Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC VỀ KHÓ KHĂN CỦA NGÀNH MÍA ĐƯỜNG

Ngày 18 tháng 02 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về khó khăn của ngành mía đường. Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Ngoại giao, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Sau khi nghe Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo, ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng và đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

1. Qua 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay ngành mía đường Việt Nam đã tạo việc làm cho hơn 35 vạn hộ nông dân, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, sẵn sàng tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế để ngành mía đường phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đối với mặt hàng đường, từ năm 2020, phải thực hiện cam kết theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 77/TB-VPCP ngày 07 tháng 6 năm 2018, vì vậy, ngành mía đường phải chủ động tự đổi mới cách làm để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu đặt ra, tiếp tục phát triển bền vững trong tình hình mới.

2. Ngành mía đường nhìn nhận thấu đáo các thách thức, yêu cầu đang đặt ra hiện nay như gắn sản xuất với nhu cầu thị trường; biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nhiều vùng trồng mía nguyên liệu; hoạt động gian lận thương mại, nhập khẩu đường thô, đường lỏng ngày càng phức tạp và tinh vi; công tác tái cơ cấu, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với tổ chức sản xuất chưa được chú trọng để có các giải pháp, đối sách phù hợp nhằm cơ cấu thực chất hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành mía đường, phát huy hơn nữa các lợi thế của ngành như nhu cầu lớn của thị trường trong nước; cơ hội để phát triển các sản phẩm sau đường như sản xuất điện từ bã mía, ván ép, ethanol... để cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các nhà máy sản xuất đường, phát triển ngành mía đường phù hợp với điều kiện hội nhập và quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường.

3. Để tiếp tục phát triển ngành mía đường Việt Nam tương xứng với tiềm năng, yêu cầu các Bộ, cơ quan, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

a) Bộ Công Thương áp dụng biện pháp phòng vệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để bảo vệ sản xuất mía đường trong nước; áp dụng biện pháp chống phá giá đối với đường lỏng sirô ngô và các chất tạo ngọt khác; tăng cường chống buôn lậu đường, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm; tăng cường quản lý thị trường, chống gian lận thương mại; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá điện đồng phát từ bã mía phù hợp với điều kiện Việt Nam.

b) Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tăng cường chống buôn lậu, chống hàng giả, gian lận thương mại quyết liệt hơn; xử lý nghiêm cán bộ liên quan đến bảo kê nhập khẩu đường trái phép.

c) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét tổng thể những vùng bị hạn hán, khó khăn để khoanh, giãn nợ cho nông dân trồng mía; xem xét, tiếp tục cho vay vốn ưu đãi đối với hoạt động trồng mía, chế biến đường tại những khu vực có hiệu quả.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tăng cường đầu tư hàng năm, có nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu giống mía mới, cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung; phối hợp với Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ, kinh nghiệm quốc tế; đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa nhà máy chế biến đường và các hộ nông dân trồng mía.

- Tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, chủ trì phối hợp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, trong đó đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 77/TB-VPCP ngày 07 tháng 6 năm 2018, nêu rõ quan điểm phát triển đối với ngành mía đường trong giai đoạn hiện nay và giai đoạn tới, xác định cụ thể các nhiệm vụ trước mắt và các nhiệm vụ dài hạn của từng Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Các nhiệm vụ và giải pháp phải hết sức cụ thể, căn cơ và khả thi, nhất là các giải pháp tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng giống mía, phát triển các sản phẩm sau đường. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 3 năm 2020.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các PTTg;
- Các Bộ: NNPTNT, CT, KHĐT, TP, NG, TC, CA;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Ban Chỉ đạo 389;
- Hiệp hội Mía đường Việt Nam;
- Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: NN, TKBT, TH, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH(3)H .Dương

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Mai Thị Thu Vân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 88/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về khó khăn của ngành mía đường do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 88/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 10/03/2020
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Thị Thu Vân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản