Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 93/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2011

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC BỘ GTVT NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI CUỘC HỌP VỀ DỰ ÁN LUỒNG CHO TÀU BIỂN TRỌNG TẢI LỚN VÀO SÔNG HẬU

Ngày 25/3/2011, tại Văn phòng Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp về dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu. Tham dự cuộc họp có đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Quản lý xây dựng và CL CTGT, Hội Cảng - Đường thủy và Thềm lục địa Việt Nam, đại diện các Vụ: KHĐT, KHCN, KCHTGT, TC, Văn phòng Bộ và các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ GTVT.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của Cục Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, báo cáo nội dung nghiên cứu của tư vấn dự án - PortCoast, ý kiến trao đổi của các đại biểu dự họp, Thứ trưởng thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức đã kết luận như sau:

1. Về nội dung thống nhất mặt bằng đê của dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu và dự án Trung tâm điện lực Duyên Hải

- Dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu đã được phê duyệt từ năm 2007, hiện gói 6A đã thực hiện 70%, gói 6B đã tổ chức đấu thầu xây lắp, dự kiến tiến độ hoàn thành đưa dự án vào khai thác năm 2012 đòi hỏi tiến độ phối hợp triển khai rất cấp bách. Đồng thời với dự án này, hiện Bộ GTVT đã cập nhật quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án các kết nối với khu vực (quốc lộ 53, 54, cầu Cổ Chiên,...) để đáp ứng nhu cầu phát triển khu kinh tế biển Định An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Do vậy, trên cơ sở đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại văn bản số 808/EVN-ĐT ngày 21/3/2011, Bộ GTVT thống nhất sử dụng phương án mặt bằng 4.1 (phương án hai đê) để hình thành bể cảng hoàn chỉnh, kết hợp giữa dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu và dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Trên cơ sở đó, tư vấn nghiên cứu bổ sung kết hợp phát triển cảng cho tàu biển trọng tải lớn cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong bể cảng này.

- Phân giao nhiệm vụ: Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm đầu tư xây dựng đê chắn sóng phía Bắc (dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải), Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng đê chắn sóng phía Nam (dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu). Các đơn vị có trách nhiệm rà soát kỹ tiến độ hai dự án và phối hợp chặt chẽ từng giai đoạn, đảm bảo khớp nối tiến độ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chung của cả hai dự án, đạt hiệu quả tốt nhất, báo cáo Bộ GTVT.

- Giao Vụ Kế hoạch đầu tư tham mưu Bộ có văn bản chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai. Lưu ý các chi phí nghiên cứu bổ sung, khối lượng dự án, phân chia gói thầu phù hợp tiến độ phối hợp chung.

- Vụ Kế hoạch đầu tư chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Quản lý XD và CL CTGT có ý kiến đối với thiết kế cơ sở dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2. Về nội dung nghiên cứu luồng một làn - hai làn

Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia chuyên ngành, đại diện Hội Cảng - Đường thủy và Thềm lục địa Việt Nam cho thấy, quy mô luồng một làn, hai chiều của dự án hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vận tải biển cho khu vực giai đoạn đến năm 2020, bao gồm cả việc chuyển tải than phục vụ các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực nếu kết hợp với luồng qua cửa Định An theo đúng quy hoạch; Ngoài ra, việc nghiên cứu mở rộng luồng hai làn vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án cũng như không có cơ sở đảm bảo tính ổn định đối với tuyến luồng Quan Chánh Bố do luồng mở rộng sẽ đưa lưu lượng nước lớn của Sông Hậu qua tuyến kênh này, kèm theo các yếu tố thủy động lực, sa bồi phức tạp, có thể tạo ra cửa sông rộng, mức độ sa bồi lớn như cửa Trần Đề, Định An hiện hữu. Nếu đặt ra vấn đề này vào lúc này thì phải triển khai tiến hành nghiên cứu tổng thể lai toàn bộ. Đặc biệt là đánh giá tác động môi trường với quy mô lớn hơn rất nhiều. Tính chất, quy mô dự án thay đổi, theo luật về đầu tư xây dựng dự án cần lập lại (dự án hiện nay thực chất đã qua gần 15 năm chuẩn bị với nhiều nghiên cứu, hội thảo, ý kiến khác nhau kéo dài mới có quyết định cuối cùng, nếu thay đổi lại quy mô thì thời gian trao đổi, thỏa thuận sẽ vượt tầm kiểm soát của chủ đầu tư và Bộ GTVT). Vì vậy:

- Giao Cục Hàng hải Việt Nam, đơn vị tư vấn dự án khẩn trương có báo cáo ngay về các nội dung cụ thể nêu trên; trên cơ sở đó, giao Vụ KHĐT tham mưu Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung này trên nguyên tắc: Khẩn trương triển khai tiếp dự án trên cơ sở quyết định đầu tư đã duyệt; Sau khi thực hiện thành công dự án luồng một làn, có đầy đủ kết quả đánh giá điều kiện ổn định và hiệu quả đầu tư trong những năm khai thác tiếp theo để có đúc rút kinh nghiệm và xử lý.

- Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển đối với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long về lâu dài, giao Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu, báo cáo Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai nghiên cứu khả thi một cảng biển cho tàu trọng tải lớn tại khu vực này.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông báo để các đơn vị liên quan phối hợp, triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- TTTT. Ngô Thịnh Đức (để b/c);
- Các thành viên dự họp;
- Lưu VT, KHĐT (05).

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 93/TB-BGTVT kết luận của Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp về dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 93/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 04/04/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản