Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
VĂN PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 509/TB-VP

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2021

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ NGUYỄN MẠNH QUYỀN TẠI CUỘC HỌP TRIỂN KHAI THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRONG BỐI CẢNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Ngày 10/9/2021, tại trụ sở UBND Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã chủ trì cuộc họp trực tuyến triển khai Thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Dự họp chỉ đạo có Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đần tư, Công an Thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tại điểm cầu trụ sở các huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có các đồng chí: Bí thư Huyện ủy, Thị ủy; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn.

Sau khi nghe Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, kết luận chỉ đạo của Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền thống nhất chỉ đạo triển khai thực hiện như sau:

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố cũng như cả nước vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Thủ đô Hà Nội luôn xác định là địa bàn có nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh trên diện rộng cao; vì vậy, để khống chế, phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo đời sống, sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Thành phố đã và đang thực hiện nhiều biện pháp rất quyết liệt để phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhiều đợt liên tục trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình phát triển kinh tế nói chung và tình hình sản xuất nông nghiệp nói riêng, cũng như đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn Thủ đô.

1. Trong 8 tháng đầu năm 2021, mặc dù trong điều kiện tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp, diễn biến khó lường của thời tiết; nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Diện tích, sản lượng và năng suất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của Thành phố cơ bản đều được duy trì, nhiều chỉ tiêu sản xuất tăng so với năm 2020, cụ thể:

- Về trồng trọt: Toàn Thành phố gieo trồng được 85 nghìn ha lúa Xuân (tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước) và 77 nghìn ha lúa vụ Mùa (giảm 2,1%); 28.454 ha rau các loại (tăng 2,1%); 5.778 ha sản xuất hoa, cây cảnh (tăng 32,8%); 19.391 ha cây ăn quả (tăng 0,5%). Sản lượng lúa đạt 524,8 nghìn tấn (tăng 0,6%). Sản lượng rau đạt 520 nghìn tấn (giảm 1,7%);

- Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn trâu hiện có 27,2 nghìn con (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước); đàn bò 130,4 nghìn con (tăng 0,6%); sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước tính đạt 1.231 tấn (tăng 5,5%); sản lượng thịt bò đạt 7.132 tấn (tăng 0,3%). Chăn nuôi lợn tuy vẫn còn gặp khó khăn nhưng đã có sự phục hồi; đàn lợn hiện có 1,37 triệu con (tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước); sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước tính đạt 145,6 nghìn tấn (tăng 4,1%). Chăn nuôi gia cầm đạt khá, đàn gia cầm hiện có 39,8 triệu con (tăng 0,4%); sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng ước tính đạt 108,3 nghìn tấn (tăng 6,1%); sản lượng trứng gia cầm đạt 1.702 triệu quả (tăng 8%).

- Thủy sản: Sản lượng thủy sản ước tính đạt 73,8 nghìn tấn (tăng 2,9%), trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 72,7 nghìn tấn (tăng 3%); sản lượng thủy sản khai thác đạt 1.085 tấn (giảm 1,3%).

- Thành phố vẫn duy trì ổn định chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm để cung cấp cho người dân trên địa bàn và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của Thủ đô. Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định là bệ đỡ cho kinh tế Thủ đô, đảm bảo an ninh lương thực, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19. Thay mặt lãnh đạo Thành phố ghi nhận, biểu dương các sở, ngành, địa phương nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã nỗ lực cố gắng để đạt được những kết quả nêu trên.

2. Bên cạnh kết quả đạt được, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp mới đạt 3,09% (kế hoạch của Thành phố năm 2021, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mức tăng trưởng 4,2%); vì vậy, ngành nông nghiệp cần phải nỗ lực vượt bậc để hoàn thành kế hoạch cuối năm trong bối cảnh dự báo sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, mùa mưa bão đang diễn biến phức tạp; dịch bệnh gia súc, gia cầm còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao; đặc biệt là dịch Covid-19 còn đang diễn biến khó lường, việc thực hiện giãn cách xã hội ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, gây đứt gãy các chuỗi cung ứng, đầu vào và đầu ra cho sản xuất, chi phí nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất, vận chuyển tăng cao; công tác lưu thông hàng hóa, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp; trong khi nhiều sản phẩm nông sản lại khó tiêu thụ, giá thấp do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội, một số chợ đầu mối phải đóng cửa, các cửa hàng tiện ích gặp nhiều khó khăn về thị trường đã tạo ra tâm lý của một bộ phận người nông dân sản xuất còn cầm chừng, các hộ chăn nuôi chưa chủ động trong công tác tái đàn do giá giống và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nguồn tiêu thụ giảm mạnh; đặc biệt nếu dịch bệnh còn kéo dài và chậm được kiểm soát, việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân nhất là vùng nội đô, những khu công nghiệp, khu đô thị, khu cách ly có thể sẽ gặp nhiều khó khăn...

Trước tình hình trên, Thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đặc thù tháo gỡ như: triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhằm duy trì ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp tại các huyện, thị xã; hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại các quận nội thành; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng phương án tổ chức sản xuất, chuyển đổi sản xuất sản phẩm nông sản có thời gian thu hoạch ngắn, ứng phó trong các tình huống dịch bệnh; Sở Công Thương đã xây dựng và triển khai phương án số 6, kế hoạch đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân theo chỉ đạo Trung ương và Thành phố; Sở Giao thông vận tải đã phối hợp Công an Thành phố và đơn vị liên quan xây dựng các phương án tổ chức các hoạt động vận tải đảm bảo công tác phòng, chống dịch, đồng thời tạo sự thông thoáng hơn cho lưu thông hàng hóa. Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc khẩn trương thực hiện tốt.

3. Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới, ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 xảy ra; các sở, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện các Công điện, Chỉ thị, Kết luận, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy và UBND Thành phố, đặc biệt là quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; cụ thể thực hiện tốt các nội dung sau:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị tập trung, chủ động chuẩn bị và tổ chức thực hiện các phương án đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa, nông sản cho người dân Thủ đô trong thời gian giãn cách xã hội, đến cuối năm, dịp Tết Nguyên Đán và đầu năm 2022.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành liên quan định hướng, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và các quận có sản xuất nông nghiệp:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và đơn vị liên quan tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ, nhất là lương thực, thực phẩm, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.

- Tập trung sản xuất nông nghiệp, trước mắt huy động mọi phương tiện, lực lượng đảm để hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa vụ Mùa để không bị ảnh hưởng của mưa, bão.

- Tổ chức triển khai kịp thời sản xuất cây vụ Đông để nâng khả năng nguồn tự cung cấp lương thực, thực phẩm nông sản phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô ở mức cao nhất.

- Rà soát, tổng hợp, phương án sản xuất cây vụ Đông của các địa phương, cụ thể về diện tích, thời vụ, sản lượng án kiến từng loại cây trồng, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố theo thẩm quyền trước ngày 25/9/2021.

- Chủ động rà soát lại các phương án phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để cảnh báo, hướng dẫn, phòng chống kịp thời.

- Tập trung rà soát, nghiên cứu, quan tâm tạo điều kiện phát triển công tác chế biến, bảo quản nông sản sản phẩm theo quy định.

- Rà soát và tổ chức thực hiện hiệu quả các phương án phòng, chống lụt, bão, úng, ngập trên địa bàn toàn Thành phố để chủ động phòng, chống để bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong tình hình dịch Covid-19 và đời sống của nhân dân.

- Rà soát, tham mưu UBND Thành phố việc phát động phong trào các huyện, thị xã hỗ trợ nông sản thiết yếu cho các quận nội thành để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, khu cách ly, bệnh viện dã chiến và hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

c) Giao Công Thương chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh và tổ chức thực hiện các phương án cung ứng hàng hóa cho tất cả các địa bàn theo các cấp độ phòng, chống dịch Covid-19 (bao gồm cả trước và sau ngày 21/9/2021); báo cáo UBND Thành phố theo thẩm quyền, quy định.

d) Giao UBND các huyện, thị xã và các quận có sản xuất nông nghiệp:

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, mở rộng và bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.

- Tổ chức triển khai thực hiện, phổ biến các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp theo quy định hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đến xã, phường, thị trấn, thôn, xóm.

e) Về công tác xây dựng nông thôn mới:

- UBND các huyện, thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới: bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần quan tâm chỉ đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2021 theo chỉ tiêu Thành phố giao đảm bảo tiến độ, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; lưu ý các địa phương có mức độ đạt chỉ tiêu sản xuất vùng còn thấp cần rà soát, khẩn trương tổ chức thực hiện hoàn thành đạt kết quả cao.

- UBND các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới (Chương Mỹ, Ba Vì, Mê Linh, Ứng Hòa, Mỹ Đức và 14 xã còn lại): tiếp tục khẩn trương rà soát, tổ chức thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện, xã nông thôn mới theo kế hoạch, chỉ tiêu Thành phố giao năm 2021, hạn chế tối đa tác động của dịch trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

g) Về các kiến nghị của các địa phương liên quan đến bảo trì, đầu tư xây dựng các công trình đê điều, thủy lợi, đường giao thông trên mặt đê...: đề nghị các địa phương tiếp tục có kiến nghị chính thức bằng văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đơn vị liên quan rà soát, tham mưu, báo cáo UBND Thành phố; lưu ý khi thực hiện phân cấp mới và đề xuất xử lý đặc thù cho các đơn phương theo chương trình hỗ trợ mục tiêu của Thành phố đảm bảo việc đồng bộ giữa giao nhiệm vụ mới cần phân bổ bổ sung nguồn lực tương ứng để triển khai thực hiện hiệu quả.

4. Giao Văn phòng UBND Thành phố theo dõi, đôn đốc, báo cáo UBND Thành phố việc thực hiện các kết luận, chỉ đạo trên./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy; (để báo cáo)
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các Phó Chủ tịch UBND TP; (để báo cáo)
- Văn phòng Thành ủy;
- Các sở, ngành dự họp;
- Quận, thị, huyện ủy; UBND cấp huyện;
- Ban QLDA ĐT các công trình nông nghiệp TP;
- CVP, PCVP Đ.Q.Hùng, N.M.Quân, KT, TKBT;
- Lưu: VT, KTQuang.

KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Mạnh Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 509/TB-VP năm 2021 về kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp trực tuyến triển khai Thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng chống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 do Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 509/TB-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 17/09/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản