Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 90/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ CÔNG VIỆC CỦA BỘ NỘI VỤ, NHỮNG VẤN ĐỀ, NỘI DUNG CẤP BÁCH CẦN GIẢI QUYẾT VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Chiều ngày 28 tháng 4 năm 2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về tình hình, kết quả công việc của Bộ Nội vụ, những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất. Tham dự cuộc họp có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo và ý kiến phát biểu của các đồng chí dự họp. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như sau:

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao kết quả công tác của Bộ Nội vụ trong nhiệm kỳ và 4 tháng đầu năm 2021. Báo cáo được Bộ Nội vụ được chuẩn bị công phu, đầy đủ nội dung, số liệu, cơ bản đồng ý với 08 nhóm giải pháp trọng tâm được nêu tại Báo cáo.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Nội vụ cần quán triệt và nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Về tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết vấn đề, công việc của Bộ

- Bộ Nội vụ cần kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, tiếp tục đổi mới, phát triển để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới trên tinh thần đoàn kết, thống nhất, thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời tôn trọng, lắng nghe ý kiến, kể cả ý kiến phản biện, trái chiều có liên quan đến công tác của Bộ; chân thành, cởi mở, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân cán bộ.

- Có phương pháp khơi dậy và phát huy tối đa sự chủ động, năng động, sáng tạo của mỗi cơ quan, địa phương, không ỷ lại cấp trên, với tư tưởng chỉ đạo là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể, biến cái không quan trọng thành cái quan trọng mới là quan trọng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đi đôi với tạo môi trường cho đổi mới, sáng tạo.

- Cần phải thống nhất nhận thức và hành động là nghĩ phải “chín”, tư tưởng phải thông, quyết tâm chính trị phải cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chống sách nhiễu, gây phiền hà về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Thực hiện nghiêm 3 không khi giải quyết các vướng mắc, khó khăn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân và doanh nghiệp: không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

- Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải mở rộng, phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, huy động trí tuệ tập thể, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao và xem xét quyết định theo đa số. Cái gì đã chín, đã rõ, được đa số đồng tình, thực hiện có hiệu quả thì tiếp tục cho triển khai. Cái gì mới, chưa có quy định hoặc quy định đã vượt qua thực tiễn thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

- Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là vấn đề khó khăn, phức tạp, nhạy cảm vì liên quan đến con người và lợi ích, vì thế phải nghiên cứu kỹ, cân nhắc nhiều mặt, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, ý kiến phản biện, thảo luận kỹ lưỡng, xem xét toàn diện để có quyết định đúng đắn, phù hợp, hiệu quả.

2. Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai

- Tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW khóa XII, Kết luận 74-KL/TW ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống; xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; lựa chọn mục tiêu có tính khả thi, phù hợp để triển khai thực hiện; cần xác định việc gì nên làm trước, việc gì làm sau và lựa chọn người thực hiện cho phù hợp để bảo đảm hiệu quả. Trong thời gian tới tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao - hai trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội XIII xác định.

- Coi trọng công tác xây dựng Đảng; tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; quán triệt 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, chú trọng công tác tuyên truyền và phương thức lãnh đạo bằng tổ chức đảng và đảng viên. Xem xét, đánh giá cán bộ thông qua tiến độ, chất lượng công việc để làm rõ ý thức, thái độ và năng lực của cán bộ.

- Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của các Bộ, ngành cho phù hợp trong tình hình mới theo hướng một cơ quan có thể làm nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan thực hiện; xây dựng Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, lấy Nhân dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Về cơ bản, Nhà nước không làm những việc mà nhân dân, doanh nghiệp làm được và làm tốt hơn.

- Đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách, tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm đầu mối, tinh gọn tổ chức, tinh giản biên chế, rà soát không thực hiện cấp “hàm”, phòng trong vụ, thực hiện đúng các quy định về tiêu chí thành lập tổ chức; cương quyết giảm chi thường xuyên cho bộ máy và con người để tăng chi cho đầu tư phát triển.

- Khẩn trương chuẩn bị tốt Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, lấy ý kiến các Bộ ngành, các cơ quan tham mưu của Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để báo cáo Chính phủ họp chuyên đề trong tháng 5 năm 2021.

- Tập trung phân cấp, phân quyền theo nguyên tắc cái gì biết mới quản, cái gì không biết thì phân cấp, ủy quyền, không quản trực tiếp, nếu không dễ bị lợi dụng để hợp thức hóa. Nghiên cứu ngay việc phân cấp phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phù hợp; phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức cho các Bộ, ngành, địa phương gắn với nâng cao trách nhiệm, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng cán bộ đầu ra.

- Tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải gắn kết chặt chẽ với tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống. Tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Sơ kết 03 năm thực hiện Đề án thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng.

- Sớm triển khai Đề án đưa cán bộ luân chuyển về cơ sở để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn; cần tổng kết công tác tổ chức thi nâng ngạch; nghiên cứu xây dựng Đề án liên thông cán bộ cấp xã với cấp huyện, cấp tỉnh.

- Sớm xây dựng, triển khai Đề án đào tạo đội ngũ cán bộ cấp xã tại chỗ theo tư tưởng chỉ đạo lấy học viên làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, giáo viên là động lực trong đào tạo, bồi dưỡng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong học tập, đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, khắc phục bệnh lười học, ngại học trong các cơ sở đào tạo của Bộ, tránh tình trạng đánh trống ghi tên.

- Tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội để có giải pháp phù hợp tiếp tục thực hiện và nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính trên cơ sở tổng kết việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt thì kịp thời biểu dương, khen thưởng. Cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm chưa tốt phải nhắc nhở, phê bình, xử lý. Khẩn trương hoàn thành công bố chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX).

- Phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương sớm hoàn thành việc xây dựng, hoàn thiện danh mục vị trí việc làm và quy định về các chức danh tương đương trong hệ thống chính trị; chủ động đề xuất, xử lý những điểm chưa thống nhất giữa các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Khẩn trương nghiên cứu nghiêm túc xây dựng đề án sáp nhập Trường Đại học Nội vụ vào Học viện Hành chính Quốc gia để mở rộng quy mô, tăng cường nguồn lực, tiết kiệm chi tiêu và cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp, đồng thời tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; quá trình nghiên cứu phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

- Nhất trí với 08 phương hướng, nhiệm vụ và đồng tình về nguyên tắc với 06 đề xuất của Bộ Nội vụ nêu trong Báo cáo số 1819/BC-BNV ngày 28 tháng 4 năm 2021. Giao cho đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo xem xét và tổ chức thực hiện. Về đề xuất đầu tư công giai đoạn 2021-2026 của Bộ Nội vụ, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối với các cơ quan có liên quan tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định trên tinh thần là ủng hộ nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả.

- Bộ Nội vụ bám sát tình hình thực tiễn để điều chỉnh, bổ sung chương trình, nội dung công tác của Bộ cho phù hợp; tích cực cùng với các Bộ, ngành thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Nội vụ và các Bộ biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTg, PTTg Trương Hòa Bình;
- Các Bộ; Nội vụ, Tài chính, KHĐT;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Trợ lý TTg, các Vụ: NC, QHĐP, KGVX, KTTH, PL, Cục KSTT, VPBCSĐ;
- Lưu: VT, TCCV(2b).H.Anh

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Trần Văn Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 90/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình, kết quả công việc của Bộ Nội vụ, những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 90/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 03/05/2021
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Trần Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/05/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản