Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 684/TB-BYT

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2024

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ ĐỖ XUÂN TUYÊN, THỨ TRƯỞNG BỘ Y TẾ - ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO LIÊN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN VÀ PHÒNG CHỐNG NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Ngày 21/5/2024, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm) tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm (Theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại trụ sở Bộ Y tế và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hội nghị do Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm chủ trì; tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Giáo dục và Đào tạo, đại diện một số Vụ, Cục, Viện thuộc Bộ Y tế; Tại điểm cầu địa phương có Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đại diện các Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Cục Quản lý thị trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, thành phố, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan.

Tại Hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm 5 tháng đầu năm 2024 và công tác chỉ đạo phòng, chống ngộ độc thực phẩm; triển khai các quy định pháp luật về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024; báo cáo kết quả thực hiện kiểm soát thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm nhập khẩu nguồn gốc động vật, thực vật trong 5 tháng đầu năm 2024; báo cáo tham luận về tình hình hoạt động phòng chống ngộ độc tại địa phương và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống ngộ độc thực phẩm của đại diện Sở Y tế các tỉnh: Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Sóc Trăng.

Qua báo cáo, trao đổi, thảo luận của đại biểu dự họp; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã thống nhất, chỉ đạo một số nội dung như sau:

1. An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, ảnh hưởng đến tính mạng người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch và an sinh xã hội. Đây là vấn đề liên quan đến các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, không phải là riêng của ngành Y tế, hay Nông nghiệp, hay Công thương. Trong thời gian vừa qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo; các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố tại các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2024 xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tương đối lớn, làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị.

2. Qua phân tích đã nhận diện được một số nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Trong đó có hai nội dung quan trọng:

- Thể chế quản lý về an toàn thực phẩm cơ bản đầy đủ, từ Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các văn bản quy phạm pháp luật của các ban, ngành liên quan...

- Tổ chức thực hiện theo hướng dẫn từ Trung ương đến địa phương; tuy nhiên, việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực thi các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại một số nơi chưa chặt chẽ, nhất là tại tuyến cơ sở… Vì vậy, cần tập trung vào vấn đề tổ chức thực hiện, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, thực phẩm sạch, hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc xảy ra, nếu có xảy ra thì với quy mô nhỏ nhất, người mắc ít nhất, ảnh hưởng ít nhất đến sức khỏe người dân.

- Đối với người sản xuất và tiêu dùng, cần chú ý 10 nguyên tắc, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chế biến thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi sạch; Nơi chế biến ăn uống đảm bảo vệ sinh; Sử dụng dụng cụ sạch; Nấu chín thực phẩm; Ăn ngay sau khi nấu; Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun lại trước khi ăn; Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt; Sử dụng nước sạch trong chế biến, ăn uống; Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch; Vệ sinh phòng dịch, giữ môi trường sạch.

3. Đối với các Bộ, ngành, địa phương, đề nghị:

- Kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp; rà soát lại quy chế làm việc, phân cấp, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, cơ quan chức năng cụ thể, phân công phụ trách theo từng khu vực, địa phương.

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới,

Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Công điện số 50/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc, Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm. Trong đó nhấn mạnh nội dung: Người đứng đầu các cấp, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

- Quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; kiên quyết không để các cơ sở không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (đối với cơ sở thuộc đối tượng phải cấp), không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm vẫn hoạt động. Kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, sản xuất nông, lâm sản, nhất là các cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thu gom các nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát an toàn thực phẩm để cung cấp cho bếp ăn tập thể các công ty, khu công nghiệp, khu chế xuất. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, phải đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở gây ngộ độc, yêu cầu khắc phục đúng quy định trước khi hoạt động trở lại, tiến hành truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đến cùng, xác định rõ nguyên nhân. Bộ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từ điều kiện cơ sở, trang thiết bị, con người, đặc biệt là việc tuân thủ, chấp hành các quy định đối với nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước sử dụng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý và thông tin rộng rãi kết quả xử lý để cảnh báo cho cộng đồng. Yêu cầu các Ban quản lý Khu công nghiệp/Khu chế xuất, các công ty kiên quyết không ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu, cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn uống với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ quan, công ty, trường học, đơn vị.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên liên tục các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của địa phương (sử dụng tiếng dân tộc đối với vùng đồng bào dân tộc, chú ý cả các vùng sâu, vùng xa). Tuyên truyền để chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở thấy sức khỏe của người lao động là tài sản, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cho cơ sở, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo tốt khẩu phần ăn của người lao động. Tuyên truyền để người tiêu dùng, người lao động thấy sức khỏe là vốn quý, tự chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn.

Bộ Y tế trân trọng thông báo để các Đơn vị biết, triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Đ/c Bộ trưởng (để b/c);
- Các Đ/c Thứ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Đ/c Chánh Văn phòng Bộ (để b/c);
- Các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Công an, Giáo dục và Đào tạo;
- UBND các tỉnh/thành phố;
- Các Cục: ATTP, DP, KCB, MT, TTrB;
- Các Viện: KN ATVSTP QG, Dinh dưỡng, YTCC TP.HCM, Pasteur TP. HCM, Pasteur Nha Trang, VSDT Tây Nguyên;
- Sở Y tế tỉnh, thành phố;
- Ban Quản lý ATTP TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh;
- Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh;
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, VPB1.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ




Vũ Thị Kim Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 684/TB-BYT năm 2024 kết luận của Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế - Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn và phòng chống ngộ độc thực phẩm

  • Số hiệu: 684/TB-BYT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 04/06/2024
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Vũ Thị Kim Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/06/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản