốc.

2. Cao độ mặt cầu tại điểm giữa trục tim cầu là +149.500m (cao trình Hoàng Hải Trung Quốc), tương đương với cao độ + 149.100m (cao trình Hòn Dấu Việt Nam).

Điều 4. Thiết kế, giám sát và thi công

1. Hai Bên đồng ý thành lập Tổ công tác liên hợp xây dựng Cầu (sau đây gọi tắt là “Tổ công tác”), phụ trách thỏa thuận và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế, giám sát, thi công. Bên Trung Quốc chịu trách nhiệm thiết kế công trình cầu chính, cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cùng nhau thẩm định, phê duyệt. Mỗi Bên tự thực hiện thiết kế phần công trình đường dẫn của mình.

2. Trước khi thi công Cầu, phương án tổ chức thi công của hai Bên phải được Tổ công tác bàn bạc thống nhất.

3. Việc xây dựng phần cầu từ vị trí điểm giữa nhịp Cầu chính tới hai bờ sông của mỗi Bên, đường dẫn và các công trình liên quan của hai Bên được hai Bên thực hiện theo phương án tổ chức thi công do Tổ công tác bàn bạc thống nhất, đồng thời đảm bảo việc xây dựng đồng bộ, phù hợp với tiến độ xây dựng chung.

Điều 5. Kinh phí xây dựng

1. Cầu do hai Bên cùng đầu tư, xây dựng.

2. Kinh phí xây dựng, quản lý và bảo trì phần Cầu kể từ đường chia đều nhịp cầu chính đến bờ sông của mỗi Bên, đường dẫn vào Cầu và các công trình liên quan do mỗi Bên tự đảm nhận.

3. Mỗi Bên chịu 50% kinh phí xây dựng dầm của nhịp Cầu chính. Dự toán kinh phí xây dựng dầm của nhịp Cầu chính do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cùng thẩm định.

Điều 6. Thỏa thuận và thống nhất

1. Do sự khác nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật và quy phạm xây dựng giữa hai nước, hai Bên đồng ý lấy nội dung biên bản các cuộc họp của Tổ công tác và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan được Tổ công tác bàn bạc thống nhất làm cơ sở cho việc thiết kế và thi công cầu.

2. Thiết kế tổng thể, chi tiết các hạng mục của cầu do Tổ công tác thỏa thuận và thống nhất.

3. Trong quá trình thiết kế và xây dựng cầu, các vấn đề kỹ thuật và các công việc liên quan khác do Tổ công tác cùng bàn bạc thống nhất và phải được trình lên cơ quan thực hiện nêu tại khoản 3 Điều 1 của Hiệp định này, phù hợp với chức năng và nhiệm vụ của mình, cơ quan thực hiện sẽ xem xét, phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

4. Đồng thời với việc xây dựng Cầu, mỗi Bên phải có trách nhiệm thiết kế, xây dựng đồng bộ công trình kiểm soát liên ngành tại cửa khẩu phù hợp với yêu cầu của mỗi Bên để bảo đảm việc sớm thực hiện các chức năng tại cửa khẩu sau khi hoàn thành việc xây dựng Cầu.

Điều 7. Nghị định thư

Nhằm tạo thuận lợi cho việc thi công xây dựng Cầu, đồng thời với việc ký Hiệp định này, hai Bên cùng ký “Nghị định thư về đơn giản hoá thủ tục xuất, nhập cho nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng tại cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu để cùng xây dựng cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu”. Nghị định thư là một bộ phận không thể tách rời của Hiệp định này.

Điều 8. Sử dụng và quản lý

Cơ quan thực hiện của hai Bên nêu tại khoản 3 Điều 1 của Hiệp định này sẽ bàn bạc thỏa thuận về sử dụng và quản lý Cầu cũng như giải quyết các vấn đề có liên quan.

Điều 9. Giải quyết tranh chấp

Mọi bất đồng phát sinh liên quan đến giải thích và thực hiện Hiệp định này, hai Bên sẽ thông qua hiệp thương hữu nghị giải quyết.

Điều 10. Hiệu lực và thời hạn

1. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo của một Bên cuối cùng bằng trao đổi công hàm ngoại giao khẳng định đã hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước của mỗi Bên theo quy định để Hiệp định có hiệu lực.

2. Hiệp định có hiệu lực trong thời gian năm năm kể từ ngày có hiệu lực và mặc nhiên được gia hạn hiệu lực năm năm tiếp theo. Hiệp định này sẽ chấm dứt sau sáu tháng kể từ ngày một Bên thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao cho Bên kia việc chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này.

3. Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung theo sự thỏa thuận của hai Bên.

Hiệp định này được ký tại Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2013 thành hai (02) bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Đinh La Thăng
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN
TRUNG HOA




Khổng Huyễn Hựu
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ

VỀ ĐƠN GIẢN HOÁ THỦ TỤC XUẤT, NHẬP CHO NHÂN VIÊN, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG, THIẾT BỊ THI CÔNG VÀ VẬT LIỆU XÂY DỰNG TẠI CẶP CỬA KHẨU TÀ LÙNG - THUỶ KHẨU ĐỂ CÙNG XÂY DỰNG CẦU ĐƯỜNG BỘ II TÀ LÙNG - THỦY KHẨU GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Để thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc xây dựng cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu ký ngày 14 tháng 10 năm 2013, (sau đây gọi tắt là “Hiệp định”),

Nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc xây dựng Cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu (sau đây gọi tắt là “Cầu”), Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (sau đây gọi tắt là “hai Bên”) thỏa thuận các điều khoản như sau:

Điều 1

Nghị định thư này quy định việc đơn giản hoá thủ tục xuất, nhập qua biên giới Việt - Trung tại cặp cửa khẩu Tà Lùng, Việt Nam - Thủy Khẩu, Trung Quốc trong thời gian xây dựng Cầu đối với người tham gia thi công (sau đây gọi tắt là “nhân viên”), phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng phục vụ thi công Cầu.

Điều 2

1. Hai Bên thiết lập khu vực thi công xây dựng Cầu, bao gồm cả phần mặt sông và mặt đất (sau đây gọi tắt là “Khu phong tỏa”). Nhân viên thực hiện các công việc liên quan đến xây dựng Cầu, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu phục vụ xây dựng Cầu được phép đi lại, vận chuyển trong Khu phong tỏa và trên mặt sông giữa Khu phong tỏa của hai Bên. Khi cần thiết, các nhân viên cần ra khỏi Khu phong tỏa để làm nhiệm vụ cứu hộ phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý, kiểm soát cửa khẩu.

Trừ những trường hợp đặc biệt, người và phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy không liên quan đến việc xây dựng Cầu không được phép ra vào, dừng lại, neo đậu tại Khu phong tỏa và trên mặt sông giữa Khu phong tỏa của hai Bên.

2. Tổ công tác của hai Bên được phép sang Khu phong tỏa của nhau để cùng tiến hành giám sát về chất lượng, an toàn, tiến độ của công trình.

3. Xung quanh Khu phong tỏa và trên mặt sông giữa Khu phong tỏa, hai Bên phải bố trí biển báo cần thiết.

4. Khu phong tỏa do cơ quan quản lý, kiểm soát cửa khẩu của hai Bên quản lý và kiểm soát theo chức trách và nhu cầu công việc của mình.

5. Căn cứ yêu cầu thực tế của việc thi công Cầu, Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ty Giao thông vận tải Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cùng bàn bạc, thống nhất để ban hành quy chế quản lý Khu phong tỏa và các quy định liên quan khác trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp mỗi nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi công xây dựng Cầu.

Điều 3

1. Nhân viên của Việt Nam dùng Giấy thông hành xuất nhập cảnh của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đóng dấu “TẠM THỜI” tại trang số 3 và nhân viên của Trung Quốc dùng Giấy thông hành xuất nhập cảnh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có đóng dấu “TẠM THỜI” tại trang liền sau trang nhân thân để ra, vào Khu phong tỏa của mình và qua cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu, đi theo tuyến đã được định trước để vào, ra Khu phong tỏa của Bên kia. Trường hợp đặc biệt, nhân viên cần xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, hoặc lưu trú tại Khu phong tỏa thuộc Bên kia trong thời gian đóng cửa khẩu, phải được cơ quan quản lý, kiểm soát cửa khẩu của Bên đó cho phép. Giấy thông hành trên không có giá trị dùng để xuất nhập cảnh vào mục đích khác.

2. Hai bên cung cấp cho nhau danh sách nhân viên được cấp Giấy thông hành của mình. Cơ quan kiểm soát Biên phòng của hai Bên căn cứ vào Giấy thông hành trên để cho phép qua lại và kiểm tra đối chiếu với danh sách đã đăng ký khi cần thiết.

3. Nhân viên hai Bên khi làm việc trong Khu phong tỏa phải đeo thẻ công tác có ảnh để tiện cho việc kiểm tra, quản lý.

4. Phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng của mỗi Bên phải đi theo tuyến đường đã được hai Bên xác định để ra, vào Khu phong tỏa của Bên kia và không được phép thay đổi tuyến đường nếu không được sự đồng ý của Bên đó.

5. Phương tiện giao thông và thiết bị thi công ra, vào Khu phong tỏa phải mang phù hiệu riêng; phù hiệu phải dán trên kính xe phía trước bên phải hoặc vị trí dễ nhận biết, để tiện cho việc theo dõi, quản lý. Việc cấp phù hiệu riêng do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên (phía Việt Nam là cơ quan Biên phòng và Hải quan, phía Trung Quốc là cơ quan kiểm soát Biên phòng, Hải quan và Kiểm nghiệm kiểm dịch) thỏa thuận thống nhất và phù hiệu do Hải quan hai Bên cấp.

6. Nhân viên, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng và phương tiện giao thông có liên quan đến việc xây dựng cầu của hai Bên phải được đăng ký trước, đồng thời chịu sự giám sát, quản lý của các cơ quan quản lý, kiểm soát cửa khẩu của mỗi Bên.

7. Hai Bên cung cấp trước cho nhau bảng thống kê chi tiết về tên, số lượng, chủng loại, quy cách của phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng được phép sử dụng trong Khu phong tỏa để tiện cho cơ quan quản lý, kiểm soát cửa khẩu theo dõi, quản lý.

8. Mỗi Bên phải thông báo trước cho Bên kia về thời gian, danh sách nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng nhập vào lãnh thổ Bên kia. Cơ quan quản lý, kiểm soát cửa khẩu hai Bên có quyền kiểm tra nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng theo chức năng, quyền hạn của mình.

9. Khi nhân viên, thiết bị thi công và phương tiện giao thông có liên quan đến việc xây dựng Cầu hoạt động hay lưu lại trong Khu phong tỏa thuộc địa phận của Bên kia phải chịu sự quản lý giám sát của cơ quan có thẩm quyền Bên đó.

10. Tổ công tác sẽ quy định về quy cách và nội dung mẫu thẻ, biển hiệu, biển báo sử dụng trong khu phong tỏa.

Điều 4

1. Để tạo thuận lợi cho việc thi công trong quá trình xây dựng Cầu, hai Bên cho phép nhân viên được sử dụng thiết bị thông tin cần thiết trong Khu phong tỏa. Các thiết bị thông tin đưa vào để sử dụng trong Khu phong tỏa phải được dán phù hiệu riêng do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên cấp.

2. Trước khi đưa thiết bị thông tin vào sử dụng trong Khu phong tỏa của Bên kia, cơ quan thực hiện của hai Bên được nêu tại Khoản 3, Điều 1 của Hiệp định phải thông báo cho Bên kia về chủng loại, số lượng, ký mã hiệu, tần số làm việc của thiết bị thông tin và phải được Bên kia đồng ý mới được phép sử dụng. Hai Bên có trách nhiệm bảo vệ tần số mà các Bên sử dụng để đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.

Điều 5

1. Trong Khu phong tỏa, hai Bên phải đảm bảo điều kiện về an toàn lao động cho nhân viên và bảo vệ phương tiện giao thông, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng và tài liệu liên quan đến việc xây dựng Cầu. Trong quá trình thi công xây dựng Cầu, cơ quan thực hiện của hai Bên phải áp dụng các biện pháp đảm bảo không làm thiệt hại tài sản và giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái tại Khu phong tỏa.

2. Nhân viên của một Bên trong thời gian làm việc và lưu trú tại lãnh thổ của Bên kia phải tuân thủ luật pháp của Bên đó.

3. Hai Bên phải tăng cường công tác giám sát quản lý kiểm dịch vệ sinh công cộng tại Khu phong tỏa của Bên mình. Nếu xảy ra bệnh dịch tại Khu phong tỏa hoặc đột ngột phát sinh vấn đề về vệ sinh công cộng thì cơ quan thực hiện và các cơ quan hữu quan tại Khu phong tỏa phải thông báo kịp thời cho cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch địa phương (phía Việt Nam là cơ quan kiểm dịch y tế, động thực vật cửa khẩu Tà Lùng, phía Trung Quốc là Cục kiểm nghiệm kiểm dịch xuất nhập cảnh Thủy Khẩu) để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đảm bảo an toàn vệ sinh.

Điều 6

1. Hai Bên thỏa thuận cho phép tạm nhập phù hợp với quy định pháp luật có liên quan và không thu thuế hải quan và các loại thuế liên quan khác đối với thiết bị thi công, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông và thiết bị thông tin có liên quan đến việc xây dựng Cầu.

2. Sau khi hoàn thành việc xây dựng Cầu, toàn bộ thiết bị thi công, phương tiện giao thông, thiết bị thông tin và nhiên liệu, vật liệu xây dựng chưa được sử dụng hết phải được chuyển về nước mình trong thời hạn hiệu lực của Nghị định thư, không được phép tiêu thụ và sử dụng tại Bên kia dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 7

Mọi bất đồng liên quan đến việc giải thích và thực hiện Nghị định thư này sẽ được giải quyết thông qua hiệp thương giữa hai Bên. Hai Bên có thể thỏa thuận sửa đổi Nghị định thư này khi thấy cần thiết.

Điều 8

Nghị định thư này có hiệu lực kể từ ngày có hiệu lực của Hiệp định và chấm dứt hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi Cầu được chính thức đưa vào sử dụng.

Nghị định thư này được ký tại Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2013 thành hai (02) bản, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Trung, cả hai văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Đinh La Thăng
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN
TRUNG HOA




Khổng Huyễn Hựu
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về xây dựng cầu đường bộ II Tà Lùng - Thủy Khẩu và Nghị định thư về đơn giản hóa thủ tục xuất, nhập cho nhân viên, phương tiện giao thông, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng tại cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu giữa Việt Nam - Trung Hoa

  • Số hiệu: 15/2014/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 13/10/2013
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Đinh La Thăng, Khổng Huyễn Hựu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 319 đến số 320
  • Ngày hiệu lực: 26/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản