Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 822/TB-BGTVT | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 2013 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐINH LA THĂNG TẠI HỘI NGHỊ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH LÁI XE
Ngày 30 tháng 10 năm 2013, tại Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chủ trì Hội nghị Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các Tổng cục, Cục, Vụ trực thuộc Bộ Giao thông vận tải; Các sở Giao thông vận tải và các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe trong phạm vi cả nước.
Sau khi nghe Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam trình bày Báo cáo Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch lái xe; Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo về sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; báo cáo tham luận của các đại biểu tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã kết luận như sau:
1. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục, đào tạo; thời gian qua, đặc biệt từ năm 2001, Bộ Giao thông vận tải cùng các Bộ, ngành liên quan và các địa phương thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe và thu được những kết quả hết sức quan trọng. Việc tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch lái xe có ý nghĩa quan trọng và rất kịp thời đặc biệt là vào thời điểm Bộ Giao thông vận tải đang quán triệt, chuẩn bị triển khai Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Giao thông vận tải và các Cơ quan chức năng đã xây dựng Báo cáo và tổ chức Hội nghị với tinh thần nghiêm túc và đạt hiệu quả cao. Theo đó nội dung Báo cáo và thảo luận tại Hội nghị đã khẳng định những kết quả, thành tựu đạt được trong việc thực hiện xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng về công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đặc biệt là góp phần giảm kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tạo thêm việc làm cho người lao động và lợi ích cho xã hội, người dân có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện hơn trong việc học, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, trong công tác xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe cũng như công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe nói chung còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được xử lý khắc phục theo nội dung Báo cáo và thảo luận được trình bày tại Hội nghị.
3. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục, Vụ trực thuộc Bộ có liên quan, các Sở Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại Hội nghị lưu ý các nội dung sau đây nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe:
a) Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác xã hội hóa đào tạo; sát hạch lái xe; đặc biệt là tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện xã hội hóa các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe công lập. Tham gia ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
b) Tiếp tục rà soát việc phân cấp quản lý giữa Bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải theo hướng phân cấp tối đa cho các Sở Giao thông vận tải. Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan tham mưu của Bộ tập trung chủ yếu vào công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm soát. Tổng cục Đường bộ Việt Nam bàn giao công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe của Trường Trung cấp nghề Cơ giới đường bộ về Sở Giao thông vận tải Hải Dương trước ngày 31/12/2013.
c) Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông”.
d) Chậm nhất trong Quý I năm 2014, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe toàn quốc.
đ) Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh việc xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Năm 2014, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng lộ trình hoàn thành việc chuyển các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe của Nhà nước sang hoạt động theo mô hình xã hội hóa để tạo sự bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến tiêu cực, bất hợp lý trong thu phí đào tạo và tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư của xã hội vào lĩnh vực này.
e) Tiếp tục rà soát tiêu chuẩn, quy chuẩn cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đặc biệt là tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe; rà soát, sửa đổi chương trình đào tạo lái xe theo hướng không dàn trải nội dung đào tạo, tập trung vào nội dung đào tạo người lái xe hiểu biết pháp luật về giao thông đường bộ và có kỹ năng điều khiển phương tiện bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.
g) Rà soát lại quy trình, hình thức đào tạo theo hướng mở rộng các hình thức đào tạo, xem xét những chương trình đào tạo, nội dung kiến thức học viên có thể tự học, các trường hợp phải quy định học tập trung để bố trí hình thức đào tạo phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được học, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe. Đối với các địa phương đặc biệt khó khăn, ít người học, không xã hội hóa được thì phải có đầu tư của Nhà nước về đào tạo; về chủ trương phải tổ chức đào tạo tận xã, huyện đối với những nội dung đào tạo không đòi hỏi về tiêu chuẩn cơ sở vật chất để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc ít người.
h) Rà soát quy trình sát hạch, tiêu chuẩn sát hạch viên; sát hạch viên không nhất thiết là công chức hoặc viên chức; mở rộng thành phần Hội đồng sát hạch để có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan, giữa các thành phần tham gia Hội đồng, tăng cường tính công khai, minh bạch.
i) Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời có biện pháp xử lý đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe vi phạm quy định. Nghiên cứu có quy định hình thức xử lý đối với những cơ sở đào tạo có nhiều lái xe gây tai nạn giao thông. Giao Thanh tra Bộ khẩn trương xác minh, làm rõ về những phản ánh nêu tại Hội nghị đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
k) Tiếp tục nghiên cứu để sớm áp dụng công nghệ hiện đại vào công tác sát hạch 2 km trên đường giao thông công cộng.
l) Cùng với đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch lái xe phải nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, sát hạch, đặc biệt là nâng cao chất lượng công tác sát hạch, nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ sát hạch viên trong thi hành nhiệm vụ. Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tổ chức sát hạch lại toàn bộ đội ngũ sát hạch viên trong phạm vi cả nước.
4. Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe Bộ trưởng kêu gọi sự nỗ lực, cố gắng của tất cả các cấp, các ngành; đặc biệt phải thay đổi tư duy của những người trực tiếp thực thi nhiệm vụ, từ cơ quan quản lý nhà nước đến cơ sở đào tạo, sát hạch phải thực hiện nghiêm các quy định về công tác này. Các Sở Giao thông vận tải, các cơ sở đào tạo, sát hạch cần xác định rõ trách nhiệm đối với sản phẩm đào tạo gắn liền với cộng đồng xã hội để có sản phẩm đào tạo tốt cho xã hội, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu tai nạn giao thông.
Sau Hội nghị này, Ngành Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa đào tạo, sát hạch lái xe, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo; đặc biệt là cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ Giao thông vận tải thông báo tới các cơ quan, đơn vị liên quan biết để phối hợp, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 1447/TTg-KTN năm 2013 đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi - lanh từ 175 cm3 trở lên (hạng A2) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 503/TCĐBVN-QLPT&NL năm 2014 tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A2 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành
- 1Luật Dạy nghề 2006
- 2Thông tư 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Công văn 1447/TTg-KTN năm 2013 đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô 2 bánh có dung tích xi - lanh từ 175 cm3 trở lên (hạng A2) do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn 503/TCĐBVN-QLPT&NL năm 2014 tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A2 do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành
Thông báo 822/TB-BGTVT năm 2013 kết luận của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng tại Hội nghị Đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch lái xe
- Số hiệu: 822/TB-BGTVT
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 01/11/2013
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
- Người ký: Nguyễn Văn Lưu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra