Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2012/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 16 tháng 06 năm 2012

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện 7 điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa An-giê-ri Dân chủ và Nhân dân, ký tại An-giê ngày 28 tháng 02 năm 2011 có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 6 năm 2012.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

 

HIỆP ĐỊNH

VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC VẬN TẢI BIỂN GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA AN-GIÊ-RI DÂN CHỦ VÀ NHÂN DÂN

Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà An-giê-ri Dân chủ và Nhân dân (dưới đây gọi tắt là hai Bên ký kết),

Với mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước cũng như để thiết lập cơ sở hợp tác song phương trong lĩnh vực vận tải biển nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi và tổ chức vận tải thông suốt giữa hai nước và khai thác các cảng và đội tàu thương mại để thực hiện phát triển vì lợi ích của hai nước,

ĐÃ CÙNG THOẢ THUẬN NHƯ SAU:

Điều 1. Mục đích của Hiệp định

Hiệp định này nhằm:

- Thúc đẩy và phát triển vận tải đường biển và ngành vận tải biển giữa hai nước;

- Tổ chức các mối quan hệ và các hoạt động hàng hải giữa hai nước và bảo đảm phối hợp một cách tốt nhất;

- Đề ra một chính sách thống nhất dựa trên nguyên tắc cùng tham gia và bổ sung cho nhau đối với đội tàu của hai nước trong vận tải hàng hoá thương mại hàng hải trao đổi giữa hai nước;

- Xóa bỏ các rào cản làm ảnh hưởng đến sự phát triển khai thác vận tải biển giữa hai nước;

- Phối hợp hoạt động trong các lĩnh vực: kiểm soát, cứu hộ trên biển, chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển và trao đổi thông tin giữa hai nước nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho an toàn hàng hải và ngành vận tải biển giữa hai nước;

- Hài hoà pháp luật hàng hải giữa hai nước;

- Thống nhất các quan điểm trên các diễn đàn và trong các tổ chức hàng hải khu vực và quốc tế;

- Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo hàng hải và cảng biển.

Điều 2. Các định nghĩa

Trong Hiệp định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. ‘‘Cơ quan hàng hải có thẩm quyền”:

a. Đối với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Bộ Giao thông vận tải hoặc bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào do Chính phủ Việt Nam chỉ định.

b. Đối với Cộng hoà An-giê-ri Dân chủ và Nhân dân: Bộ Giao thông vận tải

2. “Công ty vận tải biển của một Bên ký kết”:

Bất kỳ công ty nhà nước hoặc tư nhân của một trong hai nước kinh doanh vận tải biển, mà có trụ sở giao dịch trên lãnh thổ của một trong hai Bên ký kết được cơ quan hàng hải có thẩm quyền công nhận.

3. “Tàu biển của một Bên ký kết”;

Bất kỳ tàu thương mại nào đăng ký và mang cờ quốc tịch của một Bên ký kết phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó cũng như tàu do công ty vận tải biển của một Bên ký kết thuê.

Thuật ngữ này không bao gồm tàu quân sự, tàu công vụ, tàu nghiên cứu khoa học, tàu cá, tàu công trình và các loại tàu thuyền khác sử dụng vào mục đích phi thương mại.

4. “Thuyền viên”:

Bất kỳ người nào được tuyển dụng làm việc trên tàu, trong, hành trình của một chuyến đi để thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến hoạt động hay phục vụ đối với tàu và người đó được ghi tên trong danh sách thuyền viên.

Điều 3. Các lĩnh vực không áp dụng Hiệp định này

Các quy định pháp luật hiện hành của mỗi Bên ký kết áp dụng đối với những trường hợp liên quan đến ưu đãi và quyền của tàu mang cờ quốc tịch của Bên ký kết đó trong các lĩnh vực vận tải nội địa, cứu hộ, lai dắt, hoa tiêu cũng như các dịch vụ khác dành riêng cho các công ty của Bên ký kết đó.

Điều 4. Áp dụng pháp luật

Tàu biển của mỗi Bên ký kết cũng như thuyền viên, hành khách, hàng hoá trên tàu khi ở trên lãnh hải, nội thuỷ và cảng của Bên ký kết kia có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của Bên ký kết đó.

Điều 5. Quốc tịch và giấy tờ của tàu

1. Mỗi Bên ký kết công nhận quốc tịch tàu biển của Bên ký kết kia trên cơ sở các giấy tờ mang trên tàu do Cơ quan hàng hải có thẩm quyền của Bên ký kết đó cấp phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Bên ký kết này.

2. Mỗi Bên ký kết công nhận giấy tờ pháp lý quốc tế mang trên tàu của Bên ký kết kia liên quan đến cấu trúc, thiết bị, công suất và dung tích cũng như các giấy chứng nhận và giấy tờ khác do Cơ quan hàng hải có thẩm quyền của Bên ký kết mà tàu mang cờ cấp phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Bên ký kết đó.

3. Tàu của một trong hai Bên ký kết đã được cấp giấy chứng nhận dung tích phù hợp với công ước quốc tế về Đo dung tích tàu biển năm 1969 thì được miễn đo lại dung tích, số đo dung tích được quy định trong giấy chứng nhận được dùng làm cơ sở để tính các loại phí trọng tải.

Điều 6. Nguyên tắc đối xử tàu trong cảng

Mỗi Bên ký kết dành cho tàu của Bên ký kết kia khi ở trong cảng của mình sự đối xử tương tự như đối với tàu của mình trong các hoạt động liên quan đến việc vào, rời và neo đậu trong cảng.

Điều 7. Giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên

1. Mỗi Bên ký kết công nhận giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên do Cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia cấp và dành cho người mang các giấy tờ đó được hưởng những quyền quy định tại Điều 8 của Hiệp định này.

2. Những giấy tờ tuỳ thân của thuyền viên gồm:

- Đối với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: hộ chiếu thuyền viên hoặc hộ chiếu phổ thông.

- Đối với Cộng hoà Angiêri Dân chủ và Nhân dân: giấy phép hàng hải.

Điều 8. Quyền của thuyền viên mang giấy tờ tuỳ thân

1. Các giấy tờ tuỳ thân quy định tại Điều 7 Hiệp định này cho phép thuyền viên mang giấy tờ đó được hưởng quyền đi bờ trong thời gian tàu lưu lại tại cảng với điều kiện những thuyền viên đó được bố trí làm việc trên tàu và có tên trong danh sách thuyền viên nộp cho các cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia.

2. Thuyền viên mang giấy tờ tùy thân do một trong hai Bên ký kết cấp phù hợp với quy định tại Điều 7 Hiệp định này được phép nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ của Bên ký kết kia bằng bất kỳ phương tiện nào để trở lại tàu, chuyển sang tàu khác, hồi hương hoặc lưu trú trên lãnh thổ của Bên ký kết kia để điều trị y tế.

3. Theo yêu cầu của một Bên ký kết, Bên ký kết kia sẽ cấp thị thực nhập cảnh hoặc quá cảnh cho người không có quốc tịch của một trong hai Bên ký kết mang giấy tờ tùy thân quy định tại Điều 7 Hiệp định này.

4. Mỗi Bên ký kết có quyền từ chối việc nhập cảnh đối với bất kỳ người nào mà Bên ký kết đó xét thấy không phù hợp.

Điều 9. Thực hiện vận tải biển

1. Hai Bên ký kết hợp tác nhằm xoá bỏ các rào cản đối với sự phát triển trao đổi hàng hải giữa hai nước. Trong lĩnh vực tự do hoá giao thông hàng hải quốc tế, các Bên ký kết bảo đảm không phân biệt đối xử đối với tàu của Bên ký kết kia và không áp dụng bất cứ hành động nào có tính chất gây phương hại đến sự tự do lựa chọn của người vận tải biển.

2. Hai Bên ký kết thoả thuận không gây trở ngại cho tàu của Bên ký kết kia thực hiện vận tải hàng hoá và hành khách giữa các cảng của nhau và của các nước thứ ba với điều kiện tôn trọng sự cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở thương mại.

3. Tàu mang cờ của Bên thứ ba được công ty vận tải biển của một trong hai Bên ký kết thuê được hưởng ưu đãi như tàu mang cờ của Bên ký kết đó.

4. Các quy định tại Điều này không phương hại đến quyền của các công ty vận tải biển của nước thứ ba trong việc tham gia một cách không hạn chế, với sự cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở thương mại, vào vận tải hàng hoá trao đổi trong khuôn khổ ngoại thương song phương giữa các Bên ký kết.

Điều 10. Đại diện của công ty vận tải biển

1. Các công ty vận tải biển của mỗi Bên ký kết có quyền khai thác các dịch vụ cần thiết đối với các hoạt động hàng hải của mình trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Bên ký kết đó.

2. Trong trường hợp các công ty từ bỏ quyền của mình quy định tại khoản 1 Điều này thì có thể chỉ định bất kỳ một công ty vận tải biển do mình ủy quyền làm đại diện phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của Bên ký kết kia.

Điều 11. Hợp tác đầu tư

Hai Bên ký kết khuyến khích thành lập các dự án và các công ty liên doanh đầu tư trong lĩnh vực hàng hải, phát triển đội tàu quốc gia và các hoạt động cảng biển của mình phù hợp với quy định pháp luật hiện hành của mỗi Bên ký kết.

Điều 12. Cước vận tải

Việc thanh toán cước vận tải liên quan đến các hoạt động khai thác vận tải biển giữa hai Bên ký kết được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi, được hai Bên chấp nhận và phù hợp với quy định pháp luật về hối đoái của mỗi nước.

Điều 13. Sự cố trên biển

Trong trường hợp tàu của một trong các Bên ký kết gặp sự cố hay bị mắc cạn gần bờ hoặc trong cảng của Bên ký kết kia thì cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết đó tạo điều kiện giúp đỡ và bảo vệ đối với thuyền viên, hành khách cũng như tàu và hàng hoá trên tàu tương tự như đối với tàu mang cờ của mình. Hàng hoá được cứu từ tàu bị nạn không phải chịu bất kỳ thuế hải quan nào với điều kiện không được tiêu thụ trên lãnh thổ của Bên ký kết đó.

Điều 14. Giải quyết tranh chấp xảy ra trên tàu

1. Trong trường hợp có xung đột liên quan đến hoạt động hàng hải xảy ra trên tàu của một Bên ký kết đang neo đậu tại cảng hoặc vùng nước của Bên ký kết kia, thì cơ quan có thẩm quyền của Bên có cảng hoặc vùng nước đó có thể can thiệp để giải quyết một cách thiện chí.

2. Trong trường hợp không giải quyết được, cơ quan có thẩm quyền nêu ở trên sẽ thông báo cho cơ quan đại diện chính thức của nước có tàu mang cờ. Nếu vụ tranh chấp đó vẫn không được giải quyết thì sẽ áp dụng theo pháp luật hiện hành của quốc gia mà tàu đang neo đậu.

Điều 15. Đào tạo trong lĩnh vực hàng hải

Hai Bên ký kết phối hợp thực hiện các hoạt động hợp tác giữa các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực hàng hải và cảng biển với mục đích sử dụng một cách tốt nhất khả năng của mình trong việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm. Mỗi Bên ký kết thúc đẩy việc tiếp cận đào tạo lý thuyết, huấn luyện thực hành, cấp giấy chứng nhận, đào tạo nâng cao và đào tạo lại, và trao đổi kinh nghiệm trên cơ sở khả năng đáp ứng của Bên ký kết kia.

Điều 16. Công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn

Mỗi Bên ký kết công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hàng hải do Bên ký kết kia cấp phù hợp với quy định của Công ước quốc tế về các tiêu chuẩn đào tạo, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với người đi biển năm 1978 (STCW78), đã được sửa đổi và phù hợp với quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết.

Điều 17. Hợp tác

Hai Bên ký kết khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức liên quan đến vận tải biển của mình phát triển mọi hình thức hợp tác có thể đặc biệt là trong các lĩnh vực dưới đây:

- Đóng và sửa chữa tàu biển;

- Xây dựng và khai thác cảng;

- Khai thác tàu và phát triển đội tàu thương mại;

- Thuê tàu;

- An ninh và an toàn hàng hải;

- Bảo vệ môi trường biển;

- Đào tạo chuyên ngành.

Điều 18. Quan hệ khu vực và quốc tế

Hai Bên ký kết nỗ lực làm hài hoà và thống nhất quan điểm của mình trong các tổ chức, cơ quan, hội nghị, diễn đàn khu vực và quốc tế liên quan đến các hoạt động hàng hải. Hai Bên trao đổi với nhau trong việc gia nhập các công ước và điều ước hàng hải quốc tế nhằm tăng cường mục đích của Hiệp định này.

Điều 19. Ủy ban hàng hải hỗn hợp

1. Với mục đích đảm bảo thực hiện một cách có hiệu quả Hiệp định này và trên cơ sở nguyên tắc tham vấn và đối thoạị, các Bên ký kết thành lập một Ủy ban hàng hải hỗn hợp gồm đại diện của các cơ quan quản lý hàng hải và các chuyên gia do các Bên ký kết chỉ định.

2. Ủy ban hàng hải hỗn hợp họp luân phiên theo đề nghị của một trong hai Bên ký kết muộn nhất là ba tháng kể từ ngày có đề nghị đó.

3. Ủy ban hàng hải hỗn hợp xem xét các sự việc mà hai Bên cùng quan tâm đặc biệt là liên quan đến việc giải thích và thực hiện Hiệp định này cũng như những vấn đề vận tải biển khác.

Điều 20. Hiệu lực, sửa đổi, chấm dứt Hiệp định

1. Hai bên ký kết thông báo cho nhau bằng văn bản qua    đường ngoại giao về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định có hiệu lực thi hành. Hiệp định này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng.

2. Hiệp định này có hiệu lực trong vòng 5 năm và được mặc nhiên gia hạn từng năm một nếu một trong hai Bên ký kết không thông báo bằng văn bản qua đường ngoại giao cho Bên ký kết kia ý định chấm dứt Hiệp định ít nhất 6 tháng trước khi kết thúc thời hạn hiệu lực của Hiệp định.

3. Hiệp định này có thể được sửa đổi hoặc bổ sung theo sự thoả thuận bằng văn bản của hai Bên ký kết. Những sửa đổi hoặc bổ sung này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo sau cùng về việc chấp thuận việc sửa đổi hoặc bổ sung đó.

4. Nếu có sự hiểu khác nhau trong việc giải thích hay áp dụng Hiệp định này thì Ủy ban hàng hải hỗn hợp sẽ phối hợp giải quyết. Trong trường hợp vẫn không giải quyết được, những vấn đề nói trên sẽ được giải quyết qua đường ngoại giao.

Hiệp định này đã được các đại diện có tên dưới đây thừa uỷ quyền ký.

Hiệp định này được làm tại An-giê-ri ngày 28 tháng 02 năm 2011, thành 2 bản gốc bằng tiếng Việt, tiếng Ả rập và tiếng Pháp. Các văn bản bằng 3 thứ tiếng này đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác biệt về mặt giải thích, văn bản bằng tiếng Pháp sẽ được ưu tiên sử dụng.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG
BỘ XÂY DỰNG




Nguyễn Hồng Quân

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA AN-GIÊ-RI
DÂN CHỦ VÀ NHÂN DÂN
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP, DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ VÀ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ




Mohamed Benmeradi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển giữa Việt Nam và An-giê-ri

  • Số hiệu: 34/2012/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 28/02/2011
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hòa An-giê-ri
  • Người ký: Nguyễn Hồng Quân, Mohamed Benmeradi
  • Ngày công báo: 14/07/2012
  • Số công báo: Từ số 429 đến số 430
  • Ngày hiệu lực: 24/06/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản