Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2023

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH QUẢNG NINH

Chiều ngày 12 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 và một số kiến nghị của Tỉnh. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc.

Sau khi nghe báo cáo của Tỉnh ủy Quảng Ninh và ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Nằm ở phía Đông Bắc của Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Quảng Ninh với diện tích đất liền hơn 6.100 km2 và trên 6.000 km2 mặt biển, dân số khoảng 1,34 triệu người, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có đủ địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi, biển, biên giới, hải đảo, được ví như “một Việt Nam thu nhỏ”, hội tụ đầy đủ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ninh có vị trí địa chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; là một trong ba cực tăng trưởng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, cửa ngõ giao thương quan trọng và sôi động của Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc. Tỉnh giàu tiềm năng du lịch, có Vịnh Hạ Long là di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới và khu di tích danh thắng Yên Tử, nơi phát sinh trường phái Trúc Lâm với Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với nền văn hóa phong phú, Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Người dân Quảng Ninh có truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường, “kỉ luật, đồng tâm”, là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, nơi rèn luyện và giác ngộ ý thức giai cấp cho các chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Trong những năm vừa qua, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bám sát nguyên tắc, phương thức lãnh đạo của Đảng và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu ấn tượng. GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp trong giai đoạn 2016-2022; trong đó năm 2022 đạt 10,28%. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, gấp đôi bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2020-2022 đạt trên 156,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 117,8 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48,3 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm giải quyết tốt, hài hòa các vấn đề xã hội, đặc biệt trong phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh và công bằng, tiến bộ xã hội; nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, trong đó có nhiều chính sách đi trước, vượt trội. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và những thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn cần giải quyết như: Việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” sẽ ngày càng thách thức hơn; Huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư có dấu hiệu chững lại; Bất cập giữa khai thác than và phát triển du lịch đặt ra những vấn đề về vệ sinh, môi trường cần giải quyết; Tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng giữa các địa bàn còn chưa đồng đều; Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm được cải thiện; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai... có mặt còn hạn chế, cần phải sớm xử lý dứt điểm.

II. VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Bám sát, thực hiện hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng; chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 06/4/2022; chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023.

2. Quản lý môi trường sạch đẹp, xây dựng xã hội văn minh, văn hóa phát triển. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Có giải pháp vận động, nâng cao ý thức của người dân, huy động toàn dân vào cuộc với nòng cốt là thanh niên và lực lượng vũ trang để phong trào bảo vệ môi trường sống động, thường xuyên, liên tục; xây dựng thương hiệu Quảng Ninh “giàu có, sạch đẹp”.

3. Kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tiềm năng, khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Tỉnh.

4. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng, tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

5. Tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư hoàn thành tuyến đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; tuyến đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang; tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả kết nối với Vân Đồn; hạ tầng cửa khẩu, biên giới... Lưu ý cần đẩy nhanh, tăng quy mô việc đầu tư cảng Vạn Ninh Móng Cái bằng hình thức đối tác công tư (PPP); khẩn trương xây dựng tuyến chuyển hàng (cargo) giữa sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với Đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc - Nam.

Giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tỉnh Lạng Sơn triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 4B để tăng cường kết nối Lạng Sơn với tỉnh Quảng Ninh, đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, kết nối Quảng Ninh - Lạng Sơn - Cao Bằng và kết nối nội vùng Đông Bắc - Tây Bắc; đồng thời trình cấp có thẩm quyền xem xét khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại trong tháng 3/2023.

6. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, ngân hàng, tài chính...

Giao Bộ Tài chính chỉ đạo và phối hợp thực hiện, phấn đấu để tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong triển khai thu thuế điện tử, hóa đơn điện tử, trong đó lưu ý thu đúng, thu đủ thuế, phí, lệ phí theo quy định đối với các loại hình dịch vụ du lịch, trong đó có dịch vụ bán lẻ, siêu thị và ăn uống, lưu trú trên biển...

7. Chú trọng việc quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn, bảo đảm văn minh, sạch đẹp, trang trọng; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể vấn đề quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa trên phạm vi toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II/2023.

Giao tỉnh Quảng Ninh chủ động phối hợp với tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và các Bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng “Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” là di sản thế giới, hoàn thành trong Quý II/2023.

8. Phát huy các kinh nghiệm đã có, tăng cường huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua các hình thức hợp tác công tư, trong đó có hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT) và hình thức BOT. Tăng cường đầu tư, quan tâm phát triển khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hải đảo; giảm gia tăng khoảng cách xã hội, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền.

9. Tập trung đầu tư cho nguồn lực con người, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục các vùng hải đảo, miền núi; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức sơ kết, đánh giá mô hình Trường Đại học Hạ Long và có kế hoạch nâng cấp, phát triển thành trường đại học tầm cỡ khu vực, bảo đảm theo quy hoạch; chú trọng đào tạo các ngành công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, công nghệ thông tin, ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, Cơ quan liên quan nghiên cứu, phát triển Cơ sở Quảng Ninh của Trường Đại học Ngoại thương thành phần hiệu của Trường Đại học Ngoại thương tại tỉnh Quảng Ninh.

10. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, tầm cỡ quốc tế, xây dựng cung thể thao hiện đại, xứng tầm khu vực như đã được quy hoạch.

11. Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào Quý III/2023.

12. Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì Nhân dân phục vụ. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

III. VỀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT CỦA TỈNH

1. Về đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh khẩn trương xây dựng, hoàn thành các đề án trọng tâm trọng điểm hoàn thiện thể chế tạo đột phá cho phát triển vùng, phát triển ngành cả nước mà tỉnh Quảng Ninh được giao nhiệm vụ chủ trì tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/02/2023 của Chính phủ, nhất là Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển khu kinh tế Vân Đồn, Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Đề án điều chỉnh ranh giới Vùng đệm di sản Vịnh Hạ Long, Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới:

Đồng ý với đề xuất của Tỉnh. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/02/2023 của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Giao các Bộ, cơ quan và các địa phương liên quan trong Vùng Đồng bằng sông Hồng phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, bảo đảm, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ đã đề ra, góp phần phát triển Quảng Ninh nói riêng và Vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.

2. Về kiến nghị tiếp tục thực hiện đối với các dự án dự kiến đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2021-2030 có thời gian ra than ngay sau năm 2022 và các đề án, dự án có thông tin điều chỉnh so với Quy hoạch tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 và chấp thuận điều chỉnh thông tin của các dự án hạ tầng phục vụ phát triển ngành than:

Giao Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại văn bản số 823/VPCP-CN ngày 10/02/2023 của Văn phòng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4/2023.

3. Về kiến nghị cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh được phép giải quyết thủ tục pháp lý cho phép hoạt động khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng:

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì họp với Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Đông Bắc và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ngay sau khi có Thông báo này để khẩn trương xử lý khó khăn vướng mắc đối với việc quản lý hoạt động khai thác, sử dụng đất đá thải thu hồi được trong hoạt động khai thác than làm vật liệu san lấp mặt bằng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. (Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4/2023).

4. Về 04 kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại văn bản số 492/TKV-KH ngày 10/02/2023, gồm: (i) Xem xét, tháo gỡ các vướng mắc triển khai các đề án thăm dò có ranh giới chồng lấn với quy hoạch rừng phòng hộ, rừng trồng; (ii) Cho phép khai thác tăng sản lượng hàng năm vượt dưới 15% công suất mà không phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường; (iii) Chỉ đạo, yêu cầu Công ty PT. Vietmindo Energitama thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan đến việc kết thúc hợp đồng hợp tác kinh doanh; (iv) Cho phép điều chỉnh giá than bán cho hộ điện tiệm cận với giá thị trường:

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cùng Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan khẩn trương xử lý các kiến nghị của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trước ngày 15 tháng 3 năm 2023; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trong tháng 3/2023).

5. Giao Văn phòng Chính phủ thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc, thúc đẩy việc thực hiện và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện định kỳ hàng năm.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó TTg Chính phủ;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,
Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và
Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động,
Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Khoa học và
 Công nghệ;
- Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản VN;
- Tổng Công ty Đông Bắc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Trợ lý TTgCP,
Trợ lý, thư ký các PTTgCP, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ: TKBT, KTTH, NN, CN, TH;
- Lưu: VT, QHĐP (3b). Q.Cường

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Trần Văn Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 67/TB-VPCP năm 2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 67/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 07/03/2023
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Trần Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản