Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2022

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ PHẠM BÌNH MINH, CHỦ TỊCH ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2021, PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2022 CỦA ỦY BAN AN NINH HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG QUỐC GIA

Ngày 24 tháng 02 năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia (UB ANHK).

Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực, các Phó Chủ tịch là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; các Thành viên Ủy ban và đại diện lãnh đạo: Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Tổng công ty: Quản lý bay Việt Nam, Hàng không Việt Nam - CTCP, các Công ty cổ phần Hàng không: VietJet, Pacific Airlines và Bamboo Airways, các cơ quan, đơn vị liên quan.

Tại điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi có cảng hàng không, sân bay) có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP, Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, các tham luận và ý kiến đại diện các cơ quan, đơn vị dự họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Trưởng ban Thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia, Chủ tịch UB ANHK đã kết luận như sau:

Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao và hoan nghênh sự tham gia của các đồng chí Thành viên UB ANHK cũng như sự tham gia đầy đủ của lãnh đạo các địa phương có cảng hàng không, sân bay. Điều này chứng tỏ sự quan trọng của công tác an ninh hàng không và thể hiện trách nhiệm của các đơn vị liên quan đối với việc bảo đảm an ninh, an toàn của các Cảng hàng không.

1. Đánh giá kết quả đạt được

a) Biểu dương các cơ quan, đơn vị thành viên Ủy ban An ninh hàng không, Ủy ban nhân dân các địa phương có cảng hàng không, sân bay, các doanh nghiệp hàng không đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, đặc biệt trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các Bộ, ngành, địa phương đã phối hợp đạt hiệu quả cao trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn hàng không dân dụng, không để xảy ra sự cố an ninh, an toàn hàng không nghiêm trọng; khắc phục khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu kép của Chính phủ “chiến thắng dịch bệnh, phát triển kinh tế”, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh, giữ vững uy tín của ngành hàng không nói riêng, của Việt Nam nói chung.

b) Một số kết quả nổi bật

Trong năm 2021, diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội, số lượng chuyến bay, hành khách, hàng hóa giảm sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không. Mặc dù vậy, các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung nguồn lực, ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh, phối hợp tốt, quan tâm sát sao, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, không để xảy ra các sự cố an ninh nghiêm trọng, cụ thể:

- Công tác rà soát, tổng kết, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không giảm thủ tục cho doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại bằng đường hàng không được đẩy mạnh; nhiều quy định được ban hành để kịp thời thích nghi với điều kiện phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép.

- Các địa phương đã triển khai, nâng cao nhận thức của người dân về các quy định an ninh, an toàn hàng không được đẩy mạnh, có nhiều cải tiến, hình thức đa dạng; tuyên truyền, vận động cán bộ, Đảng viên, nhân dân phát huy hiệu quả các mô hình đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động lồng ghép các nội dung tuyên truyền, phổ biến tới quần chúng nhân dân về nguy cơ, mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và các biện pháp phòng ngừa để nhân dân nâng cao cảnh giác, tích cực tham gia phát hiện, tố giác kịp thời khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn.

- Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn kịp thời âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, không để bị đột xuất, bất ngờ. Triển khai có hiệu quả các mặt công tác bảo đảm an ninh xã hội. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, an ninh mạng gắn với công tác đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Triển khai thực hiện đầy đủ, hiệu quả các quy trình, thủ tục bảo đảm an ninh hàng không, trật tự xã hội tại địa bàn hàng không. Công tác phối hợp giữa các ngành, các lực lượng từ cấp trung ương đến cấp cơ sở đều được thực hiện tốt, hiệu quả ngày càng cao.

- Một số kết quả nổi bật như: không để xảy ra vụ việc an ninh hàng không, an toàn hàng không nghiêm trọng, tạo môi trường an ninh ổn định cho hoạt động hàng không dân dụng; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang. Tham gia ngày càng tích cực, chủ động vào các diễn đàn an ninh hàng không thế giới, khu vực; chuẩn bị tốt các điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn về an ninh hàng không cho các đường bay thẳng Việt Nam - Hoa Kỳ; thiết lập hệ thống đánh giá rủi ro an ninh hàng không ở cấp quốc gia; thành lập lực lượng an ninh trên không.

Các điểm yếu, hạn chế trong công tác đảm bảo an ninh hàng không được nghiêm túc chấn chỉnh, khắc phục, từng bước nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không. Hiện tượng xác nhận nhân thân sai quy định (để đi tàu bay) đã được chấn chỉnh triệt để.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang triển khai các biện pháp căn cơ, bài bản, quyết liệt để khắc phục các hạn chế về công tác đảm bảo an ninh hàng không đã được chỉ ra sau kiểm tra, thử nghiệm của các cơ quan có thẩm quyền.

Các sự cố uy hiếp an toàn xảy ra đã được Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân trực tiếp, gián tiếp và các yếu tố ảnh hưởng nhằm đưa ra các biện pháp khắc phục, phòng ngừa, chú trọng đến việc giám sát công tác khắc phục sau khi xảy ra sự cố của các tổ chức, đơn vị.

c) Một số hạn chế, tồn tại

- Do tình hình dịch bệnh Covid-19, một số nhiệm vụ chưa được thực hiện theo kế hoạch công tác năm 2021 của UB ANHK (công tác kiểm tra, tập huấn, diễn tập...);

- Công tác tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng cấp ngành/tỉnh (theo quy định tại Điều 25 Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng ban hành theo Quyết định số 16/2017/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2017, được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019) chưa được duy trì thực hiện thành nề nếp;

- Việc triển khai thực hiện một số văn bản chỉ đạo của UB ANHK của một số đơn vị chưa kịp thời (ví dụ việc thực hiện các yêu cầu trong văn bản phổ biến báo cáo rủi ro an ninh hàng không 6 tháng đầu năm 2021); việc báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo đảm an ninh hàng không năm 2021 của một số đơn vị chưa cụ thể theo đề nghị của Văn phòng UB ANHK;

- Vẫn còn tình trạng ách tắc hành khách tại một số sân bay do thiếu kiểm soát, việc sử dụng giấy tờ xác nhận nhân thân không đúng.

2. Nhiệm vụ năm 2022

Năm 2022, dự báo kinh tế sẽ phục hồi, hoạt động vận tải sẽ tăng mạnh mẽ, trong đó có vận chuyển hàng không, do đó đặt ra những nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với công tác an ninh, an toàn hàng không.

a) Nhiệm vụ trọng tâm năm 2022

- Tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá, hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Luật Hàng không dân dụng, Nghị định, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ...) về an ninh, an toàn hàng không;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không; xây dựng, củng cố văn hóa an ninh hàng không, nâng cao đạo đức công vụ, trách nhiệm nghề nghiệp trong bảo đảm an ninh hàng không;

- Phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện, hội thảo chuyên môn về an ninh hàng không cho các cơ quan, đơn vị trong hệ thống bảo đảm an ninh hàng không và ngành hàng không, hình thức tổ chức phù hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19;

- Tổ chức kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp bảo đảm an ninh hàng không, phòng chống khủng bố, can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng đối với các địa phương có cảng hàng không, sân bay phù hợp tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19;

- Tổ chức diễn tập cấp quốc gia đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng theo kế hoạch được duyệt;

- Tổ chức đánh giá rủi ro an ninh hàng không, thực hiện biện pháp giảm thiểu rủi ro an ninh hàng không; chuẩn bị và tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án Nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không; chuẩn bị và tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết của UB ANHK theo quy định.

b) Về tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không theo thông lệ quốc tế và thực hiện nhiệm vụ chính trị theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc độc lập, thống nhất, chuyên nghiệp, không cổ phần hóa, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung; làm việc với Bộ Nội vụ để thẩm định việc thành lập lực lượng kiểm soát an ninh hàng không theo quy định.

c) Về việc đào tạo chính quy các đối tượng là chỉ huy, quản lý, điều hành lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, giám sát viên an ninh hàng không: yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp và đề xuất Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quy định mở các khóa đào tạo chính quy trong hệ thống học viện, nhà trường của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho các đối tượng là chỉ huy, quản lý, điều hành lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, giám sát viên an ninh hàng không của ngành hàng không.

d) Giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án ứng phó tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan về việc giám sát, cưỡng chế hạ cánh khẩn cấp đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm vùng hoạt động hàng không dân dụng.

đ) Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định về công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội; Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy định liên quan về tăng cường quản lý, giám sát và thiết lập khu cấm bay, hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; các quy định về cấm sử dụng tia laser, nguồn sáng có công suất lớn tại khu vực cảng hàng không, sân bay.

e) Các cơ quan, đơn vị nghiên cứu báo cáo rủi ro an ninh hàng không định kỳ do Hội đồng quản lý rủi ro an ninh hàng không quốc gia ban hành, triển khai áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro an ninh hàng không phù hợp.

g) Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Tổ chức và hoạt động của lực lượng An ninh trên không, Đề án thành lập Đồn Công an tại các cảng hàng không, sân bay trọng điểm.

h) Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương thực hiện đầy đủ, nghiêm túc công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh hàng không; thực hiện đầy đủ Khoản 3 Điều 48 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, tập trung vào một số giải pháp cụ thể:

- Tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự xã hội an ninh, an toàn hàng không; khắc phục tình trạng “cò mồi”, “taxi dù” hoạt động ngang nhiên, trái phép tại các cảng hàng không, sân bay;

- Triển khai các phương án ngăn chặn, ứng phó việc sử dụng nguồn sáng công suất lớn, đèn chiếu laser, thả diều, tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ, các hoạt động uy hiếp đến an toàn hàng không;

- Xây dựng kế hoạch khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng, mua sắm vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, tài liệu và đảm bảo các điều kiện khác để thực hiện nguyên tắc 4 tại chỗ theo quy định tại Quyết định số 16/2017/QĐ-TTg về Phương án khẩn nguy tổng thể đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng và Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 16/2017/QĐ-TTg.

i) Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, đơn vị Công an, Quân đội và Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm an ninh hàng không; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại cảng hàng không, sân bay.

k) Các đơn vị, doanh nghiệp hàng không tích cực xây dựng các giải pháp tăng cường hiệu quả kinh doanh, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối an ninh hàng không. Tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác và có các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cán bộ công nhân viên, người lao động.

l) Giao Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì triển khai thực hiện cụ thể Kế hoạch công tác năm 2022 của UB ANHK.

3. Về Chỉ thị “Nâng cao năng lực đảm bảo an ninh hàng không trong tình hình mới”: các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục đóng góp ý kiến đối với nội dung dự thảo Chỉ thị. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đóng góp, hoàn thiện nội dung Chỉ thị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

4. Việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong 10 năm thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn hàng không giai đoạn 2010-2020 của UB ANHK là rất quan trọng. Bộ Giao thông vận tải là đầu mối, tiếp tục khẩn trương làm việc với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hoàn thành công tác khen thưởng theo quy định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg Chính phủ;
- BCĐ phòng, chống khủng bố quốc gia;
- UB An ninh hàng không dân dụng quốc gia;
- UB An toàn giao thông quốc gia;
- UB quốc gia ứng phó SC, TT & TKCN;
- Các Bộ: GTVT, CA, QP, TC, KH&CN, KH&ĐT, NV, TP, CT, TT&TT, NG, VH, TT&DL, YT;
- Các Đài: Truyền hình VN & Tiếng nói VN;
- Thông tấn xã Việt Nam;
- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Tcty: Quản lý bay VN, Hàng không VN, Cảng HKVN;
- Các Cty CP Hàng không: VietJet, Jetstar Pacific, Bamboo Airways, Vietravel Airlines;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, QHQT, NC, PL, QHĐP, KTTH, KGVX, ĐMDN;
- Lưu: Văn thư, CN (2b).LTS

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Cao Lục

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 59/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 59/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/03/2022
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Cao Lục
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản