Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC NĂM 2016 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2017 CỦA VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

Ngày 27 tháng 12 năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Lãnh đạo các Bộ, cơ quan liên quan.

Sau khi nghe Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Quang Thuấn trình bày Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017, ý kiến tham gia của các đại biểu, các nhà khoa học, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận như sau:

I. Những kết quả và thành tựu đạt được

1. Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã phát triển lớn mạnh về quy mô (với 36 tổ chức nghiên cứu khoa học và đơn vị sự nghiệp, 34 tạp chí chuyên ngành), quy tụ nhiều nhà khoa học xuất sắc trong giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cả nước, tạo ra nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong nước và quốc tế. Đây cũng là nơi thường xuyên cung cấp các tư vấn độc lập và khách quan cho Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan tới khoa học xã hội và nhân văn. Với nhiều công trình có giá trị học thuật được đánh giá cao, góp phần đưa ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế, các thế hệ cán bộ, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu đã có những đóng góp quan trọng vào thành tích chung của nền khoa học nước nhà.

2. Trong năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả trong nghiên cứu cơ bản, tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội và nhân văn.

Trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đặt ra trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Những kết quả nghiên cứu đó đã góp phần làm sáng tỏ thêm định hướng phát triển của đất nước trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong hoạt động khoa học nhân văn, Viện tiếp tục có những đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực nghiên cứu, quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam, trong đó, đáng chú ý là việc hoàn thành Bảo tàng dưới tòa Nhà Quốc hội và phát hiện một số di vật quý giá của sơ kỳ thời đại đá cũ tại An Khê. Trong hoạt động tư vấn chính sách, Viện đã triển khai nghiên cứu các vấn đề mới về chính trị, kinh tế, chính sách tài chính tiền tệ, các hiệp định thương mại mới của thế giới và tác động đến Việt Nam, sự hình thành cộng đồng ASEAN và các vấn đề đặt ra, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với thế giới... nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc điều chỉnh chính sách của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Viện đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao.

Viện cũng đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách được đặt ra từ các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng, góp phần thiết thực đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

3. Bên cạnh những kết quả và thành tựu trên đây, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam còn những tồn tại và hạn chế nhất định. So với yêu cầu thực tiễn và những đòi hỏi của công cuộc đổi mới, Viện chưa có nhiều công trình nghiên cứu vừa mang tính cơ bản vừa có tính cấp thiết có tầm cỡ, tương xứng với một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu của đất nước. Một số công trình, đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn còn mang nặng tính lý thuyết, khả năng áp dụng vào thực tiễn hạn chế, do đó, chưa đáp ứng yêu cầu làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; vai trò tư vấn, phản biện chính sách cho Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương chưa được phát huy. Đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành ngày càng bị thiếu hụt; số lượng các ấn phẩm, bài báo công bố quốc tế còn rất khiêm tốn. Cơ chế hoạt động của các viện nghiên cứu mang tính chất hành chính, không phù hợp với đặc thù của các cơ quan nghiên cứu khoa học; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

II. Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới

Bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần kịp thời nắm bắt nhu cầu của thực tiễn, có khả năng phục vụ thực tiễn, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phải khách quan, nhìn thẳng vào thực trạng của nền khoa học nói chung và khoa học xã hội và nhân văn nói riêng để có giải pháp đổi mới và phát triển phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản với tư vấn chính sách và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học xã hội và nhân văn.

Trong thời gian tới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần tập trung giải quyết các nhiệm vụ sau:

1. Tập trung đầu tư thỏa đáng và thực hiện các công trình, đề tài nghiên cứu để có được những luận cứ khoa học, số liệu dự báo có độ tin cậy cao, bám sát những vấn đề thời sự, cấp bách của đất nước, mang hơi thở của cuộc sống nhằm tư vấn, tham mưu cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước kịp thời, đúng trọng tâm trong quá trình hoạch định cơ chế, chính sách, trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Triển khai các công trình nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn kinh tế - xã hội, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo đột phá về cơ chế, chính sách, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước trên cơ sở đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng; từ đó, củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

3. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò là địa chỉ tin cậy để các tổ chức và cá nhân đặt hàng nghiên cứu nhằm giải đáp những vấn đề mang tính bức thiết của xã hội; có khả năng cung cấp kịp thời, chính xác những thông tin khoa học chính thống, chuẩn mực, phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

4. Tiếp thu, kế thừa các kết quả, thành tựu nghiên cứu khoa học đã đạt được vào việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách đang đặt ra đối với Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh nghiên cứu đặc điểm địa lý, nhân văn của từng vùng để từ đó đề xuất các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm thiểu sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng miền và các bộ phận dân cư; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tập hợp các luận cứ khoa học mang tính thuyết phục cao, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ chủ quyền biển đảo và lãnh thổ quốc gia.

5. Cần phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách mang tính liên ngành, trở thành những đối tác có khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình giải quyết tổng thể và đồng bộ các vấn đề liên quan trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, trên cơ sở mối quan hệ gắn bó giữa khoa học xã hội và nhân văn và khoa học công nghệ.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các cơ chế, chính sách có hiệu quả nhằm khuyến khích, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đồng thời, kiến tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

6. Có cơ chế, giải pháp phù hợp để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nhân lực trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn theo hướng tinh gọn, phát huy tối đa trí tuệ, khả năng sáng tạo của các nhà khoa học, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học chất lượng cao, tuyệt đối trung thành với Đảng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

III. Về các kiến nghị:

1. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền các Bộ: Các Bộ liên quan xem xét, giải quyết theo quy định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
- Các Bộ: KH và CN; KH và ĐT, TC, NV;
- Viện HLKHXHVN, Viện HLKHCNVN;
- Ban Tuyên giáo TW;
- Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TCCV, KTTH, CN, NN, TKBT, TH;
- Lưu: VT, KGVX (3). Ph. 19

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Văn Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 54/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 54/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 03/02/2017
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản