Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 93/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC TRƯƠNG HÒA BÌNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH ĐẮK NÔNG

Ngày 14 tháng 01 năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã thăm và làm việc tại tỉnh Đắk Nông. Tham gia đoàn công tác của Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi nghe Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nội chính, đảm bảo quốc phòng an ninh năm 2016, nhiệm vụ, giải pháp phát triển năm 2017 và tình hình thực hiện việc ổn định dân cư trên địa bàn xã Đắk Ngo và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức và kiến nghị một số vấn đề; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp tỉnh Đắk Nông đã triển khai quyết liệt, huy động sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; giữ vững quốc phòng an ninh, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công góp phần xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách tôn giáo và dân tộc; tích cực tham gia phòng chống tội phạm; bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tích cực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông.

a) Về kinh tế

Năm 2016 tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%; và thu nhập bình quân đầu người đạt trên 37 triệu/ người/ năm, dịch vụ phát triển đáp ứng nhu cầu của nhân dân, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, dịch vụ đạt 12.000 tỷ đồng; xuất khẩu đạt 620 triệu USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.700 tỷ đồng. Thu hút đầu tư ngày càng hiệu quả, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Tín dụng tăng trưởng 20%. Thu ngân sách vượt 7% dự toán đạt 1.725 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng dần được đầu tư đồng bộ; số hộ dân được sử dụng điện, nước sạch đạt cao.

b) Về văn hóa - xã hội

Đã phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số. Đã chú trọng phát triển về cả quy mô và chất lượng giáo dục. Các cơ sở khám chữa bệnh tăng tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh, thực hiện tốt các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số giảm, đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tạo việc làm mới tăng thêm cho 18 ngàn lượt người lao động và tổ chức đào tạo nghề cho 3.800 người.

c) Về công tác cải cách hành chính, nội chính và đảm bảo an ninh, quốc phòng

Tỉnh Đắk Nông đã tập trung xây dựng phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ban hành chuẩn hóa thủ tục hành chính, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia và công khai thủ tục. Công tác tiếp dân có nhiều tiến bộ, chủ động xử lý những vấn đề nổi cộm. Khiếu nại tố cáo có xu hướng giảm. Đã tiếp nhận và xử lý 2.620 lượt với 4.959 công dân (giảm 9%) đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh. Tiếp nhận 3.718 đơn thư, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó, đảm bảo quy định để xử lý 813 đơn khiếu nại, 291 đơn kiến nghị.

Công tác bảo đảm an ninh quốc phòng được củng cố, nâng cao, đã chủ động đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các thế lực thù địch, luôn nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, cấp ủy chính quyền thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo, quan hệ tốt với các tổ chức tôn giáo do đó hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt phương châm “tốt đạo, đẹp đời”.

d) Về công tác phòng chống tội phạm và bảo đảm an toàn giao thông

Thời gian qua, các ngành, đoàn thể và nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; lực lượng an ninh đã mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm theo lĩnh vực, chuyên đề, tăng cường các cuộc tuần tra đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, bảo vệ tuyệt an toàn Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã được các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện mạnh mẽ, nghiêm túc; việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được triển khai đồng loạt, sâu rộng bằng nhiều hình thức, có tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông; do đó tai nạn giao thông có giảm 6 vụ so với cùng kỳ.

2. Về một số tồn tại, hạn chế

Đắk Nông vẫn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; mặt bằng dân trí thấp, an ninh trật tự tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa có xu hướng giảm, nhất là số đơn thư khiếu nại liên quan đến tranh chấp đất đai, trong khi đó việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các cấp, các ngành, các địa phương còn một số tồn tại cần phải khắc phục, tình trạng di cư tự do còn phức tạp.

II. V NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản nhất trí với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Tỉnh đã đề ra cho năm 2017 và cả giai đoạn 2016 - 2020, nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết Đảng Bộ Tỉnh lần thứ XI, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh đã đề ra.

2. Tiếp tục triển khai quyết liệt Kế hoạch hành động của Tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 19, 35, 60 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

3. Phát huy vị trí tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh các đột phá chiến lược. Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Chú trọng phát triển các loại cây trồng chiến lược, tiếp tục tái canh cây cà phê, cây tiêu, cao su... Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh để gia tăng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Tập trung các nguồn lực, triển khai tốt các giải pháp, đảm bảo hiệu quả phù hợp với điều kiện của địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

4. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục, nâng cao chỉ số phát triển giáo dục ở tất cả các cấp học, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục có các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

5. Tập trung xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, cải tiến quy trình, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường công khai minh bạch, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.

6. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, chủ quyền, biên giới quốc gia. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo xâm phạm an ninh Quốc gia.

III. V MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về cơ chế, chính sách quản lý và bảo vệ rừng:

a) Về rà soát pháp luật liên quan đến quản lý và bảo vệ rừng: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 23/NQ ngày 07 tháng 02 năm 2017 về sửa đổi Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2014 trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

b) Về nâng mức hỗ trợ bình quân đối với các hộ dân, cá nhân, tổ chức được giao khoán, bảo vệ rừng: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương nghiên cứu kiến nghị của Tỉnh, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Về chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sinh kế cho người dân vùng ven rừng: Tỉnh thực hiện theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 ngày 09 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

d) Về đề nghị đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ của lực lượng kiểm lâm: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất của Tỉnh trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh đầu tư các dự án ổn định dân di cư: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và các địa phương nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia trên địa bàn tỉnh: Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục đàm phán với phía Campuchia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Về bổ sung vốn kế hoạch trung hạn để tỉnh có thể đầu tư Dự án ổn định dân di cư tự do, khẳng định chủ quyền khu vực 49km2 tại xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức: Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án cho phép hoãn thu hồi số vốn đã ứng trước cho tỉnh Đắk Nông để triển khai các Dự án Ổn định dân di cư tự do vùng xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 02 năm 2017.

5. Về ưu tiên vốn cho tỉnh năm 2017 để đầu tư Dự án tuyến đường (khoảng 20 km) vào xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức: Tỉnh sắp xếp thứ tự ưu tiên, trước mắt bố trí ngân sách địa phương để đầu tư đoạn tuyến cấp bách. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sớm tìm nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh trong quá trình điều hành kế hoạch 2017 - 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Về hỗ trợ vốn đầu tư Dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới huyện Tuy Đức: Tỉnh hoàn tất các thủ tục đầu tư dự án theo quy định, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp chung vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định của Luật Đầu tư công.

7. Về kiến nghị thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp hướng dẫn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01 tháng 3 năm 2017.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và các bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ủy ban Dân tộc;
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên;
- Ban Chỉ đạo 389 quốc gia;
- Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng;
- Cục Quản lý thị trường;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Đắk Nông;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý PTTg,
TGĐ Cổng TTĐT; Các Vụ: TH, KTTH,
CN, NN, NC, KGVX, ĐMDN, QHQT;
- Lưu: VT, QHĐP (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Lê Mạnh Hà

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 93/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại buổi làm việc tại tỉnh Đắk Nông do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 93/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 21/02/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Lê Mạnh Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản