Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 784/TB-TCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2024

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÁC NỘI DUNG CÔNG TÁC SAU HỘI NGHỊ SƠ KẾT NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THUẾ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2024

Ngày 05/7/2024, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2024, triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác thuế 6 tháng cuối năm 2024. Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Cao Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy Bộ Tài chính, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Lãnh đạo các Vụ/Cục/đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thuế, tập thể Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của 63 Cục Thuế và 413 Chi cục Thuế tại các điểm cầu.

Hội nghị đã thống nhất đánh giá: thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục Thuế đã tập trung tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm giải pháp đề ra tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2023, cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính thành 755 nhiệm vụ cụ thể, trong đó có 36 nhiệm vụ, đề án trọng tâm; ban hành 231 văn bản chỉ đạo toàn ngành, 47 Thông báo, 47 Quyết định, 04 Công điện khẩn triển khai các nhiệm vụ quan trọng và tổ chức 256 Hội nghị, hội thảo, cuộc họp để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, theo đó đạt được những kết quả quan trọng được Bộ Tài chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao, cụ thể:

- Thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2024 do ngành Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, bằng 58,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15,3% so với cùng kỳ. 12/21 khoản thu sắc thuế và 32/63 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 13/21 khoản thu, sắc thuế và 54/63 địa phương tăng trưởng thu so với cùng kỳ. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp với tổng số tiền được miễn, giảm khoảng 38.326 tỷ đồng.

- Công tác tuyên truyền, hỗ trợ được chủ động triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ thuế điện tử (kê khai, nộp thuế, hoàn thuế) duy trì ở mức cao trên 99%. Rà soát chuẩn hóa dữ liệu MST đạt 93,9% về khối lượng và tỷ lệ 74% khớp đúng CSDLQG về dân cư. Thực hiện hiệu quả công tác thanh tra kiểm tra với tổng số kiến nghị xử lý đạt 21.526 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023. Thu nợ ước đạt 45.468 tỷ đồng. Ban hành 8.740 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 63.188 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023.

- Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được đẩy mạnh, phục vụ hiệu quả công tác quản lý thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Đã có 384 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng Thông tin TMĐT; 102 NCCNN đăng ký, kê khai và nộp thuế qua cổng TTĐT với tổng số thuế đã khai, nộp trực tiếp qua cổng TTĐT là 4.039 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Đã rà soát 11.595 doanh nghiệp, 31.395 cá nhân kinh doanh TMĐT, theo đó số thuế đã kê khai, nộp là 9.979 tỷ đồng, tăng 53,5% so với cùng kỳ; xử lý 4.560 trường hợp vi phạm, truy thu và phạt 297 tỷ đồng.

- 100% cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng. Đến hết tháng 6/2024 đã có 71.329 CSKD áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, tăng (76,7%) so với cuối năm 2023 với số lượng HĐĐT đã sử dụng là trên 568 triệu hóa đơn, gấp 5,2 lần so với cả năm 2023.

- Cơ chế QLRR tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chống thất thu NSNN như áp dụng QLRR trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT, trong lựa chọn NNT để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT. Đã xây dựng, triển khai nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng HĐĐT trên phạm vi toàn quốc.

- Hợp tác quốc tế về thuế được tăng cường, phục vụ thiết thực tiến trình cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế. Đặc biệt ngày 20/6/2024, Tổng cục Thuế đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác với cơ quan thuế Liên bang Nga trong xây dựng chính sách thuế và quản lý thuế.

Việc thực hiện nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm đã đạt được những kết quả khá tích cực, tạo tiền đề thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ công tác thuế trong 6 tháng cuối năm. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai nhiệm vụ công tác quản lý thuế 6 tháng đầu năm 2024 còn một số khó khăn, hạn chế như: một bộ phận NNT ý thức tuân thủ pháp luật thuế chưa cao, cố tình kê khai sai, thiếu, gian lận số thuế phải nộp dưới hoặc chây ỳ, dây dưa nợ thuế; còn 9 khoản thu, sắc thuế và một số Cục Thuế có tiến độ thu đạt thấp dưới 50% dự toán; Số nợ thuế và tỷ lệ số nợ thuế có khả năng thu trên tổng thu ở mức cao, nhiều địa phương có nợ tăng cao; vẫn còn chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT; Tình trạng mua bán hóa đơn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dự báo tình hình kinh tế - xã hội những tháng tiếp theo có triển vọng phục hồi, tuy nhiên bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường, tác động đến thu ngân sách những tháng cuối năm.

Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ công tác thuế năm 2024, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của đồng chí Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị của các đơn vị và ý kiến kết luận của đồng chí Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế yêu cầu thủ trưởng các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế, Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, nhiệm vụ, chương trình công tác Thuế năm 2024 tại Thông báo số 118/TB-TCT ngày 31/01/2024 và các Thông báo Kết luận, Thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế từ đầu năm đến nay, cụ thể hóa 08 nhóm nhiệm vụ và 10 nhóm giải pháp đã đưa ra trao đổi, thảo luận tại Hội nghị để tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các chức năng quản lý thuế, trong đó tập trung triển khai quyết liệt một số nội dung sau:

1. Về công tác thu ngân sách:

- Cơ quan thuế các cấp, đặc biệt là các đơn vị có tiến độ thực hiện dự toán 6 tháng đầu năm 2024 đạt thấp cần quán triệt, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế cũng như thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán năm 2024 được Quốc Hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao, 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành dự toán được giao.

- Giao Vụ DT chủ trì:

+ Chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp rà soát với Cục Thuế DNL, các Cục Thuế địa phương (trong tháng 7-8/2024) làm tốt công tác xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025, dự kiến thu NSNN 03 năm giai đoạn 2025 - 2027 đảm bảo đầy đủ thông tin, bao quát nguồn thu, khả thi, tích cực, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương (Tổng hợp, báo cáo Tổng cục trong tháng 8).

+ Phối hợp Vụ TCCB rà soát, xây dựng phương án đánh giá thi đua trong công tác xây dựng dự toán để tham mưu Tổng cục có hình thức khen thưởng đối với các địa phương xây dựng dự toán sát và rút kinh nghiệm những địa phương có kết quả dự toán chưa sát với thực tế phát sinh (Hoàn thành phương án, trình báo cáo Tổng cục trước Hội nghị Tổng kết năm 2024).

2. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ về thuế cho người dân, doanh nghiệp theo các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ. Thông tin tuyên truyền kịp thời tới NNT là đối tượng thụ hưởng chính sách, giúp NNT có thêm nguồn lực tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho tăng thu bền vững cho NSNN.

Cục Thuế các tỉnh, thành phố; các Vụ, đơn vị liên quan thực hiện

3. Về công tác hoàn thiện thể chế chính sách quản lý thuế

- Tập trung cao độ hoàn thành các các đề án theo chương trình xây dựng VBQPPL, đặc biệt đối với các Nghị định gồm: Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định về hóa đơn, chứng từ (Vụ CS chủ trì; thời hạn hoàn thành: tháng 8/2024); Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Vụ CS chủ trì; Thời hạn hoàn thành: Tháng 10/2024); Nghị định sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết (Cục TTKT chủ trì; Thời hạn hoàn thành: Tháng 10/2024).

- Giao Vụ CS chủ trì, phối hợp các Vụ, đơn vị liên quan:

+ Theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế trong bối cảnh áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách, đồng thời góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.

+ Tiếp tục rà soát, đánh giá các quy định, văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, những vấn đề tồn tại, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để chủ động đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật thuế, nhất là việc xây dựng một Luật sửa đổi, bổ sung nhiều Luật tới đây (Báo cáo Tổng cục trong tháng 7).

- Giao Vụ TTHT, các Vụ, đơn vị liên quan, các Cục Thuế địa phương tăng cường công tác truyền thông, chủ động cung cấp thông tin về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, những nội dung sửa đổi thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận xã hội, đảm bảo truyền tải thông tin đúng, kịp thời, dễ hiểu; giúp dư luận nắm bắt, hiểu rõ, từ đó đồng thuận. Đặc biệt, Cục Thuế các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa trong việc tuyên truyền các nội dung dự án Luật có liên quan được dư luận quan tâm trong kỳ họp thứ 8 của Quốc hội diễn ra vào tháng 11/2024; tổ chức giải trình kịp thời với các Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương để tạo sự ủng hộ trong quá trình báo cáo dự thảo Luật.

- Giao Vụ PC chủ trì rà soát những văn bản hướng dẫn về chính sách thuế, quản lý thuế do Tổng cục Thuế ban hành hoặc tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành có sự mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, từ đó đề xuất thay thế, điều chỉnh, đảm bảo hướng dẫn chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định pháp luật trong toàn ngành (Báo cáo định kỳ hàng tháng).

4. Về thực hiện các chức năng quản lý thuế, chống thất thu ngân sách và đẩy mạnh cải cách, chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế

4.1. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT từ cách thức tới nội dung, thông điệp truyền tải rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại nhiều giá trị cho người nộp thuế, đảm bảo phương châm "Lấy NNT làm trung tâm phục vụ", hướng tới thúc đẩy việc tuân thủ thuế một cách tự nguyện. Việc trả lời, hỗ trợ, giải thích và hướng dẫn cho NNT cần được xử lý kịp thời, từ đó tạo sự đồng thuận từ phía NNT trong quá trình tuân thủ, thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

Giao Vụ TTHT chủ trì, khẩn trương thực hiện:

+ Xây dựng cẩm nang các câu hỏi/trả lời thường gặp trong lĩnh vực thuế; nghiên cứu và thực hiện cung cấp thông tin trả lời tự động (AI, Chatbot) đối với một số chuyên đề/nội dung có số đông NNT quan tâm và cần hỗ trợ (Thời hạn hoàn thành theo thông báo 118/TB-TCT: tháng 9/2024).

+ Nghiên cứu, đánh giá để xây dựng phương án tổ chức bộ phận tuyên truyền hỗ trợ NNT dành riêng cho khối các doanh nghiệp có số thu lớn, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hướng tới mục tiêu đồng hành cùng NNT, thúc đẩy môi trường đầu tư tại Việt Nam (Báo cáo Tổng cục trong Quý IV/2024).

+ Khẩn trương triển khai chấm điểm (tích sao) để đánh giá chất lượng, thái độ phục vụ của cán bộ thuế trong giải quyết thủ tục hành chính thuế, từ đó tổng hợp, phân tích và chỉ ra những vấn đề còn tồn tại để có phương án nâng cao sự hài lòng của NNT (Thực hiện trong Quý III/2024).

4.2. Đẩy nhanh tiến độ triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được phê duyệt và các chuyên đề chống thất thu đã xây dựng, đảm bảo thời hạn, chất lượng. Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn; việc sử dụng hóa đơn trong kinh doanh xăng, dầu; tiếp tục rà soát, kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có rủi ro từ ứng dụng cảnh báo xuất không hóa đơn theo hệ số K; các doanh nghiệp có phát sinh chênh lệch giữa hóa đơn và tờ khai lớn, chênh lệch giữa doanh thu các năm lớn.

- Giao Cục TTKT chủ trì, khẩn trương thực hiện:

+ Đề án bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan thuế. (Thời hạn theo Thông báo 118/TB-TCT: tháng 10/2024).

+ Nghiên cứu ứng dụng AI phục vụ thanh tra, kiểm tra thuế, đảm bảo dự báo được số xử lý sau thanh tra, kiểm tra (Thời hạn theo thông báo 118/TB-TCT: tháng 8/2024).

+ Báo cáo tổng thể về tình hình thực hiện kết luận của KTNN, TTrCP và tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo chung trong toàn ngành (Báo cáo Tổng cục trước 30/8/2024).

4.3. Tập trung triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu nợ. Thực hiện nghiêm công tác phân tích, phân loại các khoản nợ, trên cơ sở đó áp dụng đầy đủ, kịp thời các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế tương ứng. Gắn trách nhiệm cụ thể tới từng bộ phận, từng CBCC.

- Giao Vụ QLN chủ trì, phối hợp với Cục CNTT và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện:

+ Đề án đổi mới công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo hướng tích hợp, tự động hóa trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; đặc biệt đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ đã phân công tại Thông báo 500/TB-TCT và 682/TB-TCT của Tổng cục Thuế (Thời hạn hoàn thành: trước 31/08/2024).

+ Rà soát, tổng hợp báo cáo cụ thể những vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Quốc Hội sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật phù hợp, đặc biệt trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế (Báo cáo Tổng cục trong tháng 8/2024).

- Giao Cục Thuế các tỉnh, thành phố chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu các cấp chính quyền địa phương để chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan thuế trong thực hiện công tác quản lý nợ và thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế chính sách đối với các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

4.4. Tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, giải quyết hoàn thuế GTGT khẩn trương nhưng thận trọng, đảm bảo an toàn, chặt chẽ, đúng đối tượng, đúng quy định pháp luật. Tăng cường sự chủ động trong công tác phối hợp giữa các cơ quan thuế, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế trong phòng chống gian lận hoàn thuế GTGT.

- Giao Vụ KK chủ trì:

+ Tiếp tục bám sát tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế tại các địa phương, rà soát, có biện pháp đôn đốc các địa phương có hồ sơ hoàn thuế còn tồn nhiều, hồ sơ hoàn thuế có nhiều vướng mắc; phối hợp với Vụ CS và các đơn vị có liên quan để tham mưu tháo gỡ kịp thời.

+ Xây dựng dự toán hoàn thuế GTGT năm 2025, giai đoạn 2025-2027 đảm bảo phù hợp với thực tế phát sinh (Báo cáo Tổng cục trong tháng 8).

- Giao Ban QLRR chủ trì, Vụ KK, các đơn vị liên quan phối hợp khẩn trương nghiên cứu, triển khai chương trình tuân thủ tự nguyện để hoàn thuế nhanh (Báo cáo Tổng cục Kế hoạch triển khai trong tháng 8/2024).

- Giao Tổ phân tích dữ liệu HĐĐT phục vụ công tác chỉ đạo triển khai chống gian lận về hoàn thuế (Quyết định 941/QĐ-TCT ngày 16/07/2024) phối hợp Ban QLRR khẩn trương nghiên cứu, triển khai giải pháp công nghệ phân tích dữ liệu để xây dựng chuỗi liên kết phục vụ công tác quản lý hoàn thuế.

4.5. Phát huy những kết quả đã đạt được, triển khai thực hiện tốt công tác QLT đối với TMĐT trong 6 tháng cuối năm.

- Giao Vụ DNNCN chủ trì, Cục CNTT, Cục TTKT, Cục DNL phối hợp, các Cục Thuế địa phương thực hiện:

+ Tiếp tục thu thập, cập nhật, làm giàu cơ sở dữ liệu TMĐT từ nhiều kênh thông tin và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để khai thác tối đa nguồn cơ sở dữ liệu giúp quản lý nguồn thu từ hoạt động TMĐT một cách hiệu quả nhất (Tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát hàng tháng).

+ Tiếp tục tham mưu đẩy mạnh công tác phối hợp với các bộ, ngành trong việc chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

+ Khẩn trương hoàn thiện và đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử phục vụ đăng ký, kê khai, nộp thuế cho cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ngay trong tháng 7/2024.

- Giao Vụ TTHT chủ trì, Vụ DNNCN phối hợp: Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế. Chủ động trong công tác tham mưu chính quyền tại địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan thuế trong triển khai thực hiện.

- Giao Vụ DNNCN và Cục TTKT đồng chủ trì tổ chức Hội thảo chống gian lận trốn thuế trong kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng trực tuyến (Thực hiện trong tháng 9/2024).

4.6. Tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát kê khai thuế thường xuyên, liên tục của HKD, CNKD trên cơ sở các nguồn dữ liệu hiện có của cơ quan thuế và qua công tác phối hợp, thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Ứng dụng triệt để bản đồ số HKD trong công tác quản lý hộ, cá nhân kinh doanh để nâng cao tính công khai, minh bạch và giám sát xã hội trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh.

Giao Vụ DNNCN chủ trì, các đơn vị liên quan phối hợp:

+ Khẩn trương tham mưu Tổng cục tổ chức Hội nghị công tác quản lý thuế đối với Hộ kinh doanh (Thực hiện trong tháng 8/2024).

+ Xây dựng kế hoạch tổng thể về việc rà soát tình hình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh đối với từng loại hình hộ kinh doanh trên toàn quốc, nhất là đối tượng HKD có yếu tố thương mại điện tử, kinh doanh online, hướng tới mục tiêu quản lý, giám sát đầy đủ việc thực hiện nghĩa vụ thuế ở tất các khâu trong chuỗi kinh doanh hàng hóa online, từ khi sản xuất/nhập khẩu đến tay người tiêu dùng (Báo cáo Tổng cục trong tháng 9/2024).

4.7. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Công điện 01 của Tổng cục Thuế đồng thời tăng cường công tác phòng chống gian lận hóa đơn.

- Giao Vụ DNNCN chủ trì: Theo dõi sát việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của các đơn vị, nắm bắt kịp thời, đầy đủ những vướng mắc, bất cập trong triển khai, trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu Tổng cục chỉ đạo toàn ngành các giải pháp để thực hiện theo đúng kế hoạch, mục tiêu đề ra (Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng).

- Giao Cục DNL chủ trì: Tiếp tục theo dõi sát, tổng hợp báo cáo đánh giá kết quả kinh doanh các cửa hàng kinh doanh xăng dầu sau khi triển khai đầy đủ Hóa đơn điện tử xuất từng lần bán hàng (đối chiếu doanh thu bán ra, nguồn hàng thu mua từ công ty đầu mối/trung gian, số thuế tăng/giảm,...) từ các đơn vị để kịp thời phát hiện dấu hiệu rủi ro, gian lận, trên cơ sở đó tiếp tục tham mưu Tổng cục chỉ đạo toàn ngành các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cửa hàng xăng dầu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng tháng).

- Giao Ban QLRR chủ trì, phối hợp Cục CNTT: Rà soát, nâng cấp, hoàn thiện chức năng cảnh báo sử dụng HĐĐT trên Ứng dụng và xây dựng hệ số K phù hợp, dự báo chính xác và nghiên cứu bổ sung chức năng chặn xuất hóa đơn vượt ngưỡng (Hoàn thành trong tháng 8/2024).

- Giao Vụ CS chủ trì, phối hợp với Vụ DNNCN, rà soát, đề xuất tham mưu bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, các quy định pháp luật về hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đảm bảo cơ sở pháp lý khi áp dụng các biện pháp kiểm soát hóa đơn điện tử đối với NNT thuộc đối tượng rủi ro cao (Báo cáo Tổng cục trong Tháng 8).

4.8. Tiếp tục áp dụng hiệu quả Quản lý rủi ro trong thực hiện các chức năng quản lý thuế. Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị trong và ngoài ngành tài chính để từng bước xây dựng, hoàn thiện, làm giàu cơ sở dữ liệu của ngành thuế, từ đó khai thác, vận dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu thông tin này vào việc quản lý rủi ro, phục vụ quản lý thuế.

- Giao Ban QLRR chủ trì, các đơn vị liên quan phối hợp:

+ Đánh giá, nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng áp dụng QLRR trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lựa chọn NNT để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

+ Tiếp tục hoàn thiện QLRR trong lựa chọn hồ sơ khai thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB có dấu hiệu rủi ro để kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế; xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT;

+ Nghiên cứu áp dụng QLRR đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Báo cáo Tổng cục phương án trong tháng 9/2024).

4.9. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tái cấu trúc hệ thống CNTT, nâng cao chất lượng hệ thống, hạ tầng kỹ thuật CNTT, chủ động xây dựng, phát triển các ứng dụng CNTT (trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng Big Data, AI) phục vụ hiệu quả công tác quản lý thuế, hướng tới mục tiêu tự động hóa các quy trình, nghiệp vụ. Tổ chức quản trị, vận hành tốt hệ thống CNTT, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, liên tục và thông suốt. Tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ các Cục Thuế địa phương trong việc phát triển ứng dụng do Cục Thuế tự xây dựng; nghiên cứu, đánh giá hiệu quả để mở rộng áp dụng trên phạm vi toàn ngành.

Giao Cục CNTT chủ trì, các đơn vị liên quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp

4.10. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế về thuế với cơ quan thuế các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các nước có vốn đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh chuẩn bị áp dụng quy định về thuế tối thiểu toàn cầu vào năm 2025. Bên cạnh đó, dành nhiều nguồn lực hơn nữa để xây dựng các chương trình giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước trên thế giới trong công tác quản lý thuế, từ đó có sự đánh giá, so sánh và đưa ra những giải pháp đổi mới cho cơ quan Thuế Việt Nam.

Giao Vụ HTQT chủ trì, các đơn vị liên quan, Cục Thuế các tỉnh, thành phố phối hợp

5. Tiếp tục triển khai Chiến lược cải cách quản lý thuế đến năm 2030.

- Giao Ban CC chủ trì thực hiện:

+ Tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách quản lý thuế đến năm 2030. Việc giám sát cần được thực hiện toàn diện, kỹ lưỡng, khách quan đối với cơ quan thuế ở tất cả các cấp, bám sát Chiến lược đã được phê duyệt.

+ Khẩn trương rà soát, hoàn thiện và ban hành Bộ chỉ số đánh giá hoạt động quản lý thuế (Báo cáo Tổng cục trong tháng 7/2024).

6. Về công tác quản lý nội ngành

- Giao Vụ TCCB chủ trì, Cục KTNB, Trường Nghiệp vụ thuế phối hợp: Tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, không chồng chéo. Đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng CBCC, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, quán triệt thực hiện nghiêm công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác. Bên cạnh đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, cần tập trung đào tạo bồi dưỡng, giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức Ngành thuế, bồi dưỡng, vun đắp sự tận tụy của người cán bộ công chức, phát huy được tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, công chức thuế.

- Giao Cục KTNB chủ trì, Vụ TCCB phối hợp:

+ Tăng cường quán triệt kỷ luật, kỷ cương nội ngành, phân công, rõ người, rõ trách nhiệm, nâng cao hiệu quả giám sát trong thực thi công vụ của CBCC thuế. Thực hiện đầy đủ quy chế làm việc của ngành, chấn chỉnh và xử lý nghiêm minh các hành vi sai phạm. Xây dựng môi trường, tác phong làm việc chuyên nghiệp.

+ Tăng cường hiệu quả, chất lượng của công tác kiểm tra nội bộ, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tổ chức kiểm tra nội bộ theo các chuyên đề để phát hiện sớm những tồn tại trong hệ thống quản lý và có biện pháp khắc phục. Tiến hành phân tích, đánh giá xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp phù hợp để giải quyết dứt điểm và cảnh báo toàn ngành, hạn chế phát sinh đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Ngăn chặn và phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

- Giao Vụ TVQT chủ trì, các đơn vị liên quan phối hợp: đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các dự án đầu tư xây dựng kịp thời mua sắm tài sản, trang bị đầy đủ phương tiện làm việc, đảm bảo yêu cầu của công tác quản lý thuế. Chủ động hơn nữa trong công tác lập dự toán chi, đặc biệt là các khoản chi phục vụ hoạt động của ngành Thuế. Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc đầu tư, mua sắm tài sản, vật tư và chi tiêu tài chính, cắt giảm tối đa các khoản chi không cần thiết.

7. Tổ chức thực hiện

7.1. Thủ trưởng các Vụ, đơn vị thuộc, trực thuộc cơ quan Tổng cục Thuế và Cục Thuế các tỉnh, thành phố bám sát, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế; các nhiệm vụ, chương trình công tác theo Thông báo số 118/TB-TCT ngày 31/01/2024 và các Thông báo Kết luận, Thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế từ đầu năm đến nay và Thông báo này từ nay đến cuối năm 2024. Chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng, Lãnh đạo Tổng cục về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Định kỳ thực hiện báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện gửi về Tổng cục Thuế (Văn Phòng) để tổng hợp. Kết quả thực hiện nhiệm vụ là cơ sở để xem xét, đánh giá thi đua, khen thưởng cuối năm.

Đối với các đề án, nhiệm vụ còn chưa triển khai, hoặc đã quá hạn, yêu cầu các đơn vị được phân công chủ trì khẩn trương rà soát, đánh giá cụ thể những khó khăn, vướng mắc để kịp thời báo cáo Tổng cục tháo gỡ. Chủ động đánh giá, tham mưu, báo cáo Tổng cục xem xét phương án lựa chọn một số Cục Thuế địa phương để tổ chức triển khai thí điểm, từ đó đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình toàn quốc. Huy động nhân lực là cán bộ, công chức có kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn cao từ các Cục Thuế lớn, các Cục Thuế mà trên địa bàn tập trung nhiều người nộp thuế hoạt động trong các ngành/lĩnh vực là đối tượng triển khai của các chuyên đề, đề án chống thất thu cũng như các Cục Thuế có kinh nghiệm triển khai tốt để tham gia các Tổ triển khai, xây dựng đề án, chuyên đề.

7.2. Phân công xử lý kiến nghị của các đơn vị:

- Đối với các kiến nghị tại Phụ lục 1.1, các đơn vị được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý phù hợp, trình Lãnh đạo Tổng cục phụ trách khối xem xét, phê duyệt và có văn bản trả lời cho đơn vị kiến nghị.

- Đối với các kiến nghị tại Phụ lục 1.2, các đơn vị chủ trì, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Tổng cục xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý.

Các đơn vị khẩn trương xử lý các kiến nghị và báo cáo kết quả về Văn phòng để tổng hợp báo cáo Tổng cục, chậm nhất trước ngày 15/8/2024.

7.3. Giao Văn Phòng là đơn vị đầu mối theo dõi, đôn đốc các Vụ/đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo; Định kỳ tổng hợp báo cáo, đánh giá tiến độ thực hiện của các đơn vị; Kịp thời báo cáo Lãnh đạo Tổng cục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Tổng cục Thuế thông báo các đơn vị được biết và triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thứ trưởng Cao Anh Tuấn (để báo cáo);
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế (để báo cáo);
- Văn phòng Bộ Tài chính (để báo cáo);
- Các Vụ/đơn vị thuộc, trực thuộc CQ Tổng cục Thuế (để thực hiện);
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố (để thực hiện); 
- Lưu: VT, VP.

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Đoàn Xuân Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 784/TB-TCT triển khai nội dung công tác sau Hội nghị sơ kết nhiệm vụ công tác thuế 6 tháng đầu năm 2024 do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 784/TB-TCT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 30/07/2024
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Đoàn Xuân Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản