Hệ thống pháp luật

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/TB-BTTTT

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG LÊ NAM THẮNG TẠI BUỔI HỌP BAN CÔNG TÁC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN IPV6 QUỐC GIA

Ngày 18/7/2012, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp nhằm đánh giá tình hình hoạt động của Ban Công tác 6 tháng đầu năm 2012 và dự kiến kế hoạch trong thời gian tới. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Lê Nam Thắng – Trưởng Ban Công tác, Thường trực và các thành viên Ban Công tác; Tổ giúp việc, các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đại diện các doanh nghiệp viễn thông, Internet.

Sau khi nghe Thường trực Ban Công tác báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2012; các ý kiến thành viên Ban Công tác; đại diện doanh nghiệp viễn thông, Internet, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã phát biểu kết luận như sau:

I. Trong 6 tháng vừa qua, mặc dù hoạt động ở chế độ kiêm nhiệm nhưng các thành viên của Ban Công tác đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra, theo đó một số kết quả nổi bật đã được thực hiện, cụ thể như sau:

- Kiện toàn bộ máy tổ chức Ban công tác: Ngày 03/7/2012, Bộ trưởng đã ký Quyết định 1190/QĐ-BTTTT về việc kiện toàn Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia.

- Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức: Lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức thành công Hội thảo “ IPv6 – Công nghệ và Ứng dụng với Việt Nam”, hội thảo đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế và cộng đồng trong nước. Sự thành công của hội thảo đã tạo điều kiện nâng cao uy tín của Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao nhận thức về triển khai IPv6 tại Việt Nam, tăng cường sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hội thảo được tổ chức ngay trước thời điểm thế giới chính thức khai trương IPv6 (06/6/2012). Đây được coi là hoạt động thiết thực của Việt Nam hưởng ứng sự kiện này của thế giới.

- Ban công tác đánh giá cao Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Netnam đã chủ động xây dựng kết nối thuần IPv6, triển khai thử nghiệm, đánh giá kết quả chuyển đổi địa chỉ IPv4 sang IPv6 trong phòng thí nghiệm; thực hiện trên mạng ADSL/ 3G và trên mạng máy tính nội bộ, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chuyển đổi IPv6 v.v.

- Công tác đào tạo: VNNIC đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên trách về IPv6.

- Xây dựng chính sách: Ban Công tác đã phối hợp với Ban soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet đưa một số nội dung thúc đẩy ứng dụng công nghệ IPv6 vào dự thảo Nghị định. Theo đó, coi công nghệ IPv6 thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Hoạt động nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu các thiết bị, phần mềm và các hoạt động ứng dụng công nghệ IPv6 khác được hưởng các mức ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Luật Công nghệ cao; Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung về công nghệ IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy của các trường Đại học và Cao đẳng thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

II. Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, việc triển khai nhiệm vụ còn một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như:

- Kiện toàn bộ máy: Một số tổ chức, doanh nghiệp chưa thành lập Ban Công tác, Tổ công tác hoặc chỉ định đơn vị chuyên trách, đóng vai trò thường trực để triển khai IPv6 tại đơn vị mình và làm đầu mối liên hệ với Ban Công tác Quốc gia để thúc đẩy triển khai IPv6.

- Kế hoạch, chương trình hành động chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho mạng của các đơn vị: Mới chỉ có một số ít doanh nghiệp lớn, chiếm thị phần khống chế xây dựng, ban hành, phần lớn các doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch, chưa báo cáo Ban Công tác.

- Thực tế triển khai chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ IPv6 thế giới còn nhỏ, sự tham gia của các doanh nghiệp trong ngày khai trương IPv6 thế giới còn ít và rất hạn chế.

- Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng kết nối thuần IPv6.

- Kế hoạch hợp tác quốc tế: Chưa tổ chức được các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước về chuyển đổi IPv6 trong khu vực.

- Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn: Muốn chuyển đổi thành công sang IPv6, cần có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Công tác xây dựng còn chậm, cần thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn từ nay đến cuối năm 2012.

- Ban Công tác chưa tổ chức hội thảo với nhóm các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, đầu cuối, qua đó thông tin cho đối tác về kế hoạch, lộ trình và về tình hình triển khai IPv6 của Việt Nam, nhằm tạo được sự hỗ trợ cao nhất từ phía các đối tác và để các đối tác nắm bắt được yêu cầu bắt buộc đối với thiết bị cung cấp cho thị trường Việt Nam sẽ phải đảm bảo hỗ trợ IPv6 trong thời gian tới. Đồng thời, kiểm chứng ý kiến của doanh nghiệp cho rằng áp dụng IPv6 sẽ làm giảm đi năng lực bộ định tuyến (Router) của mạng.

- Việc phối hợp của Ban Công tác với các Ban khác (đặc biệt Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT) để tổ chức hội thảo chuyên đề, hội nghị, lồng ghép nội dung IPv6, trao đổi kinh nghiệm còn nhiều hạn chế.

III. Theo “Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6” đề ra, sắp hết Giai đoạn 1, chuyển sang Giai đoạn 2, Ban Công tác cần tổng kết, kiểm điểm, đánh giá lại việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm như sau:

1. Công tác kiện toàn nhân sự Ban Công tác triển khai IPv6: Các tổ chức, doanh nghiệp cần kiện toàn lại Ban Công tác của đơn vị mình, theo hướng thành lập Ban Công tác, Tổ công tác và chỉ định đơn vị chuyên trách làm đầu mối thực hiện IPv6, gửi báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 8/2012.

2. Công tác thực hiện Chương trình, Kế hoạch hành động chuyển đổi sang IPv6:

- Các doanh nghiệp viễn thông, Internet có hạ tầng mạng nhanh chóng sửa đổi, bổ sung, hoàn thành và ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi sang IPv6 của đơn vị mình trong Quý III năm 2012.

- Giao VNNIC với vai trò thường trực Ban Công tác xây dựng tài liệu nguyên tắc, hướng dẫn doanh nghiệp ban hành Kế hoạch hành động. Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ sẵn sàng IPv6 với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phục vụ công tác đánh giá, kiểm tra.

3. Công tác tuyên truyền, phổ biến:

 - Để nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy truyền thông IPv6, Ban Công tác xem xét tổ chức sự kiện “ngày/ tuần IPv6 ở Việt Nam” bên cạnh các sự kiện IPv6 thế giới.

- Ban Công tác tích cực phối hợp với các Ban chỉ đạo, Hội, Hiệp hội khác, đặc biệt là Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT để đẩy mạnh truyền thông sang lĩnh vực CNTT, trình bày tham luận về IPv6 tại các Hội thảo, Hội nghị về CNTT.

Vụ CNTT thường xuyên cập nhật, thông báo các sự kiện về CNTT để Ban Công tác có thể tham gia phối hợp.

4. Công tác Hợp tác quốc tế:

- Trong 6 tháng cuối năm, Thường trực Ban phối hợp với Vụ HTQT đề xuất thông báo, tổ chức các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm các nước đi trước trong khu vực về triển khai IPv6.

- Tiếp tục giữ các mối quan hệ với các Tổ chức quốc tế trong khu vực và trên thế giới nhằm tận dụng sự giúp đỡ về kinh nghiệm, công nghệ trong quá trình chuyển đổi IPv4 sang IPv6.

- Giao VNNIC phối hợp với Vụ HTQT theo dõi các Hội thảo, Hội nghị trên thế giới về IPv6, thông báo cho các đơn vị có liên quan bố trí tham dự, học hỏi trao đổi kinh nghiệm.

5. Công tác đào tạo:

- Đối với đào tạo hệ chính quy: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP đã quy định đưa nội dung về công nghệ IPv6 vào chương trình đào tạo chính quy. Ban Công tác cần tổ chức buổi làm việc trực tiếp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhằm hướng đến đào tạo nguồn nhân lực IPv6 cho mục tiêu lâu dài.

- Đối với đào tạo thường xuyên, ngắn hạn, tập trung: Ngoài việc tổ chức khóa tập huấn cho các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, Thường trực Ban Công tác hoàn thiện, in ấn các giáo trình đã có, cung cấp cho các doanh nghiệp, tổ chức để chủ động thực hiện đào tạo cho đội ngũ nhân viên kỹ thuật tại chính doanh nghiệp.

6. Công tác xây dựng chính sách:

- Giao Vụ CNTT: Sau khi Nghị định thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP được ban hành, Vụ cần làm việc với các Bộ ngành có liên quan như: Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính để có hướng dẫn chi tiết về ưu đãi vốn đầu tư, thuế, hải quan, v.v… quy định tại Luật Công nghệ cao cho các doanh nghiệp nhập khẩu sản xuất thiết bị hỗ trợ IPv6.

- Giao Vụ KHCN: Sớm xây dựng và trình ban hành, công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn về IPv6 vào cuối năm 2012.

7. Các công tác khác:

- Để phục vụ cho công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, đặc biệt tại các Hội thảo, Hội nghị, Ban Công tác xem xét biên tập, xuất bản tài liệu giới thiệu, trong đó đưa ra các khái niệm cơ bản về IPv6, các mục tiêu, lợi ích khi chuyển đổi sang IPv6 để sử dụng trong công tác truyền thông.

- Giao VNNIC, Cục Viễn thông phối hợp xem xét, nghiên cứu đề xuất trình Lãnh đạo Bộ chủ trương xây dựng dự án phòng đo kiểm về IPv6 để triển khai công tác hợp chuẩn, hợp quy thiết bị đầu cuối.

- Tổ chức cuộc họp với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối để trao đổi có thêm thông tin, cũng như phổ biến Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 của Việt Nam.

- Tổ chức Đoàn làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt thêm tình hình thực tế triển khai IPv6, đặc biệt với Bưu điện Trung ương để kiểm tra ứng dụng công nghệ IPv6 với mạng chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước.

- Tổ chức đoàn làm việc với một số ngành có hệ thống thông tin lớn như Tài chính, Ngân hàng thu thập thêm số liệu cụ thể về IPv6 phục vụ báo cáo tổng kết cuối năm 2012.

- Giao VNNIC rà soát việc thực hiện các công việc tại Thông báo kết luận số 07/TB-BTTTT ngày 17/01/2012, tổ chức đôn đốc các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ tại Thông báo này.

Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Nam Thắng tại buổi họp Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng (để b/c);
- Chánh VP (để b/c);
- Các Vụ: KHCN, HTQT, CNTT;
- Cục VT;
- VNNIC;
- Các thành viên Ban Công tác;
- Các doanh nghiệp viễn thông, Internet;
- Lưu: VT, VP.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Mai Ánh Hồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 85/TB-BTTTT kết luận của Thứ trưởng Lê Nam Thắng tại buổi họp Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành

  • Số hiệu: 85/TB-BTTTT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 27/07/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Thông tin và Truyền thông
  • Người ký: Mai Ánh Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản