Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 99/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2019 |
Ngày 20 tháng 02 năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT (Dự án). Tham dự buổi họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam; đại diện các Bộ: Công an, Quốc phòng, Xây dựng và đại diện Nhà đầu tư Dự án. Sau khi nghe Bộ Giao thông vận tải báo cáo tình hình triển khai, khó khăn vướng mắc đối với Dự án, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và đại biểu dự họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận như sau:
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan triển khai đạt khoảng 96% khối lượng giải phóng mặt bằng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã đề cao trách nhiệm, quan tâm đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, tìm các giải pháp để Dự án sớm hoàn thành; coi đây là nhiệm vụ chính trị
Tuy nhiên, Dự án đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra do có những khó khăn vướng mắc trong việc huy động vốn, do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của Nhà đầu tư Dự án. Yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Nhà đầu tư Dự án phải tích cực, chủ động hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để Dự án được thông tuyến vào cuối năm 2020.
Để sớm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho Dự án, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ kết luận như sau:
1. Tiếp tục đầu tư Dự án theo hình thức Hợp đồng BOT có sự hỗ trợ bằng vốn ngân sách nhà nước nhằm không để thời gian thu phí quá dài; đồng thời sớm đưa Dự án thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giảm bớt gánh nặng cho nhân dân trong vùng dự án.
2. Đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang như ý kiến của Bộ Giao thông vận tải (văn bản số 1411/BGTVT-ĐTCT ngày 19 tháng 02 năm 2019) và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang (văn bản số 685/UBND-KTTC ngày 01 tháng 3 năm 2019). Các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải sâu sát, chủ động, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang triển khai Dự án nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thực hiện giao ban 02 tháng một lần để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ Dự án.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo doanh nghiệp dự án rà soát lại phương án tài chính của Dự án trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ của nhà nước bằng quyền thu phí tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (do không còn phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công) sang hỗ trợ bằng ngân sách nhà nước theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong việc tính toán hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, vấn đề giải pháp thi công, tính toán khối lượng, giá nguyên vật liệu cũng như lưu lượng xe...đảm bảo phương án hoàn vốn của Dự án không quá 15 năm. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình; đồng thời cử cán bộ có năng lực, am hiểu pháp luật về đầu tư PPP để hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang trong quá trình triển khai dự án khi được Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị.
4. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, đảm bảo phương án tài chính của Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 3 năm 2019.
5. Việc chuyển nhượng quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng Dự án cho nhà đầu tư khác được thực hiện theo đúng quy định của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp dự án, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xem xét, quyết định theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với hợp đồng Dự án; bảo đảm nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra khiếu kiện, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án và thông tuyến vào năm 2020.
6. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tổ chức thẩm định lại phương án tài chính theo đúng quy định của pháp luật; sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm bảo đảm tiến độ Dự án.
7. Doanh nghiệp dự án xây dựng tiến độ tổng thể và giải pháp thực hiện, thống nhất với Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông vận tải, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cam kết đẩy nhanh tiến độ Dự án, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, an toàn.
8. Yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ, kết luận, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với vi phạm của Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh (nếu có); khoanh vùng, xử lý riêng vi phạm này để không ảnh hưởng đến việc triển khai Dự án.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện./.
| BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Thông báo 462/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 201/VPCP-CN năm 2019 về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 1144/VPCP-CN năm 2019 về xử lý đề nghị của Đoàn công tác khảo sát Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 8978/VPCP-CN năm 2019 xử lý vướng mắc quyết toán dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT ký hợp đồng trước thời điểm Thông tư 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
- 2Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
- 3Thông báo 462/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 201/VPCP-CN năm 2019 về triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 1144/VPCP-CN năm 2019 về xử lý đề nghị của Đoàn công tác khảo sát Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Công văn 8978/VPCP-CN năm 2019 xử lý vướng mắc quyết toán dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT ký hợp đồng trước thời điểm Thông tư 166/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo 99/TB-VPCP năm 2019 về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 99/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 18/03/2019
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Mai Tiến Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/03/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra