Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2013

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XI) VỀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THÔNG TIN

Ngày 15 tháng 01 năm 2013, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin với sự tham gia của các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dự và có ý kiến chỉ đạo như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đánh giá cao việc Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị nhằm đẩy mạnh triển khai Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, toàn ngành công nghệ thông tin và truyền thông có nhiều cố gắng, nỗ lực đạt kết quả tăng trưởng khá (doanh thu năm 2011 đạt trên 20 tỷ USD), góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, chỉ đạo điều hành của Chính phủ cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông và đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp so với mục tiêu đề ra.

II. Để triển khai thành công Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ trong đó có hạ tầng thông tin, cần thực hiện một số giải pháp như sau:

1. Các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin và truyền thông, coi công nghệ thông tin và truyền thông là một trong những động lực quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững đất nước trong thế kỷ 21.

2. Các Bộ, ngành, địa phương phải xác định nguồn lực lớn nhất của Việt Nam là nguồn lực con người do vậy cần tập trung phát triển, khai thác nguồn lực đó. Đẩy mạnh đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chất lượng chuyên môn cao, ngoại ngữ giỏi, có khả năng làm việc cả ở môi trường trong nước và quốc tế.

3. Tập trung xây dựng nền công nghiệp công nghệ thông tin vững mạnh, hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nghiệp chủ lực về công nghệ thông tin. Đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, đặc biệt từ các quốc gia hàng đầu về công nghệ thông tin như Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc ...

4. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng quản lý tại các cơ quan, doanh nghiệp và hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử vững mạnh.

5. Bên cạnh các nguồn vốn của nhà nước, cần chú trọng huy động mạnh mẽ các nguồn lực của xã hội cho đầu tư và phát triển hạ tầng thông tin. Trước mắt, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn về thị trường và xây dựng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển hạ tầng thông tin.

6. Chú trọng việc mở rộng thị trường trong nước, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin cần nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phát huy lợi thế về văn hóa và dịch vụ sau bán hàng nhằm thuyết phục sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước.

III. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh phối hợp liên ngành để thúc đẩy phát triển hạ tầng thông tin; tăng cường công tác quản lý nhà nước và xây dựng các thể chế chính sách đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế đồng thời quan tâm giải đáp, cung cấp thông tin cho người dân và xã hội; tiếp tục triển khai Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” và các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt, bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra, chất lượng, hiệu quả.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng các cơ chế chính sách của nhà nước để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông có thể huy động được các nguồn lực để phát triển.

3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch bố trí nguồn nhân lực, nguồn vốn để xây dựng hạ tầng thông tin tại địa phương. Các địa phương, đặc biệt thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cần tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin phù hợp với các chương trình của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP; Các Vụ: KGVX, KTTH, TKBT, cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3). TrT.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 50/TB-VPCP ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 50/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 31/01/2013
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Hữu Vũ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản