Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/2016/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2016 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Điều 56 của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định cụ thể giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Bỉ cho Dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Nghệ An”, ký tại Hà Nội ngày 10 tháng 11 năm 2016, có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2016.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 59 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH CỤ THỂ
GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC BỈ CHO DỰ ÁN “HỖ TRỢ QUẢN TRỊ ĐỊA PHƯƠNG TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH, ĐÁP ỨNG ĐƯỢC TẠI TỈNH NGHỆ AN (RALG-NGHỆ AN)”
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, sau đây gọi tắt là “Việt Nam”
và
Chính phủ vương quốc Bỉ, sau đây gọi tắt là “Vương quốc Bỉ”
Sau đây được gọi tắt là “Các Bên”
• Căn cứ vào «Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế, Công nghiệp và Kỹ thuật giữa Chính phủ Vương quốc Bỉ và Chính phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam» được ký tại Hà Nội ngày 11/10/1977;
• Căn cứ vào Biên bản đã được thông qua của kỳ họp thứ sáu Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Phát triển giữa Việt Nam và vương quốc Bỉ diễn ra tại Hà Nội ngày 21/6/2011.
ĐÃ THỎA THUẬN NHƯ SAU:
Điều 1: Mục tiêu của Hiệp định cụ thể
Hiệp định cụ thể này quy định những cam kết về mặt thể chế, hành chính và ngân sách được hai Bên nhất trí trong việc thực hiện dự án “Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Nghệ An (RALG-Nghệ An)”, sau đây gọi tắt là “Dự án”.
Mục tiêu chung của Dự án là “Đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Nghệ An thông qua quản trị địa phương theo hướng có trách nhiệm, minh bạch, đáp ứng nhanh hơn”.
Mục tiêu cụ thể của Dự án là “Cải thiện sự tương tác giữa chính quyền và người dân dẫn tới việc cải thiện cung cấp dịch vụ và nâng cao sự hài lòng người dân”.
Dự án được mô tả chi tiết trong Hồ sơ Kỹ thuật và Tài chính, sau đây gọi tắt là HSKT&TC được đính kèm và là một phần không tách rời của Hiệp định cụ thể này.
Điều 2: Trách nhiệm của các bên
2.1. Việt Nam chỉ định:
2.1.1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đây gọi tắt là “Bộ KHĐT” là cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chung việc thực hiện Hiệp định cụ thể này;
2.1.2. Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An, sau đây gọi tắt là “UBND tỉnh Nghệ An”, là cơ quan chịu trách nhiệm phần đóng góp của Việt Nam, điều phối về mặt kỹ thuật và thực hiện Dự án theo phương thức được mô tả trong HSKT&TC.
2.2. Vương quốc Bỉ chỉ định:
2.2.1. Tổng Vụ Hợp tác Phát triển và Viện trợ nhân đạo trực thuộc Bộ Ngoại giao, Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Vương quốc Bỉ, sau đây gọi tắt là “DGD” là cơ quan chịu trách nhiệm phần đóng góp của Vương quốc Bỉ cho Dự án, DGD có đại diện là Tham tán Hợp tác Phát triển của Đại sứ quán vương quốc Bỉ tại Hà Nội;
2.2.2. Cơ quan Phát triển Bỉ - một công ty luật công hoạt động với mục đích xã hội, sau đây gọi tắt là “BTC” là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện, điều phối và theo dõi Dự án. BTC có đại diện là Đại diện thường trú tại Hà Nội.
Điều 3: Đóng góp tài chính của các bên
Vương quốc Bỉ cam kết đóng góp vào Dự án số tiền viện trợ không hoàn lại là 1.000.000 (một triệu) ơ-rô.
Việt Nam cam kết đóng góp vào Dự án số tiền là 150.000 (Một trăm năm mươi ngàn) ơ-rô.
Chi tiết phần đóng góp của các Bên và việc sử dụng được mô tả trong HSKT&TC.
Điều 4: Đóng góp và nghĩa vụ của Việt Nam
Việt Nam sẽ áp dụng tất cả các biện pháp thể chế, hành chính và ngân sách cần thiết theo quy định pháp luật của Việt Nam để thực hiện tốt và thuận lợi Dự án cũng như để đảm bảo tính bền vững của các kết quả của Dự án.
Theo đó, Việt Nam sẽ:
• Cho phép tiếp cận các tài liệu và sử dụng các dữ liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các hoạt động của dự án;
• Cho phép dự án mở các tài khoản ngân hàng cần thiết như được nêu trong HSKT&TC;
• Quản lý, sử dụng và bảo dưỡng các trang thiết bị được mua bằng ngân sách của dự án cho hoạt động của dự án;
• Áp dụng quy chế ưu đãi miễn trừ cho các chuyên gia nước ngoài làm việc cho dự án theo Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế chuyên gia nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án ODA;
• Cung cấp các hỗ trợ thông thường để các chuyên gia nước ngoài hoàn thành nhiệm vụ thực hiện dự án;
• Bổ nhiệm các cán bộ nhà nước có năng lực vào các vị trí công tác và trả lương, phụ cấp cho họ như được mô tả trong HSKT&TC;
• Cung cấp văn phòng làm việc phù hợp cùng một số trang thiết bị cần thiết cho toàn bộ nhân viên dự án;
• Đóng góp vào chi phí hoạt động và bảo trì của dự án như được mô tả trong HSKT&TC;
• Chịu trách nhiệm quản lý về mặt tài chính và kỹ thuật nguồn vốn nhận được như là hỗ trợ tài chính để thực hiện dự án như được nêu trong HSKT&TC.
Điều 5: Đóng góp và nghĩa vụ của Vương quốc Bỉ
Vương quốc Bỉ sẽ góp phần vào thực hiện tốt và thuận lợi Dự án thông qua cung cấp các đầu vào như được nêu chi tiết trong HSKT&TC.
Theo đó, BTC sẽ:
• Chịu trách nhiệm quản lý về mặt tài chính và kỹ thuật các dòng ngân sách của phía Bỉ;
• Chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động kiểm toán và đánh giá độc lập như được mô tả trong HSKT&TC;
• Trả lương, bảo hiểm xã hội, chi phí đi lại và chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài và gia đình (khi cần thiết và nếu có);
• Trả lương tổng, công tác phí và các khoản chi phí khác liên quan tới việc thực hiện nhiệm vụ của nhân viên hợp đồng làm việc cho Dự án do BTC tuyển dụng như được nêu trong HSKT&TC theo Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc - Liên minh Châu Âu về chi phí địa phương trong hợp tác phát triển với Việt Nam - Phiên bản 2012, do các cơ quan Liên Hợp Quốc, Đại sứ quán các nước thành viên EU và Phái đoàn Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam ban hành, hoặc các văn bản thay thế;
• Đảm bảo chuyển tiền kịp thời vào các tài khoản của Dự án cho việc thực hiện tốt Dự án, sau khi kiểm tra thấy các điều kiện trước khi chuyển tiền đã được hoàn tất;
• Cung cấp dịch vụ và trang thiết bị như được nêu trong HSKT&TC;
Điều 6: Quản lý, Chỉ đạo và Giám sát dự án
Theo Cam kết Hà Nội về Hiệu quả Viện trợ, hai bên sẽ cùng nhau làm việc trên tinh thần nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch.
6.1. UBND tỉnh Nghệ An sẽ thành lập một Ban Quản lý dự án (BQLDA) để chịu trách nhiệm điều phối, thực hiện và theo dõi Dự án. UBND tỉnh Nghệ An sẽ đảm bảo rằng Ban BQLDA này hoạt động đầy đủ trong suốt thời gian của Dự án, với số lượng nhân viên tối thiểu như được nêu trong HSKT&TC. Thành phần và trách nhiệm của BQLDA cũng như chi tiết về các phương thức quản lý về nhân sự, tài chính, mua sắm và báo cáo được mô tả chi tiết trong HSKT&TC.
6.2. Hai bên nhất trí thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) Dự án chịu trách nhiệm hướng dẫn và điều hành Dự án về mặt tổ chức, kỹ thuật và tài chính. Thành phần, số lần họp, quyền hạn và trách nhiệm của BCĐ được nêu trong HSKT&TC.
6.3. Căn cứ vào đánh giá tình hình và tiến độ thực hiện dự án, BCĐ có thể điều chỉnh HSKT&TC nhưng không làm thay đổi mục tiêu cụ thể của Dự án (điều 1) và tổng ngân sách (như được xác định tại điều 3 của Hiệp định cụ thể và trong HSKT&TC) hoặc thời hạn của Hiệp định cụ thể này (điều 10.1). Những điều chỉnh này, nếu cần, sẽ được thực hiện thông qua trao đổi công hàm ngoại giao như được quy định tại điều 10.2.
6.4. Một bản sao Báo cáo tiến độ và Biên bản đã được thông qua của các cuộc họp BCĐ sẽ được gửi cho Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội.
Điều 7: Sở hữu các kết quả của Dự án và trao đổi thông tin
7.1. Tất cả các tài liệu và số liệu thu được từ các hoạt động của Dự án là tài sản của hai Chính phủ và sẽ được ghi rõ nguồn gốc của hai bên.
7.2. Mỗi bên sẽ chuyển cho bên kia tất cả các thông tin phù hợp giúp thực hiện Dự án hiệu quả và thuận lợi.
7.3. Dự án sẽ thúc đẩy nhận thức và khả năng hiển thị các kết quả và đóng góp của cả hai chính phủ vào dự án khi cần thiết và hữu ích.
Điều 8: Các loại thuế và thuế nhập khẩu
8.1. Phần đóng góp của Vương quốc Bỉ sẽ không được sử dụng để chi trả các loại thuế liên quan đến việc mua sắm thiết bị, hàng hóa, dịch vụ theo pháp luật về thuế hiện hành của Việt Nam.
8.2. Chính phủ Việt Nam miễn trừ các loại thuế hải quan đối với hàng hóa, thiết bị và dịch vụ được mua cho các dự án ODA viện trợ không hoàn lại theo đúng quy định hiện hành của Việt Nam. Các thủ tục hành chính về miễn trừ thuế hoặc hoàn thuế sẽ do phía Việt Nam đảm nhiệm.
Nếu có những khoản thuế hải quan phải trả theo luật và quy định của Việt Nam thì sẽ do phía Việt Nam chi trả.
Điều 9: Báo cáo, kiểm soát và đánh giá
9.1. Tất cả các thủ tục liên quan đến báo cáo hành chính và hoạt động cũng như báo cáo tài chính và kế toán được mô tả trong HSKT&TC và tuân theo các quy định của Việt Nam.
9.2. Mỗi bên có thể tiến hành đánh giá độc lập hoặc chung vào bất kỳ thời điểm nào sau khi đã thông báo cho bên kia. Hai bên sẽ thông báo cho nhau các kết quả đánh giá và những kiến nghị về các hoạt động kiểm soát và đánh giá này.
Điều 10: Thời hạn, đình chỉ, tố cáo, sửa đổi, tranh chấp và sử dụng ngân sách còn lại của dự án
10.1. Hiệp định cụ thể này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký của các Bên và hết hiệu lực vào ngày 30 tháng 6 năm 2019. Thời hạn của các hợp đồng đến ngày 30 tháng 6 năm 2018 là muộn nhất. Ngày cuối cùng để thanh toán hết các hợp đồng là ngày 30 tháng 3 năm 2019;
10.2. Hiệp định cụ thể này có thể sửa đổi hoặc chấm dứt thông qua trao đổi Công hàm;
10.3. Sau khi khóa sổ tài chính dự án, tất cả các khoản tiền còn dư đều phải chuyển trả lại cho Nhà nước Bỉ;
Theo đó, phía Việt Nam cam kết hoàn trả cho BTC số dư trong tài khoản ngân hàng và các khoản tiền không hợp lệ trong vòng 03 tháng sau khi Ban Chỉ đạo Dự án phê duyệt khóa sổ tài chính.
10.4. Mỗi bên có thể đình chỉ việc thực hiện Hiệp định này. Nếu một trong các bên xét thấy bên kia đã không thực hiện một trong những nghĩa vụ cơ bản theo Hiệp định này; nghĩa vụ phát sinh từ sự tôn trọng các quyền con người, nguyên tắc dân chủ hoặc pháp quyền, cũng như trong các trường hợp tham nhũng, thì phải thông báo cho Bên kia các thông tin liên quan cần thiết cho một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng tình hình, cũng như ý định đình chỉ Hiệp định này trong trường hợp không có một giải pháp có thể chấp nhận được trong vòng ba tháng. Các bên sẽ tham khảo ý kiến và xác định các biện pháp giải quyết phù hợp trong vòng ba tháng kể từ khi thông báo.
10.5. Mỗi Bên có thể đình chỉ việc thực hiện Hiệp định này trong trường hợp bất khả kháng trong suốt thời hạn của bất khả kháng này. Bên nêu lên một trường hợp bất khả kháng phải thông báo cho Bên kia những thông tin liên quan cần thiết cho một cuộc kiểm tra kỹ lưỡng tình hình để tìm ra một giải pháp chấp nhận được cho các bên. Các bên sẽ tham khảo ý kiến và xác định các biện pháp giải quyết phù hợp trong vòng ba tháng kể từ khi thông báo.
10.6. Mọi bất đồng liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua thương lượng giữa các Bên.
Điều 11: Các địa chỉ
Các thông báo liên quan đến Hiệp định này mà cụ thể hơn là các thông báo liên quan đến việc sửa đổi hay giải thích Hiệp định này sẽ được thực hiện thông qua đường ngoại giao tới các địa chỉ sau:
Phía Bỉ, gửi về:
Đại sứ quán Bỉ
Tầng 9, 49 Hai Bà Trưng
Hà Nội - Việt Nam
Phía Việt Nam, gửi về:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
6B Hoàng Diệu
Hà Nội - Việt Nam
và
Bộ Ngoại giao
1 Tôn Thất Đàm
Hà Nội - Việt Nam
Các thông báo và thư từ liên quan tới các vấn đề kỹ thuật trong việc thực hiện Dự án sẽ được gửi về:
Đại diện thường trú
Cơ quan Phát triển Bỉ (BTC)
Nhà F7, Coco village
14 Thuỵ Khuê
Hà Nội - Việt Nam
và
Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An
3 đường Trường Thi, Tp. Vinh
Tỉnh Nghệ An
Làm tại Hà Nội 10/11/2016, thành hai bản, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau giữa các văn bản, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở.
Để làm bằng, các đại diện được ủy quyền của hai Chính phủ đã ký Hiệp định cụ thể này.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
- 1Quyết định 498/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt nội dung Hiệp định cụ thể cho Dự án "Nâng cao năng lực lập kế hoạch" giữa Việt Nam - Bỉ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo hiệu lực của Hiệp định cụ thể cho Dự án "Hỗ trợ xây dựng năng lực" giữa Việt Nam - Bỉ
- 3Thông báo 66/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định cụ thể giữa Việt Nam - Bỉ cho Dự án "Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh"
- 4Thông báo 68/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định cụ thể giữa Việt Nam - Bỉ cho Dự án "Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tỉnh Kon Tum"
- 5Công văn 5956/TCT-HTQT năm 2016 về thông báo hiệu lực của Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Man-ta do Tổng cục Thuế ban hành
- 1Quyết định 498/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt nội dung Hiệp định cụ thể cho Dự án "Nâng cao năng lực lập kế hoạch" giữa Việt Nam - Bỉ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Thông báo hiệu lực của Hiệp định cụ thể cho Dự án "Hỗ trợ xây dựng năng lực" giữa Việt Nam - Bỉ
- 3Luật điều ước quốc tế 2016
- 4Thông báo 66/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định cụ thể giữa Việt Nam - Bỉ cho Dự án "Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Hà Tĩnh"
- 5Thông báo 68/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định cụ thể giữa Việt Nam - Bỉ cho Dự án "Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tỉnh Kon Tum"
- 6Công văn 5956/TCT-HTQT năm 2016 về thông báo hiệu lực của Hiệp định thuế giữa Việt Nam và Man-ta do Tổng cục Thuế ban hành
Thông báo 67/2016/TB-LPQT hiệu lực Hiệp định cụ thể giữa Việt Nam - Bỉ cho Dự án "Hỗ trợ quản trị địa phương trách nhiệm giải trình, đáp ứng được tại tỉnh Nghệ An"
- Số hiệu: 67/2016/TB-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 10/11/2016
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Vương quốc Bỉ
- Người ký: Nguyễn Thế Phương, Jehanne Roccas
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 1231 đến số 1232
- Ngày hiệu lực: 10/11/2016
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra