Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 2004

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 63/TB-VPCP NGÀY 02 THÁNG 4 NĂM 2004 VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC NGUYỄN TẤN DŨNG VỀ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP Ô TÔ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

Ngày 03 tháng 03 năm 2004, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp về Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Cùng dự có lãnh đạo và đại diện các Bộ: Bộ Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và công nghệ, Giao thông vận tải, Thương mại, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ và các Tổng công ty: Công nghiệp ô tô Việt Nam, Than Việt Nam, Máy động lực và Máy nông nghiệp.

Sau khi nghe Bộ Công nghiệp báo cáo về Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, các Tổng Công ty, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

1. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020 đã được Bộ Công nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan, cụ thể hoá các nội dung của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 3 tháng 1 năm 2002.

Quy hoạch đã nêu được những hạn chế, tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới; đồng thời đề ra những mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô từ nay đến năm 2010 và những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành.

Quy hoạch được phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô nói riêng và nền kinh tế nói chung.

2. Về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020:

a. Về quan điểm, mục tiêu phát triển:

- Công nghiệp ô tô là một ngành công nghiệp quan trọng cần được ưu tiên phát triển để góp phần phục vụ có hiệu quả quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và củng cố tiềm lực an ninh, quốc phòng của đất nước.

- Phát triển ngành công nghiệp ô tô phải tính tới những yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế (kể cả khả năng trong một vài năm tới nước ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới - WTO), để xác định được bước đi thích hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của đất nước, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế.

- Phát triển công nghiệp ô tô phải gắn kết với tổng thể phát triển công nghiệp chung cả nước và các chiến lược ngành liên quan đã được phê duyệt; nhằm huy động và phát huy tối đa các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò then chốt.

- Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên cơ sở tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp với công nghệ và thiết bị hiện có, nhằm trước hết đáp ứng nhu cầu trong nước về các loại xe thông dụng với giá cả phù hợp (xe khách, xe tải cỡ nhỏ và trung, một số loại xe chuyên dụng), tạo động lực cho các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển nhằm đẩy nhanh quá trình nội địa hoá.

- Từng bước nâng cao khả năng sản xuất, xuất khẩu phụ tùng ô tô sang các nước khu vực, tiến tới tham gia ngày càng đầy đủ vào quá trình sản xuất ô tô và phụ tùng khu vực và thế giới.

b. Về định hướng Quy hoạch:

- Quy hoạch phải đề ra các cơ chế, chính sách cụ thể, đồng thời đề xuất các phương pháp chỉ đạo điều hành, phối hợp một cách tốt nhất giữa các ngành, các vùng, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô trong nước; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải; tăng cường phát triển và kết hợp chặt chẽ cùng có lợi giữa đầu tư phát triển của các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp phụ trợ, sản xuất phụ tùng.

- Quy hoạch phải cụ thể hoá đến năm 2010 về phân công chuyên môn hoá sản xuất động cơ, phụ tùng, các cụm chi tiết quan trọng, trong đó lưu ý phân bố lực lượng sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô hợp lý theo vùng lãnh thổ. Trước mắt, hình thành 3 cụm công nghiệp ô tô phía Bắc, miền Trung và phía Nam, bao gồm các nhà máy lắp ráp, các nhà máy thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, các nhà máy vệ tinh sản xuất phụ tùng, các cơ quan tư vấn, nghiên cứu, thiết kế thuộc ngành công nghiệp ô tô.

- Tập trung đầu tư phát triển 03 Tổng công ty lớn làm nòng cốt cho ngành công nghiệp ô tô trong nước:

+ Tổng công ty Công nghiệp ô tô Viêt Nam: tập trung lắp ráp, sản xuất xe khách, xe con, động cơ, hộp số, cụm truyền động;

+ Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp: tập trung lắp ráp, sản xuất xe khách, xe tải cỡ trung và xe tải nhẹ phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất động cơ, hộp số;

+ Tổng công ty Than Việt Nam: tập trung lắp ráp, sản xuất xe tải nặng, xe chuyên dùng và các thiết bị công tác kèm theo.

Các doanh nghiệp này cần phối hợp chặt chẽ trong Chiến lược phát triển, nhằm sản xuất được các sản phẩm trọng yếu của ngành ô tô như: động cơ, hộp số, cụm chi tiết quan trọng... trên cơ sở đó tiến tới hình thành Tập đoàn sản xuất ô tô Việt Nam là nòng cốt của ngành công nghiệp ô tô nước ta.

- Đối với các liên doanh: Tạo điều kiện để tiếp tục lắp ráp, sản xuất ô tô và thực hiện lộ trình nội địa hoá như đã cam kết. Khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp trong nước để sản xuất phụ tùng và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.

3. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành:

a. Giao Bộ Công nghiệp:

- Tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan và các Tổng công ty, bổ sung, hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020 và phối hợp với Văn phòng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2004.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn chỉnh, ban hành Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để làm cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư.

- Bổ sung, hoàn chỉnh Đề án "Chương trình và các giải pháp phát triển sản xuất ô tô đến năm 2010", trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5 năm 2004.

b. Giao Bộ Tài chính:

Nghiên cứu đề xuất các chính sách thuế theo hướng khuyến khích nâng cao tỷ lệ nội địa hoá phục vụ cho lắp ráp, sản xuất ô tô và phụ tùng theo hướng: quy định mức thuế nhập khẩu theo từng loại linh kiện và phụ tùng để thay thế biểu thuế nhập khẩu theo các loại hình CKD, IKD hiện hành nhằm khuyến khích sản xuất trong nước; đề xuất cơ chế ưu đãi cho các dự án chế tạo động cơ ô tô, hộp số, hệ truyền động và sản xuất ô tô thông dụng và chuyên dùng.

c. Giao Bộ Khoa học công nghệ:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công nghiệp hoàn thiện và ban hành hệ thống Tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng ô tô và phụ tùng. Phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách hỗ trợ tài chính cho đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ đối với các dự án ưu tiên.

- Khẩn trương ban hành phưong pháp tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô.

d. Giao Bộ Giao thông vận tải:

Hoàn thiện và ban hành các quy định mới về tiêu chuẩn, điều kiện kỹ thuật, an toàn đối với ô tô xuất xưởng và nhập khẩu theo hướng nâng cao chất lượng và độ an toàn ô tô, thay cho các quy định hiện hành không còn phù hợp.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Công nghiệp và các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 

Nguyễn Công Sự

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 63/TB-VPCP về kết luận của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng về quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 63/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 02/04/2004
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Công Sự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/04/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản