Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6708/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2011

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG VŨ VĂN TÁM TẠI CUỘC HỌP BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA MẠNG LƯỚI CÁC KHU BẢO TỒN BIỂN VÀ CÁC KHU BẢO TỒN VÙNG NƯỚC NỘI ĐỊA LẦN THỨ XV

Ngày 07/12/2011, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia mạng lưới các khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa lần thứ XV tại Hà Nội. Tham dự cuộc họp có thành viên Ban chỉ đạo, đại diện Vụ Tài chính (Bộ NN&PTNT), Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Văn phòng Tổng cục Thủy sản và các Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang, Phú Quốc, Vườn Quốc gia Núi Chúa. Sau khi nghe Thường trực Ban chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động của Hợp phần Sinh kế bền vững trong và xung quanh các khu bảo tồn biển (Hợp phần LMPA) trong giai đoạn 2006 - 2011 và việc triển khai mạng lưới khu bảo tồn biển và bảo tồn vùng nước nội địa, ý kiến phát biểu của các đại biểu, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đánh giá cao kết quả đạt được của Hợp phần LMPA. Trong quá trình hoạt động, Hợp phần LMPA đã đóng góp tích cực vào việc hình thành và phát triển mạng lưới các khu bảo tồn biển Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Hợp phần, 3 khu bảo tồn biển (trong số 5 khu bảo tồn biển hiện đang hoạt động) đã được thành lập. Sinh kế của cộng đồng cư dân sống bên trong và xung quanh các khu bảo tồn biển trình diễn được cải thiện, các sinh kế truyền thống được duy trì và phát triển, nhiều loại hình sinh kế mới đã được triển khai tại các khu bảo tồn biển. Cảnh quan, môi trường, điều kiện sống của cộng đồng dân cư được cải thiện đáng kể góp phần nâng cao đời sống của cộng đồng cư dân. Bên cạnh đó, công tác tập huấn, đào tạo cũng được chú trọng đã góp phần rút ngắn khoảng cách về trình độ giữa cán bộ bảo tồn biển Việt Nam với cán bộ bảo tồn biển trong khu vực và trên thế giới. Hợp phần LMPA cũng hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, xây dựng các văn bản hướng dẫn thành lập và quản lý các khu bảo tồn biển; hỗ trợ các trang thiết bị thiết yếu phục vụ hoạt động bảo tồn biển giúp các khu bảo tồn biển có đủ phương tiện thực hiện các hoạt động của mình, đồng thời đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế.

Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai mạng lưới bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản. Để làm tốt được việc này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Giao Vụ Tài chính hướng dẫn, đôn đốc Ban quản lý dự án Hợp phần LMPA tiến hành các thủ tục cần thiết để kết thúc hoạt động đúng quy định (quyết toán; đóng mã số thuế; kiểm kê, bàn giao tài sản tại văn phòng Hợp phần Hà Nội, các khu bảo tồn biển và các đơn vị có liên quan …).

2. Giao Tổng cục Thủy sản:

2.1. Đẩy mạnh hoạt động Hợp tác quốc tế: kêu gọi đầu tư; chia sẻ kinh nghiệm; thông tin, tuyên truyền với các nước trên thế giới về lĩnh vực bảo tồn biển và bảo tồn vùng nước nội địa.

2.2. Làm việc với các đơn vị chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ những vướng mắc giữa Luật Thủy sản, Luật Đa dạng sinh học; Nghị định 65/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học và Nghị định 57/2008/NĐ-CP ngày 02/5/2008 của Chính phủ về việc Ban hành quy chế quản lý các Khu bảo tồn biển Việt Nam có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế trong việc triển khai mạng lưới các khu bảo tồn biển và bảo tồn vùng nước nội địa.

2.3. Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa. Lưu ý sớm ban hành văn bản quy định trình tự, thủ tục thiết lập khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa; mô hình tổ chức hoạt động của các khu bảo tồn; đề xuất các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân sống trong và xung quanh các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa, các chính sách đảm bảo tài chính bền vững cho các hoạt động tại các khu bảo tồn biển và bảo tồn vùng nước nội địa.

2.4. Trong tháng 12/2011 hoàn thiện và tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình Bảo vệ và Phát triển Nguồn lợi Thủy sản đến năm 2020.

2.5. Đề xuất trình Bộ trưởng kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia mạng lưới các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa, cần lựa chọn phương án nhân sự hiệu quả đảm bảo cho hoạt động của Ban Chỉ đạo, nhất là trong điều kiện Hợp phần LMPA kết thúc hoạt động.

2.6. Phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tham mưu trình Bộ trưởng về việc phân công trách nhiệm giữa hai Tổng cục trong việc quản lý các khu bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa gắn với bảo tồn rừng trong các vườn quốc gia có bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa.

2.7. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các địa phương có khu bảo tồn biển tiếp tục quan tâm đến hoạt động của các khu bảo tồn biển trong thời gian tới, duy trì và nhân rộng kết quả đạt được từ sự hỗ trợ của Hợp phần LMPA; đảm bảo nguồn kinh phí cho các hoạt động bảo tồn biển.

Văn phòng Bộ thông báo để các đơn vị biết và triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (b/c);
- TT. Vũ Văn Tám (b/c);
- Thành viên Ban Chỉ đạo;
- Các Vụ TC, HTQT, TCCB;
- Tổng cục Thủy sản;
- Tổng cục Lâm nghiệp;
- Các khu bảo tồn biển;
- Hợp phần LMPA;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Trần Quốc Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 6708/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia mạng lưới khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa lần thứ XV do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 6708/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 29/12/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Trần Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản