Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 701/TB-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 09 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH LẠNG SƠN NGÀY 23 THÁNG 8 NĂM 2013

Ngày 23/8/2013, đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thăm và làm việc với Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn để kiểm tra công tác y tế của tỉnh. Tham dự buổi làm việc về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Phùng Thanh Kiểm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Vi Văn Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng chí Trần Thị Hoa Sinh, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan của địa phương; về phía Bộ Y tế có Lãnh đạo một số Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Y tế.

Sau khi nghe đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn báo cáo một số nét về công tác y tế của địa phương, đồng chí Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn báo cáo bổ sung kết quả công tác y tế 6 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013; trên cơ sở báo cáo, trực tiếp thăm và làm việc với Bệnh viện đa khoa Lạng Sơn, Bệnh viện huyện Hữu Lũng, Trạm y tế xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng; các ý kiến góp ý, thảo luận của đại diện Lãnh đạo tỉnh, Sở, Ban, Ngành liên quan, đề xuất của địa phương, các đơn vị Vụ, Cục, Tổng cục của Bộ Y tế và ý kiến của đồng chí Bí Thư, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kết luận như sau:

1. Bộ Y tế đánh giá cao các kết quả tỉnh Lạng Sơn đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực y tế và an sinh xã hội. Mặc dù là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, quan tâm và đầu tư của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng được mạng lưới y tế khá đồng bộ, mô hình y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu phát huy hiệu quả. Lạng Sơn là tỉnh đồng thuận với quan điểm của Bộ Y tế về 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế.

2. Để công tác y tế của tỉnh Lạng Sơn được tốt hơn, đồng chí Bộ trưởng có ý kiến như sau:

2.1. Về phát triển nguồn nhân lực y tế:

- Hiện tại, nguồn nhân lực từ các bác sỹ sắp ra trường có thể gấp đôi năm 2007, như vậy nguồn nhân lực y tế sẽ không thiếu. Đề nghị tỉnh nghiên cứu tuyển chọn nguồn nhân lực chính quy ra trường, chỉ ưu tiên cử tuyển những vùng miền núi, dân tộc khó khăn. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu ngừng chương trình đào tạo liên thông.

- Để có nguồn nhân lực bảo đảm tốt việc đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho nhân dân trên địa bàn tỉnh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế của tỉnh (bao gồm cả nhân lực cho khối điều trị và khối y tế dự phòng), nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho chuyên khoa sâu.

- Bộ Y tế đang xem xét xây dựng Thông tư liên bộ trình Chính phủ về tiêu chí bổ nhiệm cán bộ ngành Y tế, sẽ đổi mới giữa cán bộ quản lý và đào tạo, ví dụ: Cán bộ quản lý phải có chứng chỉ được đào tạo quản lý; giáo sư, tiến sỹ chủ yếu ở hệ đào tạo, giảng dạy; bác sỹ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 cần cho khối bệnh viện, điều trị.

- Chính phủ có Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bộ Y tế sẽ có Thông tư hướng dẫn cụ thể. Khi đó, bác sỹ tuyến trung ương sẽ về công tác tại tuyến dưới từ 6-12 tháng.

2.2. Về mô hình tổ chức hệ thống y tế:

Trong những năm sắp tới Bộ Y tế sẽ nghiên cứu trình Chính phủ phê duyệt mô hình tổ chức hệ thống y tế và sẽ có đột phá mới sau năm 2016:

Tại tuyến trung ương:

- Nghiên cứu để thành lập Cơ quan kiểm soát bệnh, tật trên cơ sở hợp nhất một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế thực hiện chức năng kiểm soát y tế dự phòng, phòng chống bệnh, tật theo mô hình CDC mà các nước như Mỹ, Trung Quốc, Thailand... đã áp dụng.

- Giai đoạn 2016 - 2020, nghiên cứu sáp nhập các đơn vị có chức năng về kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn thực phẩm, kiểm định vắc xin, kiểm chuẩn trang thiết bị y tế về một đầu mối thành Cơ quan kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm cấp TW do Bộ Y tế hoặc Chính phủ quản lý (theo mô hình FDA); đồng thời thành lập một số Trung tâm vùng về kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm do Bộ Y tế hoặc Cơ quan quốc gia về lĩnh vực này quản lý.

- Từ sau 2016, Bộ Y tế nghiên cứu giảm bớt số lượng các bệnh viện trực thuộc, tập trung đầu tư các bệnh viện gắn với các trường đại học y - dược do Bộ Y tế quản lý để làm nhiệm vụ giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học; các bệnh viện khác chuyển giao cho địa phương quản lý và sẽ phân hạng các loại bệnh viện.

Tại tuyến tỉnh:

- Thành lập Cơ quan kiểm soát bệnh, tật trên cơ sở hợp nhất một số đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện chức năng kiểm soát y tế dự phòng, phòng chống bệnh, tật.

- Giai đoạn 2016 - 2020, công tác kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được bàn giao về Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực hoặc Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế tỉnh.

Tại tuyến huyện:

- Thống nhất mô hình Trung tâm y tế huyện làm nhiệm vụ khám chữa bệnh và y tế dự phòng để huy động để sử dụng tốt nguồn lực, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các bệnh viện huyện là đơn vị cấu thành của Trung tâm y tế huyện. Đối với huyện có quy mô dân số trên 200.000 dân có thể tách bệnh viện ra khỏi trung tâm y tế huyện thành đơn vị độc lập nếu có nhu cầu và có đủ nguồn lực đầu tư, đủ cán bộ y tế.

- Riêng mô hình Phòng Y tế tại tuyến huyện là mô hình, không hiệu quả, Bộ Y tế sẽ làm tờ trình đề nghị Chính phủ bỏ mô hình này; đề xuất chỉ các huyện lớn và thành phố mới có Phòng Y tế.

- Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để mô hình dân Số-KHHGĐ tuyến huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện nếu thấy thuận lợi và có hiệu quả hơn.

Tại tuyến xã và thôn bản:

- Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và đào tạo bác sỹ gia đình cho tuyến y tế cơ sở (Trạm y tế xã). Bác sỹ gia đình sẽ đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở, nhằm tránh tình trạng quá tải bệnh viện cho tuyến trên.

- Y tế thôn/bản sẽ đảm nhiệm vai trò của công tác viên dân số.

2.3. Về xây dựng y tế cơ sở:

Để phát huy hiệu quả của y tế tuyến cơ sở, sắp tới Bộ Y tế sẽ sửa lại Tiêu chí Quốc gia về y tế xã và chia làm ba loại y tế cơ sở như sau:

- Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa (cách trung tâm y tế huyện khoảng 30km): Ưu tiên cung cấp đầy đủ trang thiết bị và nhân lực để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân như bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Có bác sỹ trực tiếp làm việc tại khu vực này.

- Khu vực đồng bằng, trung du: bác sỹ có thể làm việc 2-3 ngày/tuần.

- Khu vực phường, thị trấn: Chủ yếu chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, dân số - KHHGĐ, nên chưa cần chuẩn như ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, khu vực đồng bằng và trung du.

2.4. Về tài chính y tế và điều chỉnh giá dịch vụ y tế:

Sở Y tế xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế hàng năm cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, song song việc bảo đảm quyền lợi và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT.

2.5. Về bảo hiểm y tế

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 phê duyệt đề án thực hiện lộ trình tiến tới Bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Đề nghị BHYT, BHXH và các Sở, Ban, Ngành liên quan của tỉnh tham mưu với UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với BHYT; triển khai các giải pháp hữu hiệu để nâng tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh, chú ý tăng cường công tác truyền thông, tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên, đối tượng tự nguyện, có chính sách khuyến khích người tham gia BHYT phù hợp điều kiện của địa phương.

2.6. Về công tác y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS:

Việc điều trị ARV chưa đạt theo yêu cầu, đề nghị Sở Y tế phối hợp với Công an tỉnh, Sở Lao động TBXH tăng cường điều trị methadone và có giải pháp hữu hiệu quản lý tệ nạn ma túy, mại dâm tại tỉnh nhằm giảm tỷ lệ mắc HIV.

2.7. Quản lý giá thuốc

Đề nghị Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện đấu thầu thuốc theo Thông tư số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/01/2012 của liên Bộ Y tế - Tài chính về hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế.

2.8. Công tác thanh tra, kiểm tra.

Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động dịch vụ xã hội hóa đối với bệnh viện công (tại công văn số 4992/BYT-VPB1 ngày 14/8/2013). Việc thanh, kiểm tra sẽ tập trung xem xét các nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ, đánh giá chất lượng có tương xứng với giá dịch vụ. Đề nghị Trung tâm YTDP tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hệ thống y tế dự phòng, công tác tiêm chủng mở rộng, xét nghiệm theo đúng hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng xét nghiệm tại cơ sở khám, chữa bệnh (Thông tư 01/2013/TT-BYT ngày 11/01/2013).

Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Bộ xin thông báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của Bộ trưởng để các đơn vị biết, triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để b/cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để b/cáo);
- VP Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn;
- Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ (để t/hiện);
- Lưu: VT, VPB1.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ




Nguyễn Xuân Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 701/TB-BYT năm 2013 ý kiến kết luận của Bộ trưởng Bộ Y tế tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn ngày 23 tháng 8 năm 2013

  • Số hiệu: 701/TB-BYT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 16/09/2013
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Xuân Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/09/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản