Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 549/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2024 |
THÔNG BÁO
KẾT LUẬN CỦA THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG MẠNG LƯỚI ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ TẠI THÀNH PHỐ HÀ NỘI, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2035
Ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 (Đề án). Cùng dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Trần Hồng Minh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ đã kết luận như sau:
Hồ sơ Đề án đã được chuẩn bị công phu, có chất lượng. Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao kết quả và nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời yêu cầu tiếp tục tiếp thu tối đa các ý kiến tham gia tại cuộc họp để hoàn thiện Hồ sơ Đề án (gồm: Đề án, Tờ trình, Tờ trình tóm tắt, dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị), trong đó lưu ý một số nội dung sau:
1. Về mục tiêu của Đề án: (i) Thực hiện các Kết luận số 49-KL/TW ngày 28 tháng 02 năm 2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và số 72-KL/TW ngày 23 tháng 02 năm 2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cụ thể: “Hoàn chỉnh mạng lưới đường (có tính kết nối với vùng Thủ Đô) và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035”, “tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, tàu điện ngầm có quy mô vận tải lớn tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác”; (ii) Giải quyết yêu cầu thực tế về giao thông vận tải tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; (iii) Góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới; (iv) Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến việc lựa chọn tư vấn, nhà thầu, giải phóng mặt bằng ... để bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả của Dự án
2. Về quan điểm: (i) Đề án phải thể hiện được tư duy hiện đại, tầm nhìn chiến lược với cách nghĩ và cách làm mới; (ii) Quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị của 02 thành phố phải có tầm nhìn chiến lược, bảo đảm tính đồng bộ với Quy hoạch tổng thể đường sắt quốc gia; (iii) Đa dạng hóa hình thức huy động vốn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với thực tế triển khai Dự án và đa dạng hóa các nguồn lực, trong đó tăng trần nợ công và bội chi ngân sách (báo cáo cấp có thẩm quyền); (iv) Công nghệ và phương thức quản trị Dự án phải hiện đại, thông minh và hiệu quả; (v) Nghiên cứu xây dựng ngay và ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cho đường sắt đô thị bảo đảm thống nhất trong hệ thống để sử dụng chung;
3. Về nguyên tắc: (i) Dự án phải được nghiên cứu kỹ, triển khai nhanh, hiệu quả; (ii) Phân cấp, phân quyền mạnh, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát khâu thực hiện; (iii) Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thực hiện ngay tại các cơ sở đào tạo trong nước đáp ứng đủ điều kiện yêu cầu, có thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài.
4. Về kiến nghị Bộ Chính trị: (i) Đồng ý chủ trương triển khai Đề án; (ii) Đồng ý chủ trương có các cơ chế đặc thù, đặc biệt về chỉ định thầu tư vấn, giám sát và lựa chọn các nhà đầu tư, huy động nguồn lực (có phụ lục kèm theo); (iii) Giao Ban cán sự đảng Chính phủ làm việc với Đảng đoàn Quốc hội thống nhất cơ chế chính sách đặc thù cho Đề án trước khi trình Quốc hội theo quy định; (iv) Đồng ý chủ trương tăng trần nợ công lên khoảng 80% GDP và bội chi ngân sách ở mức phù hợp; (v) Giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư các dự án trên địa bàn, được sử dụng ngân sách địa phương thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định.
5. Giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện và thực hiện Đề án (có phụ lục về cơ chế chính sách kèm theo để xin Bộ Chính trị); các Bộ, ngành, địa phương liên quan chủ động phối hợp tích cực với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình hoàn thiện, trình Bộ Chính trị cho ý kiến và tổ chức thực hiện Đề án; Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải trình Bộ Chính trị (gửi Văn phòng Trung ương Đảng) trong ngày 09 tháng 12 năm 2024.
Văn phòng Chính phủ thông báo để Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.
| KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Kết luận 49-KL/TW năm 2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Kết luận 72-KL/TW năm 2024 tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành
Thông báo 549/TB-VPCP năm 2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 549/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 08/12/2024
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra